25/12/2015 12:39 GMT+7

Bay qua xứ sâm Hàn Quốc

TẤN VŨ (hotanvu@tuoitre.com.vn)
TẤN VŨ (hotanvu@tuoitre.com.vn)

TT - Những người nông dân ở Hamyang, một huyện miền núi xa xôi của tỉnh Gyeongsang (Hàn Quốc), đã trở nên thịnh vượng ngay ở vùng núi lạnh lẽo trên quê hương mình bằng cách trồng sâm núi (wild ginseng).

Người dân huyện Hamyang, tỉnh Gyeongsang (Hàn Quốc) đã trở nên giàu có ngay trên vùng núi lạnh lẽo quê hương mình bằng cách trồng và chế biến sâm núi - Ảnh: Tấn Vũ
Người dân huyện Hamyang, tỉnh Gyeongsang (Hàn Quốc) đã trở nên giàu có ngay trên vùng núi lạnh lẽo quê hương mình bằng cách trồng và chế biến sâm núi - Ảnh: Tấn Vũ

Sâm núi Hàn Quốc, thứ biệt dược hảo hạng, có giá đắt đỏ gấp cả 100 lần hồng sâm và nhân sâm đã được người nông dân nâng tầm thành một đặc sản quý như báu vật. Và mới đây, một đoàn nghiên cứu của chính quyền huyện Nam Trà My (Quảng Nam), nơi có loài sâm Ngọc Linh nổi tiếng, đã qua tận vùng núi xa xôi của Hàn Quốc này để học cách trồng sâm...

Kinh đô sâm núi

Hơn sáu giờ bay từ Hà Nội, đoàn nghiên cứu sâm Hàn Quốc của chúng tôi đến TP Busan (Hàn Quốc) lúc trời vừa sáng. Nhưng do trục trặc, hải quan và kiểm dịch thực vật tại sân bay quốc tế Gymhae nhất quyết giữ ba thùng hàng lớn của đoàn với lý do: những mặt hàng thực vật chưa rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không được nhập vào quốc gia này.

Mặc dù được đoàn trình bày cặn kẽ đây chỉ là quà biếu và hàng nghiên cứu của chính quyền huyện Nam Trà My bao gồm: sâm Ngọc Linh, vỏ cây quế Trà My nhưng mọi thứ vẫn nhùng nhằng cho đến khi ông Kang Seong Gab, chánh văn phòng huyện Hamyang, đến đón chúng tôi tại sân bay. Ông vào bên trong giải thích và đưa thư mời của chính quyền sở tại thì mọi việc mới được thông qua.

Ông Kang Seong Gab nói bằng thứ tiếng Việt lơ lớ như vừa học đâu đó rằng: “Chào mừng quý vị về với kinh đô sâm núi Hamyang!”. Thế nhưng để đến được kinh đô sâm như ông chánh văn phòng nói, chúng tôi phải vượt hơn 200km trên các con đường cao tốc xuyên qua những dãy núi non trùng điệp.

Ngồi lặng thinh bên cửa sổ xe buýt, ông Nguyễn Thanh Tòng, bí thư huyện Nam Trà My, ước ao rồi thì thầm: “Busan có địa thế giống Đà Nẵng. Khoảng cách từ Đà Nẵng về Nam Trà My tương đương từ Busan lên Hamyang, nhưng mình đi mất 5 - 6 giờ còn ở đây người ta đi chỉ mất hai giờ. Cũng là nông thôn như mình nhưng tại sao người ta giàu có quá! Biết bao giờ nông dân Nam Trà My của mình ra ruộng, lên rẫy bằng những chiếc ôtô như họ”.

Chiếc xe buýt vẫn lao vút trên con đường cao tốc tám làn phẳng lì, những con đèo được khoét hầm chui hoàn toàn nên dù Hamyang có độ cao trên cả 1.000m so với mực nước biển nhưng mọi thứ không có chút gì chông chênh.

Hamyang được bao bọc bởi ba khu vườn quốc gia rậm rạp, dưới chân dãy núi Siri cao ngất và cạnh đó có hơn 15 ngọn núi cao trên 1.200m mây che quanh năm trắng xóa. Nhiệt độ trung bình trong vùng khoảng 11 độ C, mùa nắng nóng nhất là 34 độ C và mùa đông lạnh đến -15 độ C.

Tuyết trắng núi đồi, tuyết phủ kín mái nhà, cành cây... Không ai giải thích được vì sao loài sâm núi này có thể sinh sôi và phát triển tốt tươi giữa thời tiết khắc nghiệt như vậy.

Huyện trưởng huyện Hamyang Im Chang Ho tự hào khoe rằng dù quê hương ông không thuận lợi về thời tiết, thổ nhưỡng nhưng chính quyền của ông nỗ lực không ngừng để người nông dân quê ông được giàu có và không ngừng dừng lại ở mức thu nhập 20.000 USD/người/năm.

Cùng với củ hành tây, táo, hồng..., sâm núi vẫn là loại cây chủ lực của Hamyang. Huyện Hamyang rộng 724km2, trong đó đến 78% diện tích là núi cao, thời tiết khắc nghiệt hơn như bất kỳ huyện miền núi nào ở Việt Nam, dân số chỉ hơn 40.000 người. Nhưng mà nghe thật choáng: hằng năm họ thu được gần 1 tỉ USD, chủ yếu từ sâm núi.

“Tôi muốn biến Hamyang thành thủ phủ sâm không những với Hàn Quốc mà vươn mạnh ra thế giới” - ông Im Chang Ho nói.

Tiền sảnh trụ sở chính quyền huyện Hamyang, tỉnh Gyeongsang trở thành nơi trưng bày và quảng bá các sản phẩm của người dân địa phương - Ảnh: Tấn Vũ
Tiền sảnh trụ sở chính quyền huyện Hamyang, tỉnh Gyeongsang trở thành nơi trưng bày và quảng bá các sản phẩm của người dân địa phương - Ảnh: Tấn Vũ

Siêu thị trong trụ sở chính quyền

Quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân của chính quyền huyện Hamyang thể hiện ngay tại nơi làm việc của mình. Trụ sở chính quyền không đồ sộ như những tòa nhà cấp huyện của Việt Nam, thậm chí lối đi còn rất hẹp, nhưng trước tiền sảnh, nơi đẹp nhất của tòa nhà, lại là một quầy trưng bày các loại sản phẩm của Hamyang.

Ông chánh văn phòng Kang Seong Gab khoe với chúng tôi rằng có đến hàng trăm loại mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm của rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện mang đến đây để trưng bày. Nước giải khát, nước ngọt, nước ép đóng chai, lon, rượu, bánh kẹo... tất cả đều là sản phẩm từ sâm núi của người dân địa phương làm ra.

Doanh nghiệp, người dân đã nuôi sống chính quyền thì ngược lại nhà chức trách phải có trách nhiệm với người dân. “Bởi trụ sở huyện là nơi đón tiếp, làm việc với rất nhiều cơ quan, đoàn thể trong và ngoài nước nên chính quyền muốn biến nơi đây thành địa điểm giúp người dân quảng bá sản phẩm của mình” - ông Kang Seong Gab lý giải.

Khâm phục với ý tưởng trên nhưng ông Hồ Quang Bửu, chủ tịch huyện Nam Trà My, lại buột miệng: “Huyện Nam Trà My mình mà trưng bày ngay tiền sảnh hàng từ sâm Ngọc Linh thì đẹp biết mấy. Nhưng sợ nhất bị phê bình là trụ sở chính quyền mà không nghiêm túc!”. Còn nhà báo chúng tôi tự hỏi: sao lại không, chính quyền như thế thiệt là dễ thương...

Buổi làm việc với chính quyền huyện diễn ra rất chóng vánh. Câu chuyện về sâm núi Hàn Quốc, cách trồng sâm, chăm sóc, thu hoạch, chế biến... mà họ giới thiệu cho chúng tôi hoàn toàn chỉ bằng những thước phim tư liệu lướt qua rất nhanh.

Những chuyên gia trong đoàn nghiên cứu Quảng Nam đề cập muốn tham quan các nhà máy chế biến sâm, những nông trại, cách nông dân trồng và chăm sóc ngoài thực địa chứ không chỉ muốn xem qua phim. Họ đồng ý.

Đoàn chúng tôi được đáp ứng yêu cầu trên nhưng giới hạn thời gian vào vườn sâm chỉ đúng 15 phút và khi vào các nhà máy tuyệt nhiên không chụp ảnh, quay phim. Ông Im Chang Ho lý giải chính quyền đã cố gắng hết sức nhưng mọi việc vẫn phải từ chính các doanh nghiệp quyết định.

Chính quyền chỉ là người giúp sức nhưng chưa bao giờ can thiệp quá sâu vào các việc riêng tư như vậy. Nếu các chủ doanh nghiệp hay nông dân đồng ý thì câu chuyện hợp tác sẽ ở thì tương lai.

Hiểu được ý tứ giữ gìn bí quyết lẫn công nghệ chế biến, sản xuất của Hamyang, ông Hồ Quang Bửu cho rằng không nên trách cứ các bạn vì nếu muốn thì mình sẽ hợp tác một cách bài bản và chuyển giao công nghệ đường hoàng chứ tuyệt nhiên mình không chộp giật.

Từ trung tâm huyện Hamyang, chúng tôi ngược về phía tây nam của dãy núi Siri, thuộc xã So Sang, nơi có người đàn ông với biệt danh “vua sâm núi” Hàn Quốc để khám phá cách trồng sâm.

Không phải trèo đèo, vượt suối và leo dốc đến ná thở, cũng không vượt qua các bãi chông hay bẫy thò, bẫy thắt đầy nguy hiểm mới đến được vườn sâm như ở Ngọc Linh. Chiếc xe buýt 45 chỗ chạy trên con đường ngoằn ngoèo mà êm ru đưa đoàn người xứ Quảng đến tận khu vườn trên non cao.

Đến rồi. Những con chó bẹcgiê nhảy chồm lên, sủa oang oang cả cánh rừng khi thấy khách lạ. Một quầy trưng bày rượu sâm và hàng loạt sản phẩm của chủ vườn hiện ra trước ngõ để khách nếm thử và tham quan.

Ông Yang Gyeong Myeong, 43 tuổi, lấy bằng cử nhân kinh tế ở Trường đại học Busan, đã bỏ nghề kinh doanh rồi lên dãy Siri lạnh lẽo này để trồng sâm từ 13 năm trước.

Sở hữu vườn sâm hơn 10ha, bây giờ khu vườn sâm của ông có đủ loại sâm từ 1-2 tuổi đến 10 tuổi. Ông Yang Gyeong Myeong cười vui rằng bây giờ mình là người nông dân rất giàu có và khó có thể tính giá trị tài sản ra tiền mặt.

_____________________________

Kỳ tới: Trong rừng sâm Hamyang

TẤN VŨ (hotanvu@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên