05/07/2015 10:21 GMT+7

Khi thí sinh chỉ biết khóc, rồi méc...

NGUYỄN VẠN PHÚ
NGUYỄN VẠN PHÚ

TT - Tôi đọc bài “Thí sinh thi lại vì giám thị ký nhầm” trên Tuổi Trẻ ngày 4-7 và sững sờ.

Từ điểm ký tên của giám thị 1 và giám thị 2 tới chỗ ký tên của cán bộ chấm thi có khoảng cách khá xa nhưng cả hai vẫn ký nhầm - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Từ điểm ký tên của giám thị 1 và giám thị 2 tới chỗ ký tên của cán bộ chấm thi có khoảng cách khá xa nhưng cả hai vẫn ký nhầm - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Không phải vì chuyện cả hai giám thị coi thi ký nhầm vào ô “cán bộ chấm thi” thay vì ô “cán bộ coi thi” trên bài làm của thí sinh để rồi sau đó phải bắt thí sinh làm lại bài trên tờ giấy thi khác mặc dù đã quá một nửa thời gian thi. Cũng không phải sau đó hội đồng thi này phải tổ chức cho học sinh trong phòng thi này thi lại môn toán và “đền” tiền cho các em.

Sững sờ là bởi sự việc chỉ được biết đến khi có hai phụ huynh sau buổi thi đã đến thông tin về chuyện giám thị ký nhầm...

Như vậy các em học sinh học lớp 12 sắp tốt nghiệp trung học phổ thông, mặc dù “ấm ức”, “hoang mang”, “mệt mỏi”, “lo lắng” và “thẫn thờ” (từ dùng trong bài báo nói trên) nhưng không một em nào lên tiếng ngay lúc đó, phản đối cách làm của giám thị. Các em chỉ biết về kể lại cho phụ huynh nghe và khóc!

Mười hai năm ăn học đã không trang bị cho các em đủ kiến thức và dũng khí để hiểu rằng một khi giám thị ký sai chỗ thì không thể buộc các em chép lại bài đã làm vào tờ làm bài thi khác. Các em phải hiểu bài làm của các em lúc đó sẽ được chấm riêng, chấm ba vòng... Ngay lúc đó các em hoàn toàn có quyền từ chối và đổi giấy thi.

Nếu còn mơ hồ về quyền của các em thì ít ra sau khi thi, các em cũng phải cùng nhau lên gặp hội đồng coi thi để phản ảnh và đòi hỏi có cách giải quyết phù hợp cho mình.

Không thể chọn thái độ im lặng trong ấm ức và về kể cho cha mẹ nghe, trông chờ sự can thiệp của người lớn. Chính các em đã là người lớn, có đủ thẩm quyền và năng lực để đòi hỏi chuyện đó.

Còn nhớ lúc tôi học lớp 11, giáo viên môn văn một hôm mắng một người bạn: “Em ăn mặc gì lôi thôi, lếch thếch như đám du đãng”, một người bạn khác đứng dậy ngay và nói: “Thầy không có quyền nhục mạ bạn em là du đãng. Thầy có quyền phê phán cách ăn mặc nhưng không có quyền so sánh bạn em với du đãng”. Cả lớp sau đó đều đứng dậy để biểu lộ thái độ đồng tình.

Giáo dục, suy cho cùng là quá trình chuẩn bị cho các em vào đời với tư thế chững chạc chứ không phải là người chỉ biết quỵ lụy, khóc lóc. Nhưng dường như người lớn muốn thấy sự khóc lóc đó để bày tỏ lòng cảm thông chứ không muốn sự rạch ròi, dứt khoát trong ứng xử đúng sai.

Chẳng hạn trong chuyện đem điện thoại vào phòng thi bị kỷ luật - ở đây chúng ta không bàn đúng sai của quy chế này bởi với đà tiến bộ công nghệ như hiện nay, đồng hồ thông minh là thứ đáng bị cấm đem vào phòng thi hơn là điện thoại di động.

Nhưng một khi đã có quy chế như thế thì nhiệm vụ của thí sinh là tuân thủ - không tuân thủ thì bị đình chỉ thi. Không thể có trường hợp ngoại lệ, biện bạch còn 5 phút hay 10 phút là thi xong.

Giáo dục làm sao để học sinh vừa tôn trọng kỷ luật vừa biết được quyền của mình có ý nghĩa lớn hơn nhiều lần so với học thuộc lòng các kiến thức dễ nhanh chóng bị lạc hậu.

Chính cách giáo dục đó làm học sinh chững chạc hơn, hiếu kỳ hơn, biết chất vấn và biết tự tìm tòi kiến thức mới. Và cũng chỉ bằng cách đó, chúng ta mới chấm dứt được nạn xâm phạm trẻ em, mới bày cho các em biết cách bảo vệ chính mình trước người lớn có ý đồ đen tối hay những lời dụ dỗ của kẻ xấu.

Không dám chất vấn những điều khá hiển nhiên như giám thị ký sai chỗ thì làm sao trông chờ các em óc sáng tạo, biết vứt bỏ những định kiến cũ, những điều đã được định hình để sáng tạo, tìm ra cái mới như các bậc tiền bối từ Newton đến Einstein, hay những nhân vật đương thời từ Steve Jobs đến Larry Page, Sergey Brin...

NGUYỄN VẠN PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên