26/11/2016 14:37 GMT+7

Nghề trồng tỏi ở Khánh Hòa - Kỳ cuối: Nỗi buồn thương hiệu

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - “Thương hiệu” vẫn là nỗi buồn của tỏi Khánh Hòa. Đã hơn 20 năm rồi, người trồng tỏi ở đây vẫn mang tiếng là sống ký sinh vào thương hiệu tỏi Lý Sơn.

Ông Võ Ái Nhân, người đầu tiên của đảo Lý Sơn vào Khánh Hòa khai phá đất trồng tỏi Ảnh: T.M.
Ông Võ Ái Nhân, người đầu tiên của đảo Lý Sơn vào Khánh Hòa khai phá đất trồng tỏi Ảnh: T.M.

Nỗi oan của tỏi Khánh Hòa

Đã hơn 20 năm cây tỏi Lý Sơn mang vào trồng ở Khánh Hòa. Toàn diện tích trồng tỏi của tỉnh này đã lên đến gần 600ha, gấp đôi so với Lý Sơn. Nhưng cho đến nay, tỏi Khánh Hòa vẫn chưa có một danh phận riêng.

Ngay tại Nha Trang, thủ phủ của Khánh Hòa, trong các kệ hàng ở siêu thị, ngoài chợ, cửa hàng... chỉ có duy nhất tỏi Lý Sơn mà không có gói tỏi nào là tỏi Khánh Hòa. Người tiêu dùng bị đánh đố, mua nhầm khi tỏi trồng ở Khánh Hòa gắn nhãn Lý Sơn tràn lan ngoài chợ.

Võ Ái Nhân, người đàn ông đầu tiên khai khẩn đất Khánh Hòa để trồng giống tỏi Lý Sơn, cảm thấy đầy tâm trạng khi nhắc đến thương hiệu tỏi Khánh Hòa. Ông bất lực trước “tiếng xấu” của tỏi Khánh Hòa: ăn cắp thương hiệu tỏi Lý Sơn.

Ông nói: “Chúng tôi đi tìm vùng đất mới trồng tỏi là muốn nâng cao giá trị cho củ tỏi chứ không phải bỏ cả đời người ra rồi đến giờ mang tiếng oan”.

Ông Nhân bốc hai vốc tỏi mua từ Lý Sơn và tỏi đang trồng ở Khánh Hòa lên nhìn đi nhìn lại mấy lần rồi thở dài bảo rằng không thể phân biệt được. Chỉ khi nhai, độ thanh nồng của tỏi Lý Sơn mới khác một ít với tỏi Khánh Hòa.

Ông Nhân gắn cả đời với tỏi, vậy mà vẫn không phân biệt được đâu là tỏi Lý Sơn đâu là tỏi Khánh Hòa thì người tiêu dùng làm sao phân biệt?

Ông đau lòng nói: “Bây giờ người Khánh Hòa trồng tỏi chứ đâu phải người Lý Sơn nữa. Chúng tôi gốc Lý Sơn chứ cũng thành người Khánh Hòa rồi. Hơn 20 năm mà chưa có thương hiệu thì công sức chúng tôi như đổ sông đổ biển”.

Tìm rõ nguồn cơn biến tỏi Khánh Hòa thành tỏi Lý Sơn, chúng tôi đến một cơ sở thu mua tỏi Khánh Hòa ở thị xã Ninh Hòa.

Chỉ cách những vựa tỏi chừng 20km nhưng giá tỏi từ 130.000 đồng/kg đã được đội lên 160.000 đồng/ký. Chủ cơ sở này có thâm niên thu mua tỏi hơn 10 năm này thú nhận rằng lâu nay tỏi trồng ở Khánh Hòa chuyển đi khắp nước tiêu thụ vẫn lấy mác tỏi Lý Sơn.

Thậm chí người này còn kể rằng cách đây khoảng năm năm, tỏi ở Khánh Hòa sau khi được thu mua phải chuyển về Quảng Ngãi cho lên tàu đưa ra Lý Sơn trà trộn để bán cho được giá.

Một chủ cơ sở thu mua nói: “Nói tỏi Lý Sơn bán mới được, chứ nói tỏi Khánh Hòa không ai biết, khó bán lắm. Mình cứ nói tỏi Lý Sơn cho dễ bán, mà giá lại cao hơn nhiều. Dù sao cũng là người Lý Sơn mang giống tỏi ngoài đó vào đây trồng mà. Nếu tỏi Khánh Hòa có thương hiệu thì dân buôn bọn tui cũng chả làm cái việc ấy chi cho bị chửi”.

Dù là tỏi Khánh Hòa bán tại Khánh Hòa nhưng luôn mang thương hiệu tỏi Lý Sơn - Ảnh: T.M.
Dù là tỏi Khánh Hòa bán tại Khánh Hòa nhưng luôn mang thương hiệu tỏi Lý Sơn - Ảnh: T.M.

Thoát khỏi cuộc sống “ký sinh”?

Bà Hoa, phó chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Hưng, bảo: “Mỗi đợt tổng kết tình hình sản xuất tỏi để báo cáo lên trên, cuối bản báo cáo lúc nào cũng là đề nghị thương hiệu cho người dân bớt khổ. Mà mãi vẫn chưa thấy đâu”.

Ông Trần Kim Bảo, chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho rằng chưa có thương hiệu thì tỏi Khánh Hòa sẽ bị thương lái trục lợi và mang tiếng dài dài.

Ông nói: “Không chỉ người dân trồng tỏi muốn có thương hiệu mà chính quyền cũng rất mong.

Chúng tôi đã gửi hồ sơ cho Sở Khoa học - công nghệ và Sở NN&PTNT sớm hoàn thành hồ sơ để người dân an tâm làm ra sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Không thể mãi sống ký sinh như thế này được”.

Tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Thị Thủy, người bỏ công nghiên cứu tỏi Lý Sơn nhiều năm nay, cho rằng tỏi Lý Sơn trồng ở Khánh Hòa và tỏi Lý Sơn trồng tại Lý Sơn chỉ khác nhau về thổ nhưỡng nên hàm lượng trong tỏi khác nhau, còn bề ngoài hoàn toàn giống nhau.

Điều này đã khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn. “Nếu muốn tỏi Khánh Hòa có một chỗ đứng thì cần phải có một thương hiệu được bảo hộ. Khi đó mới tính chuyện phát triển bền vững vùng chuyên canh cây tỏi. Một khi chưa làm được điều này thì chưa thể cùng chung tay đánh bật tỏi ngoại lai, bởi đó là điều kiện cần cho một sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường” - bà Thủy nói.

Theo lời khẳng định của lãnh đạo Sở Khoa học - công nghệ Khánh Hòa, chậm nhất đến năm 2018 tỏi Khánh Hòa sẽ có thương hiệu. Hiện sở này đang phối hợp với chính quyền các huyện trồng tỏi và Sở NN&PTNT làm thương hiệu cho tỏi Khánh Hòa.

Bà Trịnh Thị Thùy Linh, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa, rất tự tin rằng có thương hiệu thì tỏi Khánh Hòa sẽ “xông” ra thế giới bởi tỏi Khánh Hòa được Viện Dược liệu (Bộ Y tế) kiểm tra xét nghiệm phân tích ba chỉ tiêu là tinh dầu, alicin, axit piruvic cho kết quả tốt.

“Các chuyên gia của viện khẳng định tỏi Khánh Hòa tốt thứ ba thế giới. Nhiều doanh nghiệp nghe thông tin này đã đến tìm hiểu lấy mẫu phân tích này để đi chào hàng và thu mua tỏi Khánh Hòa bán. Tôi kỳ vọng cây tỏi khi được chứng nhận thương hiệu sẽ bán rất chạy” - bà Linh nói.

Tập trung bài trừ tỏi ngoại lai

Tỏi Trung Quốc và Thái Lan đang âm thầm chiếm một phần thị trường, dù trong nước có rất nhiều địa phương sản xuất tỏi như Hà Nội, Hải Dương, Phan Rang, Khánh Hòa, Lý Sơn.

Cần có thương hiệu cho tỏi Khánh Hòa và tất cả các loại tỏi ở Việt Nam chiếm lại thị trường trong nước thay vì cãi nhau và để tỏi Trung Quốc, Thái Lan tràn vào chiếm thị phần như hiện nay”.

Ông Nguyễn Văn Định, phó chủ tịch Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn, cho rằng tỏi Việt Nam rất đa dạng về chất lượng và mẫu hình.

Những loại tỏi có hình dáng to như Hải Dương, Hà Nội, Bắc Giang... có thể đánh bật tỏi Trung Quốc vì có cùng lợi thế to, dễ lột và sử dụng trong xào nấu, khử dầu...

Trong khi đó, những loại tỏi Lý Sơn, Khánh Hòa, Phan Rang với chất lượng cao và đang được nhiều đối tác ngoài nước liên hệ, hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu.

“Cạnh tranh trên bàn ăn của người Việt, tỏi trong nước sẽ thắng tỏi ngoại lai nếu có một tổ chức đứng ra làm đầu mối cung ứng.

Tại sao không chuyển tỏi ở các tỉnh phía Bắc vào phía Nam và ngược lại. Khi đó người tiêu dùng có nhiều lựa chọn thay vì mua tỏi Trung Quốc như hiện nay. Tỏi chất lượng sẽ vào bàn ăn, tỏi củ to sẽ vào nhà bếp. Khi đó tỏi ngoại lai sẽ hết đất sống” - ông Định nói.

Năng suất 8 tấn/ha

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, trung bình mỗi hecta trồng tỏi cho năng suất 8 tấn.

Tổng năng suất tỏi Khánh Hòa là 10.000 tấn tỏi tươi và gần 4.550 tấn tỏi khô/năm, cao gấp ba lần so với tỏi được trồng ở Lý Sơn.

Sản lượng tỏi của tỉnh Khánh Hòa hiện tại cũng cao nhất so với các địa phương trồng tỏi như Bắc Giang, Hải Hưng, Hà Nội, Ninh Thuận, Quảng Ngãi.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên