Đoàn đại biểu Đông Bắc Campuchia đi dự lễ thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia. Bu Thoong ngồi hàng đầu, bên trái - Ảnh: tư liệu Trần Tiến Cung |
Nhưng trung tá Trần Tiến Cung hơi băn khoăn, sợ Đoàn Đông Bắc không diễn đạt được những điều họ mong muốn.
Hội nghị hai bên
Vào hội nghị, ông Lê Đức Thọ nói:
- Thưa các đồng chí! Đây là hội nghị của các đồng chí Campuchia và B68, nhưng vì sao tôi chủ trì? Vì tôi được Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phân công theo dõi và xây dựng tình đoàn kết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Campuchia từ thời Tổng bí thư Sơn Ngọc Minh đến nay. Thứ nữa, vì các đoàn Campuchia về đây không biết nhau. Tôi là người trực tiếp mời các đồng chí nên tôi có mặt để giới thiệu các đồng chí.
Nói xong, đồng chí Lê Đức Thọ giới thiệu từng thành viên tham gia hội nghị rồi nói qua về tình hình Campuchia.
Tiếp đó, đại diện các đoàn phát biểu. Lần lượt các ông Hun Sen, Heng Samrin, Chea Sim. Ai cũng phát biểu rõ ràng, mạch lạc.
Đoàn Đông Bắc phát biểu sau cùng. Ở nhà, Trần Tiến Cung đã họp bàn với ba vị thường trực ủy ban khởi nghĩa nói những nội dung gì, sau đó thống nhất cử Bu Thoong phát biểu ý kiến, vì anh thông thạo tiếng Việt. Tại hội nghị, Bu Thoong đề nghị những vấn đề:
- Tập hợp các lực lượng ly khai Campuchia sang Việt Nam, lực lượng nổi dậy trong nước và lực lượng ở Việt Nam trước đây thành lực lượng thống nhất, gọi là Liên minh chống Pol Pot - Ieng Sary.
- Khôi phục lại tổ chức Đảng Campuchia.
- Phải tiến tới lật đổ bè lũ diệt chủng, thành lập lực lượng vũ trang, thành lập đài phát thanh, thành lập Nhà nước Campuchia mới. Trước hết, cần giúp đỡ lực lượng ly khai Đông Bắc Campuchia trở thành căn cứ và hậu phương của cách mạng Campuchia.
Khi anh Bu Thoong nói, ông Lê Đức Thọ hết nhìn Bu Thoong rồi nhìn Trần Tiến Cung, cuối cùng khen hay. Đột nhiên ông Bu Mi, vốn là người rất thật thà, đứng lên nói:
- Đề nghị bác Sáu cho tôi có ý kiến!
Ông Lê Đức Thọ vui vẻ:
- Vâng, xin mời anh.
Ông Bu Mi nói, Bu Thoong dịch:
- Chúng tôi phát biểu như thế bác Sáu khen hay, nhưng thực tế là nhờ anh Cung giúp đấy!
Mọi người cười ầm lên, riêng trung tá Trần Tiến Cung ngồi im thit thít. Ông Lê Đức Thọ nói nhanh:
- Thôi được rồi, các đoàn ra về tiếp tục bàn bạc thống nhất với nhau rồi ta tiến hành...
Rời hội nghị, trung tá Cung cùng đoàn Đông Bắc trở về ngay căn cứ Gia Pốc.
Thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước
Tháng 8-1978, tình hình Campuchia rất căng thẳng. Cứ theo thời gian, bọn Pol Pot lại leo lên những nấc thang mới trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Kể từ tháng 5-1978 đến tháng 12-1978, chúng đã giết hại hơn 5.000 dân thường Việt Nam, làm bị thương 5.000 người khác, bắt đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người. Ngày 21-12-1978, Pol Pot sử dụng 10 sư đoàn tấn công trên toàn biên giới việt Nam...
...Một hôm từ trên Kon Tum về Đà Nẵng, Trần Tiến Cung bất ngờ gặp Tư lệnh Quân khu 5 Đoàn Khuê. Đồng chí Đoàn Khuê hỏi:
- Công việc gần tới nơi rồi sao cậu còn ngồi đây?
- Tôi muốn gặp anh xin ít trang bị cho đoàn, đề nghị anh giải quyết sớm.
Đồng chí Đoàn Khuê xua tay:
- Được rồi, cậu cứ lên trên đó đi. Lên ngay!
Tối hôm đó, Trần Tiến Cung trở lại Gia Pốc. Sáng hôm sau, đang định họp chỉ huy Đoàn 578 thì lại nhận được điện của đồng chí Lê Đức Thọ mời Đoàn đại biểu Đông Bắc và Trần Tiến Cung vào TP.HCM họp gấp.
Biết trước sẽ là cuộc họp để tổng kiểm tra công tác chuẩn bị, nhưng do vũ khí, quân trang của Đoàn 578 chưa đầy đủ nên anh đề nghị ba ủy viên thường trực ủy ban khởi nghĩa đi trước, rồi mình vào sau.
Anh viết một bức thư gửi cho thiếu tướng Nguyễn Xuân Hoàng nói về sự khó khăn của Đông Bắc, cần phải chuẩn bị tiếp một thời gian nữa. Viết xong, Trần Tiến Cung đưa thư cho Bu Thoong và dặn:
- Anh về đưa thư này tận tay cho anh Hoàng. Nếu bác Sáu (đồng chí Lê Đức Thọ) có hỏi tôi, anh trả lời là tôi vào sau, vì chưa đến ngày họp.
Bu Thoong đáp:
- Vâng, anh cứ yên tâm!
Xe chở đoàn Bu Thoong chạy xuống Nha Trang, không ngờ gặp ngay xe đồng chí Lê Đức Thọ. Ông hỏi Bu Thoong:
- Vậy anh Cung đâu?
- Anh Cung bận việc ạ!
- Bận việc như thế nào?
Bu Thoong không biết trả lời sao, lật đật đưa thư của Trần Tiến Cung gửi Nguyễn Xuân Hoàng. Đồng chí Lê Đức Thọ xem thư xong, không nói gì, bỏ ngay vào túi. Bu Thoong nói:
- Thưa với bác Sáu là anh Cung dặn chỉ đưa thư này cho anh Hoàng thôi.
Đồng chí Lê Đức Thọ trả lời:
- Thôi, tôi nhận thay cho anh Hoàng cũng được.
Cuộc họp hôm đó, thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, phó tổng tham mưu trưởng, đọc báo cáo về sự chuẩn bị của các đoàn, nói chung là rất tốt. Đồng chí Lê Đức Thọ không nói gì, cuối buổi đem thư của Trần Tiến Cung ra đọc. Mọi người im lặng nhìn nhau, không nói được câu gì.
Sau hội nghị này, Trần Tiến Cung có quyết định ở lại làm trợ lý tổ chức - cán bộ cho B68 và trực tiếp theo dõi khu Đông Bắc Campuchia. Sau đó, lần lượt Bu Thoong, Bu Mi và Đoàn 578 cũng lần lượt vào Thủ Đức, TP.HCM để chuẩn bị hội nghị thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia.
Cuối tháng 10-1978, Hội nghị thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia diễn ra tại Thủ Đức, TP.HCM. Hội nghị được tổ chức như một đại hội, có đầy đủ các đoàn Campuchia tham dự, có báo cáo đề án cách mạng Campuchia, nghị quyết thành lập Mặt trận.
Hội nghị đã bầu ông Heng Samrin làm chủ tịch Mặt trận. Bu Thoong và Bu Mi của lực lượng Đông Bắc cũng được bầu vào Trung ương Mặt trận.
Ngày 2-12-1978, tại thị trấn Snun của Campuchia (giáp với tỉnh Tây Ninh - Việt Nam), Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra hoạt động công khai. Buổi lễ diễn ra một ngày, có nhiều nhà báo quốc tế đến dự. Sự ra đời của Mặt trận đã tạo niềm tin cho các lực lượng ly khai siết chặt đội ngũ cùng nhau đánh đổ bè lũ Pol Pot.
Chỉ sau đó vài chục ngày, cuộc tổng tiến công của quân tình nguyện Việt Nam, được sự giúp đỡ của nhân dân và Quân đội cách mạng Campuchia vào sào huyệt của Khmer Đỏ, bắt đầu.
Hồi sinh từ những “cánh đồng chết” Trò chuyện cùng chúng tôi, tướng Trần Tiến Cung bảo: - Mấy hôm sau ngày kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ, đại tướng Bu Thoong, nguyên bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đại tướng Xơi Keo, nguyên tổng tham mưu trưởng Quân đội Campuchia, đã sang thăm căn cứ của Ủy ban khởi nghĩa Đông Bắc, thăm các bạn chiến đấu ở Đoàn 578, các tỉnh đã từng cưu mang, đùm bọc những người ly khai Campuchia. Đại tướng Bu Thoong thỉnh thoảng có điện thoại cho tôi. Các anh cũng muốn viết một cuốn lịch sử về sự kiện này. Ông ngồi im lặng và suy tư. Nhiều năm đã trôi qua, có thể nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng như Campuchia không biết cha anh mình đã đổ xương máu như thế nào để cứu một dân tộc hồi sinh từ những “cánh đồng chết” hoang tàn. Nhưng ông và những người bạn ông, như Bu Thoong, Xơi Keo... thì không thể quên được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận