25/11/2009 06:22 GMT+7

Tôi xin trả lại cho Nông trường Sông Hậu

HUỲNH THANH BÌNH (nguyên chánh văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa)
HUỲNH THANH BÌNH (nguyên chánh văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa)

TT - Vào đầu những năm 1990, khi tôi đang dự hội nghị bàn việc Đảng làm kinh tế ở T78 TP.HCM, một vị lãnh đạo hội nghị giới thiệu về Nông trường Sông Hậu: “đây là hình mẫu về nông nghiệp sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, mọi người cần đi nghiên cứu”.

Sau hội nghị, tôi tháp tùng đoàn đại biểu đi tham quan, không còn nhớ là bao nhiêu người, nhưng chắc là không dưới 50 người. Khi đến nơi thì không biết từ đâu đến vài chục người nữa cũng đang đi tham quan học tập nông trường. Lúc đó tôi nghĩ kiểu này nông trường chỉ lo tiếp khách chứ đâu còn thì giờ làm ăn.

Quá trình nghe giám đốc Năm Hoằng báo cáo thì mới biết có bộ phận chuyên lo công việc báo cáo và hướng dẫn người đi tham quan, chỉ có đoàn cấp cao và khách quốc tế ông mới trực tiếp báo cáo.

Từ một vùng đất chua mặn, đầy bom đạn sau chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hậu Giang và sự giúp đỡ của các ban ngành trung ương, nông trường đã làm ra hàng vạn hecta lúa có năng suất cao, hàng trăm hecta ao cá và vườn cây ăn quả. Hàng vạn nông trường viên có đời sống no đủ, trẻ em có trường học, gia đình neo đơn có sự trợ giúp của nông trường. Nghe báo cáo và xem không khí lao động, tôi thật sự bất ngờ về sức sống của Nông trường Sông Hậu, khác hẳn với các nông trường tôi đã đi thăm ở miền Bắc và miền Trung.

Bữa ăn trưa thân mật không thể nào quên tại nông trường với cơm gạo trắng, cá đồng, thịt heo, bò của nông trường sản xuất chăn nuôi. Trước khi ra về, ông Hoằng tặng mỗi người một túi gạo 10kg và lít nước nắm. Thấy mọi người ngạc nhiên, ông Hoằng giải thích: “Đặc sản cây nhà lá vườn cả đấy, ai đến đây cũng vậy thôi, các anh không nên ngần ngại gì, nhận quà cho nông trường vui”. Phong cách ứng xử của một giám đốc nông trường ăn nên làm ra, văn hóa ứng xử của con người Nam bộ, thực chất giản dị đến làm vậy. Thật xúc động!

Trên đường về tôi mãi suy nghĩ về ông Trần Ngọc Hoằng - một con người giản dị, cần cù mà rất đam mê ruộng vườn, sông nước. Bà Trần Ngọc Sương - một phụ nữ tài hoa, có học thức cao - tuyên bố sẽ nối nghiệp cha xây dựng một nông trường kiểu mẫu, đem lại đời sống sung túc cho bà con nông dân mình.

Nhận túi gạo và lít nước mắm của Nông trường Sông Hậu lúc đó mọi người đều ghi nhận như một kỷ niệm đẹp. Chắc không ai ngờ những món quà nhỏ, những bữa cơm khách, bồi dưỡng cho người lao động, cưu mang cho trẻ em nghèo và gia đình neo đơn trong ba thập kỷ từ “quỹ đời sống” (từ của nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình) đã khiến chị Ba Sương lâm vào cảnh cay đắng như hôm nay. Vì vậy, tôi tự nguyện trả lại phần quà ông Năm Hoằng trao tặng từ năm 1992 để Nông trường Sông Hậu góp phần cùng chị Ba Sương nộp phạt cho tòa án: 10kg gạo x 15.000đ = 150.000đ, 1 lít nước mắm 20.000đ, bữa cơm trưa 50.000đ, tổng cộng 220.000đ.

Xây dựng một Nông trường Sông Hậu đến ngày nay là một việc khó, chẳng mấy ai làm được. Điều đó được không ít các nhà lãnh đạo, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đã về tham quan, nghiên cứu nông trường này khẳng định. Vậy mà...

Tôi nghĩ Tòa án Cần Thơ có thể phạt chị Ba Sương 8 năm tù và bồi thường 4,3 tỉ đồng về tội lập quỹ trái phép theo quy định của pháp luật, nhưng phía sau phiên tòa còn lắm việc phải bàn…

HUỲNH THANH BÌNH (nguyên chánh văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên