Anh Tuyển và chị Phượng trong ngôi nhà truyền thống của người Nga vào năm 2013 - Ảnh: Q.Trung |
Chị Phượng bảo chị muốn trở thành một cô dâu xinh đẹp và con của chị phải khỏe mạnh. Do căn bệnh quái ác buộc chị phải uống nhiều thuốc và điều trị thường xuyên nên chị chưa thực hiện được hai ước nguyện này.
Áo em chưa mặc một lần
Thế là kể từ khi phát bệnh vào năm 2011 cho đến khi qua đời mới đây, anh Tuyển phải đi làm “thợ đụng”, chị ở nhà nuôi vịt, nuôi gà để tích cóp đi xe đò từ quê nhà xứ dừa Bến Tre lên ĐH Y dược TP.HCM mỗi tháng 1-2 lần để điều trị bệnh với mong muốn được trẻ lại đúng độ tuổi.
Chị được chẩn đoán bị “nhão da sau bệnh lý tế bào vón” - một căn bệnh vô cùng hiếm gặp với chỉ một vài ca được phát hiện trên thế giới.
Dù biết rõ mang trong mình căn bệnh quái ác, chị Phượng vẫn luôn giữ được cái nhìn trong trẻo về cuộc sống, nghị lực mạnh mẽ và niềm tin về tương lai khiến nhiều người phải nể phục.
Lần gần đây nhất tôi gặp chị là năm ngoái khi vợ chồng chị đến Bệnh viện ĐH Y dược cơ sở 3 trên đường Hoàng Văn Thụ, TP.HCM.
Gặp tôi, chị chỉ vào những chỗ căng mịn trên khuôn mặt và reo lên bằng giọng nói trong trẻo: “Bác sĩ nói bệnh chị có tiến triển, da mặt căng ra, bớt sần sùi hơn. Vậy là chị sắp hết bệnh để làm cô dâu, làm mẹ rồi". Nụ cười tươi và sự lạc quan của chị khiến tôi cảm thấy vui lây.
Người bạn đời lý tưởng
Ít ai biết rằng để có thái độ sống lạc quan như hiện nay, chị Phượng phải trải qua một khoảng thời gian dài u ám và bật khóc ngay khi ai đó có nhận xét không hay về vẻ ngoài lạ thường của mình.
Vợ chồng anh Tuyển chị Phượng chụp hình lưu niệm trong thời tiết giá rét ở Matxcơva năm 2013 - Ảnh: Q.Trung |
Có lẽ chị sẽ không thể chống chọi lại bệnh tật lâu đến thế nếu không có sự đồng hành của anh Tuyển - người bạn đời luôn nắm chặt tay chị vượt qua mọi gian khó của cuộc sống và những ánh nhìn soi mói của người đời.
Tuổi Trẻ là tờ báo đầu tiên phát hiện trường hợp của chị Phượng. Tôi may mắn được kênh truyền hình Nga Russia-1 nhờ cậy đưa vợ chồng chị Phượng đi Nga để tham dự chương trình hội thảo y khoa về lão hóa được tổ chức ở thủ đô Matxcơva tháng 3-2013.
Phía Nga sắp xếp chúng tôi ở một căn hộ tại Matxcơva trong ba ngày. Cùng ăn cùng ở với anh chị trong ba ngày ở xứ sở Bạch Dương, tôi quan sát thấy những cử chỉ ân cần chăm sóc đầy yêu thương của anh Tuyển dành cho vợ.
Đi đâu, chị Phượng nhất quyết phải có anh Tuyển cạnh bên mới chịu đi. Thậm chí lúc các y bác sĩ Nga chẩn đoán bệnh cho chị, có anh Tuyển cạnh bên chị mới chịu vào phòng khám. Mỗi lần chị hờn dỗi, anh Tuyển lại vuốt má và nắm chặt tay chị vỗ về.
Chị Phượng từng tâm sự với tôi rằng: “Đúng là ông trời lấy mất của tôi sắc đẹp nhưng lại ban tặng tôi những điều quý giá hơn thế, đó là một người bạn đời chung thủy và sự quan tâm của nhiều người”.
Nhận xét về vợ, anh Tuyển chỉ nói ngắn gọn với nụ cười hiền: “Phượng nhõng nhẽo lắm. Cứ như con nít. Vợ mình thì mình thương thôi”. Thế mà mới đây chị Phượng lại đột ngột bỏ anh Tuyển ở lại khiến anh vô cùng “hụt hẫng và đau xót”.
Tiếc là anh chị không tiến tới một đám cưới và chào đón những đứa con xinh xắn như một cái kết viên mãn cho chuyện tình cổ tích mà anh chị đã cùng nhau viết nên… Mong chị an giấc!
Cuộc đời của chị Phượng là một chuỗi bi kịch. Mẹ chị mất lúc chị còn rất nhỏ và bố có gia đình riêng, trong khi bà ngoại, người nuôi nấng chị từ nhỏ, cũng đã qua đời. Sau một thời gian gặp và yêu anh Tuyển, số phận nghiệt ngã lại bắt chị mắc phải căn bệnh lão hóa quái ác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận