29/10/2014 12:55 GMT+7

​Có tránh được oan sai?

ĐINH VĂN QUẾ
ĐINH VĂN QUẾ

TT - Với lý do “để tránh oan sai”, có ĐBQH đề nghị tăng quyền cho viện kiểm sát khi thảo luận về dự thảo Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân thì không biết sẽ thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Chấn (thứ ba từ phải sang) - một trong những nạn nhân của án oan sai được trả tự do vào tháng 11-2013 - Ảnh: Xuân Long

Các địa phương đang khốn khổ vì Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1-1-2014 đến nay đang rối, vì có hàng chục ngàn người nghiện đang sống ngoài xã hội mà lẽ ra họ phải vào trại cai nghiện nhưng tòa án chưa ra quyết định được. 

Nay với lý do “để tránh oan sai”, có đại biểu Quốc hội đề nghị tăng quyền cho viện kiểm sát khi thảo luận về dự thảo Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân thì không biết sẽ thế nào?

Từ trước đến nay, ngay từ khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can viện kiểm sát đã kiểm sát nhưng oan sai vẫn xảy ra; phải chăng viện kiểm sát đã không làm hết trách nhiệm kiểm sát điều tra hay vì lý do nào khác! Liệu tăng quyền cho viện kiểm sát thì tổ chức bộ máy của viện kiểm sát sẽ “phình to” đến đâu, trong lúc theo tinh thần nghị quyết 49 thì viện kiểm sát dần dần chỉ còn chức năng công tố.

Điều tra là hoạt động không chỉ mang tính khoa học mà còn mang tính thực tiễn to lớn! Nay tăng quyền cho viện kiểm sát thì tổ chức của viện kiểm sát sẽ như thế nào? Cơ quan điều tra của viện kiểm sát sẽ ra sao, các cơ quan điều tra của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sẽ phải tổ chức lại thế nào?...

Thực tiễn mấy chục năm qua, cơ quan điều tra viện kiểm sát được tổ chức ở hai cấp nhưng thử thống kê xem có bao nhiêu vụ cơ quan điều tra viện kiểm sát thực hiện được.

Ngay cán bộ làm nhiệm vụ kiểm sát điều tra cũng không đủ, nhất là ở địa phương thì làm sao có thể đảm nhiệm được nhiệm vụ khi Quốc hội tăng thẩm quyền! Hiến pháp năm 2013 vừa được thông qua, nếu quy định quyền công tố của viện kiểm sát nhân dân được thực hiện ngay từ khi “giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự” thì liệu có phù hợp với Hiến pháp 2013?

Hoạt động điều tra của cơ quan điều tra sẽ như thế nào, tránh sao khỏi chuyện ỷ lại cho viện kiểm sát.

Nếu chỉ nhằm hạn chế tình trạng ép cung, nhục hình, gây oan sai trong các vụ án thì có biết bao nhiêu biện pháp như cho luật sư vào từ khi bị bắt, ghi âm, ghi hình...

Còn nếu tăng quyền cho viện kiểm sát điều tra cả đối với các tội phạm trong lĩnh vực tham nhũng nữa thì liệu viện kiểm sát có kham nổi, chỉ điều tra một số tội trong lĩnh vực hoạt động tư pháp mà mấy chục năm qua đã “toát mồ hôi” rồi.

Cái gì sai, ở đâu làm không đúng, vụ án nào oan thì cần tìm ra nguyên nhân, xử lý thật nghiêm những người đã cố tình hoặc vô ý gây ra oan sai đó, ở đâu có bức cung, nhục hình thì cán bộ bức cung, nhục hình phải bị xử lý thật nghiêm, công khai, minh bạch cho xã hội biết.

Tại sao không quy định việc thực hành quyền công tố được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố để nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân; phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi sai phạm trong hoạt động tư pháp; bảo đảm chính xác, khách quan, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm...?

Bộ luật hình sự hiện hành cũng như dự thảo sửa đổi, bổ sung sắp tới tuy có chia ra các chương khác nhau nhưng trên thực tế, khi khởi tố vụ án không phải cứ tội phạm nào xâm phạm hoạt động tư pháp là do cơ quan điều tra viện kiểm sát điều tra, còn tội phạm khác thì giao cơ quan điều tra của Bộ Công an.

Khi có ý tưởng tăng quyền cho viện kiểm sát có ai đặt câu hỏi nếu để viện kiểm sát vừa trực tiếp tiến hành công tố vừa thực hiện việc kiểm tra, xác minh có bảo đảm tính khách quan không?

Tránh oan sai là yêu cầu, là nguyện vọng của toàn xã hội nhưng điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân, đề ra giải pháp để khắc phục, chứ không phải cứ giao cho cơ quan này hay cơ quan khác là tình trạng oan sai sẽ giảm.

ĐINH VĂN QUẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên