Lương y Nguyễn Đức Nghĩa với nhành đơn răng cưa vừa tìm được - Ảnh: Tấn vũ |
>> Trên mái nhà miền Nam - Kỳ 1: Lên đỉnh núi thiêng
Không những sở hữu loài sâm Ngọc Linh quý giá, rừng Ngọc Linh còn biết đến với hàng trăm loài cây thuốc quý tưởng chỉ có ở Ấn Độ, Malaysia, Nepal... bất ngờ xuất hiện tại đây.
Vườn thuốc quý lưng chừng trời
Lương y - bác sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, người sưu tầm hơn 1.500 cây thuốc quý tại Việt Nam, có mặt rất sớm tại Nam Trà My, háo hức tham gia cùng đoàn.
Hành trang của vị bác sĩ đến từ TP.HCM này khá đặc biệt, ngoài những cuốn sách ông còn mang theo một lưỡi cuốc lận ngang thắt lưng để tìm cây thuốc. Mục đích chuyến đi của ông khá thú vị là truy tìm những loài cây thuốc quý ở Ngọc Linh.
Bác sĩ Nghĩa luôn là người đi chậm nhất đoàn bởi vừa đi ông vừa tìm kiếm quan sát từng nhành cây, ngọn cỏ...
Ở độ cao gần 2.000m, ông Nghĩa không giấu được cảm xúc khi tận tay bẻ một cành hoa mua có bông màu trắng như tuyết. Nhụy hoa màu vàng, cánh dày, lá hoa mua dài trông rất rắn chắc.
Ông bảo năm 2007, trong đợt khảo sát tìm các loài cây thuốc quý tại Việt Nam, ông đã tìm thấy nó ở Tam Quan (Bình Định). Sau khi mang về nhà trồng trong vườn tại TP.HCM cây không thể sống sót.
Từ đó về sau, ông đi khắp các nơi từ Sa Pa - Tây Bắc, rồi khám phá dãy Hoàng Liên Sơn, cho đến những cánh rừng tại Tây nguyên nhưng loài hoa này vẫn biệt tăm. Bất ngờ tại Ngọc Linh hoa mua trắng mọc thành từng cánh rừng với những thân cây to dài vươn mình khá mạnh mẽ.
Bác sĩ Nghĩa bảo hoa mua trắng là loài cây đặc hữu chữa thiếu máu ở phụ nữ, bí tiểu và tốt cho người thai sản. Lá và rễ loài cây này có tác dụng giải độc, chậm tiêu và đặc biệt là viêm gan mãn tính.
Không giấu được niềm vui, ông gọi chúng tôi đến gần. Cầm trên tay cành cây đơn răng cưa, ông Nghĩa kể rằng bốn năm trước bạn ông là bác sĩ người Ấn Độ mang cành đơn răng cưa sang Việt Nam để tìm loài cây này nhưng không thấy.
Theo người Ấn, đơn răng cưa có tác dụng chữa viêm gan mãn tính rất kỳ diệu. Ông cũng đã tìm khắp nơi không thấy, bất ngờ nó nằm thành từng cánh rừng trên dãy Ngọc Linh.
Loài cây cốt toái bổ mọc ở độ cao trên 2.000m vô cùng quý hiếm, chuyên trị các bệnh xương khớp cũng mọc thành từng cánh rừng.
Ông Nghĩa say mê chụp ảnh, ghi chép cẩn trọng từng loài cây. Chưa dừng lại ở đó, càng lên cao nhiều loài cây đặc hữu càng mọc ra mênh mông, ông Nghĩa vui say như lạc vào khu vườn thuốc từ trên trời rơi xuống.
Hoa đỗ quyên trắng, lá nhọn đang mùa trổ hoa trắng xóa cả rừng. Thân cây đỗ quyên bao trùm lên cả những cây thông già phủ đầy rêu xanh nở hoa trắng lóa.
Theo ông Nghĩa, đỗ quyên trắng còn hơn cả một loài hoa bởi nó còn là cây thuốc chữa các bệnh băng huyết, ho ra máu. Hoa và rễ đỗ quyên trắng còn có tác dụng chữa bệnh ngã tổn thương...
Điều bác sĩ Nghĩa thú vị nhất chưa dừng lại ở đó: rêu trên đỉnh Ngọc Linh có đến hàng trăm loài với cành lá và hình dáng khác nhau mọc dày khắp nẻo.
Rêu phủ kín các cành cây, các tảng đá và mọc thành từng đám trên mặt đất, trên lá mục. Ông Nghĩa bảo mình sẽ tra cứu và phân loại nó trước khi quay lại cánh rừng này trong một ngày gần nhất.
Khu rừng đầy rêu, lá mục với những gốc cây hình thù kỳ quái - Ảnh: Tấn Vũ |
Công viên kỳ thú
Ngày thứ ba trong cuộc hành trình, chúng tôi như lạc vào khu rừng kỳ quái giữa đại ngàn hoang dại. Ở độ cao hơn 2.500m, những thân cây không còn nguyên vẹn mà co quắp và vươn mình như những con rắn khổng lồ trườn ra khắp nơi.
Những cây thông đỏ hàng ngàn năm tuổi to đến chục người ôm phủ đầy rêu xù xì hiện ra trước mặt.
Đoàn người bắt đầu đi chậm lại, đi thành nhóm gần nhau, những người đàn ông Xê Đăng lì lợm với núi rừng cũng khiếp sợ vì cảnh tượng ở đây. Dưới bàn chân là lớp thực bì dày cả mét khiến những bước chân cứ phập phồng như bước đi trên tấm nệm lớn.
Thỉnh thoảng vài người bị sụp xuống lớp lá mục lập tức lút đến ngực như trong sình lầy. Bốn năm người trong đoàn phải dừng lại kéo họ lên.
Người dẫn đường Hồ Văn Lang bảo rằng khu rừng ở đây ngay cả người bản địa chưa ai dám đặt chân đến vì độ rùng rợn và hoang sơ của nó.
“Sợ nhất là những con trăn lớn nằm dưới lớp lá mục. Nếu đi một vài người có thể là miếng mồi ngon cho nó. Vì thế người Xê Đăng đi rừng lúc nào cũng cầm theo con dao thật sắc nhọn luôn giắt bên hông, sát lưng quần” - anh Lang kể.
Nước là thứ khan hiếm nhất trên đỉnh núi này. Dù cái lạnh chừng 15 độ giữa ban ngày khiến người leo rừng ít mất nước nhưng lượng nước mang theo vẫn không đủ uống.
Những con khe cạn kiệt phủ đầy rêu long lanh những giọt nước đọng lại, một vài người phải lè lưỡi liếm cho qua cơn khát.
Những người trong đoàn bắt đầu bị đau khớp gối bởi không thể chịu được cái lạnh và độ ẩm quá cao trong cánh rừng này. Giữa trưa, đoàn người dừng lại, bác sĩ Hồ Văn Thu phải tiêm thuốc giảm đau để họ tiếp tục cuộc hành trình.
Đại úy Nguyễn Văn Công đo trên máy định vị độ cao của đỉnh núi là 2.585m so với mực nước biển. Nhanh như con sóc, ông leo lên một cây thông cổ thụ, trèo đến tận ngọn đưa ống nhòm nhìn quanh một lượt.
Biết đỉnh Ngọc Linh đã gần đến nhưng điều khá bất ngờ là đỉnh núi này có hàng chục ngọn núi có độ cao như vậy trải dài mênh mông trên một diện rộng.
Già làng Hồ Văn Du cho biết ông nghe những người già trong làng kể rằng ở đỉnh cao nhất có hẳn một khu đất trống trông như sân bay ai làm sẵn và những tảng đá mà con người không ai có thể trèo qua được.
Giữa tảng đá có hai cái giếng nước trong xanh đầy ắp quanh năm mà người dân gọi là “giếng trời” thì đó mới là đỉnh núi chính.
Chủ tịch huyện Hồ Quang Bửu quyết định dựng lều ngay dưới tán rừng rậm rạp, để ngày hôm sau chính thức chinh phục đỉnh núi cao nhất.
Giữa tháng 3 nhưng nhiệt độ buổi chiều ở đây có 8OC. Sương mù phủ quanh cách nhau 10m không còn nhìn thấy. Giữa cơn khát cháy họng, bất ngờ một cơn mưa rừng như trút, thứ nước mưa xanh lè vì màu rêu được đun sôi đủ nấu chín chỉ hai nồi cháo cho cả đoàn 54 người dùng qua bữa tối.
Điều bất ngờ là sau bữa tối vội vã, đoàn người Xê Đăng quần tụ bên nhau treo võng nhanh chóng rồi im bặt một cách bất ngờ. Hình như có điều gì đó bất thường.
Ông Hồ Văn Điền mang nén nhang ra giữa gốc cây to khấn vái rì rầm. Một vài người chặt cây nứa vót nhọn như mũi giáo cắm quanh trại.
Bữa sáng vội vã bằng lương khô và một ít ước mưa, chúng tôi chinh phục hàng loạt đỉnh núi nằm san sát nhau cao nhất trên đỉnh Ngọc Linh. Ngọn núi cao nhất máy định vị đo được là 2.592m so với mực nước biển và tảng đá cùng cái “giếng trời” già Du nói vẫn còn là điều bí ẩn.
Có lẽ điều đó chỉ có trong truyền thuyết hoặc trong trí tưởng tượng của người Xê Đăng vì dường như chưa ai bước chân đến nơi này.
Từ điểm cao 2.592m, qua ống nhòm, có thể nhìn rõ con đường lớn chạy vào xã Mường Hoong của Đắk Glei và những khu làng lô nhô mái nhà ở Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum.
Đoàn người chỉ kịp ngắm núi, chụp ảnh trong vòng chưa tới một giờ, bất ngờ sương mù từ đâu bay đến, mọi thứ dần bị che khuất trong thâm u kỳ bí...
_____________
Kỳ tới: Thung lũng mất tích
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận