10/06/2015 09:35 GMT+7

​Cần có cơ chế giám sát quyền lực

V.V.THÀNH (lược ghi ý kiến của đại biểu Nguyễn Tấn Tuân thảo luận tại hội trường Quốc hội)
V.V.THÀNH (lược ghi ý kiến của đại biểu Nguyễn Tấn Tuân thảo luận tại hội trường Quốc hội)

TT - Trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, chúng ta thấy cử tri ngày càng có nhiều kiến nghị gửi đến Quốc hội và ngày càng yêu cầu cao đối với trách nhiệm của đại biểu dân cử.

Tòa nhà Quốc hội - nơi tập trung quyền lực cao nhất của người dân - Ảnh: Nguyễn Khánh
Tòa nhà Quốc hội - nơi tập trung quyền lực cao nhất của người dân - Ảnh: Nguyễn Khánh

Nếu như kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2014) có 2.216 ý kiến, kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2014) có 2.530 ý kiến thì tại kỳ họp này có đến 3.854 ý kiến. Đó là những kiến nghị tâm huyết, chính đáng của người dân tin tưởng gửi đến Quốc hội.

Tuy nhiên nhiều năm qua, những nhóm vấn đề như sản xuất nông nghiệp bấp bênh, kinh tế phát triển chưa bền vững, năng suất lao động thấp, quản lý tài nguyên đất nước còn lỏng lẻo, lãng phí, ô nhiễm môi trường ngày càng diễn ra trầm trọng, cải cách bộ máy hành chính chậm trễ... cứ lặp đi lặp lại nhiều lần vẫn chưa có những biện pháp hữu hiệu để người dân được an lòng. Và đặc biệt từ kỳ họp thứ 7 đến nay vấn đề chủ quyền biển, đảo luôn là chuyện thời sự.

Tất cả những vấn đề nêu trên, cử tri và nhân dân mong muốn được công khai, minh bạch, thông tin đầy đủ đến với mọi người.

Cũng theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp lần này, cử tri và nhân dân luôn lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn trong lao động sản xuất, an toàn trong giao thông đi lại, an ninh trật tự trong cuộc sống hằng ngày, sự xuống cấp của đạo đức xã hội diễn ra ngày càng gay gắt... Có thể thấy rằng mọi người đang cảm thấy bất an cả trong thế giới tự nhiên và môi trường xã hội, làm cho niềm tin cuộc sống ngày càng giảm xuống.

Cử tri hoan nghênh những biện pháp, nỗ lực của Chính phủ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tỏ rõ thái độ nghiêm túc, xử lý đúng pháp luật với những trường hợp vi phạm. Song, tham nhũng, lãng phí ngày càng diễn ra gay gắt, phức tạp, biểu hiện với nhiều hình thái khác nhau. Một trong những biểu hiện đó là lợi ích nhóm, quyền lực ngầm.

Dư luận đang rất quan tâm lo lắng lợi ích nhóm có nguy cơ lan rộng trong đời sống kinh tế và chính trị. Đó là những biểu hiện chạy chức, chạy quyền, chạy dự án.

Hiện tượng doanh nghiệp bao cấp cho một số quan chức dưới hình thức này, hình thức nọ không phải là không có. Hơn thế nữa, họ còn lợi dụng mối quan hệ này để gây ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách mà ta thường gọi là tham nhũng chính sách; họ được triển khai các dự án bất chấp việc lấp sông, lấp vịnh ảnh hưởng đến môi trường và có khi tính toán đến cả việc tác động bố trí cán bộ phụ trách.

Những biểu hiện trên đây càng làm chúng ta suy nghĩ, phải sẵn sàng có sự đề kháng tốt và có những giải pháp thật mạnh mẽ thì việc phòng chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm mới có hiệu quả ngay từ công tác bố trí sử dụng cán bộ đến việc xây dựng chính sách triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội cần có cơ chế giám sát quyền lực, kiểm soát hoạt động của bộ máy công quyền, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để khen thưởng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng nhằm tạo ra tiếng nói chung, đồng thuận để mọi người dân cùng tham gia đấu tranh, gìn giữ sự trong sạch của bộ máy chính quyền.

 

V.V.THÀNH (lược ghi ý kiến của đại biểu Nguyễn Tấn Tuân thảo luận tại hội trường Quốc hội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên