23/11/2016 08:31 GMT+7

Chiếc tàu sân bay kỳ lạ - Kỳ cuối: “Vấn nạn” của tàu Đô đốc Kuznetsov

HỮU NGHỊ
HỮU NGHỊ

TTO - Cuộc “tái xuất giang hồ” của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov năm 2016 này đã diễn ra không suôn sẻ...

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov (nhìn từ phía sau) di chuyển với cột khói ngút trời - Nguồn: Daily Mail
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov (nhìn từ phía sau) di chuyển với cột khói ngút trời - Nguồn: Daily Mail

Ngày 15-10-2016, chiếc Đô đốc Kuznetsov rời vịnh Kola trực chỉ Địa Trung Hải. Vịnh Kola nằm trên biển Barents với các cảng Murmansk và Severomorsk bên bờ đông, cảng Polyarny bên bờ tây.

Cảng sau cùng này là căn cứ chính của hạm đội biển Bắc của hải quân Nga. Mùa đông ở đây khắc nghiệt với băng giá che phủ phần phía nam của vịnh Kola. Ví von mà nói, hành trình đến Syria của chiếc Đô đốc Kuznetsov không khác gì một chuyến đi tránh đông.

Hôm thứ sáu vừa qua, Đô đốc Kuznetsov đi qua eo biển với những đám mây khói đen cuồn cuộn đánh dấu từng bước của nó

Nhật báo Anh The Telegraph 22-10-2016

Tham gia chống khủng bố

Cuối tháng 12 năm ngoái, một sắc lệnh của Tổng thống Putin đã phân công cảng này làm căn cứ trong chuỗi căn cứ phục vụ các chiến dịch chống khủng bố gồm các cảng đóng tại các thành phố Kaspiysk, Petropavlovsk-Kamchatsky, Simferopol, Yuzhno-Sakhalinsk và Murmansk (vịnh Kola).

Theo RT, các cảng này là cảng trong những khu vực duyên hải then chốt như bán đảo Crimea, Bắc Băng Dương và Viễn Đông.

Nhìn lên bản đồ sẽ thấy Murmansk cùng vịnh Kola trên biển Barents nằm ở vòng cung Bắc cực; Petropavlovsk-Kamchatsky nằm ở bán đảo Kamchatka Peninsula, thông ra biển Bering và Okhotsk; Simferopol nằm trong bán đảo Crimea trên biển Đen; còn Yuzhno-Sakhalinsk thì nằm tại đảo Sakhalin ở Thái Bình Dương, đối diện lãnh hải của Nhật.

Nhìn lên bản đồ sẽ “bất ngờ” trước quyết định “thiết lập các tổng hành dinh chống khủng bố” ở các địa điểm ấy: chẳng lẽ nạn khủng bố quốc tế nay đã di chuyển lên tận Bắc Băng Dương (và Bắc cực) hay sao?

Bán đảo Crimea nay cũng bị khủng bố quốc tế uy hiếp hay sao? Ven bờ Thái Bình Dương hướng qua Nhật nay cũng đầy khủng bố sao?

Câu trả lời nằm ngay trong chính bài báo của RT 26-12-2015: “Các tổng hành dinh này sẽ phụ trách việc lên kế hoạch hành quân chống khủng bố tại các khu vục biển khác, mà ở đó Nga đang thực thi chủ quyền hoặc tàu mang cờ Nga hoạt động”.

Có biết chi tiết này sẽ hiểu tại sao tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov cùng hải đội tùy tùng khởi hành từ khu vực Murmansk để xuống đến tận Syria “chống khủng bố”.

Một chi tiết khác còn cho thấy sao lại gọi đây là một hoạt động chống khủng bố, trong ý nghĩa của một cuộc chiến trong bóng tối do các cơ quan tình báo cầm trịch: “Quyết định này mang tính chất bó buộc đối với mọi cơ quan nhà nước liên quan” và “được lãnh đạo bởi bộ tư lệnh biên phòng thuộc Tổng cục An ninh liên bang (FSB) ở các khu vực liên quan”.

Nga dàn trải lực lượng bốn bề, lấy các căn cứ trên làm “giàn phóng” để bảo vệ lợi ích của Nga dưới danh nghĩa chống khủng bố.

Như đang làm ở Syria, theo lời yêu cầu của chính quyền Assad của nước này. Và tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov là một phần trong lực lượng chống khủng bố đó.

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov được lai dắt bởi tàu kéo - Nguồn: YouTube
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov được lai dắt bởi tàu kéo - Nguồn: YouTube

Uy lực thực?

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov chở theo từ 6-8 chiếc Su-33, bốn chiếc Mig-29KR/KUBR đa nhiệm cùng một số trực thăng Ka-52K “Katran”, Ka-31R “Helix” và Ka-27PS “Helix-D”. Nói cho ngay, số máy bay chiến đấu mang theo chừng đó là hơi ít so với các tàu sân bay đối thủ của Mỹ, Pháp...

Bù lại, Đô đốc Kuznetsov lại đích thực là “tuần dương hạm chở máy bay” với lượng tên lửa diệt hạm hùng hậu P-700 Granit (NATO định danh là SS-N 19) và tên lửa phòng không 3K95 Kinzhal (Gauntlet) tua tủa hai bên thân tàu.

Các tên lửa P-300 Granit được xem là những con “khủng long” khi mỗi tên lửa nặng đến 15.500 cân Anh, ngang trọng lượng của chiến đấu cơ F-5E Tiger trong chiến tranh Việt Nam, chở theo đầu đạn nặng đến 1.600 cân Anh, đầu đạn thông thường/và hạt nhân.

Chính việc thiết kế nhiệm vụ kép này, vừa là tàu sân bay vừa là tàu tên lửa, khiến con tàu này cứ “nửa nạc, nửa mỡ”.

Chuyên gia Nga Alexander Mozgovoi nhận xét máy bay không phải là một vũ khí hiệu quả của con tàu này.

Do lẽ thiếu thiết bị cất cánh tân thời, tỉ như đàn phóng chạy bằng điện hay hơi nước thay vì boong tàu “trượt tuyết”, nên thất thế hoàn toàn so với tàu sân bay Mỹ: tàu của Mỹ phóng lên được ba máy bay trong một phút, trong khi tàu của Nga chỉ phóng được một chiếc.

Trong tác chiến tàu sân bay, tốc độ phóng đi và thu hồi máy bay mang tính quyết định và đó chính là điểm yếu của Đô đốc Kuznetsov.

Đô đốc Kuznetsov trực chỉ Địa Trung Hải với sự hộ tống của bảy chiến hạm khác, trong đó có tuần dương hạm năng lượng hạt nhân Pyotr Velikiy, hai khu trục hạm lớp Udaloy... và theo báo chí Anh, một tàu kéo phòng khi chiếc Đô đốc Kuznetsov hỏng máy.

Đã có những bức ảnh chụp tàu kéo đang lai dắt chiếc tàu sân bay cùng bao lời chế giễu, tuy rằng độ chính xác của các bức ảnh này còn tranh cãi.

Song, quả thật là trong đội tàu đi theo chiếc Đô đốc Kuznetsov có cả một chiếc tàu kéo mới tinh tên là Nicolay Muru, và lảng vảng trong khu vực một chiếc tàu kéo thứ nhì tên là Nicolay Chiker.

Cùng với tàu chứa nhiên liệu Ivan Bubnov, hai chiếc tàu kéo tháp tùng này khiến có tác giả nhận xét: Một tàu sân bay theo sau bởi tàu chở dầu và hai tàu kéo: quả là hải đội được tung hô này khó mà làm ai sợ cho dù có “nổ như pháo” các vụ không kích.

Tờ Sputnik (của Nga) còn trách móc: “Đâu cần đến con tàu được thúc đẩy bởi những tuôcbin tệ lậu đó để nước Nga tìm ra được một chỗ mà chọc giận NATO”.

Tờ báo này còn mỉa mai thêm: “Nay còn cái vụ một trong bốn chiếc Mig chở theo tự mình rơi xuống nước quả là một màn quảng cáo kỳ lạ!”.

Có thể thấy vấn nạn của chiếc tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov là động cơ. Nhật báo Anh The Telegraph 22-10-2016 tường thuật cảnh con tàu này qua biển Manche: “Ở hơi khói khi đi qua eo biển, tàu sân bay Nga rất không đáng tin cậy khi kèm theo tàu kéo của riêng mình...

Đã có những sự cố lặp đi lặp lại với hệ thống động cơ của nó. Hôm thứ sáu vừa qua, Đô đốc Kuznetsov đi qua eo biển với những đám mây khói đen cuồn cuộn đánh dấu từng bước của nó”.

“Chị em song sinh” của tàu Liêu Ninh

Éo le thay là các vấn nạn của Đô đốc Kuznetsov lại không xảy ra cho tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, vốn là “chị em song sinh” mà Trung Quốc đã mua với giá sắt vụn rồi về tu sửa, trang bị lại.

Trung Quốc không quan tâm đến việc duy trì nhiệm vụ tác chiến bằng tên lửa như thiết kế ban đầu của tàu Liêu Ninh, mà tập trung cho mục tiêu biến thành tàu sân bay đích thực, tất nhiên trong điều kiện thiết kế boong tàu cất cánh kiểu “trượt tuyết”, tập trung giải quyết bài toán cất cánh, hạ cánh với dòng máy bay J-15 sao chép dòng Su-33 của Nga.

Giải quyết luôn vấn đề động cơ. Và mỉa mai thay là chính vào lúc Đô đốc Kuznetsov còn bàng hoàng sau vụ chiếc Mig-29K bị rơi, thì Trung Quốc loan báo chiếc Liêu Ninh đã sẵn sàng chiến đấu!

HỮU NGHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên