01/12/2014 09:07 GMT+7

Nhà công vụ: ai quản lý, ai đòi lại?

THIÊN DI
THIÊN DI

TT - Có vẻ chuyện khó khăn trong vấn đề thu hồi nhà công vụ, theo một số người đang có nhà công vụ, là do “đã có ai đòi nhà đâu?” chứ thật ra theo các vị ấy, “chúng tôi biết nhà công vụ là phải trả và đều muốn trả”.

 

Có vị còn đoan chắc: “Cứ có quyết định thu hồi nhà, đòi lại nhà thì tôi sẵn sàng trả ngay, chứ có phải mình cố tình chây ì để được ở đó mãi đâu...”.

Từ những ý kiến trên, vấn đề là sẽ giao nhiệm vụ quản lý nhà công vụ cho một cơ quan cỡ nào để từ nay ung dung ra quyết định thu hồi khi hết điều kiện được ở nhà công vụ, để bên ở nhà công vụ được hoàn thành tâm nguyện “muốn trả”?

E rằng cơ quan ấy sẽ phải to hơn Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) hiện nay và “cứng cựa” hơn cả Bộ Xây dựng.

Chẳng thế mà một đại diện Cục Quản lý công sản đã đề xuất: ”Việc quản lý nhà công vụ đã được Chính phủ giao Bộ Xây dựng quản lý. Nếu việc quản lý gặp khó khăn, như buộc phải cưỡng chế để thu hồi nhà công vụ thì Bộ Xây dựng nên đề xuất giải pháp xử lý lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn” (Tuổi Trẻ 30-11-2014).

Đúng là phải “cứng cựa” hơn do lẽ, cũng theo viên chức này: “Thực tế có nhiều trường hợp cố tình vi phạm quy định, như những trường hợp đã nghỉ hưu, không còn đảm nhận chức vụ đó nhưng vẫn sử dụng nhà công vụ...”.

Cơ quan mạnh và “cứng cựa” đủ để đòi lại nhà công vụ hết hạn cho thuê, tống đạt một giấy báo yêu cầu hoàn trả nhà, tránh tình trạng mà theo một đại biểu Quốc hội, “một ông cục trưởng làm sao dám báo ông bộ trưởng” trả lại nhà!

Chính vì cái nết “e ngại” khá đặc thù đó ở ta mà sẽ cần đến một cơ quan đủ “mạnh” nằm trong bộ nào, không dám lạm bàn mà chỉ xin giới thiệu ít yêu cầu tối thiểu.

Trước hết, phải đủ “tin học hóa” để nắm hết số nhà công vụ đang cho thuê.

Ví dụ ở Pháp năm 2003, Cơ quan Tổng thanh tra tài chính (IGF) đếm được có tổng cộng 137.520 người thụ hưởng chế độ thuê nhà công vụ với giá thuê theo thời giá là 1,408 tỉ euro. IGF nắm không sót một căn nhà công vụ nào mà các bộ, ngành, tỉnh thành đang nắm và cho công chức của mình thuê, kể cả của phủ tổng thống!

Không rõ có một cơ quan tương đương nào ở Việt Nam có thể đưa ra những con số chính xác tương tự?

Thiết nghĩ khi việc tin học hóa số liệu nhà cửa ở Việt Nam đã thống kê được từ các trung tâm đăng ký nhà đất và từ công chứng, thuế (trước bạ, thu nhập)... việc số hóa các dữ kiện nhà công vụ và cơ quan nào đó quản lý chung các nhà công vụ chia sẻ với một “tổng thanh tra tài chính” như IGF để làm những chuyện “canh chừng” tương tự không phải là quá khó.

Chế độ ở nhà công vụ của Pháp cũng rất rõ ràng: người ký hợp đồng thuê nhà công vụ đều được quán triệt hiểu rõ là “do người ấy đang làm một công việc hay giữ một chức vụ nên được phân cho thuê chỗ ở này” và do vậy, thật là hợp lý và đúng với ý nguyện của các bên rằng “người ấy không thể cứ lưu lại trong chỗ ở đó một khi đã rời chức vụ đó hay công việc đó”.

Có lẽ cơ quan quản lý nhà công vụ sắp tới sẽ phải làm lại các “hợp đồng cho thuê” và quán triệt cho người thuê đọc và ký tên xác nhận “đã hiểu” như khi ra công chứng. Tất nhiên “hợp đồng cho thuê” đó phải đủ kín kẽ pháp lý để tránh các “lỗi thư ký” sau này.

Ra quyết định thu hồi quyền sử dụng nhà đất sai phạm ở nhiều nơi không khó, đòi “ba cái nhà” không lẽ không đòi được!

 

THIÊN DI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên