30/10/2014 10:37 GMT+7

Không thể “tới đâu hay tới đó”

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Từ ngày hôm qua, người có tiền đến ngân hàng phải đắn đo chọn gửi ngắn hay dài hạn, hoặc chọn kênh đầu tư khác sinh lợi tốt hơn.

Lãi suất tiền gửi đã về mức "cực thấp" 5,5%/năm

Mức lãi suất gửi tiền VND tối đa 5,5%/năm là cực thấp trong hàng chục năm khi xã hội vừa trải qua lạm phát cao. Người thì đoán sẽ tăng lại, chỗ thì lo sẽ giảm thêm, nhưng số đông đều có tâm lý chờ...

Không chỉ người gửi tiền mà người vay cũng lúng túng bởi lãi suất giảm nhưng không rõ lâu dài sẽ ở mức nào.

Điều này đã và đang ảnh hưởng đến từng gia đình, doanh nghiệp. Nhiều người có tiền đã gửi ngắn hạn để tùy cơ ứng biến, chờ thời.

Doanh nghiệp ngại vay để đầu tư dự án mới vì sợ lãi suất vay sẽ nhảy nhổm như đã từng diễn ra. Tất cả đều chờ, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng chững lại.

So với cách điều hành “giật cục“: lúc tăng vọt, lúc giảm sâu của nhiều năm trước đây, thành quả giữ lạm phát ở mức thấp là đáng ghi nhận nhưng chưa đáp ứng được mong mỏi của mọi giới.

Xã hội đang yêu cầu cao hơn, không thể cứ mãi kiềm chế lạm phát mà phải chuyển hẳn sang kiểm soát lạm phát.

Có chủ động kiểm soát lạm phát mới đưa ra được lộ trình dài hơi về xu hướng của lãi suất, mở ra đường hướng làm ăn cho cả xã hội. Tiếc thay, đến nay cả xã hội vẫn phải đoán già đoán non về xu hướng của lạm phát, lãi suất.

Lạm phát cao có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Khách quan đó là tác động từ giá xăng dầu, nguyên phụ liệu trên thế giới biến động mạnh.

Chủ quan là do chi tiêu công quá tay, điều hành chính sách tiền tệ chưa nhịp nhàng, bơm tiền và cho vay quá nhiều tạo áp lực lên lạm phát. Nay giá hàng hóa trên thế giới đã đuối hơi. Các cơ chế dẫn đến nguyên nhân chủ quan dần được chấn chỉnh.

Chi tiêu công được kiểm soát bằng nhiều biện pháp. Cho vay được hạn chế bằng chỉ tiêu tín dụng, dù vậy phải phấn đấu chật vật mới đạt được. Việc bơm tiền - tăng thêm máu huyết cho nền kinh tế - được giao về Ngân hàng Nhà nước, giúp nơi này kiểm soát tốt hơn lạm phát...

Thế nhưng, bức tranh kinh tế vĩ mô ổn định trong dài hạn, lời cam kết về mức lạm phát và lãi suất thấp, ổn định nhiều năm vẫn chưa lộ diện. Các dự báo vẫn chỉ là ngắn hạn, theo kiểu dò đá sang sông.

Trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành liên quan là ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường làm ăn.

Mạnh dạn đưa ra những dự báo, trước mắt là trung hạn và sau này là dài hạn về kinh tế vĩ mô, cũng như cam kết và kiên trì thực hiện đúng các kế hoạch đã đưa ra là động lực để vực dậy tinh thần làm ăn, khơi thông và hướng đồng vốn vào các kênh đầu tư hiệu quả.

Sự ổn định và rõ ràng về chính sách cũng là một giải pháp nhằm tái cơ cấu nền kinh tế khi loại bỏ các kiểu làm ăn đầu cơ, đánh quả, chụp giật vốn nảy sinh một phần từ sự thất thường của chính sách.

Người dân, doanh nhân đang chờ những thông điệp, cam kết dài hạn về môi trường kinh doanh ổn định, thay cho cảnh ”biết ra sao ngày sau”.

Một doanh nhân khẳng định: ”Không thể làm ăn trong cảnh tới đâu hay tới đó. Trong cảnh trì trệ thế này, nếu có thông điệp lãi suất gửi tiền trong 3 hoặc 5 năm tới quanh mức 5-6%/năm, dòng vốn sẽ dịch chuyển, chắc chắn thị trường chứng khoán, bất động sản và hoạt động làm ăn sẽ khởi sắc”.

Một nhận định có cơ sở.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên