05/06/2017 16:27 GMT+7

Những vòng ngà voi oan nghiệt - kỳ 2: Luật là luật

HẢI LONG - TRẦN CHÍNH
HẢI LONG - TRẦN CHÍNH

TTO - Sân bay Nairobi của Kenya là cửa ngõ lớn vào châu Phi, hằng năm đón hàng triệu lượt khách. Đây cũng được cho là một trong những nơi trung chuyển các sản phẩm liên quan từ động vật hoang dã.

Người dân Kenya xuống đường tuần hành ở thủ đô Nairobi yêu cầu thực thi các biện pháp nghiêm khắc chống nạn buôn lậu ngà voi và sừng 
tê giác - Ảnh: AFP
Người dân Kenya xuống đường tuần hành ở thủ đô Nairobi yêu cầu thực thi các biện pháp nghiêm khắc chống nạn buôn lậu ngà voi và sừng tê giác - Ảnh: AFP

“Chúng tôi không phân biệt bạn đến từ đâu. Chúng tôi không muốn Kenya là nơi quá cảnh

Bà Rodah Ogoma (trợ lý công tố viên trưởng kiêm trưởng bộ phận vấn đề liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã của Kenya)

Ngay tại sân bay, dễ dàng nhận thấy những biển hiệu quảng bá về đất nước Kenya, nơi những loài động vật hoang dã đang chạy nhảy tự do trên các thảo nguyên lớn.

Mục đích của những biển hiệu này là giới thiệu cho du khách vẻ đẹp của tự nhiên hiếm có của Kenya, cũng như những nỗ lực bảo vệ nó.

Nhưng không phải du khách nào cũng nhận thức được mức độ nghiêm khắc của luật pháp Kenya đối với những tội danh liên quan đến động vật hoang dã.

Nơi khác hợp pháp nhưng Kenya thì không

Bà Rodah Ogoma - trợ lý công tố viên trưởng kiêm trưởng bộ phận vấn đề liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã của Kenya - giải thích rõ với chúng tôi: “Nếu bạn phạm tội, chúng tôi bắt được bạn, chúng tôi sẽ đối xử như với bất cứ ai ở Kenya, theo luật Kenya.

Ví dụ nếu bắt được bạn mang đồ làm từ ngà voi, nếu nó là từ nguồn hợp pháp, bạn phải chứng minh rằng bạn có giấy phép hợp lệ để mang theo nó, căn cứ theo luật Kenya.

Dù bạn mua ở Botswana, ở đó sở hữu vật từ ngà voi là hợp pháp, nhưng bạn mang vào Kenya thì chúng tôi vẫn xử lý theo luật của Kenya. Liên quan đến quyền khiếu nại, chúng tôi sẽ xử lý yêu cầu của các bạn trong vòng 14 ngày.

Tuy nhiên, liên quan đến tội phạm động vật hoang dã, tôi không nghĩ có nhận được khiếu nại nào. Hầu hết các khiếu nại liên quan đến hành chính”.

Câu chuyện của những người lao động Việt Nam tại châu Phi bị bắt giữ và kết án tù tại Kenya chỉ là một phần trong những động thái quyết liệt của chính quyền nước này, nhằm bảo vệ các loài động vật hoang dã. Và cũng là bảo vệ nguồn thu nhập quan trọng của đất nước Kenya.

Hiện nay, ngành du lịch Kenya dựa trên hoạt động bền vững của các vườn quốc gia thiên nhiên nơi bảo tồn các động vật hoang dã là một ngành vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế Kenya nói chung và mang ý nghĩa sống còn với cộng đồng và người dân ở đây.

Ông Paul Mbugua - người phát ngôn của Cơ quan bảo tồn thiên nhiên Kenya (Kenya Wildlife Service) - cho biết những mối đe dọa đối với động vật hoang dã đến từ nhiều hướng khác nhau, không mang tính riêng lẻ và vì thế “phải nhìn nhận vấn đề ở tính tổng thể”.

Ông chỉ rõ rằng các mối đe dọa đến từ những đối tượng săn bắn, vận chuyển, từ các quốc gia trong đường dây trung chuyển hay điểm đến là thị trường tiêu thụ.

“Gần đây các quốc gia có liên quan như Kenya, Trung Quốc, Việt Nam đã được phân loại theo các nhóm khác nhau, và mỗi quốc gia được yêu cầu đóng vai trò tích cực và cụ thể hơn nữa trong việc phối hợp với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn động vật hoang dã.

Chắn chắn chúng ta sẽ cần có các diễn đàn, các cơ chế phối hợp và sự tham gia quyết liệt của các cơ quan hữu quan của từng quốc gia, trong đó có Việt Nam”, ông Paul Mbugua giải thích thêm.

Tuyên truyền mạnh trong dân chúng

Ngay tại Kenya, thời gian qua có rất nhiều hoạt động và chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn thiên nhiên đã thực hiện nhằm ngăn chặn đà suy giảm các loài động vật hoang dã.

Chiến dịch Hands off our elephants, có nghĩa là “Đừng động vào những con voi” của Tổ chức Wildlife Direct là một hoạt động để thông tin và cảnh tỉnh người dân Kenya cũng như toàn thế giới về những thách thức và mức độ sụt giảm nghiêm trọng của loài voi châu Phi.

100.000 con voi châu phi đã bị giết trong khoảng năm 2010 - 2012 trong tổng số 500.000 con voi đã bị giết và 170 tấn ngà voi đã bị xuất khẩu bất hợp pháp ở châu Phi khoảng năm 2009 - 2014.

Ông Jim Karani - quản lý vấn đề luật pháp, thuộc Tổ chức Wildlife Direct - cho biết phần lớn các đối tượng người nước ngoài bị kết án gần đây tại Kenya có liên quan đến các thị trường tiêu thụ động vật hoang dã, cụ thể là Trung Quốc và Việt Nam.

Những đối tượng này thường lợi dụng kẽ hở trong luật pháp Kenya, hoặc quan hệ với các quan chức tham nhũng.

Năm 2015, vụ việc bắt giữ lớn nhất của Kenya là 1,9 tấn ngà voi, rời cảng Mombasa với điểm dừng là Việt Nam và điểm đến cuối (trên giấy tờ) là Colombia ở Nam Mỹ. Việt Nam có thể vừa là nơi trung chuyển của các đường dây buôn bán động vật hoang dã vừa là một thị trường tiêu thụ.

Bà Hoàng Bích Thủy - giám đốc Chương trình Việt Nam thuộc Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) - nhận định:

“Tại sao Việt Nam là nước trung chuyển và cũng là nước tiêu thụ bởi vì từ xưa đến nay nhiều người coi sử dụng động vật hoang dã là sản phẩm sạch vì nó ở sẵn trong tự nhiên, sạch, nhiều người dùng nó như là thức ăn; nhiều người dùng như thuốc chữa bệnh.

Chúng ta vẫn chưa tính đến các biện pháp khác thay thế nguồn thực phẩm - thuốc lấy từ tự nhiên như thế? Mặc dù các nhà khoa học đã có nêu nhưng công chúng chưa hẳn đã nhận thấy điều đó. Do vậy thói quen sử dụng và hành vi sử dụng vẫn còn”.

Như vậy, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức về việc bảo vệ các loài động vật hoang dã, hoạt động phòng chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã cũng cần có kết nối tốt hơn.

Bà Hoàng Bích Thủy giải thích: “Việc chia sẻ thông tin giữa các nước rất quan trọng, vì khi có vụ việc xảy ra phải có sự chia sẻ thông tin mới có sự hỗ trợ giúp đỡ để cùng giải quyết, hay là giữa các đơn vị cảnh sát hình sự quốc tế Interpol của các nước, những con người cụ thể và những công việc cụ thể để có thể hỗ trợ nhau tốt hơn”.

Xử án nghiêm mới mong hiệu quả

Kenya có một văn bản pháp luật về “quản lý và bảo tồn động vật hoang dã” ban hành vào năm 2013, với rất nhiều quy định xử phạt nặng những hành vi buôn bán, săn bắt, vận chuyển các sản phẩm có liên quan đến động vật hoang dã.

Liên quan những loài nguy cấp, quý hiếm, có mức phạt tiền tối thiểu 20 triệu shilling hoặc phạt tù chung thân, hoặc cả hai hình phạt; với các sản phẩm từ động vật hoang dã, mức tiền phạt tối thiểu 1 triệu shilling hoặc tối thiểu 5 năm tù giam, hoặc cả hai hình phạt.

Tổ chức Wildlife Direct gần đây đã tiến hành một nghiên cứu đánh giá 4 năm thực thi pháp luật về buôn bán động vật hoang dã tại Kenya. Theo đó, tỉ lệ kết tội hoặc các vụ việc được đưa ra tòa và kết án đã tăng từ 4% lên 60% như hiện nay. Ngoài ra, năm ngoái cơ quan chức năng Kenya đã bắt được một trong những kẻ chủ mưu và cầm đầu buôn bán động vật hoang dã bị truy nã trên toàn cầu.

------------

Kỳ tới: Bài học một đời

>> Kỳ 1: Vào tù vì chiếc vòng tay kỷ niệm

HẢI LONG - TRẦN CHÍNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên