05/01/2016 10:38 GMT+7

Khi gặp nạn, ngư dân Việt chỉ biết tự cứu nhau trên biển

ĐOÀN CƯỜNG - TRẦN MAI
ĐOÀN CƯỜNG - TRẦN MAI

TT - Một tàu sắt to sừng sững, thân tàu màu xanh, cabin màu xám, trên tàu có ghi chữ Trung Quốc đâm liên tiếp vào tàu cá của ngư dân Việt Nam, hất ngư dân xuống biển.

Con tàu trị giá hơn 3 tỉ đồng của ngư dân Huỳnh Văn Thạch giờ chỉ còn là đống gỗ tàn sau khi bị tàu Trung Quốc đâm - Ảnh: Đoàn Cường
Con tàu trị giá hơn 3 tỉ đồng của ngư dân Huỳnh Văn Thạch giờ chỉ còn là đống gỗ tàn sau khi bị tàu Trung Quốc đâm - Ảnh: Đoàn Cường

Chiều tối 2-1, tàu cá QNg 98459 của ông Huỳnh Văn Thạch (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) cùng 10 ngư dân đã được tàu cá QNg 94429 của ông Huỳnh Bi (trú Quảng Ngãi) lai dắt về tới Đà Nẵng an toàn.

Cùng với ông Bi còn có ba tàu cá khác bỏ dở chuyến đi biển để ứng cứu 10 ngư dân “đồng nghiệp” đang chới với giữa biển khơi. Ngư dân gặp nạn nhưng chỉ biết gọi cho... ngư dân đến cứu.

Không có cái máy Icom là như người mù giữa đêm đen. Nó giống như thần hộ vệ của chúng tôi. Ở biển chỉ cần cách nhau 1 hải lý là đã khó gặp rồi. Nhờ có máy Icom mà kêu được tàu khác đến giúp, rồi báo tin về nhà để kịp thời xin sự giúp đỡ của đất liền

Ông MAI CHO (chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Quang)

Bỏ đi biển để cứu bạn tàu

Theo ông Thạch, trưa 1-1 khi tàu cá này đang trên đường di chuyển từ Đà Nẵng ra khu vực biển cách đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị khoảng 70 hải lý thì bị một tàu cá vỏ thép của Trung Quốc (TQ) đâm chìm.

Chưa hết kinh sợ, ông Thạch kể lại: “Khi các ngư dân đang thiu thiu ngủ, bất ngờ nghe tiếng ầm ầm của máy tàu. Tôi đang cầm lái trên cabin nên ngó sang hông thì thấy một tàu sắt to sừng sững, thân tàu màu xanh, cabin màu xám, trên tàu có ghi chữ Trung Quốc đâm thẳng mũi vào giữa tàu cá của chúng tôi.

Sau cú đâm thứ nhất, bảy anh em bị hất tung xuống biển. Tôi đứng trên mạn cách tàu cá họ 3-4m kêu cứu, nhưng có hai người nói tiếng Trung với nhau gì đó rồi họ đánh lái ra và tông tiếp cú thứ hai. Sau đó, dù chúng tôi kêu cứu nhưng họ vẫn bỏ đi”.

Hai cú đâm liên tiếp đã khiến phần giữa con tàu QNg 98459 bể nát. Cabin sụp tan tành. Nước biển ngập nhanh. Toàn bộ tư trang, máy móc của tàu đều chìm xuống biển.

Cũng may lúc đó, thuyền trưởng Thạch còn kịp gọi bộ đàm cho ngư dân Huỳnh Bi xin cấp cứu. Khi nghe lời kêu cứu khẩn thiết của ông Thạch, dù lúc đó tàu của mình cách tàu bị nạn khoảng 5 hải lý, ông Bi vẫn nhấn ga, tăng tốc đến hiện trường.

Khi ấy cả con tàu QNg 98459 đang chìm, chỉ còn cách mặt nước biển gần 1m. Bảy ngư dân trong số 10 người đang chới với trên biển. Ông Bi cùng các thủy thủ của mình cật lực tát nước giúp tàu bị nạn.

Cũng lúc này, ông Nguyễn Bích, thuyền trưởng tàu cá QNg 98739 (nhận được tín hiệu cấp cứu “trung gian” từ ông Bi) cũng đến ứng cứu.

Gần 30 ngư dân quần quật suốt từ trưa 1-1 cho hết đêm để bơm nước, tát nước trong tàu bị chìm ra, toàn bộ đá tảng dùng để bảo quản cá, nhiều khối nước ngọt được đổ bỏ xuống biển cho tàu nhẹ. Họ chia nhau mì gói sống cho những người bị nạn để lót dạ giữa cơn gào thét của biển khơi...

Lúc này ở quê nhà Phổ Quang (huyện Đức Phổ), bên đài Icom đặt tại nhà ông Huỳnh Luận, ông Võ Văn Sinh - chủ tịch UBND xã Phổ Quang - liên tục rà tần số để kêu gọi các tàu cá của xã đến ứng cứu tàu bị nạn.

Có hai tàu Quảng Ngãi cách gần 40 hải lý nhưng khi nghe kêu cứu đã lập tức bỏ dở chuyến đánh bắt để quay lại “tiếp viện”.

Đó là thuyền trưởng tàu cá QNg 94884 Đồng Văn Quân và thuyền trưởng Võ Dũng của tàu cá QNg 94448. Hai tàu cá này còn kịp tiếp tế máy phát điện, bình gas, đồ ăn cho tàu bị nạn.

Đến 16g ngày 1-1, tàu cá bị nạn mới nổi lên nhưng gió cấp 7 khiến “đoàn cấp cứu” chưa thể lai dắt tàu đi được. Anh em bạn tàu phải chờ đến 3g sáng 2-1, khi sóng biển êm mới lai dắt tàu bị nạn về Đà Nẵng.

Vì sao không báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng? Ông Huỳnh Bi cho biết lúc đó các ngư dân đều quýnh lên và hoảng loạn nên chỉ lo cấp cứu cho tàu bị nạn. Và họ làm điều đó như một bản năng.

“Tôi chỉ biết mỗi số Icom của anh Luận ở quê nhà nên đánh điện về thông báo tàu bị nạn” - ông Bi nói.

Còn ông Thạch cho biết: “Lúc tìm thấy máy bộ đàm nhỏ tôi chỉ nghĩ ngay đến anh em bạn tàu trong tổ đi biển nên liền gọi cho họ chứ không còn thời gian và tâm trí để gọi về nhà hay gọi đi đâu vì cú đâm quá bất ngờ và tàn nhẫn”.

Ông Thạch còn chia sẻ thêm: “Cũng may bị đâm vào ban ngày, chứ tàu của tụi tôi mà bị đâm ban đêm thì chắc chắn chúng tôi chết hết. Và nếu không có anh em bạn biển tương trợ cho tàu đến cứu thì chúng tôi cũng không sống được mà trở về”.

Các ngư dân trên tàu cá của ông Huỳnh Bi giúp dọn dẹp tàu cá bị nạn - Ảnh: Đoàn Cường
Các ngư dân trên tàu cá của ông Huỳnh Bi giúp dọn dẹp tàu cá bị nạn - Ảnh: Đoàn Cường

Niềm tin từ đài Icom

Chúng tôi gặp ông Huỳnh Luận (xã Phổ Quang) vào tối 1-1 lúc ông “ôm” lấy chiếc đài Icom liên tục liên lạc với các tàu cá ứng cứu tàu cá QNg 98459.

Giọng ông Luận oang oang bên chiếc Icom nhỏ nhưng chỉ nghe những tiếng nhiễu rì rì đáp trả. Ông Luận nói: “Giờ người đất liền chỉ còn biết trông chờ vào cái đài Icom này mà thôi”.

Ông Võ Văn Sinh cũng có mặt tại nhà ông Luận. Quá nóng ruột, ông Sinh “giật” lấy Icom trên tay ông Luận để liên lạc với đội tàu cá của xã đang ở khu vực tàu bị nạn.

Từng lời nói rè rè vì gió biển, tiếng sóng và cả tiếng người hò hét cứu tàu, ông Sinh nhìn những người phụ nữ là mẹ, vợ của các ngư dân (khi đó đến đầy nhà ông Luận) với ánh mắt đầy lo âu khi bất chợt chiếc đài Icom mất sóng. Ông Sinh cố gắng trấn an họ.

Khoảng 20g ngày 1-1, bất ngờ có tín hiệu “đánh về”, ông Sinh vội lao về chiếc máy icom hỏi dồn: “Anh em có bị thương hay bị gì khác không?”.

Khi nghe ông Thạch trả lời từ biển rằng “tình hình sức khỏe an toàn, giờ anh em tập trung lo cứu tàu” thì ông Sinh mới yên tâm quay lại phía những người mẹ, người vợ làng biển báo thông tin và vỗ về họ về nhà nghỉ, giữ sức khỏe chờ chồng con về.

Thông tin vụ tàu bị tông chìm như luồng điện chạy dọc xã biển nghèo Phổ Quang. Từ già trẻ, lớn bé đều ngồi lại bàn tán.

Ở xã biển này, thiên tai giờ đã không còn đáng sợ bằng “nhân tai” gây ra bởi tàu TQ mà 10 con người trong xã vừa trải qua trên biển.

Chị Phạm Thị Hồng Lộc, vợ của ngư dân Nguyễn Ngọc Thơ, sau khi nghe được giọng chồng qua icom đã chạy như bay về nhà để báo tin lành cho mẹ chồng. Chị Lộc nói: “Cả chục chị em chúng tôi chỉ biết bấu víu cái đài icom của ông Luận để biết tin chồng con của mình từ biển khơi”.

Từ khi những vụ tàu ngư dân từ Trường Sa đến Hoàng Sa và nay là cả vùng biển Quảng Trị nằm sâu trong thềm lục địa của VN bị tấn công ngày mỗi nhiều, xã Phổ Quang tổ chức cho ngư dân thành lập tổ nhóm đi biển để tương trợ nhau.

Ông Mai Cho, chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Quang, cho biết toàn xã có 129 tàu cá đánh bắt xa bờ, chia làm 22 tổ đội đi biển để tương trợ, giúp đỡ nhau khi gặp nạn giữa trùng khơi.

Mỗi tàu có một máy icom, ngoài ra mỗi tổ cũng chung tiền góp mua một chiếc đài Icom để ở nhà, tiện liên lạc với đất liền. Cũng chính các tổ đội này đã thắt chặt tinh thần đoàn kết hoạn nạn có nhau trên biển.

Đã có nhiều lần, các đội tàu của Phổ Quang bỏ đi biển để cứu bạn tàu gặp nạn. Thuyền trưởng tàu cá QNg 98973 Nguyễn Thành Sơn tâm sự: “Chuyến biển đầu tháng 4-2015 nếu không có anh em trong đội giúp thì chúng tôi không chỉ bỏ chiếc tàu vài tỉ đồng mà còn có khi bỏ mạng như chơi”.

Khi đó, tàu của ông Sơn cùng hơn 10 thuyền viên đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa thì bị chết máy, trôi dạt trên vùng biển và đâm vào bãi đá ngầm. Ông Sơn phải tức tốc phát tín hiệu cấp cứu qua icom và báo thông tin tàu gặp nạn về nhà.

Ngay sau đó, sáu tàu cá của Phổ Quang lập tức xác định tọa độ, đến hiện trường ứng cứu. Ông Cho cho biết trong năm 2015 đã có gần 10 trường hợp các ngư dân trong tổ đội bỏ dở chuyến biển, chấp nhận lỗ tổn phí hàng chục triệu đồng để giúp bạn tàu gặp nạn.

Thật đau xót cho ngư dân đánh bắt xa bờ của VN. Là công dân VN, họ dùng việc hành nghề như một cách khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển, nhưng khi bị nạn họ chỉ biết trông chờ tình nghĩa từ những ngư dân như mình mà thôi.

Chi cục Kiểm ngư chỉ biết tin từ Bộ Ngoại giao

Trong khi đó tối 2-1, ông Hà Lê - phó cục trưởng Cục Kiểm ngư VN - cho biết khu vực biển Cồn Cỏ thuộc sự quản lý của Chi cục Kiểm ngư vùng 2.

Thông tin tàu cá Quảng Ngãi bị đâm chìm mà lực lượng kiểm ngư tiếp nhận được là từ Bộ Ngoại giao và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chứ không nhận được tin từ phía ngư dân. Chỉ sau khi ngư dân báo cáo cơ quan chức năng thì kiểm ngư mới biết.

“Cục cũng rất tăng cường tuyên truyền thông tin đến các tàu xa bờ nhưng ngư dân ít liên lạc. Có nhiều vụ tương tự thì ngư dân báo cáo biên phòng, về nhà báo cáo biên phòng sở tại” - ông Lê cho hay.

Ông Lê cũng nói rằng việc tuần tra của kiểm ngư ở khu vực này theo đợt, theo tuyến chứ không thể nằm cả 365 ngày trên biển.

ĐOÀN CƯỜNG - TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên