24/04/2016 10:54 GMT+7

Câu chuyện của một điều tra viên

MY LĂNG (mylang@tuoitre.com.vn)
MY LĂNG (mylang@tuoitre.com.vn)

TTO - 12 năm trong nghề, anh Nguyễn Văn Kháng (điều tra viên của Công ty bảo hiểm P) cho biết không thể kể hết những câu chuyện rất thương tâm trong quá trình đi điều tra, xác minh trước khi chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.


Những cái chết ám ảnh người ở lại

“Mỗi người trong chúng ta ai cũng có thể là người trong câu chuyện này. Vì có những phút bất cẩn, không vì cố ý, mà cũng chẳng thể ngờ tới lại dẫn đến những kết cục đau đớn như vậy và không có cơ hội sửa chữa...” - anh Kháng chia sẻ.

“Năm đó tôi được giao đi xác minh vụ khách hàng bị tai nạn mất - anh Kháng nhớ lại - Nạn nhân là bé gái 7 tuổi, tên Ng., học sinh lớp 2 một trường tiểu học ở Long An. Chiều thứ bảy bé Ng. theo mẹ về quê ngoại, bé rủ người anh lớp 4 chạy chơi trong đường làng. Khi chạy đến khúc cua thì bị xe máy cày đang trờ tới. Bé Ng. bị xe đâm chết tại chỗ. Gia đình lặng lẽ mang thi thể con về chôn, không báo công an. Sau đó công an xuống hiện trường, ghi nhận thông tin sự việc, về lập hồ sơ và không khởi tố vụ án. Một thời gian sau, gia đình làm hồ sơ yêu cầu công ty giải quyết quyền lợi bảo hiểm”.

Anh Kháng cho biết: “Đối với một vụ tai nạn thì công ty bảo hiểm yêu cầu phải có biên bản tai nạn hoặc kết luận của công an. Nhưng gia đình không cung cấp được. Trước cái chết của con, họ quá đau xót, không biết phải làm gì”. Đội ngũ điều tra viên của công ty bảo hiểm xuống hiện trường, xác minh thông tin từ hàng xóm, trạm y tế, nhà trường, chính quyền địa phương. Tất cả đều xác nhận cháu bé chết do bị xe máy cày tông. Người dân ở tại hiện trường kể lại rất chi tiết vụ việc.

Nghe người dân nói có công an xuống hiện trường, lực lượng điều tra viên liên hệ với công an huyện nhờ họ cung cấp giấy xác nhận nguyên nhân bé tử vong. “Lúc đầu công an nói không có giấy tờ, hồ sơ, biên bản gì cả - anh Kháng kể - Chúng tôi chạy xe từ Sài Gòn xuống Long An hai lần, gọi điện thoại 3-4 lần, hẹn gặp trong đúng hai tuần mới có được giấy xác nhận. Nếu để khách hàng tự làm, họ không thể có đủ giấy vì quy trình, thủ tục rất nhiêu khê”.

Trong suốt hành trình đó, có những cảm giác mà đến ngay cả những người phải luôn giữ “trái tim nóng, cái đầu lạnh” như điều tra viên cũng không muốn đối diện lần thứ hai. Đó là khi đối diện với nỗi đau mất con của khách hàng.

Anh Kháng trầm giọng khi nhớ lại khoảnh khắc ấy: “Tôi xuống nhà, chứng kiến hoàn cảnh gia đình khách hàng rất thương tâm. Hai vợ chồng đều là nông dân. Vợ khoảng 28 tuổi. Chồng 30 tuổi. Vợ chồng hiếm muộn, cưới nhau bảy năm, đi chùa cầu khẩn mãi mới sinh được cô con gái đầu lòng. Họ không thể sinh con được nữa. Kinh tế gia đình cũng không khá giả nhưng họ vẫn ráng mua bảo hiểm cho con”.

Bé Ng. mới được bố mẹ mua bảo hiểm gần một năm... Người mẹ đưa tấm hình chụp con gái trước đó hai tháng, rất xinh xắn, khỏe mạnh. Lúc cầm tấm ảnh đó, chị không nói được gì, ôm mặt khóc. Nhóm điều tra viên bảo hiểm cũng lặng đi, không nói nổi câu gì.

Anh Kháng chia sẻ: “Con cái - thứ quý giá nhất của cuộc đời họ - đã vĩnh viễn mất đi, còn tâm trí đâu mà làm giấy này giấy kia. Nếu quá cứng nhắc, yêu cầu khách hàng phải bổ sung những giấy tờ còn thiếu mới chi trả quyền lợi bảo hiểm thì còn gì tính nhân văn nữa. Hiểu và chia sẻ với nỗi đau đó, mình cứ cố gắng làm hết trách nhiệm, bổ sung những giấy tờ cần thiết để hoàn tất hồ sơ cho công ty nhanh chóng chi trả, đảm bảo quyền lợi của khách hàng”.

Người điều tra viên kỳ cựu không giấu được nỗi buồn khi nhắc đến một câu chuyện khác cũng rất đau xót. Vụ việc xảy ra ở quận 12, ngay tại nhà. “Khách hàng bị nạn là một bé trai 3 tuổi - anh Kháng cho biết - Gia đình điều kiện kinh tế rất khá, có xe hơi. Buổi sáng định mệnh đó khi thấy cha đi làm, đứa bé lẽo đẽo đi theo. Anh ôm hôn con rồi thả xuống thềm nhà, leo lên xe. Khi lùi xe, anh không biết cậu con trai đang ở phía sau đuôi xe”.

Người bố cứ ngỡ như mọi lần con trai sẽ chạy vô với mẹ nhưng không ngờ thằng bé quấn ba, cứ lẽo đẽo theo sau. Cú lùi xe định mệnh đã khép lại một cuộc đời trẻ thơ. Khi phát hiện chiếc xe đã cán lên người con trai, người bố bấn loạn, không còn biết gì nữa, xốc ôm đứa con chạy đến trạm y tế gần nhất. Nhưng bác sĩ nói cháu bé đã chết trước đó...

Gần một tháng sau gia đình mới liên hệ công ty bảo hiểm. Số tiền mua bảo hiểm trị giá trên 100 triệu đồng. Bé được bố mẹ mua bảo hiểm lúc mới 1 tuổi.

Anh Nguyễn Văn Kháng kể: “Khi chúng tôi xuống xác minh, người bố khoảng 32 tuổi cứ đấm ngực, đôi mắt đầy đau đớn, không nói được câu nào. Anh cứ nghĩ mình là người gây ra cái chết cho con nên bị khủng hoảng, không đêm nào thôi dằn vặt. Người mẹ thì vừa nói vừa khóc. Cậu bé là con đầu lòng. Anh chị chưa có bé thứ hai... Câu chuyện quá đau lòng lại diễn ra ở ngay nhà. Gia đình không báo công an. Chỉ có hàng xóm và trạm y tế biết. Trạm y tế và hàng xóm đều xác nhận nguyên nhân cháu bé chết do bị xe cán lên khi bố lùi xe”.

Không máy móc theo hợp đồng

Chị Minh Châu (phòng giải quyết quyền lợi bảo hiểm công ty P) cho biết: “Theo hợp đồng giữa công ty và khách hàng, khách hàng có trách nhiệm cung cấp cho công ty bảo hiểm các giấy tờ liên quan, nhất là những vụ tai nạn phải có xác nhận của công an. Nhưng thực tế có những tình huống rất cảm thương. Gia đình khách hàng bối rối hoặc trình độ văn hóa yếu, trong quá trình điều tra xác minh, điều tra viên phải hỗ trợ khách hàng để đảm bảo quyền lợi. Trong trường hợp này, mặc dù chưa có xác nhận của công an nhưng điều tra viên phải biết chia sẻ, cảm thông, chủ động đi lấy thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Xuống thấy hoàn cảnh đau lòng như vậy, anh em điều tra viên thấy đã đầy đủ thông tin xác thực nên không yêu cầu khách hàng bổ sung gì nữa, về đề nghị công ty chi trả bảo hiểm cho khách hàng”.

Từng tham gia xác minh hàng trăm trường hợp khách hàng yêu cầu giải quyết trường hợp thương tật vĩnh viễn, anh Nguyễn Văn Kháng vẫn không thể quên câu chuyện về một phụ nữ bán vé số ở Tây Ninh bốn năm trước. Đó là một mảnh đời đơn chiếc, 52-53 tuổi, không chồng, không con, từng đi kháng chiến, là cán bộ đảng viên nên được tặng nhà tình thương. Trong một lần đạp xe đi bán vé số thì bị xe máy tông và sau đó liệt cả hai chân do chấn thương xương tủy.

“Tôi được thẩm định viên yêu cầu đi Tây Ninh kiểm tra có đúng tình trạng thương tật như khách hàng khai hay không - anh Kháng nói - Hôm đó là ngày 20 tết. Khi đến tôi khá ngạc nhiên vì khách hàng là một người bán vé số. Nhà mái tôn ọp ẹp. Trong nhà không còn gì để ăn. Hàng xóm mới cho 5kg gạo. Cô kể lâu lâu hàng xóm cho ít gạo, bịch đường, mấy con cá..., sống qua ngày. Cô bảo không có con, không có gia đình cũng không người thân, chỉ có hàng xóm. Đi bán được bao nhiêu tiền lời thay vì chơi hụi thì mua bảo hiểm như tiền hưu trí sau này. Cô mua gói bảo hiểm về hưu trong đó có quyền lợi thương tật vĩnh viễn với mức phí đóng 3,5 triệu đồng một năm. Cô mới đóng được hai năm thì bị tai nạn”.

Anh Kháng kể tiếp: “Thấy hoàn cảnh cô tội nghiệp quá, gần tết rồi nhà vẫn không có gì, trước khi về tôi móc túi còn 200.000 đồng tặng cô ăn tết. Khi về, tôi ghi nhận tình trạng thực tế của khách hang để công ty giải quyết nhanh trước tết”.

____________

Kỳ tới: Chết ở Ecuador, bị bắt ở Úc

MY LĂNG (mylang@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên