26/09/2014 14:36 GMT+7

“Anh có quyền giữ im lặng...”

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Cuộc thảo luận về những vấn đề như Luật tổ chức TAND sửa đổi và Luật tổ chức viện KSND sửa đổi đang diễn ra đã gây chú ý khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại đề nghị của Ủy ban Tư pháp trong phiên điều trần về chống bức cung, nhục hình gần đây, cũng như kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường về việc “bị can, bị cáo, người bị bắt giữ có quyền im lặng cho đến khi có luật sư”.

Trong chức trách của mình, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đã nhắc lại: “Quyền im lặng của bị can, bị cáo là vấn đề lớn, thế giới đã áp dụng... Phải làm sao để khi bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không phát biểu, không khai, cho đến khi có luật sư”.

Rõ ràng đã và đang có ý chí chính trị rất lớn và rộng rãi muốn đảm bảo quyền im lặng này cũng như đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại tòa và vai trò của luật sư. Điều này phù hợp với đà tiến hóa của nhân loại. Thật ra, quyền giữ im lặng này còn mới mẻ, mới chỉ từ án lệ khi bị cáo Miranda kiện bang Arizona trước Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ năm 1966. Ernesto Miranda, trong khi bị thẩm vấn, do cảm thấy bị đe dọa và do thiếu hiểu biết, đã nhận tội “cho xong”. Lời nhận tội “cho xong” này trở thành chứng cớ tuyên án. Tối cao Pháp viện đã bác bỏ bản án này. Từ án lệ này dẫn đến nguyên tắc “quyền Miranda” mà nhiều nước đang áp dụng. Từ nay, trước khi thẩm vấn, cảnh sát phải thông báo cho nghi phạm hình sự như sau: “Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi... Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh”.

Với “quyền giữ im lặng”, sẽ không có chỗ cho việc dùng nhục hình (theo cách gọi của ta) hay tra tấn (theo cách gọi chung của thế giới), mà mới cuối năm ngoái VN đã long trọng ký kết tham gia Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc, cùng lúc với vinh dự trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với 184 phiếu ủng hộ (trên tổng số 193 nước bỏ phiếu), cao nhất trong số 14 nước trúng cử, thậm chí còn cao hơn cả Anh và Pháp. Còn nhớ mục tiêu ứng cử vào hội đồng này là nhằm “đem lại cho người dân sự hưởng thụ ngày càng đầy đủ hơn các quyền con người và quyền công dân...; khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển” (*). Chính vì thế, thừa nhận “quyền giữ im lặng” và sự tham gia ngay từ đầu của luật sư chính là tôn vinh những gì đã ký kết. Là khẳng định đang là một thành viên mẫu mực của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Là thực thi điều 11 của công ước: ”Mỗi quốc gia thành viên phải rà soát một cách có hệ thống các quy tắc, hướng dẫn, phương pháp và thực tiễn thẩm vấn cũng như các cơ chế giam giữ và đối xử với những người bị bắt, giam giữ, cầm tù dưới mọi hình thức... nhằm mục đích ngăn chặn mọi vụ việc tra tấn”... Là chứng tỏ tinh thần thượng tôn pháp luật mà cả thế giới đã từng tôn vinh”.

Trước những than phiền ngay tại Quốc hội về những oan sai, mớm cung, dụ cung, ép cung, nhục hình, tránh tái diễn những vụ “Nguyễn Văn Chấn”, những vụ “Phú Yên”, không gì bằng nhanh chóng truyền bá, giải thích cho nhập tâm nội dung Công ước chống tra tấn, đồng thời thông qua “quyền giữ im lặng” và quyền của luật sư! Được thế, luật pháp đã “nâng tâm hồn lên”, đi nhanh hơn trên theo đà tiến hóa của nhân loại.

-----------------------

(*) “Tài liệu tuyên truyền về việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”, Ban Tuyên giáo trung ương, Vụ Tuyên truyền.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên