29/07/2017 12:01 GMT+7

Ngôi nhà thiếu bóng đàn ông

QUỐC NAM
QUỐC NAM

​TTO - Mẹ ngồi một mình nơi bậc cửa ngôi nhà ngang mới xây. Hỏi mẹ người nhà đâu vắng. Mẹ chỉ tay lên bàn thờ phía sau lưng: “Nhà có bốn người. Ba người ở đó. Chỉ còn mình tui”.

Mẹ Trần Thị Con quét sân trước ngôi nhà nửa thế kỷ thiếu bóng đàn ông -
 Ảnh: QUỐC NAM
Mẹ Trần Thị Con quét sân trước ngôi nhà nửa thế kỷ thiếu bóng đàn ông - Ảnh: QUỐC NAM

Như chợt nhớ ra điều gì, mẹ bấm đốt ngón tay rồi lẩm nhẩm: “Năm nay nữa là tròn 50 năm. Ờ, rứa là tui ở một mình trong ngôi nhà ni được nửa thế kỷ rồi...”.

Mẹ là mẹ VN anh hùng Trần Thị Con, ở thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang (Gio Linh, Quảng Trị). Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mẹ có chồng và hai con đều là liệt sĩ.

Bốn người, mất ba còn một

Mẹ Con năm nay đã bước qua tuổi 97 nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Mẹ có thể tự đi lại, nấu cơm mỗi ngày. Ngôi nhà mẹ đang ở trước là nhà tình nghĩa, nhưng qua 20 năm nó đã dột nát, nên vài tháng trước mẹ đã thuê người về làm lại một ngôi nhà mới.

Nói là nhà mới nhưng cũng chỉ là ngôi nhà ngang ba gian như những ngôi nhà khác trong làng.

Mẹ nói mẹ đã ở ngôi nhà cũ được gần cả cuộc đời rồi, ở thêm mấy năm nữa cũng được nhưng lại lo mưa dột ướt bàn thờ chồng con nên mới gắng làm lại ngôi nhà cho kiên cố.

50 năm qua, tất cả những gì mẹ còn giữ lại được của chồng và con là những mảnh ký ức. Chồng và con của mẹ hi sinh khi còn quá trẻ, ngay cả một bức hình để đặt lên bàn thờ cũng không có nên mẹ xem ba tấm bằng Tổ quốc ghi công cũng là di ảnh, treo cùng hàng trên bàn thờ.

“Ba cha con giống nhau lắm, đều có khuôn mặt rất sáng. Nụ cười ai cũng tươi” - mẹ nhớ lại hình ảnh của chồng con mình hơn 50 năm trước. Đó cũng là thời gian mà những gì đau đớn nhất, cùng cực nhất giáng xuống cuộc đời người mẹ này.

Mẹ lập gia đình khi mới qua tuổi 20. Vừa về chung nhà được một thời gian ngắn thì chồng mẹ gia nhập quân đội, lên vùng rừng giáp giữa Đakrông và thị xã Quảng Trị chống Pháp.

Trong một trận giáp chiến tại đây vào năm 1947, chồng mẹ hi sinh. Lúc đó mẹ vừa sinh đứa con trai thứ hai trong khi đứa con trai đầu chỉ mới 3 tuổi.

Chồng mất lúc mẹ ở tuổi 25, phải một mình vật lộn giữa đồng cát trắng Gio Linh nuôi hai con nhỏ khôn lớn.

Năm 16 tuổi, con trai đầu của mẹ là Lê Văn Nguyên gia nhập đội du kích địa phương. Nguyên còn nhỏ tuổi nhưng nổi tiếng gan dạ nên được các chú bộ đội rút lên rừng phục vụ chiến đấu. Đúng 4 năm sau đó, anh hi sinh.

“Đó là buổi sáng ngày 5-12-1964. Tui đang mần ruộng trước nhà thì nhận được tin báo. Nhóm bộ đội do Nguyên dẫn đường từ rừng về tìm cách đánh vào thành phố Đông Hà nhưng khi đến Quán Ngang thì bị phục kích, hi sinh gần hết” - mẹ kể.

Quán Ngang chỉ cách nhà mẹ chưa đầy ba cây số. Mới lúc sáng khi đang cuốc ruộng mẹ còn nghe tiếng súng nổ. Không ngờ đó là tiếng súng giết chết con mình.

Mẹ cùng người làng đi tìm xác con để khiêng về làng chôn cất. “Khi nớ tui không khóc. Chỉ thấy nghèn nghẹn nơi lồng ngực” - mẹ nói.

Gia đình bốn người đã mất hai. Ngôi nhà nhỏ chỉ còn mẹ cùng người con trai út Lê Văn Minh.

Cùng năm anh mất, Minh cũng xin vào du kích. Dù chỉ còn một đứa con, mẹ vẫn cho con đi. Năm 1967, khi mới 21 tuổi, Minh cũng hi sinh. Ngôi nhà giữa đồi cát chỉ còn lại một mình mẹ kể từ ngày đó.

Những tấm bằng Tổ quốc ghi công này cũng là di ảnh của chồng và hai con trai của mẹ Trần Thị Con - Ảnh: Q.NAM
Những tấm bằng Tổ quốc ghi công này cũng là di ảnh của chồng và hai con trai của mẹ Trần Thị Con - Ảnh: Q.NAM
Ba cha con giống nhau lắm, đều có khuôn mặt rất sáng. Nụ cười ai cũng tươi

Người mẹ cô đơn

Nửa thế kỷ sống một mình trong căn nhà này, mẹ nói rằng mẹ đã quen rồi. Mẹ không còn sợ khi đêm đến có tiếng động nữa. Mới mấy tháng trước, biết mẹ sắp làm nhà, lại chỉ có một mình, một thanh niên đã lẻn vào lấy của mẹ một số tiền.

May sao, công an đã tìm ra kẻ trộm và trả lại tiền cho mẹ. Mẹ kể rằng những ngày chồng con mới mất, mẹ phải vật lộn với ruộng đồng một mình. Nhà không có đàn ông, mẹ phải nhờ bà con lối xóm cày bừa giúp. Một công cày mẹ phải trả ba công làm.

Từ những nỗi đau đã từng nếm trải, cộng với quãng thời gian một mình vật lộn với cuộc mưu sinh, mẹ dần trở nên mạnh mẽ.

“Tui sống đến chừng này tuổi rồi. Đã từng trải qua tận cùng nỗi đau và tận cùng khốn khổ. Nếu không mạnh mẽ chắc tui đã gục ngã từ lâu rồi” - mẹ Con nói.

Cách đây mấy năm, một trận lũ lớn đổ về vùng này. Một mình mẹ chống chọi với nước lũ khi ấy đã ngập nhà 1m. Có một cán bộ xã đội chèo thuyền vào hỏi mẹ có sợ không, mẹ trả lời: “Tui sống qua bom đạn rồi, giờ có sợ chết nữa mô”.

Chiều. Gió Lào từ cánh đồng trước mặt thổi quần quật. Khói hương trên bàn thờ cũng cuộn lên nghi ngút. Bỗng dưng mẹ Con cất tiếng hát: “Mẹ già cuốc đất trồng khoai. Nuôi con đánh giặc đêm ngày. Cho dù áo rách sờn vai. Cơm ăn bát vơi bát đầy...”.

Giọng mẹ nghe cứ nghèn nghẹn. Đến đoạn: “Mẹ già tưới nước trồng rau. Nghe tin xóm làng kêu gào. Quân thù đã bắt được con.

Đem ra giữa chợ cắt đầu” thì mẹ không hát được nữa. Mắt mẹ nhòe đi trên khuôn mặt nhăn nheo dấu vết thời gian.

Bỗng dưng tôi nghe giọng mẹ lẩm bẩm giống như đang trò chuyện: “Ở đất Gio Linh này không ai không biết bài hát Bà mẹ Gio Linh của nhạc sĩ Phạm Duy. Mẹ thuộc bài này từ khi mất đứa con đầu. Sao những bà mẹ tại Gio Linh này mang số phận giống nhau đến thế...”.

Buổi trưa, khi cái nắng rát bỏng đổ xuống những đồi cát trắng, một chiếc xe biển số xanh chạy đến đỗ trước lối vào nhà mẹ Con. Bước xuống xe là hai cô gái trong bộ trang phục công an, ôm mấy hộp bánh mang vào nhà rồi đặt lên bàn thờ.

Một trong hai cô gái cho biết mình là công an huyện Gio Linh, đến ngày kỷ niệm 27-7 nên về thăm mẹ Con và thắp hương cho các liệt sĩ.

“Biết mẹ ở một mình buồn nên chúng em trên đơn vị vẫn hay xuống thăm mẹ khi lễ tết. Khi có công việc đi ngang chúng em cũng tạt vào nói chuyện với mẹ để mẹ bớt cô đơn” - một cô nói.

- Kỳ 1: 3 lần 'khóc thầm lặng lẽ'
- Kỳ 2: người mẹ trăm năm
- Kỳ 3: Đêm mơ thấy mộ con trai
- Kỳ 4: Người phụ nữ phi thường

__________

Kỳ tới: “Biệt phủ” của mẹ

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên