Thí sinh chờ phụ huynh đón sau khi dự khảo sát năng lực tiếng Anh kỳ tuyển sinh lớp 6 vào trường Trần Đại Nghĩa, Q1, TP.HCM tại HĐT trường THPT Nguyễn Hữu Thọ Q.4, TP.HCM sáng 20-6. |
Mấy ngày gần đây, trên một số trang web giáo dục, người ta lao xao bàn tán về một bài báo trích lại các đề thi tú tài Pháp năm nay có những vấn đề rất hay và hóc búa như: “Tôn trọng mọi sinh vật có phải là một bổn phận đạo đức?”, “Có phải tôi là cái mà quá khứ đã làm ra tôi?”, “Văn hóa có làm nên con người?”, “Chúng ta có thể hạnh phúc mà không cần tự do không?”...
Chục năm trước, hằng năm tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật thời đó đã đều đều đăng. Lần này, nhờ tác động của mạng, các đề thi này đã gây tiếng vang hơn trước và đòi hỏi một dấu lặng.
Đối với những ai đã theo chương trình Pháp thì các đề thi trên không là xa lạ. Họ đã trải qua môn triết (philo) ở lớp 12 gồm ba môn là luận lý học, đạo đức học và tâm lý học - chương trình Việt cũng thế. Trong năm học đó, học sinh sẽ làm quen với nào là Sartre, Camus, Durkheim, Locke, Kant... Còn Montesquieu hay Rousseau tối thiểu cũng học hai tuần năm lớp 10, 11 nên sau này không đến nỗi “há hốc mồm” khi nghe nói tới.
Thật ra, môn triết ở lớp 12 cũng chỉ là chặng chót của quá trình bao quát hơn, gồm môn công dân giáo dục ở mọi lớp, môn nghị luận xã hội ở lớp 10. Thật quan trọng việc từ lớp 10 lên đến lớp 12, người trẻ vị thành niên đang chuyển thành người trưởng thành được nhấn mạnh yêu cầu “thành nhân”, với những đề bài nghị luận như “Bác ái trước hay công bằng trước?” hay “Mỗi lần ta xuất hiện với người khác, ta lại vong thân”...
Các đề thi như thế không phải là tất cả, mà chỉ là để kết thúc một quá trình giáo dục hướng đến sự thành nhân, trên cơ sở xác tín rằng các học sinh hôm nay chính là các công dân Pháp tương lai - bởi thế mới gọi là Bộ quốc gia giáo dục.
Đây chính là mục tiêu cơ bản của nhà trường Pháp: Chân đế chung của mọi chương trình là “chất ximăng gắn kết dân tộc” và chân đế này tạo thành nguồn tham khảo cho việc biên soạn các chương trình giảng dạy của nhà trường.
Với một mục đích yêu cầu như thế, xã hội Pháp mới mong có được những công dân trưởng thành, hiểu biết và tương đối thượng tôn pháp luật, thương yêu và tôn trọng tha nhân,“có văn hóa”. Học sinh, từ khi bắt đầu “mở mắt nhìn đời” mà trong giáo dục gọi là giai đoạn quan sát (cycle d’observation) đến khi ra trường được trang bị những kiến thức cùng chuẩn mực về tâm lý cá nhân và tâm lý xã hội, đạo đức, những phương pháp lý luận và được yêu cầu suy nghĩ qua các đề bài nghị luận, giúp hình thành tư duy và nhân cách.
Đây chính là cái quả của cái gì đã gieo trồng (từ nguyên chữ “văn hóa” trong các tiếng Âu - Mỹ là “cultura” vừa là trồng trọt vừa là văn hóa). Tất nhiên, cũng có những trường hợp thất bại học đường, như cái cây có quả ngọt thì cũng có vài quả chua...
Sự “hít hà” trước các đề thi này chẳng qua do ở ta chưa thấy nhiều những đề thi như thế. Nói cho ngay, vài năm gần đây cũng đã có vài đề nghị luận xã hội kiểu như thế. Song, đó mới chỉ là vài sáng kiến cá nhân của một số anh chị giáo viên, và đáp án cũng mới chỉ “tự luận” là chính. Chưa hình thành một chân đế giáo dục năng lực xã hội và công dân, nhân bản, tự chủ... để học sinh dựa vào đó.
Có lẽ đã đến lúc học sinh cần được đọc, giảng các trích đoạn tác phẩm nền tảng đó, mà trên thế giới hầu như đã là trong chương trình chính khóa ở rất nhiều nước để hiểu rõ một xã hội vận hành như thế nào với những chuẩn mực công dân như thế nào. Hình thành nhân cách không đơn giản “tự phát” mà là do thấm nhuần các giá trị chung của nhân loại.
Nghị luận không thể ngẫu hứng, càng không là chạy theo các chi tiết của thời sự. Một trường chuyên vừa ra đề thi “khảo sát năng lực” đầu vào lớp 6 bằng câu hỏi: “Quê của Ánh Viên là ở đâu?”. Xin miễn có ý kiến về sáng kiến đề bài này. Có lẽ đã đến lúc cùng suy nghĩ lại về mục đích rồi mới hãy soạn chương trình giáo dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận