03/07/2015 14:15 GMT+7

Cảnh sát biển chạm trán cướp biển: Ba chú cháu trong một trận đánh

MY LĂNG - 
MINH PHƯỢNG
MY LĂNG - 
MINH PHƯỢNG

TT - Trong trận đánh vây bắt, khống chế 11 tên cướp biển Indonesia ngày 22-11-2012, có một câu chuyện nhỏ rất thú vị mà ít người biết tới. Đó là cả ba chú cháu ruột cùng tham gia bắt cướp biển.

Cả ba chú cháu đều có mặt trong cuộc săn lùng, nổ súng và bắt sống nhóm cướp biển tàu Zarifah   Ảnh: ĐỨC ĐỊNH
Cả ba chú cháu đều có mặt trong cuộc săn lùng, nổ súng và bắt sống nhóm cướp biển tàu Zarifah - Ảnh: ĐỨC ĐỊNH

Gặp nhau, chỉ toàn khẩu lệnh

Hai tàu 4031 và 4034 là những tàu đầu tiên được lệnh đi tìm tàu Zafirah bị cướp. Sau khi phát hiện tàu nghi vấn, thuyền trưởng Lê Hải Trường đã thông báo cho tàu 4034 quay về sát vị trí phát hiện và cùng lập đội hình bao vây, giữ cho tàu nghi vấn phải chịu dừng tại chỗ.

“Khi lao ra biển tìm kiếm tàu Zafirah, tôi đã biết Tiến Kim cũng đang trên tàu 4034. Khi đó Kim vừa làm xong nhiệm vụ ở Trường Sa, nhà giàn DK1 và đã về đến điểm chuẩn bị thả neo thì nhận được lệnh chạy thẳng ra vị trí trong đêm, cùng với tàu 4031 lập đội hình tìm kiếm.

Suốt một đêm bao vây và tìm cách giữ tàu nghi vấn dừng tại chỗ rất căng thẳng, thật sự lúc đó mình cũng không còn nhớ có em mình đang ở tàu bên kia nữa. Khi ấy ai cũng tập trung hết cho công việc nên chẳng còn suy nghĩ chuyện gì khác” - đại úy Lê Hải Trường nhớ lại.

Đến trưa 22-11, thuyền trưởng Lê Hải Trường cũng không biết chú ruột mình - đại tá Lê Xuân Thanh (khi đó là chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển 3) - đã đi trên tàu CSB 2011 xuất phát ra thực địa lúc 11g.

“Tôi chỉ biết có chỉ huy của vùng ra chứ không biết ai, kể cả khi tàu hạ xuồng đón chỉ huy vùng. Khi chỉ huy vùng sang tàu tôi mới biết là chú Thanh ra. Sở dĩ chú Thanh lên tàu tôi vì tôi sử dụng được tiếng Anh trực tiếp ra lệnh cho bọn cướp.

Mọi thứ diễn biến lúc đó rất nhanh, không thể nói qua bộ đàm sẽ mất thêm một công đoạn. Chú Thanh nhận lệnh từ Bộ tổng tham mưu, từ thủ trưởng Cục Cảnh sát biển rồi truyền lệnh, ra lệnh cho tôi và các tàu khác.

Tôi lo chỉ huy tàu và phiên dịch. Còn chỉ huy trưởng ra lệnh như thế nào thì dịch sang tiếng Anh ngay, truyền qua tàu bị bọn cướp khống chế. Lúc đó ai cũng dồn hết cho công việc. Chú cháu không có thời gian hỏi thăm, trò chuyện đâu” - thuyền trưởng Lê Hải Trường nói.

Sau khi bọn cướp đã dồn hết ra trước boong mũi chấp nhận đầu hàng, chỉ huy trưởng Lê Xuân Thanh ra lệnh ba tàu 4034, 4031, 9001 hạ xuồng và cử nhóm sang tiếp cận tàu Zafirah bắt bọn cướp khi chúng nhảy xuống biển. Mỗi tàu cử một tổ gồm năm người xuống xuồng làm nhiệm vụ tiếp cận.

Do ở khoảng cách gần, xuồng của tàu 4034 tiếp cận tàu Zafirah sớm nhất. Khi sĩ quan - tổ trưởng tổ xuồng - báo cáo qua máy bộ đàm đã tiếp cận tàu bị cướp thì thuyền trưởng Lê Hải Trường mới hay đó là Lê Tiến Kim - em trai mình. Kim đi xuồng đầu tiên.

“Anh em khi đó cũng nghĩ tới tình huống còn tên thứ 12. Xuồng mình là xuồng cao su bơm hơi ở dưới, còn tàu Zafirah rất cao. Nếu chúng có vũ khí nóng, từ trên cao súng AK nã xuống một loạt đạn thì...

Nhưng trên năm tàu của mình lúc đó đều cử một nhóm cầm súng AK lên đạn sẵn, nếu có tên nào manh động là bắn tiêu diệt ngay. Mà mình nói thật khi đã xuống xuồng rồi thì không nghĩ ngợi gì nữa” - đại úy Lê Tiến Kim nhớ lại.

Sau khi bắt xong 11 tên cướp, chỉ huy trưởng Lê Xuân Thanh lại sang tàu 4034 để chỉ huy tàu này áp giải bọn cướp về bờ.

“Trước khi về, chú chỉ dặn theo kiểu chỉ huy: ở lại đảm bảo an toàn. Chú cháu gặp nhau được mấy tiếng đồng hồ trong tình huống vô cùng căng thẳng, cũng không nói với nhau được gì ngoài toàn những câu khẩu lệnh, ra lệnh” - đại úy Lê Hải Trường cười bảo.

“Hôm đó mọi thứ diễn ra quá nhanh và đầy căng thẳng. Chúng tôi cũng không nhận ra lần đầu tiên ba chú cháu cùng tham gia một nhiệm vụ đặc biệt như vậy. Sau này về nghe mẹ tôi bảo biết ba chú cháu ra biển bắt cướp rất lo lắng, nhưng khi thấy mọi người bình an trở về thì rất vui mừng, hãnh diện” - đại úy Lê Hải Trường kể.

Gia đình lính biển

Nhiều người bảo nhà Lê Hải Trường là gia đình lính biển, là con nhà nòi. Bố anh, ông Lê Tiến Lạp, là nguyên phó khoa hàng hải Học viện Hải quân (Nha Trang). Mẹ anh cũng từng công tác tại Học viện Hải quân, là bộ đội Trường Sơn. Chú ruột anh, đại tá Lê Xuân Thanh, hiện là tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3. Em trai Lê Tiến Kim (sinh năm 1985) hiện đang là thuyền trưởng tàu 4031 - con tàu đại úy Lê Hải Trường từng gắn bó.

Lê Hải Trường bảo từ nhỏ gia đình anh đã sống gần Học viện Hải quân Nha Trang. Khi anh lớn lên một chút, lúc đó chú ruột anh (Lê Xuân Thanh) là thuyền trưởng một tàu chiến ở Vùng 4 hải quân.

“Nhìn thấy bố, thấy chú mình cũng thích biển, muốn nối nghiệp. Cái tuổi 18, 19 không nghĩ tới lênh đênh vất vả, mà nghĩ rằng tuổi trẻ đi nhiều, sóng gió một tí” - đại úy Lê Hải Trường chia sẻ.

Lê Hải Trường luôn dành thời gian tự học ngoại ngữ. Trong tuần ít nhất phải có vài ngày tự học. Không chỉ riêng anh, em trai Lê Tiến Kim cũng rất chăm chỉ tự học ngoại ngữ. “Khả năng ngoại ngữ của Kim cũng khá, giao tiếp được với tàu nước ngoài khi hành trình trên biển” - đại úy Trường cho biết.

Câu chuyện về hai anh em lính biển Hải Trường - Tiến Kim khá thú vị.

Lê Tiến Kim cũng học hàng hải, sau này cũng xin sang cảnh sát biển như anh trai. Không thua kém anh trai, Kim cũng tham gia rất nhiều sự kiện: chống cướp biển, tìm kiếm, kéo tàu bị nạn, bảo vệ chủ quyền.

Trong sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển, thềm lục địa Việt Nam (năm 2014), thuyền trưởng Lê Tiến Kim đã có mặt 25 ngày đêm tại thực địa.

Năm 2013, Lê Tiến Kim được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển năm 2013. Năm 2014, Kim được Trung ương Đoàn tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm và là 2 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

“Chưa bao giờ tôi định hướng Kim đi theo nghề của mình - đại úy Lê Hải Trường nói - Khi Kim công tác trên cương vị thuyền phó, thuyền trưởng, tôi cũng có những góp ý riêng. Được cái Kim rất biết lắng nghe, chịu khó. Giờ nhà có hai đứa con đều là thuyền trưởng, chắc bố mẹ tôi cũng vui lắm”.

Đại úy Lê Hải Trường - Ảnh: MY LĂNG
Đại úy Lê Hải Trường - Ảnh: MY LĂNG

Trước khi đi thực hiện nhiệm vụ liên quan đến tàu Zafirah, từ tháng 3 đến tháng 4-2012 Lê Hải Trường đã được tham gia một lớp tập huấn chống cướp biển, chống cướp có vũ trang tại Thái Lan. Lớp tập huấn này được Mỹ và Thái Lan phối hợp để huấn luyện cho sáu nước trong khu vực.

Trước đó, anh lại được đi học ngoại ngữ ba năm tại đoàn 871 của Tổng cục Chính trị, ba tháng học tiếng Anh quân sự chuyên sâu ở Singapore. “Đặc biệt trong những lớp học này là những câu khẩu lệnh, tôi được học rồi nhưng không ngờ có lúc lại dùng tới nó” - Lê Hải Trường nói.

Anh là người duy nhất đến thời điểm này của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hai lần được thăng quân hàm trước niên hạn và trong cùng một cấp hàm (cấp úy).

Trong quân đội, việc một sĩ quan chỉ trong hai năm được thăng quân hàm trước niên hạn hai lần là việc rất hiếm và phải có thành tích đặc biệt xuất sắc mới nhận được đặc cách này.

MY LĂNG - 
MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên