27/08/2016 00:10 GMT+7

TP.HCM sẽ là một Thượng Hải khác?

KTS NGUYỄN HỮU THÁI
KTS NGUYỄN HỮU THÁI

TTO - Cũng giống như Jakarta, Manila, Bangkok, Kuala Lumpur... ở Đông Nam Á, TP.HCM đang thật sự đối mặt với các vấn đề kinh tế - xã hội lẫn quản lý, chính sách mang đặc điểm “Vùng đại đô thị” có quy mô 10 - 20 triệu dân đang xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp thế giới ngày nay.

TP.HCM đang lớn lên từng ngày - Ảnh: HỮU KHOA
TP.HCM đang lớn lên từng ngày - Ảnh: HỮU KHOA

Bùng nổ và đối mặt

Sau thời mở cửa, kể từ năm 1990 Sài Gòn lại kinh qua một sự “bùng nổ đô thị” lần thứ hai (sau bùng nổ thứ nhất thời Mỹ), đã có tác động tích cực đưa thành phố vào hàng các đô thị năng động và đông dân ở Đông Nam Á.

20 năm gần đây, nhiều công trình đô thị quy mô lớn như Nam Sài Gòn, các cao ốc khu trung tâm, công cuộc giải tỏa rạch Thị Nghè, đại lộ Đông Tây, các đường cao tốc tỏa đi Đà Lạt, ra Long Thành, xuống Mỹ Tho, các cây cầu vượt sông Sài Gòn, hệ thống xe điện ngầm và cáp treo, các Khu công nghiệp Tân Tạo, Khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia, dự án Thủ Thiêm, ga hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, rồi ga quốc tế Long Thành quy mô lớn... đã xuất hiện rõ ràng đang và sẽ làm thay đổi bộ mặt thành phố thời mở cửa và hội nhập thế giới.

Nam Sài Gòn là giải pháp đô thị nhằm tạo ra một khu đô thị mới bên cạnh các quận trung tâm, đưa thành phố tiến ra biển và nối kết với đồng bằng sông Cửu Long. TP.HCM đã chọn các phương án đề xuất của nhiều công ty tư vấn quy hoạch đô thị quốc tế như Sasaki, Nikken Sekkei, Deso nhằm xây dựng trung tâm TP.HCM mở rộng.

Đặc biệt là bán đảo Thủ Thiêm nếu hình thành sẽ là công trình mang “dấu ấn thế kỷ”, hi vọng là một Phố Đông hiện đại và năng động kiểu Thượng Hải.

Ngày nay, cơ thể của TP.HCM và các thành phố xung quanh đang lớn lên từng ngày, đòi hỏi chiếc áo phải được thiết kế lại và may mới, cứ tiếp tục nới ra hay vá đắp thêm không còn phù hợp nữa.

Nếu làm được như thế, vùng đại đô thị, lõi trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là TP.HCM sẽ phát huy được nhiều hơn nữa vai trò là đầu tàu trong tiến trình phát triển của Nam bộ và cả nước. Còn nếu cứ giữ nguyên như hiện nay (quy mô, cách thức quản lý), nhất định sẽ gặp nhiều khó khăn trong những năm tới.

Mỗi khu vực có thể lựa chọn cho mình mô hình vùng đại đô thị khác nhau, nhưng quan trọng nhất là phải tìm mọi cách phá thế đơn độc để hòa nhập vào không gian kinh tế, văn hóa - xã hội rộng lớn hơn, vượt ra khỏi biên giới hành chính hiện hữu.

Việc chuyển sang vùng đại đô thị sẽ giải quyết được một cách căn bản những vấn nạn bên trong mỗi đô thị lớn như tắc nghẽn giao thông, quá tải dân số, ô nhiễm môi trường và chủ động điều phối được những quan hệ giữa các đô thị trong toàn vùng về thị trường lao động, hàng hóa, vốn và các nguồn lực từ bên ngoài.

Thượng Hải ngày nay - Ảnh: CHÂU ANH
Thượng Hải ngày nay - Ảnh: CHÂU ANH

Học hỏi được gì từ Thượng Hải?

Hiện nay, mọi người đang râm ran bàn thảo về hướng phát triển tương lai của TP.HCM sẽ là một Thượng Hải mới. Có cơ sở nào để xác định điều đó? Ta có rút ra được các bài học kinh nghiệm nào về hướng phát triển này?

Hiện nay Thượng Hải chẳng những là một siêu đô thị mà đã là một vùng đại đô thị cực lớn quy mô 20 triệu dân, đầu tàu phát triển của Trung Quốc. Sự phát triển nhanh chóng của Thượng Hải từ thập niên 1980 của thế kỷ 20 cho đến nay đã giành lại vị thế hàng đầu của mình, sánh vai với các thành phố lớn trong khu vực như Hong Kong và Singapore.

Điều này chắc chắn đem lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho TP.HCM, do điều kiện phát triển của Thượng Hải có nhiều điểm tương đồng, không những về các mặt địa - chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, mà cả về cơ chế quản lý đang thay đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường.

Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo TP.HCM mong muốn thành phố sẽ phát triển vượt bậc, giành lại vị thế hàng đầu khu vực như Thượng Hải, các kinh nghiệm bảo tồn và phát triển tại Thượng Hải nên được tham khảo tỉ mỉ và áp dụng có chọn lọc cho việc bảo tồn và phát triển TP.HCM, đặc biệt là ở khu trung tâm hai bờ Đông - Tây (Thủ Thiêm và Q.1) của thành phố.

Trọng tâm ta nên chú ý đến các vấn đề chiến lược phát triển và quản lý đô thị, thiết kế đô thị, thiết kế kiến trúc, bảo tồn di sản và xây dựng bản sắc văn hóa đô thị.

Nhân so sánh Thượng Hải và TP.HCM, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, người từng cùng các chuyên gia Mỹ trong những năm 1990 tham gia chỉnh trang và quy hoạch Thượng Hải, đã nêu ra các suy ngẫm và kinh nghiệm về Thượng Hải như sau:

- Trước hết là tầm nhìn lãnh đạo đã sáng suốt và nhất quán ngay từ đầu, quyết tâm xây dựng Thượng Hải thành chiếc đầu rồng, đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước với câu châm ngôn: “Phục vụ cả nước, đối mặt với thế giới”, đề ra kế hoạch thu hút nhân tài và nguồn lực khắp nơi.

- Nhà nước Trung Quốc đã định hướng và tạo tiền đề, giao quyền tự chủ cho đặc khu Thượng Hải thi đua phát triển thành trung tâm kinh tế - tài chính lớn của vùng Đông Á, vượt qua mặt Hong Kong và Singapore.

- Biến Thượng Hải trở thành nơi đáng sống và làm ăn của cả người trong nước lẫn nước ngoài (Thượng Hải đã thật sự quy tụ được chuyên gia giỏi trong nước và quốc tế về đây), đặc biệt là thu hút vốn công - tư mạnh mẽ, được giao quyền tự chủ quyết định không chờ phép trung ương.

- Dồn sức đào tạo thế hệ tương lai (nay các đại học ở Thượng Hải, học sinh và sinh viên được quốc tế đánh giá vào top đầu thế giới).

- Phân công cụ thể phát triển song song: (1) chỉnh trang Phố Tây cũ cho năng động hơn, chú ý bảo tồn di sản và cây xanh; (2) xây dựng mới Phố Đông theo hướng hiện đại nhất của thế giới, hướng mạnh về tương lai.

- Phối hợp chặt chẽ giữa quy hoạch đô thị và giao thông nhằm tạo các mạng giao thông thủy & metro & buýt, ưu tiên mở các đường huyết mạch đến các thành phố vệ tinh, duy trì vành đai xanh nông nghiệp, phối hợp liên kết vùng khá chặt chẽ.

- Liên tục giữ GDP phát triển hai con số suốt 14 năm.

- Tuy vậy, hiện nay Thượng Hải cũng có mặt trái của chiếc mề đay hào nhoáng: nạn ô nhiễm khá nghiêm trọng và hố sâu ngăn cách giàu - nghèo rõ nét, Phố Đông tuy hiện đại nhưng thiếu sức sống văn hóa, nhàm chán kiểu thành phố quốc tế chung chung.

TP.HCM chỉ có thể trở thành “Hòn ngọc Viễn Đông” tỏa sáng và đáng sống hoặc một vùng đại đô thị kiểu Thượng Hải phát triển hàng đầu châu Á khi rút ra được các bài học và đề ra được định hướng, chiến lược phát triển bền vững phù hợp.

Thành phố khác biệt

“TP.HCM khác hẳn những đô thị khác. Trong sự phát triển của nó không thể không dựa vào những yếu tố chủ đạo như: những khoảng không lãnh thổ rộng lớn, hệ thống kênh rạch, sông và biển, những truyền thống và giá trị văn hóa Nam bộ, quỹ kiến trúc đô thị và kỹ thuật khổng lồ và không thiếu sắc thái riêng, sự tham gia tương đối sớm vào quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa, trình độ quản lý đô thị và nhất là trình độ nổi trội trong công nghệ xây dựng. Không thể không nhắc tới một yếu tố: sức sống, tính năng động, sức vươn lên của cộng đồng xã hội”.Giáo sư Hoàng Đạo Kính

KTS NGUYỄN HỮU THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên