17/07/2016 10:30 GMT+7

Nửa thế kỷ thù hận sắc tộc - Kỳ cuối: Hiệu ứng Ferguson

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TTO - Phải nói rằng từ tháng 8-2014, sau cái chết của Michael Brown, một thanh niên da đen 18 tuổi bị cảnh sát da trắng bắn chết ở thành phố Ferguson thuộc bang Missouri, nhiều thứ đã đổi thay không chỉ ở Ferguson mà còn ở khắp nước Mỹ.

Cô Ieshia Evans đối mặt với cảnh sát chống bạo động ở Baton Rouge, bang Louisiana, ngày 9-7-2016 - Ảnh: Reuters
Cô Ieshia Evans đối mặt với cảnh sát chống bạo động ở Baton Rouge, bang Louisiana, ngày 9-7-2016 - Ảnh: Reuters

 Sự đổi thay đó được người Mỹ đặt tên là “Hiệu ứng Ferguson”.

Cảnh sát bớt bạo lực hơn

Cái chết của Michael Brown đã gây nên những cuộc biểu tình đầy bạo lực suốt nhiều ngày sau đó. Sau sự kiện này, giới nghiên cứu đã nhận thấy sự đổi thay trong cách hành xử của lực lượng cảnh sát.

Cuối tháng 10-2015, ông James Comey, giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), nhìn nhận rằng từ sau cái chết của Michael Brown, cảnh sát Mỹ đã dần có khuynh hướng hành xử ít hung bạo hơn.

Thực tế là nhiều cơ quan cảnh sát ở Mỹ đã cho huấn luyện nhân viên theo cách tiếp cận khác trước, ít hung bạo hơn và một số nơi còn trang bị cho cảnh sát máy quay gắn trên vai hoặc trên mũ để làm bằng chứng khi có chuyện.

Nước Mỹ đang ngồi trên thùng thuốc nổ. Nhìn những gì diễn ra mấy ngày qua, ta dễ thấy nước Mỹ đang ở thời điểm cốt tử trong lịch sử đất nước

CHARLES RAMSEY (cựu cảnh sát trưởng thành phố Philadelphia)

 

Nhưng cũng theo giám đốc Comey, cách điều chỉnh thái độ của cảnh sát lại khiến tỉ lệ tội phạm gia tăng trở lại trong năm 2015 ở khoảng 30 thành phố lớn của Mỹ. Ở Baltimore, nơi từng xảy ra nhiều cuộc bạo động suốt tháng 5-2015 sau cái chết bất thường của thanh niên da đen Freddie Gray trong xe cảnh sát, người ta ghi nhận 215 vụ giết người tính đến ngày 1-9-2015 so với 138 vụ vào cùng kỳ của năm 2014.

Tương tự, ở Washington là 105 vụ giết người (so với 73 trong năm 2014) và ở Saint-Louis là 136 vụ (so với 85). Tuy giám đốc Comey cũng thừa nhận chưa dám khẳng định chắc chắn về giả thuyết của mình qua một vài số liệu như thế bởi hiện tượng trên cũng có thể bị ảnh hưởng từ chính sách trả tự do cho nhiều tù nhân trước đó nhưng phát ngôn của ông đã gây sốc...

Cũng vì phát ngôn này mà có thông tin cho rằng ông Comey đã bị đích thân Tổng thống Barack Obama chỉnh đốn nghiêm khắc.

Việc sử dụng sức mạnh thái quá của cảnh sát Mỹ cũng được cho là do luật dành cho họ nhiều quyền hạn. Theo báo La Presse của Canada, tại một số bang, chỉ cần viên cảnh sát đang thi hành công vụ cảm thấy bị đe dọa là có thể sử dụng biện pháp mạnh.

Trước tòa, nếu chứng minh được tình huống mình cảm thấy bị đe dọa là gần như cảnh sát được minh oan cho việc sử dụng biện pháp mạnh tay. Ngay như tại bang Florida, vào năm 2005, thống đốc Jeb Bush, em trai cựu tổng thống George W. Bush, còn ban hành thêm điều luật “Stand Your Ground” (Đứng nguyên tại chỗ, nếu không tôi bắn) cho phép cá nhân sở hữu súng được quyền nã đạn khi bị đe dọa. Điều luật này càng củng cố thêm sức mạnh cho cảnh sát và được 17 bang ở Mỹ áp dụng.

Phong trào dân quyền mới

“Hiệu ứng Ferguson” cũng được cho là giúp hình thành phong trào mang tên Black Lives Matter (BLM - Mạng sống người da đen cũng đáng kể). Trong vòng chỉ hơn một năm, phong trào do ba phụ nữ da đen khởi xướng này đã gây ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc tranh luận về phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Phong trào này thực tế không có thủ lĩnh xưng danh thật sự.

Vũ khí chính của họ là mạng xã hội. BLM đã gây áp lực buộc các ứng viên bên Đảng Dân chủ phải đề cập đến vấn đề sắc tộc trong kỳ vận động tranh cử sơ bộ vừa qua, không ngại nhảy vào “gây rối” ở các cuộc tập hợp vận động tranh cử của các chính trị gia, như trong lần của bà Hillary Clinton tại Atlanta ngày 30-10-2015.

Ảnh hưởng của BLM lớn mạnh nhanh chóng đến mức Tổng thống Barack Obama phải mời họ lên Washington để lắng nghe họ trình bày về những đường hướng lớn trong việc cải cách thủ tục hình sự...

Với sự xuất hiện của BLM và sự lan tỏa qua mạng xã hội, giờ đây dường như bất kỳ vụ việc nào liên quan giữa cảnh sát sử dụng sức mạnh quá mức đối với một người da đen cũng đều được đưa lên trang nhất của báo chí.

Như vụ ở bang South Carolina hồi cuối tháng 10-2015: một nữ sinh trung học người Mỹ da đen bị lôi xềnh xệch ra khỏi lớp học vì không chịu cất điện thoại di động trong giờ học.

Cảnh viên cảnh sát da trắng xô cô bé xuống đất rồi nắm lấy hai chân cô bé kéo khỏi lớp học đã bị ghi hình và lan truyền nhanh chóng. Kết quả là viên cảnh sát đã bị đuổi việc.

Nhưng điều lớn hơn hết của phong trào BLM là việc tạo ra nhận thức ngày càng tăng trong giới trẻ nghĩ về những bất bình đẳng liên quan sắc tộc, như việc xảy ra tại ĐH Missouri hồi đầu tháng 11-2015.

Một nhóm sinh viên da đen đã lên tiếng đòi hiệu trưởng của trường phải từ chức do sự chậm trễ của ông trong xử lý một số vụ việc dính dáng đến vấn đề sắc tộc xảy ra trong trường. Cuối cùng ông hiệu trưởng da trắng đã phải từ chức.

Sự kiện này như vệt dầu loang đến các trường ĐH khác, như xảy ra tại bang Indiana, Massachusetts hoặc bang New York. Như tại ĐH Princeton, các sinh viên đã đấu tranh đòi nhà trường không để trường quan hệ quốc tế mang tên Woodrow Wilson.

Ông Wilson là hiệu trưởng thứ 13 của trường và từng là tổng thống Mỹ thứ 28 (nhiệm kỳ 1913-1921), ông nổi tiếng thế giới vì chủ nghĩa lý tưởng của mình nhưng ông cũng được biết đến như một người bảo vệ mạnh mẽ cho Ku Klux Klan - một phong trào suy tôn người da trắng.

Phong trào BLM hiện nay đang được xem là đi đầu trong cuộc đấu tranh chống phân biệt đối xử với người da đen ở Mỹ.

Hơn 50 năm sau ngày nhà hoạt động dân quyền - mục sư Martin Luther King Jr. có bài diễn văn nổi tiếng “Tôi có một ước mơ” nói lên khát khao cháy bỏng về một tương lai mà ở đó người da đen và người da trắng được đối xử bình đẳng và chung sống hòa thuận, nạn phân biệt chủng tộc vẫn là một vấn đề nhức nhối trong lòng nước Mỹ.

Vì thế, nước Mỹ cần có những chính sách và hành động quyết liệt để ước mơ của Martin Luther King không chỉ mãi là ước mơ.

Sức mạnh của Ieshia Evans

Trong những ngày biểu tình chống sự lạm dụng bạo lực của cảnh sát Mỹ hồi đầu tháng 7 này, hình ảnh một phụ nữ da đen đối đầu với cảnh sát ở Baton Rouge (bang Louisiana) đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông với tốc độ chóng mặt.

Nó thể hiện ý tưởng hòa bình chống chiến tranh. Tấm ảnh do Hãng tin Reuters chụp hôm 9-7 thể hiện cô Ieshia Evans mong manh và dịu dàng đối đầu hai cảnh sát chống bạo động. Bà mẹ một con 28 tuổi này đã bị cảnh sát bắt đi sau đó. Thông tin cho biết cô được trả tự do sau 24 giờ.

Nữ y tá Ieshia Evans sau đó cho biết cô lần đầu tham gia biểu tình kiểu này vì phẫn nộ với hai vụ liên tiếp người da đen (Alton Sterling và Philando Castile) bị cảnh sát bắn chết nên đã quyết định gửi con ở nhà cho bạn trai chăm sóc để xuống đường.

Cô Natasha Haynes, bạn thân của Evans, kể lại: “Tôi thấy vui sướng khi cô ấy chọn cách thể hiện điều gì đó để chống lại những bất công mà chúng tôi đang chứng kiến hằng ngày tại Mỹ. Cô ấy nói với tôi rằng mong muốn có tương lai tốt đẹp hơn cho cậu con trai 5 tuổi của mình”.

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên