03/05/2017 11:24 GMT+7

Những ngày bị tạm giam của ngư dân Việt ở Indonesia

LÊ NAM
LÊ NAM

TTO - Chúng tôi gặp các ngư dân bị tạm giam nhiều tháng trời mà chưa ra tòa hoặc đã ra tòa rồi nhưng chưa biết khi nào hồi hương.

Bữa cơm trưa của các ngư dân VN bị tạm giam trên đảo Tiga - Ảnh: Lê Nam
Bữa cơm trưa của các ngư dân VN bị tạm giam trên đảo Tiga - Ảnh: Lê Nam

Thà tôi ở tù thêm mấy tháng chứ tiền đâu mà đưa

Ngư dân TRẦN LONG LỢi

Gặp chúng tôi, họ chỉ có chung một câu hỏi: “Khi nào tụi tôi được về với vợ con, gia đình anh ơi?”.

Kiểm ngư truy đuổi

Nhiều tháng bị tạm giam ở đảo Tiga, Nguyễn Đình Lễ (33 tuổi, huyện La Gi, tỉnh Bình Thuận) có hơn bốn năm đi “bạn” không thể nào quên cái ngày 24-7-2016 khi cả tám chiếc ghe cùng 72 đồng hương ở huyện La Gi đều bị bắt.

Lễ kể sau hơn một tuần lang thang từ biển Bình Thuận xuống phía nam biển Côn Lôn tìm đánh cá không được bao nhiêu, Lễ liên lạc với những tàu cá đồng hương khác thì được biết họ tiến về phía giáp ranh Indonesia để đánh cá. Có tổng cộng tám chiếc ghe cùng quê La Gi chọn đi hướng này.

6h sáng 24-7-2016, Lễ nhìn từ xa thấy có tàu đang tiến đến nhưng cứ tưởng tàu hàng bình thường nên không để ý. Cả nhóm ngồi ăn sáng.

Sau khi biết là tàu kiểm ngư Indonesia, các tàu đánh cá của VN thông báo cho nhau qua bộ đàm rồi mạnh ai nấy chạy.

“Tàu họ nhanh lắm anh ơi - Nguyễn Đức Lâm, thợ máy của một trong tám chiếc tàu bị bắt, nói - Tụi em chạy chừng một tiếng là họ đã cập mạn rồi. Họ nổ súng chỉ thiên, cho nhân viên cầm súng nhảy qua tàu. Tới lúc đó chỉ có nước bước ra ngoài khoang giơ tay lên trời”.

Lâm bảo tàu của anh chạy hết tốc lực cũng chỉ 7-8 hải lý/giờ trong khi tàu kiểm ngư Indonesia có vận tốc vài chục hải lý/giờ, nên sau 6-7 tiếng rượt đuổi, cả tám tàu đánh cá của VN đã bị kiểm ngư Indonesia bắt gọn.

Lâm kể: “Kiểm ngư Indonesia yêu cầu các tàu cá VN kè chặt với nhau để cùng kéo về quần đảo Natuna.

Một chiếc bị tàu sắt kiểm ngư cặp mạn mạnh quá nên vỏ tàu bị nứt, nước tràn vào khoang, kiểm ngư Indonesia liền chặt đứt dây đánh chìm. Phải đi liên tục ba ngày hai đêm nhóm ghe này mới về đến quần đảo Natuna”.

Ngư dân VN bị tạm giam ở Tiga dùng lưới đánh cá làm võng ngủ - Ảnh: L.N.
Ngư dân VN bị tạm giam ở Tiga dùng lưới đánh cá làm võng ngủ - Ảnh: L.N.


Không biết ngày về

Tuy không chịu cảnh “nhập kho” mặc áo tù như ở Tanjung Pinang đảo Riau, những ngư dân Việt bị tạm giam ở các đảo Batam, Natuna, Tiga mà chúng tôi đã đến thăm, cuộc sống vô cùng cơ cực.

Mặc dù được phía Indonesia cấp phát gạo, quần áo, chỗ ở, chăm sóc y tế... nhưng mọi thứ đều rất tệ. Môi trường xung quanh đầy cỏ rác, lưới ngư cụ chất đầy, ẩm ướt nên là chỗ sinh sôi và trú ẩn rất tốt cho muỗi và các côn trùng khác.

Sàn nhà thì gạch vỡ nát, trần nhà rớt ra từng mảng, chỗ ngủ gần sát rừng chỉ được quây lại bằng nilông. Vài anh em mang chiếu cũ ở dưới tàu lên, những anh em khác thì dùng lưới đan thành võng để mắc ngủ.

Ở đảo Tiga, mỗi ngày phía Indonesia chỉ phát cho ngư dân VN một lượng gạo nhất định, cá, rau ngư dân phải tự lo, mua hoặc đánh bắt ngoài bờ biển hay quanh chỗ giam lỏng.

Thỉnh thoảng các “sếp” kiểm ngư cũng tận dụng lực lượng lao động sẵn có này làm việc riêng cho họ, đổi lại họ cho thuốc lá hút hoặc một chút tiền mua lương thực, cá mắm.

Trên đảo sẵn lưới từ tàu mang lên, anh em ngư dân dùng bắt cá, tôm quanh đảo, sống qua ngày chờ hồi hương.

Hôm chúng tôi đến đảo Tiga, đúng bữa ăn trưa được xem là thịnh soạn nhất của 14 anh em chuẩn bị về VN gồm có một con gà để chiên nước mắm, một nồi canh cá lõng bõng rau.

Vì lý do an ninh, sau nhiều lần xin phép nhưng chúng tôi không thể vào được trại giam của lực lượng Hải quân Indonesia ở trung tâm Ranai nơi đang giữ ngư dân VN, nhưng sáng nào ngồi uống cà phê gần cổng khu trại tạm giam chúng tôi cũng nhìn thấy 4-5 anh em ngư dân VN đi chợ về.

Rất dễ nhận ra họ trong các cư dân của đảo: dân đảo chỉ đi xe hơi hoặc xe gắn máy, còn ngư dân VN áo quần nhếch nhác, lội bộ với dép cũ mèm, rách bươm, tay cầm các túi nilông màu đen và chỉ cần gọi “anh ơi” là họ quay mặt lại ngay.

Mỗi ngày ở trong “commando” (lực lượng Hải quân Indonesia), mỗi ngư dân VN được phát 5.000 rupiah (khoảng 8.500 VND), họ hùn tiền lại và cho vài người ra chợ cách nơi giam khoảng 1,5km mua cá và rau về nấu ăn chung.

Hôm chúng tôi gặp nhóm ngư dân ở Kiên Giang là lúc họ mới đi chợ về: mua được 11 con cá nhỏ bằng nửa bàn tay, ba bó rau bồ ngót.

Chúng tôi gặp thuyền trưởng Trần Long Lợi (36 tuổi, huyện La Gi, tỉnh Bình Thuận) đã ở “commando” hơn bốn tháng, chờ ngày ra tòa xong để biết mình sẽ ngồi tù ở Tanjung Pinang hay được trả về.

Hồi còn ở VN, Lợi đã nghe mấy thuyền trưởng từng đi tù ở đây kể ngư dân có thể mua được án với 10 triệu rupiah.

Có người bắn tin cho Lợi nói nếu muốn ra tòa xong rồi về nhà ngay thì phải chịu mất 1 tỉ đồng VN. “Nhưng thà tôi ở tù thêm mấy tháng chứ tiền đâu mà đưa” - Lợi nói.

Lợi chưa có vợ con. Trong chuyến đi mà anh bị bắt, anh lái chiếc tàu 240CV trị giá gần 600 triệu đồng của gia đình. Chiếc tàu này sẽ bị đánh chìm sau khi tòa ở Natuna tuyên án.

Lợi nhẩm tính cho chúng tôi thấy thời gian mà anh mất đi ở Indonesia sẽ là một năm tính cả thời gian bị tạm giam.

Trong một năm đó, nếu ở VN anh cũng kiếm được 80-90 triệu đồng và tự do thoải mái. Chàng trai này còn cho biết ngư dân ở La Gi năm nay bị bắt ở Indonesia nhiều lắm, riêng ghe câu mà anh có quen biết, trong nửa năm qua đã bị bắt mười mấy chiếc.

Người phiên dịch bất đắc dĩ

Những ngư dân VN bị giam ở Natuna, Tiga may mắn có được một người VN hỗ trợ phiên dịch, làm hồ sơ... giúp các đồng hương. Anh tên là Nguyễn Thanh Kỳ (38 tuổi, quê ở Hòa Cầm, Quảng Nam), đã có 22 năm sống phiêu bạt ở Malaysia, Indonesia.

Cả đảo Natuna chỉ có một mình Kỳ là người gốc Việt có thể giúp chính quyền phiên dịch, hỗ trợ các đồng bào của mình trong quá trình họ lưu sống tại đây. Anh là chiếc cầu nối duy nhất giữa ngư dân VN với chính quyền và cả người dân ở đây.

Sáu năm trước, anh được gọi đến để hỗ trợ các trường hợp ngư dân VN đầu tiên bị bắt và lập biên bản xử phạt. Kể từ đó đến nay, mỗi khi có tàu cá VN bị bắt, Kỳ lại được chính quyền địa phương mời đến làm phiên dịch và lập hồ sơ cho ngư dân VN.

________________

Kỳ tới: Chạy trốn

Xem kỳ trước:

>> Kỳ 1: Ngư dân Việt bị giam ở Indonesia

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên