21/09/2016 09:43 GMT+7

Campuchia - Sàn đấu hai đảng: Cuộc so găng Mỹ - Trung

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TTO - Trong bài viết trên tạp chí The Diplomat đầu tháng 9 này, tác giả David Hutt, cây bút đang hoạt động tại Phnom Penh, cho rằng mối quan hệ của Campuchia với các cường quốc xoay chuyển nhiều thập niên qua tùy theo bối cảnh lịch sử cùng biến động chính trị của nước này.

*** Error ***
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một sự kiện ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Mối quan hệ 60 năm

Năm 1958, tức năm năm sau khi Campuchia giành được độc lập, Quốc vương Norodom Sihanouk đã chính thức thiết lập quan hệ với nước CHND Trung Hoa. Viện trợ bắt đầu chảy vào Campuchia, được Sihanouk sử dụng để đảm bảo sự trung lập của đất nước ông giữa Mỹ và Liên Xô.

Tuy nhiên, sau khi từ bỏ viện trợ của Mỹ năm 1963, Quốc vương Sihanouk đã trở nên gần gũi với Trung Quốc nhiều hơn. Đối với Trung Quốc, Campuchia đem lại một căn cứ ổn định để mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Đông Nam Á.

Đương nhiên, vị thế địa chính trị chắc chắn có vị trí nổi bật trong mối quan hệ này, nhưng cũng phải kể đến những tình bạn cá nhân.

Ông Julio A. Jeldres, cựu thư ký riêng của Quốc vương Norodom Sihanouk, từng có bài viết đăng năm 2012 kể về mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà lãnh đạo Campuchia và thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Ân Lai, vốn bắt đầu sau cuộc gặp đầu tiên của họ năm 1955.

Ông Jeldres viết: “Quốc vương Sihanouk đã rất ấn tượng trước tác phong lịch sự của Chu Ân Lai, điều khiến ông cảm thấy một Campuchia nhỏ bé đang đứng ngang hàng với “Trung Quốc vĩ đại”, và rằng ông và Chu Ân Lai có vị thế ngang nhau”.

Tầm quan trọng của cộng đồng người Trung Quốc sinh sống và làm ăn tại Campuchia cũng không nên bỏ qua. Vào năm 1967, William E. Willmott từng nhận định trong cuốn sách của ông có tựa đề Người Trung Quốc tại Campuchia như sau: “Quan hệ giữa cộng đồng chiếm đa số và cộng đồng người Trung Quốc tại Campuchia có lẽ tốt hơn so với ở bất cứ quốc gia nào khác tại Đông Nam Á”.

Theo David Hutt, sự nổi lên của Khmer Đỏ sau đó đã đem lại nhiều rắc rối. Do Trung Quốc ủng hộ Khmer Đỏ, Quốc vương Sihanouk ban đầu cắt đứt quan hệ với nước này. Nhưng quan hệ lại được phục hồi khi Sihanouk trở thành gương mặt công chúng của Khmer Đỏ từ nhà của ông tại Bắc Kinh sau một cuộc đảo chính chống lại ông năm 1970.

Khi chế độ Pol Pot sụp đổ vào năm 1979, Campuchia cũng không thể thoát khỏi sự kình địch Chiến tranh lạnh. Mỹ và Trung Quốc, lúc đó bắt tay với nhau, phản đối chính phủ do Hun Sen lãnh đạo.

Hai cường quốc này lên tiếng ủng hộ Liên minh chính phủ Campuchia dân chủ, một “chính phủ lưu vong” bao gồm các đối tác bình thường không hòa hợp với nhau: Khmer Đỏ, Đảng bảo hoàng Funcinpec và Mặt trận giải phóng dân tộc nhân dân Khmer.

Nhưng khi đó, Trung Quốc lại muốn một chính phủ do người bạn cũ Sihanouk lãnh đạo. ASEAN (trong năm 1985 bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) lại đoàn kết với Mỹ.

Kế đến, Liên Hiệp Quốc nhảy vào cuộc giám sát sự thay đổi của Campuchia chuyển sang một nền dân chủ, với cuộc bầu cử dân chủ. Tuy nhiên, ông Hun Sen đã lớn tiếng phản đối cuộc bầu cử năm 1993, khi Funcinpec và nhà lãnh đạo của đảng này, hoàng tử Norodom Ranariddh, giành chiến thắng, còn Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Hun Sen đứng vị trí thứ hai.

Một dàn xếp đã được thực hiện để cả Hun Sen và Ranariddh đảm nhiệm chức thủ tướng, với CPP và Funcinpec chia sẻ quyền lực trong chính phủ. Đây hoàn toàn không phải là lựa chọn tốt nhất, và như nhà ngoại giao Mỹ Timothy Carney nhận định: “Tất cả mọi người về cơ bản đều mệt mỏi với toàn bộ sự việc và muốn tạo ra một giải pháp mà người dân Campuchia có thể chấp nhận”.

Bước ngoặt 1996

Giai đoạn bước ngoặt trong quan hệ mới giữa Trung Quốc và Campuchia diễn ra vào năm 1996 và 1997. Vào ngày 18-7-1996, ông Hun Sen được mời tới thăm chính thức Bắc Kinh. Trung Quốc đã cử một máy bay tới đón ông và điều này gây ấn tượng với thủ tướng Campuchia.

Trước khi lên máy bay, ông Hun Sen tuyên bố rằng chuyến thăm sẽ chấm dứt “sự nghi ngờ của quá khứ”. Trong năm ngày tiếp theo, ông gặp chủ tịch Giang Trạch Dân và thủ tướng Lý Bằng, ký kết một thỏa thuận mới về thương mại và đầu tư, thiết lập một hiệp định cho phép thành viên CPP và Đảng Cộng sản Trung Quốc giao lưu.

“Không có viện trợ của Trung Quốc, chúng tôi sẽ chẳng đi tới đâu

Phay Siphan (người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia)

Nhưng điều quan trọng nhất là Trung Quốc đã không mời các quan chức của Funcinpec tham gia đoàn đại biểu của Chính phủ hoàng gia Campuchia. Hành động làm mất mặt này được cho là có tính toán vì tương lai. Bắc Kinh đã suy luận rằng ông Hun Sen sẽ là nhân vật nước này có thể hợp tác làm ăn tại Campuchia.

Sau chuyến thăm tới Trung Quốc, vào tháng 7-1997 ông Hun Sen đã khởi động một cuộc đấu tranh quyền lực chống lại Funcinpec, đẩy các chính trị gia của đảng này khỏi chính phủ đang phải chia sẻ quyền lực.

Các nhà bảo trợ phương Tây chấm dứt mọi viện trợ, trừ viện trợ nhân đạo và chỉ trích sự tiếm quyền của Đảng CPP. Trung Quốc nhân đó đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội, tiếp tục mối quan hệ bất chấp sự kiện này, bổ sung sự thiếu hụt tài chính của Campuchia bằng viện trợ của mình.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia, nhưng trong những năm qua Trung Quốc đã đảm nhận vai trò nhà cung cấp viện trợ nước ngoài lớn nhất của nước này khi phương Tây bỏ trống mặt trận.

Trong bài viết “Các lợi ích chiến lược của Trung Quốc tại Campuchia: Ảnh hưởng và tài nguyên”, Sigfrido Burgos và Sophal Ear (phó giáo sư ngành ngoại giao và các vấn đề thế giới tại Trường cao đẳng Occidental, Mỹ) đã viết: “[Trong khi] các tập đoàn nhà nước khổng lồ của Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỉ USD vào các con đập, mỏ dầu, đường cao tốc, nhà máy dệt và mỏ, chính các công ty gia đình ít người biết đã thống trị toàn cảnh đầu tư của Campuchia”.

Theo báo South China Morning Post ngày 7-8, số tiền Trung Quốc đầu tư vào Campuchia trong hai thập niên qua khoảng 15 tỉ USD. Đó chỉ là những con số chính thức.

Có thể thấy Trung Quốc đã dùng tiền đầu tư thành công theo cách mà nhà phân tích chính trị Keith Loveard, thuộc Công ty cố vấn Concord trụ sở tại Jakarta (Indonesia), nhận định: “Trung Quốc có thể dùng nguồn tiền đầu tư để làm suy yếu ASEAN. Bắc Kinh vẫn nghĩ rằng các nước khác trong khu vực (một khi chịu ảnh hưởng đồng tiền của Trung Quốc) sẽ không có quyền phản đối”.

Một hố ngăn cách cũng tồn tại trong lập trường của Mỹ về Campuchia: chính quyền Obama (giống như các chính quyền Mỹ trước đây) đã dao động giữa chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa lý tưởng, một bộ đôi không cân xứng mà hiếm khi có hiệu quả.

Khi Tổng thống Barack Obama tới thăm Phnom Penh vào tháng 11-2012, các chính trị gia Mỹ đã thúc giục ông công khai đề cập tới các vụ vi phạm nhân quyền khi gặp Hun Sen. Obama nói rằng ông đã làm điều này, tuy nhiên thông qua một cuộc gặp tương đối ngắn ngủi với thủ tướng Campuchia.

Theo tác giả David Hutt, có vẻ Mỹ thích một Campuchia ổn định hơn là một Campuchia dân chủ - một tâm lý tương tự đã được thể hiện vào đầu những năm 1990. Hoặc một giả thuyết khác là Mỹ phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Campuchia sau những vụ bị cho là đàn áp chính trị đối lập để không đẩy Campuchia về phía Trung Quốc nhiều hơn.

Không quá khó để nhận ra những điều đó và để khai thác nó.

>> Kỳ tới: Những món quà hậu hĩnh

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên