25/05/2015 09:12 GMT+7

Hãy đặt mình vào vị trí người dân

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Đồng Tháp là một trong những địa phương giải quyết có hiệu quả nhiều vụ khiếu kiện kéo dài. Lãnh đạo tỉnh tiếp dân định kỳ hằng tháng rất nghiêm túc và đều công khai trên cổng thông tin điện tử.

Ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: V.Tr
Ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: V.Tr

Rất nhiều vụ đã được giải quyết dứt điểm, nhiều lời xin lỗi chân thành của lãnh đạo tỉnh đã xuất hiện tại các cuộc gặp gỡ như thế.

Công khai mọi việc

Ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói về quan điểm giải quyết khiếu kiện của địa phương mình thế này: “Không phải tự nhiên người dân bỏ thời gian, công sức đi khiếu kiện. Có thể họ chưa hiểu hết quy định của pháp luật, cũng có thể chính quyền giải quyết chưa đúng. Cái nào dân chưa hiểu mình kiên trì giải thích, còn cái nào mình sai thì phải xin lỗi và khắc phục ngay. Chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí người dân và không vì sĩ diện mà phớt lờ bức xúc của họ”.

Ngay đầu tháng 5-2015 mục tiếp công dân của cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp đã công bố chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc, đối thoại với dân để giải quyết bốn vụ khiếu kiện.

Đó là vụ bà Trần Thị Huệ, ông Huỳnh Dơi và bà Huỳnh Thị Thảnh ở huyện Tân Hồng khiếu nại các quyết định của UBND huyện, bà Phạm Thị Thu Vân cũng ở huyện Tân Hồng khiếu nại các quyết định của UBND tỉnh, bà Phan Hồng Nga ở huyện Cao Lãnh khiếu nại các quyết định của UBND huyện và UBND tỉnh, bà Phạm Thị Lụa ở huyện Hồng Ngự khiếu nại quyết định của UBND tỉnh.

Dù bận rất nhiều việc nhưng ông Nguyễn Văn Dương cam kết lãnh đạo tỉnh sẽ trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe các hộ này trình bày khiếu nại và kết luận từng vụ việc. Dù chưa biết kết quả thế nào nhưng các hộ này cũng rất vui bởi vì đơn khiếu nại của họ không bị “mất tích”. Không chỉ vậy, họ còn được gặp lãnh đạo tỉnh để nói hết những bức xúc mà trong đơn không có điều kiện nói.

Theo ông Dương, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết khiếu kiện ở cấp cơ sở. Bởi vì nếu cấp xã, cấp huyện làm tốt thì người dân sẽ không khiếu nại lên tỉnh và trung ương. Hiện nay lãnh đạo UBND cấp huyện cũng phải bố trí lịch tiếp dân, giải quyết các vụ “nóng” hằng tháng. Các quyết định giải quyết khiếu kiện đều được công khai trên trang web của UBND huyện.

Tuy nhiên trong thực tế có không ít vụ việc được cấp huyện thụ lý giải quyết nhưng chưa thật sự thỏa đáng, buộc lòng người dân phải ôm đơn lên tỉnh khiếu kiện tiếp. Trong bốn tháng đầu năm 2015 Ban tiếp công dân tỉnh Đồng Tháp đã tiếp trên 1.000 lượt công dân đến khiếu nại. Trong số này chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, giải quyết 19 vụ nổi cộm. Còn chủ tịch HĐND tỉnh cũng đã tiếp bốn vụ. 100% đơn thư khiếu kiện của dân đều được xử lý đúng quy định, không có vụ nào bị tồn đọng.

Ngoài những vụ khiếu kiện kéo dài, bức xúc được lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp đối thoại, giải quyết thì tất cả những vụ khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh đều được giải quyết đúng hẹn và công khai đầy đủ trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh để người dân theo dõi.

Những lời xin lỗi muộn màng

Tại buổi đối thoại giải quyết khiếu nại ngày 6-8-2014, ông Nguyễn Thanh Hùng (phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp) đã thay mặt lãnh đạo tỉnh xin lỗi ông Phạm Thành Niên ở xã Định An, huyện Lấp Vò về những sai sót của huyện này trong các vấn đề liên quan đến gia đình ông. Cũng vì sai sót đó mà ông mất thời gian đi lại để khiếu nại và cũng không nhận được nền nhà mà huyện đã bán cho ông.

Phó chủ tịch Nguyễn Thanh Hùng cũng chỉ đạo UBND huyện Lấp Vò kiểm điểm trách nhiệm và kiểm điểm các cán bộ liên quan đến vụ việc của ông Niên. Ông Niên nói ông rất vui khi nhận được lời xin lỗi chân thành kèm theo hướng khắc phục hậu quả thỏa đáng của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp dù người làm sai không phải UBND tỉnh.

Theo ông Niên, năm 1998 UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt đầu tư chợ Hòa Lạc ở xã Định An, huyện Lấp Vò. Năm 1999 địa phương lập phương án bồi thường để thu hồi đất thực hiện dự án. Hộ bà Nguyễn Thị Xua (mẹ ông Niên) bị thu hồi hơn 2.200m2 đất và được bồi thường gần 82 triệu đồng.

Có điều tréo ngoe là thu hồi đất bà Xua nhưng trong phương án bồi thường lại bồi thường cho ông Phạm Thanh Nhuần. Sau đó bà Xua ủy quyền cho ông Niên đứng ra giải quyết vụ việc liên quan đến đất đai của gia đình. Năm 2000 UBND xã Định An thống nhất chi tiền bồi thường cho ông Niên, đồng thời ông được mua nền nhà số 7, lô A để tái định cư và được giảm giá 15%. Đến đầu năm 2011 ông Niên yêu cầu giao nền nhà số 7, lô A để xây dựng nhà. Tuy nhiên ngày 17-1-2012 UBND huyện Lấp Vò lại ban hành quyết định giao cho ông nền nhà số... 5, lô A khu quy hoạch chợ Hòa Lạc. Do huyện tự ý hoán đổi và không giao đúng nền nhà đã bán trước đó nên ông không nhận và đi khiếu nại.

Sau hơn hai năm khiếu kiện, UBND tỉnh Đồng Tháp đã thừa nhận cấp dưới làm sai và xin lỗi, đồng thời chấp nhận bồi thường cho ông Niên 1,2 tỉ đồng.

Tiếp đó, ngày 7-11-2014 ông Nguyễn Văn Dương tiếp tục làm cho người dân tỉnh này “mát ruột” khi thừa nhận hộ bà Phan Hồng Nga và bà Phạm Thị Hạnh, đều ở huyện Cao Lãnh, khiếu nại đúng. Bà Nga yêu cầu trả lại hoặc nâng giá bồi thường phần diện tích trên 4.700m2 đất đã bị thu hồi để thực hiện dự án. Ông Dương giao UBND huyện Cao Lãnh thỏa thuận, hoán đổi vị trí đất mới phù hợp cho bà Nga.

Còn với yêu cầu trả lại đất hoặc bồi thường theo giá hiện hành của bà Phạm Thị Hạnh thì UBND tỉnh quyết định giao bốn nền nhà (không thu tiền sử dụng đất) tại các cụm dân cư trên địa bàn thị trấn Mỹ Thọ và 10.000m2 đất ruộng tại xã Phương Thịnh cho bà Hạnh. Bà Nga và bà Hạnh đều đồng ý cách giải quyết này.

Từ đầu năm 2015 đến nay lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã vài lần xin lỗi dân vì cấp dưới làm sai. Kèm theo những lời xin lỗi chân thành ấy là cam kết sớm giải quyết cho dân đúng những gì lãnh đạo tỉnh đã hứa.

“Mỗi lần đứng ra xin lỗi dân, chúng tôi cảm thấy xấu hổ lắm chứ không phải vui vẻ gì. Mỗi lần như vậy chúng tôi đều có chấn chỉnh để làm sao tỉ lệ người dân hài lòng tăng lên, khiếu nại giảm đi và lãnh đạo tỉnh cũng không còn phải đi xin lỗi dân hoài” - ông Dương nói.

“Ngày thứ sáu nghe dân nói”

Ông Lê Phú Kiều (ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) góp ý với chính quyền địa phương trong một buổi tiếp dân - Ảnh: V.Tr.
Ông Lê Phú Kiều (ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) góp ý với chính quyền địa phương trong một buổi tiếp dân - Ảnh: V.Tr.

Ông Nguyễn Văn Dương (chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp) nói một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài là cán bộ công chức (CBCC) cấp xã, huyện hoặc các sở, ngành làm sai. Thay vì thừa nhận sai để khắc phục khi người dân có thắc mắc, khiếu nại thì một số người tìm cách ngụy biện, che giấu sai sót của mình.

“Tôi thường đặt cho mình câu hỏi: Nếu làm đúng thì tại sao dân khiếu nại hoài vậy? Tôi đã đặt mình vào vị trí người dân khi xem xét hồ sơ. Và thực tế tôi đã phát hiện nhiều chi tiết không ổn. Sau khi rà soát kỹ lại thì thấy có một số vụ dân khiếu nại đúng”.

UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định đưa toàn bộ CBCC cấp xã xuống dân trong “Ngày thứ sáu nghe dân nói” được hơn một năm nay. Tại đây, nhiều người dân đã tố thẳng CBCC nào làm khó dễ dân, chỉ ra người nào làm sai... nhờ vậy mà số vụ khiếu kiện vượt cấp cũng giảm.

“Tôi nhiều lần nói với anh em lãnh đạo cấp huyện là phải có cái tâm sáng khi giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân. Không nên mặc định những người dân đi khiếu nại kéo dài là họ có mục đích này kia, càng không nên mặc định CBCC tham mưu cho mình ký là đúng hoàn toàn, cho nên khi dân khiếu nại tiếp thì bác đơn. Khi đã đặt mình vào vị trí của dân, đã nghiên cứu kỹ hồ sơ rồi thì tôi tin người dân sẽ hài lòng với quyết định giải quyết của mình thôi” - ông Dương nói.

 

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên