Tư lệnh Vùng 2 hải quân Lương Việt Hùng (thứ hai từ phải) giới thiệu với lãnh đạo Bộ Quốc phòng khi đoàn đến thăm tàu pháo TT400-TP - Ảnh: Thành Nhân |
“Tôi cứ ước giá mà ngày mình nhận quyết định phong quân hàm tướng lĩnh, bố tôi được chứng kiến |
Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng |
Đó là câu chuyện đặc biệt về hai cha con chuẩn đô đốc (thiếu tướng) Lương Việt Hùng - tư lệnh Vùng 2 hải quân (Đồng Nai) và người cha: cố đại tá Lương Mẫn. Đại tá Lương Mẫn từng là lữ trưởng lữ đoàn 171 và sau này là tư lệnh Vùng 2 và tư lệnh Vùng 3 hải quân. 34 năm sau, con trai ông cũng là lữ trưởng lữ đoàn 171 và bây giờ là tư lệnh Vùng 2 - nơi ngày xưa ông từng là tư lệnh.
Người trải qua 3 cuộc chiến tranh
Cố đại tá Lương Mẫn mất năm 2012, có 65 năm tuổi Đảng, từng kinh qua ba cuộc chiến tranh khốc liệt: chống Pháp, chống Mỹ và chiến trường Campuchia.
Đại tá Lương Mẫn vào quân ngũ với vai trò đầu tiên là một người lính hậu cần. Năm 1964, ông được Bộ Quốc phòng chọn sang hải quân, đưa đi học cán bộ thuyền và đào tạo đặc công. Năm 1968, giấy báo tử ghi tên ông gửi về gia đình.
Thực tế, ông vẫn còn sống. Năm 1969, ông là phó lữ đoàn trưởng - tham mưu trưởng lữ đoàn đặc công 126, tham gia cuộc chiến cam go ở Cửa Việt (Quảng Trị) rồi được bổ nhiệm làm quyền trưởng phòng tác chiến Quân chủng hải quân.
Trong cuộc tấn công giải phóng miền Nam, ông vào đánh chiếm căn cứ Cam Ranh, là căn cứ trưởng căn cứ Cam Ranh rồi làm tư lệnh Vùng 2 hải quân. Khi đang là tư lệnh Vùng 3, đại tá Lương Mẫn được Bộ Quốc phòng cử làm cố vấn cho thứ trưởng kiêm tư lệnh hải quân Campuchia từ năm 1985 cho đến khi nghỉ hưu (1989).
Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng kể: “Bố tôi đi biền biệt. Từ lúc tôi sinh ra cho đến khi 10 tuổi mới biết mặt bố. Đó là năm 1972. Ngày đó quê tôi có nhánh sông cụt, mùa lũ nước mới chảy, mùa hè như cái hồ. Những ngày phép ngắn ngủi ở nhà, ngày nào ông cũng dạy tôi học bơi, học võ.
Sau 30-4-1975 ông mới về được một lần rồi lại đi biền biệt cho đến khi mẹ tôi sinh con thứ tư, ông mới về thêm một lần nữa được bốn ngày. Đó là khi ông về làm tư lệnh Vùng 2. Bộ tư lệnh vùng cách nhà 80km nhưng thời đó đi lại rất khó khăn, dù đã về gần nhà hơn, ông vẫn không có thời gian nhiều để thăm vợ con”.
“Bố tôi nghiêm khắc, giản dị và rất tình cảm. Ông là người gương mẫu nhất trong nhà. Ngay cả khi làm tư lệnh, mỗi lần về quê ông chỉ mặc đồ dân sự giản dị. Việc đầu tiên là phải đi thăm bà con xóm giềng. Quan điểm của ông rất rõ: con cái phải học hành đàng hoàng. Sau này tôi mới biết nhiều lần ông nhịn ăn mua sách, bút cho con.
Ông định hướng cho các con ngay từ khi chúng tôi còn rất nhỏ là phải tự lập, tự mình trưởng thành. Ông nói: khi con 18 tuổi, con tự quyết định cuộc đời mình. Ông bảo con người ở trên đời phải hội đủ ba tố chất: trình độ, sức khỏe và tư cách đạo đức. Ba thứ đó đã theo anh em chúng tôi suốt cuộc đời” - chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng nói.
Thiếu tướng Lương Việt Hùng bên di ảnh người cha - đại tá hải quân Lương Mẫn - Ảnh: Đông Hà |
Người con chuẩn đô đốc
Chúng tôi gặp chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng khi ông vừa trở về sau chuyến công tác tại Nga. Vị tướng hải quân chỉ cao 1,61m nhưng rất quắc thước, nhanh nhẹn. Khí chất của một tướng quân hiển hiện trong đôi mắt sáng đầy cương nghị, quyết đoán mà cũng rất tình cảm.
Nói về con đường đến với binh nghiệp của mình, vị tư lệnh đương nhiệm của Vùng 2 hải quân bật cười, bảo: “Nói thật ngày đó tôi không phải vì mê bố mà đi hải quân đâu. Khi tôi học cấp III thì bố đã là tư lệnh Vùng 2. Năm ấy trường có ba người học lực khá được tuyển chọn vào ngành công an. Tôi rất thích công an. Bố tôi biết.
Ông gặp mấy chú bảo: “Tính thằng này không đi công an được. Nó học võ lại nóng tính lắm, không khéo đập chết dân. Ông bảo tôi nên thi vào Trường sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hải quân”.
Được ưu tiên đưa vào học ngành thông tin vốn được coi là “hot” thời bấy giờ vì vừa nhẹ nhàng vừa dễ kiếm được tiền bằng nghề tay trái, nhưng chàng trai 18 tuổi từ chối. Là con của tư lệnh, Lương Việt Hùng không khó để tự lựa chọn ngành học mát mặt cho mình.
Nhưng anh gặp hiệu trưởng, kiên quyết xin cho chuyển sang học ngành pháo - tên lửa dù ngành này cực kỳ khó học, vất vả. “Tôi chọn học ngành đó dù vất vả hơn bội phần, chỉ vì đó là ngành chỉ huy. Khó đến mấy tôi vẫn học được” - chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng nói.
Tốt nghiệp xuất sắc, trung úy Hùng nhất quyết xin về Vùng 4 hải quân (Cam Ranh) dù bố anh - đại tá Lương Mẫn - đang là tư lệnh Vùng 3 (Đà Nẵng). Chuẩn đô đốc Hùng lý giải: “Tôi không thích hai bố con cùng đơn vị. Làm hay, làm tốt người ta vẫn nghĩ mình là con của tư lệnh nên được ưu ái. Còn nếu mình làm sai thì ảnh hưởng đến bố”.
Một lần nữa trung úy Hùng gặp trực tiếp hiệu trưởng thuyết phục cho về Cam Ranh, dù căn cứ hải quân này là một trong những nơi rèn quân khắc nghiệt nhất vì thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng...
“Tôi cứ chắc mẩm mình sẽ về Vùng 4 mà không biết các chú các bác đã âm thầm đưa tôi về Vùng 3 vì thương hai cha con lâu nay không được ở gần nhau. 20 ngày sau tôi mới biết thì đã có quyết định. Không thể thay đổi được” - chuẩn đô đốc Hùng kể.
Khi về Vùng 3, trung úy Hùng cũng được ưu ái chọn nơi làm việc, khi đó ông trả lời thẳng: “Tôi học pháo tên lửa thì chỉ có về tên lửa chứ nghĩ mình con tư lệnh xin về tàu dầu, tàu vận tải thì chẳng giống ai”. Vậy là ông bắt đầu nhận nhiệm vụ với vai trò là phó trưởng ngành hỏa lực tàu săn ngầm 159 - lữ đoàn 171.
Là con trai của tư lệnh, trung úy Hùng lại càng bị áp lực. Có lúc phải chịu thiệt, phải nhún nhường để không bị nói là ỷ thế con ông cháu cha. Chàng sĩ quan trẻ ngày ấy đã từng tham gia làm nhiệm vụ trong trận hải chiến 14-3-1988 ở Trường Sa. Khi đó ông là thuyền phó tàu đổ bộ 555 kiêm đội trưởng đội chống đổ bộ, chốt giữ đảo, có mặt ở Trường Sa 192 ngày.
Chỉ một năm sau chuyến đi đó, bố ông - đại tá Lương Mẫn nghỉ hưu (năm 1989). Từ trên con tàu săn ngầm 159, người sĩ quan trẻ Lương Việt Hùng dần khẳng định mình, lên trưởng ngành hỏa lực rồi thuyền phó và thuyền trưởng, được cử đi học lớp chỉ huy tham mưu cấp chiến thuật chiến dịch tại Học viện Hải quân. 12 năm đi biển, kinh qua các loại tàu vận tải, tàu chiến đấu, biết ngửi mùi nước, nhìn mây, nhìn trời mà dự báo được bão gió, đã từng đi xuyên qua những cơn bão sóng cấp 7, cấp 8 trong khi khả năng chịu sóng của tàu chỉ là cấp 5.
Năm 1999, ông được giao trọng trách đảm nhận mảng huấn luyện cho cả lữ đoàn. Chỉ sau sáu tháng, ông đã được đưa lên làm tham mưu phó kiêm trưởng ban huấn luyện lữ đoàn. Năm 2002, ông trở thành lữ đoàn trưởng lữ đoàn 171 - đảm nhận cương vị mà cha mình đã từng làm trước đó 34 năm. Được lên quân hàm đại tá khi mới 42 tuổi, lữ đoàn trưởng Lương Việt Hùng là đại tá trẻ nhất của hải quân thời điểm đó.
Tháng 1-2014, đại tá Lương Việt Hùng được điều về Vùng 2 hải quân với cương vị mới: tư lệnh vùng. Một năm sau, ông được phong hàm cấp tướng. Là tư lệnh, mang trên vai quân hàm tướng, trách nhiệm cao hơn, công việc nhiều hơn. Thường sau 20g, tư lệnh Vùng 2 mới ăn cơm... chiều. Ăn xong, ông tiếp tục đọc các tài liệu và dành ít nhất 30 phút nghe tiếng Anh.
Ông nói: “Làm cái gì cũng phải tận tâm, hết mình. Mình cũng phải biết lắng nghe. Cái nào mình ra lệnh nhưng thấy chưa hợp lý thì phải điều chỉnh. Không áp đặt, độc đoán, độc quyền. Tôi cũng không lạm quyền, vượt quyền. Quân đội cho tôi quyền hạn tới đâu tôi làm tới đó. Khi mặc quân phục mình là tư lệnh, là cấp trên. Nhưng khi không khoác lên mình bộ quân phục ấy nữa, mình là người bạn, là anh em với cấp dưới của mình. Quan nhất thời, dân vạn đại. Câu nệ, kiểu cách làm gì”.
Dù có riêng một người phục vụ, vị chuẩn đô đốc vẫn giữ thói quen của mình bao năm trong quân ngũ: tự giặt quần áo. “Tôi học được những điều đó từ cha mình. Ông là tư lệnh nhưng luôn giản dị, không hách dịch. Tôi cứ ước giá mà ngày mình nhận quyết định phong quân hàm tướng lĩnh, bố tôi được chứng kiến”.
Rẽ ngang làm thầy Một hướng rẽ khá bất ngờ khi đại tá lữ đoàn trưởng Lương Việt Hùng được điều động về Trường trung cấp kỹ thuật Hải quân (Cát Lái, Q.2, TP.HCM) với cương vị là hiệu phó rồi hiệu trưởng. “Nhiệm vụ mà quân đội giao, là người lính thì không được phép từ chối dù tôi đã nói với cấp trên đây không phải là sở trường của tôi để họ cân nhắc. Tôi chưa làm công tác giảng dạy bao giờ. Tôi không thích công tác giảng dạy, chỉ thích lăn lộn rèn luyện ở đơn vị. Nhưng trên đã quyết thì mình chấp hành. Lúc mới về áp lực lắm. Đã thế trong ban lãnh đạo tôi lại nhỏ tuổi nhất” - chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng kể. Ngày mới về trường, ông thật sự ngán ngẩm khi nhìn cảnh quan môi trường, nề nếp học viên, tinh thần của giáo viên… Ông cất công tìm hiểu rõ ngọn ngành mọi lý do đình trệ, tụt dốc của ngôi trường này. Trường đào tạo 24 chuyên ngành nhưng cả thư viện hoành tráng chỉ có 7 đầu sách, còn lại toàn truyện tình yêu. Ông đem bộ giáo án chuẩn nhất về nghiền ngẫm và ngỡ ngàng nhận ra giáo án không bám sát mục tiêu đào tạo. Từ lúc có ông, diện mạo của trường thay đổi đến chóng mặt. Từ chỗ chỉ có 7 đầu sách, trường đã có gần 32.000 cuốn. Nề nếp, kỷ luật học viên, giáo viên đâu ra đó. Quan trọng nhất là trường lấy lại được niềm tin và truyền được nhiệt huyết cho cả một đội ngũ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận