13/11/2014 09:35 GMT+7

​40 năm và 300 năm

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT -  Hôm qua 12-11, đại hội lần thứ nhất Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam được tổ chức ở Hà Nội.

Một quả bom “khủng” vừa được đội rà phá bom mìn lưu động xử lý tại Hướng Hóa, Quảng Trị ngày 30-10
Một quả bom “khủng” vừa được đội rà phá bom mìn lưu động xử lý tại Hướng Hóa, Quảng Trị ngày 30-10

Với hàng vạn người Việt bị tàn phế vì đạn bom hậu chiến, hàng triệu hecta đất còn hoang hóa do ô nhiễm bom mìn cũng là một nguyên nhân khiến Việt Nam ra khỏi chiến tranh gần 40 năm nhưng vẫn chưa hết khó khăn trên hành trình phát triển.

Nếu tỉ lệ ô nhiễm bom mìn trên cả nước là 6,6 triệu hecta, chiếm 21% diện tích cả nước thì ở tỉnh Quảng Trị - do vị trí đặc thù của mình trong chiến tranh, tỉ lệ đất đai ô nhiễm bom mìn này là 84% diện tích (với 391.500ha bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trong tổng số 461.297ha diện tích đất tự nhiên) và là tỉnh có mật độ ô nhiễm bom mìn cao nhất Việt Nam.

Đem con số diện tích hơn 391.000ha đất đai đang chất chứa bom mìn kia rồi làm phép chia cho số diện tích bình quân 2.300ha được rà phá mỗi năm thì sẽ cần thêm 165 năm, vào khoảng năm... 2180 (!) đất Quảng Trị mới gọi là “đất sạch”.

Nếu tính thời gian chiến tranh diễn ra là 20 năm (1954-1975) thì thời gian để làm sạch bom mìn từ năm 1975 đến năm 2180 sẽ là hơn 200 năm.

20 năm chiến tranh để rồi phải bỏ ra hơn 200 năm đi làm cái việc giải quyết hậu quả, quả là một cái giá đắt kinh khủng.

Còn thời gian cần để làm sạch 6,6 triệu ha đất do ô nhiễm bom mìn trên cả nước sẽ là... 300 năm với nguồn kinh phí ước tính 10 tỉ USD cho công việc rà phá và 100 tỉ USD để tái thiết cuộc sống của nhân dân tại những vùng bị ô nhiễm bom mìn.

Trong số 10 địa bàn trọng điểm về ô nhiễm bom mìn trong cả nước thì không chỉ có những tỉnh thành chịu hậu quả từ cuộc chiến tranh 1954-1975 như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi mà còn có ba tỉnh biên giới phía Bắc là Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang cũng nằm trong danh sách này do hậu quả từ cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.

300 năm để làm sạch bom mìn trên đất đai là con số có thể tính toán được, nhưng hàng vạn phận người đã mất đi do hậu quả bom mìn, trong đó có hơn 3 vạn sinh mạng trẻ em, là những hậu quả không thể nào đong đếm được.

Ở Quảng Trị có những ngôi làng mà hầu như vào bất cứ gia đình nào cũng có thể thấy hiện diện nỗi đau do bom mìn hậu chiến gây ra.

Bom mìn giết chết họ khi đang khai hoang vỡ đất canh tác, bom mìn bất thần nổ giữa sân trường trong giờ ra chơi của học trò, bom mìn cướp mất sinh mạng hàng trăm người dân đã coi nghề tìm kiếm phế liệu chiến tranh như nghiệp mưu sinh như các xóm làng tại Tây Gio Linh, phường 4, thành phố Đông Hà.

Gần 40 năm qua, dù Nhà nước vẫn có nhiều chương trình hỗ trợ, những tổ chức quốc tế quan tâm, tuy nhiên đến hôm nay những nạn nhân bom mìn hậu chiến mới có một tổ chức mang tiếng nói của mình.

40 năm, có thể là hơi muộn!

Nhưng nếu nghĩ tới con số 300 năm nữa để hoàn thành việc rà phá và loại bỏ hoàn toàn hậu quả bom mìn trên đất nước này thì việc thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam sẽ là một cơ hội lớn cho công cuộc phải kéo dài thêm ba thế kỷ này.

Bởi bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, việc san sẻ đau thương, sớt chia mất mát không bao giờ là quá muộn!

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên