22/09/2016 10:28 GMT+7

Campuchia - Sàn đấu hai Đảng: Những món quà hậu hĩnh

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TTO - Một chuyến đi ngắn bằng xe hơi xuyên qua Phnom Penh cho thấy rất nhiều apphich viết bằng tiếng Hoa quảng cáo việc xây dựng mọi thứ từ căn hộ cao cấp, các con đường không ổ gà tới bệnh viện chữa ung thư.

Những thành viên bảo vệ môi trường của Campuchia biểu tình ôn hòa trước đại sứ quán Trung Quốc ở Bangkok (Thái Lan) yêu cầu ngừng xây dựng thủy điện trên sông Mekong ở Campuchia - Ảnh: Reuters
Những thành viên bảo vệ môi trường của Campuchia biểu tình ôn hòa trước đại sứ quán Trung Quốc ở Bangkok (Thái Lan) yêu cầu ngừng xây dựng thủy điện trên sông Mekong ở Campuchia - Ảnh: Reuters

Nhà báo David Hutt tại Campuchia đã mô tả như thế trong bài báo vào đầu tháng 9 này để cho thấy sự áp đảo về đầu tư của Trung Quốc tại Campuchia hiện nay.

Thật thú vị khi có thể xem trong trung và dài hạn, Campuchia sẽ phải trả giá thế nào hoặc cảm nhận thế nào về mối liên minh với Trung Quốc

BILLY CHIA LUNG TAI  (học giả của Đài Loan, nhà phân tích độc lập)

Những khoản viện trợ hào phóng

Những con số thống kê công khai đã nói lên điều đó. Giới lãnh đạo chính trị của Campuchia hiện nay cũng không ngớt lời ngợi ca sự hỗ trợ từ Bắc Kinh. Trong cuộc gặp bà Bố Kiến Quốc, đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh đến chào từ biệt vào ngày 3-8 vừa qua, Phó thủ tướng Campuchia Hor Namhong khẳng định sự phát triển của Campuchia “không thể bị tách rời” khỏi viện trợ của Trung Quốc.

Còn thư ký Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, ông Phay Siphan, khẳng định: “Nhắc đến tiền, Trung Quốc là số 1. Quyền lực của Trung Quốc ngày càng lớn... chúng tôi chọn Trung Quốc là vì các khoản đầu tư của họ không kèm theo các điều kiện”.

Có thể thấy các lãnh đạo chính trị Campuchia đang nhìn một cách thiện cảm với những đồng vốn đầu tư và tiền viện trợ hào phóng đến từ phương Bắc. Liệu những khoản viện trợ đó có thực sự chỉ là chuyện “tình thương mến thương”?

Tháng 7 vừa qua, Hãng tin AP của Mỹ đã gây chấn động với thông tin cho rằng Bắc Kinh đã viện trợ 600 triệu USD cho Phnom Penh để đổi lấy sự ủng hộ trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Vụ việc lan tỏa trên nhiều phương tiện truyền thông quốc tế khiến người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng, ngay sau đó phải lên tiếng giải thích cho rõ rằng tiền viện trợ của Bắc Kinh chỉ nhằm giúp cơ sở hạ tầng, giáo dục và sức khỏe hữu ích cho người dân Campuchia.

Trong khi đó, bản tin AP ngày 15-7 dẫn ra những ngôn từ rất ư hữu hảo của ông Hun Sen khi đề cập về khoản viện trợ của Trung Quốc. Bản tin cho biết sau cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị cấp cao Á - Âu lần 11 (ASEM 11) tổ chức ở Mông Cổ giữa tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Hun Sen đã ra thông cáo nêu rõ: “Thể theo yêu cầu của tôi, những người bạn Trung Quốc đã đồng ý cấp viện trợ hỗ trợ cho công tác tổ chức bầu cử, chương trình chăm sóc sức khỏe, giáo dục và hệ thống nước sạch”.

Tiếp đó, theo Đài VOA ngày 29-7, thư ký Hội đồng Bộ trưởng Phay Siphan cho rằng Campuchia là một nước nghèo và có quyền tiếp nhận sự hào phóng từ Trung Quốc. Thậm chí trước đó, trong buổi thảo luận tại Viện Goethe ở Phnom Penh, ông Siphan còn phát biểu đầy ấn tượng là “không có đồng tiền nào là bẩn cả”.

Nhưng lập luận “vì nhân dân Campuchia” đã bị nhà phân tích chính trị ở Phnom Penh, ông Ou Virak, phản bác trên báo Cambodia Daily ngày 3-8. Ông phát biểu: “Tôi nghĩ rằng có một chút không công bằng khi gắn Trung Quốc với sự phát triển ở Campuchia. Phần lớn sự phát triển đó là do người dân Campuchia làm được. Chẳng có gì dính dáng đến chính quyền Trung Quốc hay Campuchia”.

Trung Quốc thực sự đã gia tăng các khoản viện trợ cho Campuchia nhiều nhất trong khối các nước Đông Nam Á. Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa dành cho Campuchia các khoản viện trợ và cho vay dao động 500-700 triệu USD mỗi năm. Đây là con số khá lớn nếu so với mức 92 triệu USD vào năm 2007.

Vì thế cũng có chút đọng lại suy nghĩ khi trong lễ khởi động dự án làm đường ở tỉnh Kompong Speu vào ngày 1-8, bà đại sứ Trung Quốc Bố Kiến Quốc ngợi ca mối quan hệ sâu sắc hiện nay giữa Trung Quốc và Campuchia. Hãng tin Tân Hoa xã còn dẫn lời bà tuyên bố: “Vị thế trung lập và công tâm của Campuchia trong vấn đề Biển Đông đã góp phần quan trọng cho việc bảo vệ mối hợp tác hữu hảo Trung Quốc - ASEAN và góp phần giữ vững hòa bình và ổn định cho khu vực”.

Trung Quốc chẳng hề né tránh việc nhắc nhở sứ mệnh chính trị trong một sự kiện viện trợ vì nhân dân!

Đồng tiền đi trước

Báo Financial Times hôm 7-9 có đăng bài điều tra của nhóm tác giả James Kynge, Leila Haddou và Michael Peel về việc Trung Quốc đã tìm cách mua chuộc Campuchia thông qua các khoản biếu tặng và đầu tư rất lớn.

Các nhà báo đã đề cập đến cái tên nổi nhất trong cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc đang làm ăn tại Campuchia: “đại ca Fu”. “Đại ca Fu” có tên đầy đủ là Fu Xianting (Phó Hiền Đình), một cựu sĩ quan quân đội của Trung Quốc. Kênh truyền hình Phượng Hoàng của Hong Kong bình luận: “Nói về tiền thì Phó Hiền Đình có lẽ là thương nhân Trung Quốc có ảnh hưởng nhất ở Campuchia”.

Những năm đầu thập niên 1990, ông Phó đã tổ chức thành công Hội chợ triển lãm cơ giới nông nghiệp Trung Quốc ở Campuchia và bắt đầu gây ảnh hưởng ở quốc gia Đông Nam Á này. Tướng mạo thấp đậm, chất giọng ồm ồm, ông Phó, 67 tuổi, có quan hệ rất tốt với chính giới cấp cao của Campuchia. Rất ít nhà đầu tư nước ngoài nào ở Campuchia có được những mối quan hệ giá trị như của ông Phó.

Thật ra chính báo chí Campuchia nhiều năm trước đã đề cập đến kiểu làm ăn nhờ “quan hệ giỏi giang với chính quyền” của ông Phó cùng sự lớn mạnh nhanh chóng của các công ty, tập đoàn do ông gầy dựng hoặc móc nối làm ăn.

Từ tháng 3-2014, báo The Phnom Penh Post đã đề cập đến “món quà” 220 xe máy phân khối lớn của ông Phó dành cho lực lượng cận vệ của Thủ tướng Hun Sen mấy năm trước đó. Thậm chí hồi tháng 10-2009, đích thân Thủ tướng Hun Sen đã viết thư chúc mừng ông Phó “thành công mỹ mãn” trong dự án phát triển khu vực bờ biển rộng 33km2 có thời hạn 99 năm, mặc dù một phần diện tích thuộc dự án này nằm trong phần đất bảo tồn của công viên quốc gia.

Không chỉ thế, Thủ tướng Hun Sen còn thành lập hội đồng đặc biệt với các đại diện đến từ bảy bộ để hỗ trợ công tác thực hiện dự án. Trong bức thư, Thủ tướng Hun Sen viết: “Tôi bày tỏ lời cảm ơn của cá nhân tôi và sự ủng hộ của tôi đối với công ty của ngài về việc thực hiện dự án du lịch này”.

Trên thực tế, Unite Group của “đại ca Phó” đã hình thành một “liên minh thương mại - quân sự” với lực lượng cảnh vệ của Thủ tướng Hun Sen từ tháng 4-2010. Đây quả là một ưu ái đặc biệt đối với một công ty nước ngoài đang hoạt động ở Campuchia. Tại buổi lễ ra mắt liên minh, trung tướng Hing Bun Heang, tư lệnh Cục Cảnh vệ của Thủ tướng Hun Sen, đã không tiếc lời ca ngợi “đại ca Phó”.

Trung tướng Hing Bun Heang được dẫn lời trên một chương trình lồng tiếng Trung Quốc: “Ngài Phó là người anh em của chúng ta trong rất nhiều năm, người đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của Campuchia. Công việc kinh doanh của ngài Phó cũng là công việc kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tạo ra hành lang an toàn cho tất cả các hoạt động của ông”.

Thủ tướng Hun Sen tức giận thấy rõ khi khẳng định cáo buộc cho rằng chính phủ của ông đã bị Trung Quốc “mua chuộc” là “không công bằng đối với Campuchia”, và nói thêm rằng: “Tôi sẽ không cho phép bất cứ ai xúc phạm quốc gia Khmer. Tôi không ủng hộ bất kỳ nước nào”.

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên