Chen chúc trên một tuyến xe buýt - Ảnh minh họa: Nguyễn Công Thành |
Trong lúc TP.HCM đang cố gắng tìm cách xử lý thì Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội đã nhanh nhảu đưa ra biện pháp gây xôn xao: bắt đầu từ ngày 5-1-2015 sẽ tổ chức thí điểm những chuyến xe buýt dành riêng cho nữ trên các trục đường 1, 6 và 32.
Một cặp vợ chồng là bạn thân của tôi ở thủ đô có hai con gái đang tuổi học, thường phải đi xe buýt đến trường.
Tôi hỏi họ nghĩ gì về “sáng kiến” này thì họ kể rằng đã hỏi các con có từng bị quấy rối chưa thì chúng lắc đầu. Phụ huynh hỏi tiếp chuyện đi xe buýt dành riêng cho nữ thế nào thì các cháu bảo: “Tụi con đang đi học chung với cả nhóm bạn nam trong lớp. Các bạn ấy tử tế lắm, sẵn sàng bảo vệ bạn nữ nếu cần. Nếu mai mốt đi xe buýt riêng cũng buồn buồn các bạn nam ấy, vì không khéo xã hội nhìn xấu về các bạn”.
Liệu câu chuyện đã xấu đến mức phải có “xe buýt chống quấy rối tình dục” chưa?
Và giả dụ chuyện quấy rối tình dục trên xe buýt đã đến mức trầm trọng thì cũng có cần phải tổ chức xe buýt riêng cho nữ không? Không lẽ chẳng còn giải pháp nào khác chăng?
Trên Facebook của nhà báo Trần Đăng Tuấn, nhiều người đã chia sẻ, đồng tình với một đoạn viết ngắn thế này: “Nhân dịp quan chức Hà Nội kiến nghị nam đi xe buýt riêng, nữ đi riêng để tránh quấy rối, mình cũng kiến nghị công chức làm thủ tục hành chính làm việc riêng một chỗ, dân đi làm thủ tục hành chính làm riêng một chỗ, để tránh tệ cửa quyền; ngành thuế làm việc riêng với nhau, doanh nghiệp tự làm thuế riêng ra, để tránh nạn ép thuế hay trốn thuế; diễn viên biểu diễn riêng, người xem tụ họp riêng, để một bên ăn mặc tự do, bên kia thì không than vãn là mất chú ý đến khía cạnh nghệ thuật; truyền hình cũng thế, ông bà nào làm ra chương trình gì thì tự xem lấy, khán giả tự làm tự xem riêng, để khỏi bực bội với nhau... Không có cái lối cứ lẫn lộn như thế, rất khó cho người ta quản lý!”.
Bên cạnh đó, không ít phụ huynh ắt sẽ băn khoăn như chính bà mẹ hai cô gái trên. Họ muốn gìn giữ đầu óc tuổi hoa niên hồn nhiên của con cái. Họ không muốn các con phải sớm có cái nhìn quá cảnh giác, nặng nề về xã hội, thậm chí là cái nhìn méo mó về chính các bạn trai mình.
Chưa kể chuyện tổ chức xe buýt riêng cho nữ có thể dẫn đến những hệ lụy phức tạp, nhạy cảm khác, như còn cô gái nào dám ngồi xe bình thường? Bởi có thể chính họ sẽ bị cái nhìn méo mó khác: “cô ấy thích gì mà ngồi chung xe nam, không sợ bị quấy rối à?”...
Có lẽ vấn đề này nên được các nhà văn hóa, xã hội học tiếp tục tranh luận. Ngoài ra, chính những người đề xuất xe buýt dành riêng cho nữ cũng cần trình bày thêm quan điểm.
Đặc biệt, tại sao không tham khảo chính nữ hành khách xe buýt? Tự họ thấy tình trạng không an toàn đã đến mức độ nào, có cần, có thích phải ngồi xe riêng?
Mặc dù ngày 27-12, ông Nguyễn Hoàng Linh - phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết chưa thực hiện ngay việc thí điểm trên, nhưng vấn đề cũng cần được bàn thảo cặn kẽ. Bởi sẽ kỳ lắm, khi bộ máy quản lý xã hội cứ chữa trị các vấn đề của xã hội bằng những biện pháp tình thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận