07/07/2016 11:13 GMT+7

Một thế hệ hoang mang

Andy Gowler (một người Anh  sống ở TP.HCM) - NGỌC ĐÔNG chuyển ngữ
Andy Gowler (một người Anh sống ở TP.HCM) - NGỌC ĐÔNG chuyển ngữ

TTO - Sự giảm giá của đồng bảng Anh không phải là điều nhiều người nghĩ tới khi họ đi bỏ phiếu, cũng như nhiều người chắc cũng không ý thức được những lời hứa hay đe dọa từ cả hai phía có thể chỉ là rỗng tuếch...

Người dân Anh xếp hàng dài trước điểm đổi ngoại tệ ở London vì đồng bảng Anh mất giá. Số đông người dân đang thiệt hại vì đồng bảng mất giá mạnh thời gian gần đây- Ảnh: Reuters
Người dân Anh xếp hàng dài trước điểm đổi ngoại tệ ở London vì đồng bảng Anh mất giá. Số đông người dân đang thiệt hại vì đồng bảng mất giá mạnh thời gian gần đây- Ảnh: Reuters

 

“Đây là thời điểm tốt nhất cũng là thời điểm tồi tệ nhất mọi thời đại”. Đại văn hào Anh Charles Dickens viết câu trên trong phần mở đầu của quyển tiểu thuyết A tale of two cities (Chuyện hai thành phố) xuất bản năm 1859, quyển sách mà hơn 150 năm sau lại miêu tả bản chất phức tạp của mối quan hệ giữa nước Anh và lục địa châu Âu, giữa việc người Anh có nhìn nhận mình là người châu Âu hay không hay chỉ là người Anh với cách mà người Anh cư xử với người châu Âu.

Người Pháp có câu “Plus ça change, plus c'est la même chose” tức “Xoay đi xoay lại thì cũng như thế thôi”. Đây là cảm xúc lớn nhất của tôi về quyết định rời khỏi EU của Anh. Người giàu sẽ vượt qua cơn bão và vẫn giàu có, một số có thể còn giàu hơn. Người nghèo trên khắp châu Âu cũng sẽ vẫn nghèo như vậy - và chúng tôi sẽ có một bộ máy chính trị gia mới nói với chúng tôi một đằng, sau đó lại làm một nẻo. Chỉ là một vòng tròn luẩn quẩn mà thôi

ANDY GOWLER

Hoang mang, phân cực...

Với nhiều người ở nước Anh hiện nay, câu trích trên khái quát cảm giác của họ lúc này. Với họ, Brexit là quyết định tốt nhất mọi thời đại, là cơ hội để nước Anh lấy lại quyền kiểm soát nền kinh tế và lập pháp của mình.

Còn với nhiều người khác, họ lại cảm thấy đây rõ ràng là quyết định tồi tệ nhất, một cú bắn tập thể vào chân mình, làm chia rẽ nước Anh với những người hàng xóm và đồng minh thân thiết nhất, và vĩnh viễn gây hại đến nền kinh tế Anh. Có vẻ hiếm chuyện gì có thể khiến người Anh phân cực rõ như thế này.

Là một người Anh sống ngoài EU, dù không ảnh hưởng mấy bởi cuộc bỏ phiếu này nhưng mỗi ngày tôi vẫn theo dõi tin tức rất sát sao. Sống ở TP.HCM, tôi không đi bỏ phiếu, nhưng nếu có tôi sẽ lựa chọn không rời khỏi EU. Báo chí những ngày này tập trung nhiều vào sự phân chia tuổi tác và vùng miền giữa những người bỏ phiếu. Những người bầu cho chuyện rời đi là người già và người sống ở nơi khác không phải London.

Tôi có thể cảm nhận điều đó từ kinh nghiệm bản thân, thế hệ người lớn tuổi trong gia đình tôi đều chọn rời khỏi EU, và mọi người đều nói lý do là vì dân nhập cư. Những người lớn tuổi đã và đang có cảm giác rằng nước Anh có quá nhiều dân nhập cư.

Số liệu chính thức cho thấy chỉ tính riêng nguyên nhân do việc di cư đến Anh và di cư từ Anh đi, dân số Anh đã và đang tăng gần 4 triệu, cùng với sự phát triển dân số tự nhiên. Ngoài ra, 85% mức tăng trưởng dân số của Vương quốc Anh trong năm năm qua là do người nhập cư hoặc con cái họ.

Nhiều người nhấn mạnh họ không phân biệt chủng tộc, nhưng họ cảm thấy có quá nhiều người nhập cư đang gây áp lực lên các dịch vụ công như y tế, giáo dục và nhà ở. Nhiều người còn chẳng mảy may giải thích mà công khai thừa nhận mình không muốn quá nhiều người nước ngoài ở Anh.

Chả ai hiểu gì

Theo tôi, tác động tức thời nhất là sự xuống giá đồng bảng Anh. Điều này có nghĩa là ăn đĩa cơm sườn trứng lâu nay tôi trả 75 xu (quy đổi từ đồng bảng) nhưng bây giờ sẽ tăng lên 83 xu.

Tuy nhiên, nghiêm túc mà nói thì còn quá sớm để đưa ra nhận định tác động sẽ là gì. Thị trường chứng khoán sụt giảm rồi cũng đang bắt đầu hồi phục, và những phản ứng tức thời theo tôi thấy là thiếu suy nghĩ. Anh và châu Âu giờ còn phải trải qua một quá trình đàm phán dài hai năm.

Đây không phải là điều nhiều người nghĩ tới khi họ đi bỏ phiếu, cũng như nhiều người chắc cũng không ý thức được những lời hứa hay đe dọa từ cả hai phía có thể chỉ là rỗng tuếch.

Như đã đề cập ở trên, có thể người già bỏ phiếu rời khỏi EU để cắt giảm số người nhập cư, nhưng điều đó bây giờ lại trông như thể sẽ chẳng xảy ra. Nếu cho rằng nước Anh theo gương Na Uy đứng ngoài châu Âu, nhưng tình hình là Na Uy vẫn cho phép di chuyển tự do qua biên giới để đổi lại tiếp cận thương mại tự do.

Nhiều người khác bỏ phiếu rời EU vì họ nghĩ tiền chi cho EU có thể dùng để chi cho Anh, nhưng ngay cả những người vận động rời EU cũng nói đây chỉ là “khả năng” chứ không phải là một “lời hứa”. Ít ra có một điều luôn đúng: giới chính trị gia sẽ luôn thao túng sự thật cho phù hợp với mục đích cuối cùng của họ, và những người bỏ phiếu cho Brexit có thể sẽ nhận ra rằng chẳng hiểu gì về cái mà mình bỏ phiếu!

Tôi nghĩ sẽ chẳng có sự đổi khác to lớn nào trong cách người Anh chúng tôi sống cuộc sống thường ngày. Anh là một nước đã quen với việc được miễn phí visa du lịch ở bất cứ nơi nào ở châu Âu, chuyện đó quá bình thường với chúng tôi rồi. Bản thân tôi từng cảm nhận được chuyện này khi tôi và người vợ Việt của mình từ Anh đi Pháp.

Tôi thì chả phải suy nghĩ gì đến chuyện giấy tờ để đi đến nước láng giềng gần nhất, trong khi với vợ tôi lại là chuyện khác. Nộp đơn xin visa, xếp hàng mòn mỏi nhiều lượt khác nhau ở sân bay và mất một tiếng trả lời các câu hỏi của cơ quan di trú. Tôi chưa hề nghĩ đến, thậm chí dù chỉ là thoáng qua chuyện người Anh sẽ phải bắt đầu xin visa để đến các nước láng giềng châu Âu. Thế mà giờ đây...

Tôi tự hào là người Anh và cũng tự hào là người châu Âu. Tôi lo lắng rằng việc tạo khoảng cách giữa chúng tôi với châu Âu sẽ đẩy Anh vào một mối quan hệ thân hơn với Mỹ về mặt chính trị.

Tôi thích nước Mỹ và người Mỹ nhưng nhiều quyền lợi mà chúng tôi mặc nhiên có được từ việc là thành viên EU (như được trả tiền thai sản và nghỉ thai sản, được hưởng giáo dục và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí) không có ở Mỹ, hoặc có nhưng ít hơn.

Tôi cũng nghĩ về chuyện họ có thể sẽ chọn một người như Donald Trump làm tổng thống, khi nghĩ đến điều này làm tôi rùng mình, gây nhức đầu và cảm thấy không tin tưởng một chút nào.

Người châu Âu tại Anh đang lo

Có khoảng 3 triệu công dân Liên minh châu Âu (EU) hiện sống và làm việc tại Anh. Đây là một trong những vấn đề mà các ứng cử viên đang chạy đua vào chiếc ghế thủ tướng Anh sắp tới phải đề cập trong kế hoạch hành động của mình.

Phát biểu tại Hạ viện Anh ngày 4-7 về kế hoạch tranh cử của mình, một trong các ứng cử viên thủ tướng là Thứ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom nhấn mạnh: “Kết quả cuộc trưng cầu ý dân phải được tôn trọng, nước Anh sẽ rời EU, tự do di chuyển sẽ chấm dứt và Quốc hội Anh sẽ quyết định tiếp nhận bao nhiêu người”.

Tuy nhiên, bà cam kết sẽ cho phép các công dân EU đã và đang sinh sống, làm việc tại Anh ở lại vô thời hạn. Là nhà vận động Brexit tích cực, bà Leadsom cũng hi vọng rằng tiến trình Brexit sẽ được bắt đầu trong tháng 9 tới (khi Anh có thủ tướng mới) và nước Anh sẽ rời khỏi EU vào mùa xuân 2017.

Trong khi đó, ứng cử viên hàng đầu cho chức thủ tướng Anh, bà Theresa May, lại tỏ ra thận trọng.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình ITV ngày 3-7, bà May nói: “Chúng ta vẫn là một thành viên EU và hiện vị thế của họ không có gì thay đổi. Nhưng dĩ nhiên trong quá trình thương lượng chúng ta sẽ phải trả lời câu hỏi về những người đến từ các nước EU hiện đang ở Anh. Tôi muốn chắc chắn rằng chúng ta không chỉ đảm bảo vị thế của những người này mà cả những công dân Anh đang sinh sống tại các nước thành viên EU khác”.

_______________

Kỳ tới: Bài học gì cho ASEAN

Andy Gowler (một người Anh sống ở TP.HCM) - NGỌC ĐÔNG chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên