11/01/2017 12:09 GMT+7

Myanmar - bến đỗ mới của người Việt

HUY ĐĂNG - NGUYÊN KHÔI
HUY ĐĂNG - NGUYÊN KHÔI

TTO - Cộng đồng người Việt tại Myanmar lập một trang Facebook riêng với hơn 600 thành viên và không cần đợi đến các sự kiện thể thao lớn, họ tự quy tụ tình đồng hương thông qua quả bóng tròn.

'Chùa vàng' Shwedagon nổi tiểng ở Myanmar - Ảnh: NGUYÊN KHÔI
'Chùa vàng' Shwedagon nổi tiểng ở Myanmar - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

“Tôi không ngờ tại Yangon lại đông người Việt đến thế. Họ đến sân từ rất sớm, đá lúc 18g thì 15g họ đã đến hàng trăm người rồi, tôi mới đầu còn tưởng CĐV Việt Nam đông hơn cả Myanmar nữa. Bằng cách nào họ có thể kiếm được nhiều quốc kỳ như vậy?

Một nhà báo  Myanmar

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người lao động Việt Nam đến Myanmar sinh sống và làm việc.

Phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận về cuộc sống đang dần nhộn nhịp của cộng đồng người Việt tại Yangon - thành phố lớn nhất Myanmar.

>> Kỳ 1: Người Việt trên khán đài Myanmar

Như thường lệ, các sự kiện thể thao luôn là nơi quy tụ đông đảo kiều bào sinh sống ở nước ngoài.

Tại sân vận động Thuwunna, nơi diễn ra trận ra quân của tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2016 gặp chủ nhà Myanmar, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi vừa bước vào khuôn viên bên ngoài sân Thuwunna, những lá quốc kỳ nền đỏ sao vàng ở khắp nơi, tạo cảm giác về một trận đấu ngay tại sân Mỹ Đình.

Cơn bão đỏ trên khán đài

Trước trận đấu này, Liên đoàn Bóng đá Myanmar cho biết họ chỉ có thể cấp cho lực lượng đội khách vỏn vẹn 350 vé vì lý do an ninh. Chừng đó vé thực sự chẳng bõ bèn gì bởi khán đài sân Thuwunna có đến 32.000 chỗ ngồi.

Vậy nhưng khi bước vào sân mới thấy những lá cờ nền đỏ sao vàng trên khán đài không hề bị lép vế khi người Việt sinh sống tại Yangon tìm đủ mọi cách để có thể vào sân.

Cầm trên tay một xấp khoảng 10 vé cho bạn bè người quen, anh Quốc Nam - một công nhân xây dựng - vui vẻ khoe với chúng tôi những tấm vé quý như vàng mà anh vừa sở hữu. Trước khi phát vé cho người Việt, anh Nam gặp một đồng nghiệp Myanmar để trả lại các tấm chứng minh thư.

“Một chứng minh thư có thể mua được hai vé. Có hai cách để chúng tôi mua vé, một là thông qua đại sứ quán nhưng chỉ có 350 vé, hai là mượn chứng minh thư người Myanmar.

Những đồng nghiệp địa phương của tôi trong công trường khi nghe chuyện người Việt chỉ có vỏn vẹn vài trăm vé cũng rất thông cảm nên sẵn sàng cho mượn chứng minh thư” - anh Nam kể.

Và như vậy, cả ngàn người Việt tại Yangon đều “lách luật” thành công để có thể vào sân cổ vũ đội nhà.

Chỉ có một trở ngại là phần lớn phải ngồi ở khu cổ động viên (CĐV) Myanmar (do mua vé của người địa phương) và như vậy rất nguy hiểm do có thể xảy ra những xung đột từ sự quá khích khi cổ vũ đội nhà.

Ban tổ chức giải cũng rất nhanh chóng phát hiện số CĐV Việt Nam đông hơn mức “quota” 350 vé nhiều lần. Họ quyết định cho mở rộng khu vực CĐV đội khách lên 700-800 ghế ngồi để quy tụ CĐV Việt Nam về một chỗ.

Khu vực này kín không còn một ghế ngồi và rải rác khắp trên khán đài vẫn còn một số CĐV Việt phải ngồi xen kẽ với CĐV Myanmar.

Sự cuồng nhiệt của CĐV Việt Nam khiến chính người Myanmar cũng phải vị nể. Thaw Maung Maung, một đồng nghiệp của tôi, ngạc nhiên hỏi: “Tôi không ngờ tại Yangon lại đông người Việt đến thế. Họ đến sân từ rất sớm, đá lúc 18g thì 15g họ đã đến hàng trăm người rồi, tôi mới đầu còn tưởng CĐV Việt Nam đông hơn cả Myanmar nữa. Bằng cách nào họ có thể kiếm được nhiều quốc kỳ như vậy?”.

Một CĐV Việt Nam đáp: “Chúng tôi nhờ người quen mang sang, có người mua sẵn khi về quê thăm nhà. Khi nghe tin AFF Cup 2016 sẽ được tổ chức tại Myanmar, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn cho chuyện này rồi”.

Anh Võ Hồng Sơn (bìa trái) một kỹ sư xây dựng cùng đồng nghiệp đến sân cổ cũ cho đội bóng VN trong trận gặp myanmar tại AFF cúp 2016 Ảnh: HUY ĐĂNG
Anh Võ Hồng Sơn (bìa trái) một kỹ sư xây dựng cùng đồng nghiệp đến sân cổ cũ cho đội bóng VN trong trận gặp myanmar tại AFF cúp 2016 Ảnh: HUY ĐĂNG

Bóng đá quy tụ tình đồng hương

Thật ra, AFF Cup 2016 không phải là lần đầu tiên cả ngàn người Việt sinh sống tại Yangon có cơ hội gặp gỡ nhau. Hồi năm ngoái cũng có đến hàng trăm CĐV Việt Nam đến sân cổ vũ đội nhà ở vòng loại U-19 châu Á.

Trận đấu này xảy ra một số xung đột nhỏ giữa lực lượng CĐV hai đội khi Việt Nam chạm trán chủ nhà Myanmar, dẫn đến việc ban tổ chức giải phải thắt chặt an ninh ở trận đấu năm nay. Nhưng cuộc tái đấu lần này diễn ra rất êm ả, dù rằng chủ nhà là người bại trận (thua Việt Nam 1-2).

Chị Nguyễn Thị Huyền, một nhân viên văn phòng của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - công ty sở hữu đông đảo người lao động Việt tại Myanmar nhất, cho biết công ty chị đến xem trận đấu này có khoảng 200 người.

“Rút kinh nghiệm về sự cố không vui lần trước, lần này chúng tôi chủ động bày tỏ tình hữu nghị với CĐV Myanmar bằng cách chào hỏi, mời họ bánh nước khi vào sân.

Lúc đội Việt Nam ghi bàn, chúng tôi cũng không ăn mừng quá khích. Vì vậy CĐV của họ có hơi bực bội nhưng cũng không đến nỗi gây hấn với người Việt sau trận” - chị Huyền nói.

Bỏ ngoài những hiềm khích nhất thời trên sân bóng, các CĐV Việt và Myanmar trở lại với tinh thần hòa hảo khi bước ra ngoài sân bóng.

“Người dân Myanmar thực sự rất hiền hòa. Lòng tự trọng của họ rất cao, nếu mình có những cử chỉ hơi khiếm nhã một chút, họ sẽ lập tức nổi giận. Còn lại thì bình thường họ luôn tử tế với người nước ngoài, khi buôn bán không nói thách, lừa lọc du khách nước ngoài” - Võ Hồng Sơn, một kỹ sư xây dựng, nói.

Kết thúc trận đấu, hàng trăm CĐV chia làm các nhóm vài chục người rủ nhau đến các quán ăn Việt Nam để ăn mừng chiến công của thầy trò HLV Hữu Thắng. Tại đây, chúng tôi được trò chuyện nhiều hơn, biết rõ hơn về tầng lớp người Việt lao động ở Myanmar.

Dĩ nhiên, đại đa số người Việt sống ở Myanmar là công nhân, nhưng tỉ lệ dân văn phòng, tầng lớp chuyên viên cũng khá cao.

Anh Phong - một công nhân ngành xây dựng - cho biết đa số công nhân viên ở đây đều lao động hợp pháp, đến Myanmar làm việc theo dạng mua gói visa 70 ngày: “Phần đông công nhân viên chúng tôi đều sang đây làm việc theo công ty của Việt Nam. Chính nhờ vậy nên chúng tôi cũng dễ dành thời giờ đi xem bóng đá, cổ vũ cho đội Việt Nam.

Cứ hết gói visa 70 ngày là tôi lại về nhà một lần, ở khoảng một tuần rồi lại đi tiếp. Vì vậy nên tôi cũng không quá nhớ nhà, tương tự như dân tỉnh vào Sài Gòn lập nghiệp vậy thôi, một năm về quê được năm, sáu lần”.

Những người Việt đầu tiên chúng tôi gặp tại Myanmar đều làm trong ngành xây dựng. Nhưng khi đi liên hoan ăn mừng cùng nhau, bàn tiệc gồm đủ mọi thành phần, ngành nghề, không hề có sự phân biệt nào.

Cộng đồng người Việt tại Myanmar liên hệ khá mật thiết, lập một trang Facebook riêng với hơn 600 thành viên và không cần đợi đến các sự kiện thể thao lớn, họ tự quy tụ tình đồng hương thông qua quả bóng tròn.

“Chúng tôi thậm chí còn hay đá banh chung với nhau, ở đây có nhiều bãi đất trống và mọi người tự ra đó lập khung thành rồi chơi đùa với nhau, cả người địa phương cũng tham dự.

Thông thường chỉ có nhân viên cùng công ty mới chơi với nhau, chẳng hạn công ty của tôi có đến khoảng 80 người Việt, nhưng thi thoảng cũng rủ rê một số người quen từ các công ty khác sang chơi” - anh Quốc Nam cho biết.

Mới đây không lâu, giải bóng đá “tứ hùng” tổ chức trong đặc khu kinh tế Nhật Bản ở ngoại ô thành phố Yangon, đội bóng công ty thép của Việt Nam giành được giải nhì.

Kỳ tới: Myanmar thu hút lao động Việt Nam như thế nào?

HUY ĐĂNG - NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên