17/06/2016 10:07 GMT+7

Đêm khởi nghĩa thất bại

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Ngay sau cuộc hội kiến với vua Duy Tân vào ngày 14-4-1916, Trần Cao Vân và Thái Phiên trở về Đà Nẵng để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa sẽ diễn ra ngay trong tháng 5-1916.

Lính thị vệ hoàng cung - một lực lượng khởi nghĩa của vua Duy Tân - Ảnh: Tư liệu
Lính thị vệ hoàng cung - một lực lượng khởi nghĩa của vua Duy Tân - Ảnh: Tư liệu

 

Kế hoạch khởi nghĩa được vạch ra kỹ càng bởi hai ông cùng các vị chỉ huy Việt Nam Quang Phục Hội (VNQPH) ở các tỉnh.

Một cuộc khởi nghĩa rất quy mô

Thời điểm khởi sự là giờ Tý ngày 3 tháng 4 năm Bính Thân, tức 1 giờ sáng ngày 4-5-1916. Huế là nơi khởi sự đầu tiên bằng một loạt đạn thần công bắn lên trời phát lệnh cho Quảng Trị, Quảng Bình cùng biết. Tiếp đó, trên đèo Hải Vân đốt lửa để làm hiệu cho Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tại Huế, sau lệnh khởi nghĩa, một cánh quân do Trần Quang Trứ chỉ huy công phá đồn Mang Cá, với sự nội ứng của viên sĩ quan chỉ huy tại đây. Cũng tại đây, 2.500 người lính chuẩn bị tòng chinh sang Pháp sẽ nổi dậy, kéo qua tấn công tòa khâm sứ ở bờ nam sông Hương. 

Trong khi đó, lực lượng tại tòa khâm sứ dưới sự chỉ huy của một số người của VNQPH cài cắm sẽ vận động quân lính tại đây quay súng. Một đội cảm tử quân người Quảng Nam - Quảng Ngãi phối hợp với các lực lượng nói trên đánh chiếm cho bằng được tòa khâm sứ.

Hai cứ điểm chính của quân Pháp tại Huế lúc đó là đồn Mang Cá và tòa khâm sứ sẽ bị khống chế. Trong khi đó, Nguyễn Quang Siêu chỉ huy đội thị vệ chiếm giữ hoàng cung. Trước đó, ngay đầu đêm 3-5, vua Duy Tân sẽ rời khỏi hoàng cung đi vào Quảng Ngãi lánh mặt, đợi sau khi khởi nghĩa thành công thì trở lại Huế lập chính thể mới.

Kế hoạch khởi nghĩa như trên đã được vua Duy Tân ngự phê cùng với việc phân công người chỉ huy và bố trí lực lượng ở các tỉnh.

Theo đó, Trần Cao Vân làm cố vấn cao cấp, trực tiếp hộ tống vua rời cung đi vào Quảng Ngãi. Thái Phiên làm tổng chỉ huy và trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa tại Huế. Chỉ huy khởi nghĩa tại Đà Nẵng là Lâm Nhĩ và các phó tướng; tại Quảng Nam là Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, Đỗ Tự; tại Quảng Ngãi là Lê Ngung, Nguyễn Thụy (cử Sụy), Phạm Cao Chẩm; tại Quảng Trị là Khóa Bảo; tại Quảng Bình là Nguyễn Chánh; tại Bình Định, Phú Yên và Kon Tum giao cho Quảng Ngãi tìm người.

Vũ khí của nghĩa quân tại Huế ngoài vũ khí lấy của Pháp thì có thêm dao găm, mã tấu do các lò rèn ở vùng ven đô cung cấp, vận chuyển lên Huế bằng đò. Quân nhu, quân phục cũng được huy động từ dân. “Trên nhiều dòng sông, thuyền của nghĩa quân dập dìu đi lại. Trên một số thuyền còn đặt khung cửi để chị em dệt vải may áo quần cho nghĩa quân” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Cơ đã mô tả như thế về không khí chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Vua cũng cho đúc bốn ấn kinh lược cho bốn vùng: Bình Trị, Nam Ngãi, Bình Phú (Bình Định - Phú Yên), Khánh Thuận (Khánh Hòa - Ninh Thuận). Việc quan trọng nhất là vua ra lệnh cho Trần Cao Vân soạn thảo chiếu khởi nghĩa để hiệu triệu thần dân trong nước nhất tề đứng dậy. Sau nhiều lần sửa chữa, bản chiếu khởi nghĩa đề ngày 29-4-1916 đã được vua ban hành chính thức.

“Thuận theo ý trời, trẫm công bố chiếu chỉ phục quốc...”. Những thông tin này được ghi lại trong các sách của Phạm Khắc Hòe - đổng lý ngự tiền văn phòng triều Nguyễn thời Bảo Đại, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và PGS.TS Nguyễn Ngọc Cơ.

Chiếu lệnh của vua Duy Tân cấp cho thị vệ Tôn Thất Đề và Lê Đình Thưởng để phục vụ khởi nghĩa -  Ảnh: Tư liệu NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀN
Chiếu lệnh của vua Duy Tân cấp cho thị vệ Tôn Thất Đề và Lê Đình Thưởng để phục vụ khởi nghĩa - Ảnh: Tư liệu NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀN

Vua Duy Tân xuất cung

Khoảng 10 giờ đêm 3-5, vua Duy Tân bí mật rời hoàng cung. Tháp tùng vua là các thị vệ trung thành Tôn Thất Đề, Dương Đức Tuyên và Lê Đình Thưởng. Ra khỏi cửa Hiển Nhơn, đến góc Trường Quốc Tử Giám thì đã thấy Trần Cao Vân - cố vấn cao cấp kiêm phòng vệ đoàn tùy tùng hoàng gia (chức vụ do vua phong) - đợi sẵn cùng một số vị sĩ phu và quan chức Nam Triều.

Đoàn tùy tùng lên bốn chiếc xe kéo theo cửa Thượng Tứ ra khỏi kinh thành đến bến Văn Lâu, sau đó đi bộ đến bến Thương Bạc thì đã có đò của nghĩa quân chờ sẵn. Đò đưa vua qua sông Hương rồi dừng lại ở sở chỉ huy khởi nghĩa tại bến đò ga Huế (đoạn đầu sông Lợi Nông).

Tại đây, vua đã gặp một người tên Trần Quang Trứ làm phán sự ở tòa Công sứ Thừa Thiên (cơ quan của Pháp đặt ra để cai quản tỉnh Thừa Thiên). Người này trước đó đã được tổ chức đồng ý tham gia trong nhóm chủ chốt khởi nghĩa tại Huế, nhưng lúc này là thời điểm quan trọng nên Trần Cao Vân không muốn cho gặp vua.

Tuy nhiên, khi nghe anh ta hứa sẽ giúp đỡ Thái Phiên cầm cánh quân đánh vào trại lính Pháp ở khu nhượng địa (Mang Cá), nhà vua đồng ý gặp ngay. Sau khi nói chuyện với vua xong, thông ngôn Trứ không trở về vị trí chiến đấu mà đi thẳng đến tòa Công sứ Thừa Thiên...

Sau khi trao đổi hết mọi việc với Thái Phiên và bộ chỉ huy khởi nghĩa, vua Duy Tân theo đò xuôi về phía hạ lưu sông Lợi Nông.

Đến 4 giờ sáng vẫn không nghe động tĩnh gì cả. Trần Cao Vân sau khi cho người đi do thám trở về liền báo với vua: cuộc khởi nghĩa đã thất bại, Thái Phiên đã bất lực. Trần Cao Vân đề nghị vua quay trở lại hoàng cung nhưng vua không chấp nhận nên đoàn tùy tùng phải về lánh tạm ở nhà ông Cứu Trí - một đảng viên VNQPH ở làng Hà Trung. Vua quở mắng rất nặng lời, rồi cho thảo chiếu chỉ thông báo cho thần dân về việc vua xuất cung một thời gian và sẽ trở về sau khi hoàn thành “sứ mệnh của thượng đế”.

Các quan không phải lo ngại mà phải giữ thành một cách nghiêm ngặt. Vua cho người mang chiếu chỉ về dán ở cửa kinh thành, đồng thời chuyển thư của vua gửi cho hai bà hoàng thái hậu (mẹ đích và mẹ sinh) và cho các vị thượng thư. Vua lại cho người đem chôn giấu thanh kiếm lệnh cùng với vương miện và bắt đầu một cuộc phiêu lưu mà sau này sách sử của triều Nguyễn gọi là cuộc “bôn ba gió bụi”.

Diễn biến cuộc xuất cung của vua Duy Tân trên đây được nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn dựng lại từ chính lời khai của các nhân vật trong cuộc như Trần Cao Vân, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề... vẫn còn lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại đặt ở Aix-en Provence (Pháp). Nó khác rất nhiều so với diễn biến mà hàng chục sách sử và tài liệu xưa nay đã viết về cuộc xuất cung của vua Duy Tân.

Hương Giang tụ nghĩa

Ngày 3-5-1916 là một ngày đặc biệt của kinh đô Huế. Phố phường lặng lẽ bình yên nhưng trên sông Hương và các sông rạch nối về vùng ven đô đang náo nức cuộc tập kết nghĩa quân và vũ khí để chuẩn bị cho giờ khởi nghĩa.

Từ chiều 2-5, lực lượng tăng cường từ Đà Nẵng và Quảng Trị đã bí mật di chuyển về Huế. Từ Đà Nẵng, tổng chỉ huy Thái Phiên đáp chuyến tàu lửa buổi sáng, cố vấn cao cấp Trần Cao Vân đáp chuyến tàu chiều ra Huế. Các vị chỉ huy khác như Phạm Thành Chương, Lê Cơ, Lê Châu Hàn... cũng ra Huế bằng nhiều con đường bí mật riêng. Đến sáng 3-5, có năm nhân vật khác từ Quảng Trị đã có mặt tại Huế.

Từ các làng mạc ven đô, những chiếc đò chở đầy dao, rựa, mã tấu được dân binh ngụy trang khéo léo, bí mật chuyển về kinh đô. Địa điểm tập kết chính của quân khởi nghĩa là ngã ba sông Hương - sông Lợi Nông (tức sông An Cựu) kéo dài từ cồn Dã Viên đến gần Bến Ngự. Sở chỉ huy là một ngôi nhà nằm gần bến đò ga Huế.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn đã dựng lại cuộc tụ nghĩa này bằng các tư liệu mà ông thu thập được: “Trên dòng sông Hương và các chi lưu ở miệt Gia Hội, Bao Vinh ra đến An Hòa hay An Cựu, những người dân binh cũng âm thầm tập kết về điểm hẹn, vừa bảo vệ cho những chiếc thuyền của các thủ lĩnh đang nhóm họp, vừa chuyển vận, cất giấu vũ khí và quân trang, quân dụng, sẵn sàng cho giờ phút hành động đang đến gần...”.

Ông gọi đó là cuộc “Hương Giang tụ nghĩa” của tướng sĩ Trung kỳ. Tất cả tụ tập quanh hai vị thủ lĩnh Trần Cao Vân - Thái Phiên sẵn sàng chờ lệnh. Trong khi đó, tại các tỉnh từ Quảng Bình vào đến Quảng Ngãi, lực lượng khởi nghĩa cũng đã tập kết về tỉnh lỵ để sẵn sàng nổi dậy đồng loạt với Huế.

___________

Kỳ cuối: Vứt bỏ ngôi báu

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên