29/03/2016 16:13 GMT+7

Ký ức Koky Som

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Sau trận thảm sát tại xã Koky Som ngày 22-7-1978, trong số 26 đội viên của trung đội 3, đại đội 3, liên đội 303, tổng đội 3 TNXP, chỉ có hai người còn sống sót.

Nữ thanh niên xung phong TP.HCM trên chiến trường Tây Nam - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ
Nữ thanh niên xung phong TP.HCM trên chiến trường Tây Nam - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ

Đó là anh Nguyễn Văn Tuấn và chị Nguyễn Thị Lý. Cuộc mưu sinh vất vả chưa bao giờ khiến họ lãng quên quá khứ và những đồng đội thân thương.

Và nếu không có sự sống sót may mắn đến kỳ diệu của họ, đồng đội, gia đình sẽ mãi mãi không được biết 24 chàng trai, cô gái TNXP ấy đã hi sinh như thế nào.

Nhờ máu và thân thể của đồng đội, tôi được sống

Với đôi chân khập khiễng, mái tóc điểm bạc, gương mặt hằn lên nét nhọc nhằn, người đàn ông hằng ngày đẩy xe bánh bao chỉ, bánh bò, bánh tiêu đi bán khắp ngõ ngách Sài Gòn.

Khó ai hình dung ra đây là thành viên trẻ nhất của trung đội 3, đại đội 3, liên đội 303, tổng đội 3 TNXP có mặt ở chiến trường Tây Nam cách đây 38 năm. Ngày gia nhập lực lượng TNXP, anh Nguyễn Văn Tuấn mới tròn 15 tuổi.

Nhớ lại ngày đầu đi TNXP, anh Tuấn kể: “Cái hồi mới giải phóng, tôi còn nhỏ chưa biết gì nhiều. Chỉ có một ý niệm đơn giản là không muốn ai vô chiếm đất nước mình. Nghe có giặc tới bắn giết dân mình ở biên giới, vậy là nôn nóng xin đi TNXP. Thấy tôi nhỏ quá, người ta không cho đi.

May sao có ông anh bà con theo về phường nhận quân nên nhận luôn tui. Mấy anh phát đồng phục mà tôi không mặc vừa cái nào. Quần thì kéo tới ngực, áo thì dài tới gối”.

Giọng anh Tuấn chùng hẳn xuống, đôi mắt hoe đỏ, ngấn nước khi bắt đầu kể lại chuyện xảy ra rạng sáng 22-7-1978. Được phân về trung đội 3, đại đội 3, liên đội 303, Tuấn là em út của đội.

Ngày cáng thương, tải đạn, làm đường, buổi chiều về thương thằng em trai út vụng về, đang tuổi ăn tuổi lớn, mấy chị trong đội hay giặt giùm Tuấn bộ đồ. Mấy chị nấu ăn hay ưu tiên cho Tuấn chén chè, gắp thêm đồ ăn mỗi bữa cơm.

Cả đội mới quen, anh em có người còn chưa kịp thuộc tên nhau mà đối xử với nhau như người một nhà. Công tác thì vất vả nhưng không khí trong đội lúc nào cũng rộn rã, đầm ấm.

Buổi tối 21-7-1978, sau một ngày đốn cây làm đường, chống lầy mệt nhoài, cả đơn vị Tuấn tập hợp ngồi sinh hoạt tập thể, ca hát rộn ràng cho quên mệt nhọc. Mấy chị còn chu đáo luộc thêm rổ khoai, nấu thêm nồi chè.

Đang ca hát, bỗng chị Nguyễn Thị Em cất giọng: “Chà, sao mà nhớ nhà quá. Đợt này mình đi không biết đến khi mô mới về”. Có tiếng gạt đi: “Thôi, đang sinh hoạt vui, đừng nói chi chuyện buồn”.

Vậy là chuyển đề tài. Anh em đề nghị đại đội trưởng Ngô Đức Minh xin cấp trên trang bị thêm vũ khí cho đội. Đội có 26 người mà chỉ có hai khẩu AK, làm sao ứng phó khi có chuyện xảy ra?

Hết giờ sinh hoạt, cả đội đi ngủ. Tuấn nằm cạnh tiểu đội trưởng. Mờ sáng, Tuấn tỉnh giấc khi nghe đâu đó có tiếng súng. Tuấn lay tay tiểu đội trưởng thì nhận được lời trấn an: “Thôi, chắc không có gì đâu. Ngủ chút nữa tới 5g dậy tập thể dục rồi còn đi làm. Hôm nay nhiều việc lắm đó”.

Tuấn nghe lời nhắm mắt lại mà trong bụng không yên. Chỉ một lúc sau, tiếng súng nổ đã rất gần. Chạy đến nhìn qua khe hở của bức vách căn chòi lá dã chiến thì hỡi ôi, bên ngoài là hàng trăm lính Pol Pot đã bao vây xung quanh.

Chúng cao to lừng lững, một số không mặc quần áo mà đóng khố, tay cầm dao rựa lăm lăm, mặt mũi hung tợn.

Giặc bắt đầu bắn thẳng vào căn chòi. Hai khẩu súng của đội cũng nhả đạn bắn ra. Chỉ một lát sau súng hết đạn. Mọi người bung ra, một số chạy xuống hầm.

Nhiều anh em trực tiếp chống trả bị chúng đánh giết dã man. Nguyễn Văn Tuấn bị trúng đạn ở chân. Cạnh đó, người tiểu đội trưởng đã trúng đạn hi sinh.

Không có vũ khí, chân lại bị thương nặng, không còn cách nào khác Tuấn đành lấy máu ở chân mình thấm thêm máu của người tiểu đội trưởng bôi lên khắp tay chân, mặt mũi rồi kéo thi thể tiểu đội trưởng nằm đè lên mình.

Giặc đã xông vào nã súng. Đại đội trưởng Ngô Đức Minh mở đường máu chạy ra ngoài, giơ súng bắn nốt những viên đạn cuối cùng để báo động cho các đơn vị TNXP khác. Anh trúng đạn gục ngã. Giặc lôi xác anh Minh vào kho gạo, chất lên giàn châm lửa đốt.

Mấy chị trong đội bị lôi ra khỏi hầm. Giặc cởi hết quần áo của từng người rồi cưỡng bức. Mấy chị dù đã bị thương rất nặng vẫn la lớn, nắm chặt tay nhau cương quyết chống cự đến cùng. Vậy là bọn Pol Pot thẳng tay đánh đập các chị vô cùng tàn nhẫn.

Cưỡng hiếp xong, chúng giải các chị ra phía bờ mương. Tên chỉ huy dùng báng súng đánh, bắt các chị quỳ xuống rồi xử bắn từng người một.

Chị Nguyễn Thị Lý là người thứ tư. Khi người thứ ba bị bắn chết, chị Lý ngã sấp xuống mặt ao ngất xỉu. Những phát súng chát chúa nhắm tiếp vào cô gái thứ năm. Chị Lý còn sống...

Anh Nguyễn Văn Tuấn xúc động kể về những đồng đội đã hi sinh nơi chiến trường - Ảnh: Duyên Phan
Anh Nguyễn Văn Tuấn xúc động kể về những đồng đội đã hi sinh nơi chiến trường - Ảnh: Duyên Phan

Nỗi nhớ người ở lại

Ngày chị Võ Thị Ngọc Mai đi TNXP rồi hi sinh, kỷ vật duy nhất mà má Nguyễn Thị Sáu còn giữ được là tấm hình chị chụp lúc còn ở nhà, trong lần theo bạn bè về quê chơi.

Tấm hình còn nguyên vẻ non nớt, trong trắng, ngây thơ của cô gái đang độ tuổi tròn trăng không ngờ cũng chính là bức ảnh mẹ chị phải nuốt nước mắt đem ra tiệm chụp hình nhờ người ta phóng làm ảnh thờ.

Con mắt đỏ hoe, má Sáu kể: “Ngày nó đăng ký đi TNXP ở phường, tui lên phường bắt về. Nó lên quận đăng ký, tui cũng theo lên quận.

Tui nói: “Còn một đàn em, con đi thì ai ở nhà tiếp má?”. Nó bảo: “Bạn bè con đi hết, con ở nhà sao yên?”. Sợ tui buồn, nó chịu về ít bữa rồi cuối cùng cũng trốn lên tận Lực lượng TNXP trên TP để đăng ký đi. Lần này thì tui thua nó”.

Có lần chị Mai về thăm nhà rồi nói với má: “Má ơi, chuyến này con phải đi xa”. Bà hỏi đi đâu, chị chỉ trả lời: “Con chưa biết, má!”. Thương con thân gái dặm trường, bà Sáu ái ngại: “Nhắm chịu nổi không con? Hay mày trốn về với má?”. Mai lắc đầu: “Thôi má...”.

Từ ngày nhà tưởng niệm được xây tại chính nơi các liệt sĩ TNXP trung đội 3, đại đội 3, liên đội 303 hi sinh, dù tuổi cao sức yếu nhưng năm nào má Sáu cũng nén những cơn đau chân để ngồi xe đò qua bên kia biên giới “đốt cho con Mai cây nhang, ngủ lại với nó một đêm”.

Những lần “vượt biên” của bà mẹ già gần 80 tuổi đó bao giờ cũng có những món ăn mà con gái bà hồi còn sống ưa thích.

... Mỗi lần có ai hỏi thăm chuyện anh Ngô Đức Minh, đại đội trưởng đại đội 3, trung đội 3, liên đội 303 TNXP, ông Ngô Xuân Đường, 79 tuổi, cha ruột anh Minh, lại giục anh Ngô Đức Hiếu (em anh Minh) lên nhà tưởng niệm “lấy mấy cái kỷ vật của thằng Minh về”.

Anh Hiếu dạ rân rồi chờ cha mình quay đi, anh giải thích: “Anh tôi hi sinh không để lại thứ gì. Cha tôi đau buồn và không hiểu vì sao vẫn tin rằng anh ấy còn để lại rất nhiều thứ ở nơi hi sinh”.

“Ngày ra đi, ảnh tâm sự rằng đất nước đang cần, làm thanh niên phải đáp lời sông núi, dặn tui ở nhà ráng lo cho ba mẹ. Câu nói đó của anh Minh theo đuổi tôi đến tận bây giờ...” - anh Hiếu chia sẻ.

________________________________

Kỳ tớiBông sen ngọc trên bến cảng

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Lễ kết nạp Đoàn chìm trong nước mắt

>> Kỳ 2: Tìm lại người thân cho em

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên