03/02/2016 10:30 GMT+7

Giải mã gốm Chu Đậu: Ước nguyện phục hồi và tỏa khắp thế giới

THÁI LỘC - TRẦN MAI
THÁI LỘC - TRẦN MAI

TT - Như một câu chuyện cổ tích kết thúc có hậu, gốm Chu Đậu sau mấy trăm năm biến mất đang dần trở lại với thị trường trong nước và quốc tế.

Những thợ gốm trẻ làng Chu Đậu - Ảnh: Thái Lộc
Những thợ gốm trẻ làng Chu Đậu - Ảnh: Thái Lộc

Ngọn lửa nghề gốm, sau mấy trăm năm bị khỏa lấp bởi thời gian và nghề chiếu cói, đang được thắp sáng trở lại để vươn xa.

Khôi phục... quá khứ

Con đường rộng thênh mới mở nối từ TP Hải Dương về ngôi làng Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương) yên bình bên tả ngạn sông Thái Bình. Gần cuối con đường là một số cửa hàng trưng bày gốm Chu Đậu thu hút đông thương gia và du khách đến tham quan.

Chị Thủy, một người con của làng Chu Đậu làm nghề thuyết minh gốm cho du khách, kể lại câu chuyện lịch sử gốm Chu Đậu và cả câu chuyện những nét hoa lam tuyệt vời đang hiện hữu ở vùng quê yên bình này.

Chuyện kể rằng năm 2000, ông Nguyễn Văn Lưu, một người con của làng Chu Đậu, trong lúc đang ở TP.HCM làm trưởng phòng gốm mỹ nghệ của Haprosimex thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đọc được thông tin trên báo về việc trục vớt một con tàu cổ ở Cù Lao Chàm đã sưu tầm được hàng vạn cổ vật, trong đó phần lớn là gốm Chu Đậu của quê hương Nam Sách.

Ông đã mày mò tìm hiểu những tuyệt tác gốm quê hương mình mà những cổ nhân của làng làm ra. Thế rồi ông đi đến quyết định xin thành lập một xí nghiệp gốm ngay tại quê mình để khôi phục nghề gốm sau mấy trăm năm quên lãng này.

Từ TP Hải Dương, chúng tôi băng qua những con đường trải nhựa phẳng lì vẫn còn đang thi công, rút ngắn khoảng cách từ TP Hải Dương về làng Chu Đậu.

Hôm chúng tôi đến Xí nghiệp gốm Chu Đậu, ông Lưu đang đi ký kết hợp đồng, mở rộng thị trường cho gốm. Tiếp chúng tôi là ông Trần Văn Thăng, trưởng phòng tổ chức hành chính Công ty Gốm Chu Đậu, là người gắn bó lâu năm tại công ty gốm. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xí nghiệp, ông giới thiệu nhiều sản phẩm tại gian hàng trưng bày sản phẩm của công ty.

Đó là hàng trăm loại đồ gốm gia dụng từ chén bát, bình ấm vẽ lam theo kiểu truyền thống. Nhiều loại sản phẩm cũng được thiết kế, tạo dáng mới cách tân từ mẫu mã cũ phát triển theo thị hiếu của thị trường.

Cùng với gốm vẽ lam, ông Thăng còn khoe những mặt hàng như bình, hũ và chén đĩa vẽ gốm tam thái (nhiều màu) mà công ty vừa nghiên cứu phục hồi và bung ra thị trường. Dừng chân bên một kệ nhiều tượng và những sản phẩm cao cấp, ông Thăng cho biết đó là dòng sản phẩm vẽ vàng thật vừa được nghiên cứu khôi phục từ năm 2014.

“Các cụ trước đây có đỉnh cao là vẽ vàng vào sản phẩm. Sau thời gian dài nghiên cứu, chúng tôi đã phục dựng thành công và sản phẩm này cũng đang được thị trường ưa chuộng!” - ông Thăng nói.

Trong khuôn viên rộng 35.000m2 của Công ty Gốm Chu Đậu là nhiều phân xưởng các công đoạn sản xuất các loại sản phẩm từ nhỏ đến lớn. Những đôi tay của các cụ cao niên và cả những người chỉ tròn 20 xuân xanh nắn nót biến cục đất sét thành hình, vẽ lên rồi đưa vào lò nung. Từng nét bút, đôi tay như kéo thời gian trở về, tái hiện quá khứ huy hoàng mà một thời gốm Chu Đậu nổi danh trên thế giới.

Ông Thăng hào hứng: “Cả công ty có hơn 200 công nhân trực tiếp làm ra sản phẩm, tất cả là người của làng Chu Đậu và các làng lân cận. Điều đáng mừng là nghề xưa đã được rất nhiều người trẻ tại làng Chu Đậu yêu mến. Công ty rất mừng vì sản phẩm được phục hồi từ đôi tay của những hậu duệ làng nghề gốm Chu Đậu xưa”.

Chúng tôi gặp Đặng Thị Huế là hậu duệ những thợ gốm làng Chu Đậu, năm nay 21 tuổi và có thâm niên ba năm làm gốm ở Công ty Gốm Chu Đậu. Huế nắn nót vẽ màu lam lên bình gốm, bàn tay lướt nhẹ, phóng bút điêu luyện thành dải hoa văn dây rất có hồn.

Chỉ chừng 10 phút, đồ án hoa lá hoàn thành trong sự thán phục của chúng tôi. Huế cho biết họ Đặng của mình sinh sống rất lâu đời ở làng Chu Đậu và tổ tiên của cô ngày xưa chắc chắn cũng làm gốm.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Huế xin vào làm ở xưởng gốm Xí nghiệp gốm Chu Đậu. “Học xong em xin vào vẽ vì thích vẽ. Ở làng có nhiều người cùng làm việc, có người làm đất, nặn đồ hay nung gốm. May mà em cũng có chút hoa tay nên được vẽ. Ở xưởng gốm này nếu ai có sáng tạo gì cũng được phép phóng bút” - Huế nói.

Với những người có tâm huyết khôi phục nghề xưa, điều đáng mừng nhất chính là sự hiện diện của con cháu làng Chu Đậu, ngọn lửa nghề đã cháy trở lại sau trăm năm lụi tàn. Ông Thăng bảo: “Không có gì tuyệt vời hơn sản phẩm gốm Chu Đậu được khôi phục bởi chính đôi tay của người Chu Đậu”.

Gốm Chu Đậu đang phục hồi bằng chính bàn tay người thợ Chu Đậu - Ảnh: Thái Lộc
Gốm Chu Đậu đang phục hồi bằng chính bàn tay người thợ Chu Đậu - Ảnh: Thái Lộc

Giấc mơ Chu Đậu

Ngay sau lô sản phẩm gốm Chu Đậu mới, đầu tiên xuất lò vào năm 2003, cùng với thị trường trong nước, gốm Chu Đậu đã “đi ra biển lớn” cung ứng sản phẩm cho nhiều nước trên thế giới.

Việc mạnh dạn đưa sản phẩm xuất sang thị trường châu Âu như một hướng đi đột phá. Trong nhiều năm liền, thị trường này vẫn tiêu thụ khá đều đặn dòng sản phẩm khôi phục từ truyền thống. Tiếp đến là “đánh sang” thị trường Nga, sau đó là thị trường Nhật Bản, gốm Chu Đậu xuất sang được người mua khá đều đặn. Một thị trường mới, gồm cả nhiều nước châu Phi cũng đang được công ty này nhắm đến.

“Các cụ ngày xưa đã làm nên thương hiệu gốm Chu Đậu mang tầm quốc tế, “nhất sứ Giang Tây, nhất gốm Chu Đậu”, nay công ty thừa hưởng tạo một lợi thế cạnh tranh nhất định. Cùng với những gì đã làm được, chúng tôi đang có chiến lược cải tiến mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu để phát huy lợi thế thương hiệu mà các cụ đã tạo nên lừng lẫy một thời!” - ông Thăng cho biết.

Ông Mai Văn Hội, phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương, nói rằng từ khi phát hiện gốm Chu Đậu, trong các đại hội của tỉnh, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Hải Dương đều định hướng khôi phục, đưa gốm sứ Chu Đậu thành một ngành nghề mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.

Các nhà quản lý còn mong muốn đưa gốm Chu Đậu không chỉ là sản phẩm thương mại như hiện nay, mà phải làm sao phát triển theo hướng làng nghề du lịch. Đó cũng là ước nguyện của người dân làng Chu Đậu, nhiều người mong nghề cổ của tổ tiên làng mình ngày nào đó trở thành hấp lực để cuốn hút được du khách gần xa.

Ông Trần Hữu Quang, phó thôn Chu Đậu, dẫn chúng tôi đi tham quan nhiều nơi trong làng.

Đó là khu đất 300m2 vừa được khảo cổ cuối năm 2014 nằm giữa làng đang chất đầy các mảnh gốm và vỏ bao nung gốm cổ. Rồi bờ đê sông Thái Bình cuối làng được giới thiệu là bến đò tấp nập chở gốm từ ngày xưa. Hay nhà văn hóa của thôn đang có nhiều tủ kính chất đầy những loại con kê, bao nung và các sản phẩm, phế phẩm của gốm Chu Đậu đào được từ lòng đất của làng...

"Người làng Chu Đậu chúng tôi ai cũng muốn trở thành điểm du lịch như Bát Tràng hết cả, mà làm sao để được như vậy chú hè?” - ông Quang nói.

Việc này ông Hội cho biết chính quyền tỉnh Hải Dương cũng đang hướng đến: “Tỉnh có hướng kêu gọi đầu tư, muốn biến Chu Đậu trở thành điểm du lịch, khách có thể vừa tham quan di tích nghề gốm cổ, tham quan và thực hành làm gốm mới kèm nhiều dịch vụ hấp dẫn khác như cách nhiều làng nghề cổ thu hút du khách đang làm!”.

THÁI LỘC - TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên