25/02/2015 13:11 GMT+7

​Chuyện ở “thủ phủ” dê

MINH LUẬN - SƠN LÂM
MINH LUẬN - SƠN LÂM

TTXuân - Ninh Thuận được xem là “thủ phủ” dê ở miền Nam. Con dê đã trở thành biểu tượng chăn nuôi của vùng đất nắng gió này.

Một đàn dê núi ở Ninh Thuận - Ảnh: Sơn Lâm
Một đàn dê núi ở Ninh Thuận - Ảnh: Sơn Lâm

Cuối năm trời nổi gió, chúng tôi vào núi thăm một trong những người chăn nuôi dê theo kiểu du mục cuối cùng.

Khoảng 9 giờ sáng, sau khi uống hết một bình trà đậm, anh Thập Thanh Nhu dẫn chúng tôi ra trại dê anh đang nhận chăn nuôi thuê cho chủ. Đàn dê trong chuồng mới chỉ thoáng bóng anh Nhu từ xa đã “be be” rộn ràng.

“Tụi nó đói quá rồi, bình thường 7 giờ là đã thả chuồng nhưng do hôm qua mưa lớn quá nên giờ này mới thả. Dê ăn cỏ còn ướt sương sẽ đau bụng và lác miệng” - anh Nhu giải thích.

Vượt núi tìm dê

Ngân hàng Thế giới tài trợ để phát triển dê

Từ năm 2011, 60 hộ dân được Ngân hàng Thế giới tài trợ theo dự án Cải tạo và nâng cấp dê Ninh Thuận. Theo chương trình này, mỗi hộ dân được hỗ trợ 40 triệu đồng bao gồm chi phí mua năm con dê cái lai, một con dê đực giống, chi phí chuồng trại, chi phí cám thức ăn và thuốc thú y. Mục đích của dự án nhằm phát triển con giống ở Ninh Thuận, sau đó phát triển nhân rộng ra các tỉnh khác để phát triển đàn dê tại Việt Nam.

Trại dê do anh Nhu chăm sóc nằm giữa lưng chừng khu Núi 1, thôn Sơn Hải 2, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước. Đi vào nơi anh Nhu ở cùng đàn dê chỉ mất khoảng 15 phút xe máy từ hướng làng biển Sơn Hải, băng qua ba cánh đồi thấp chỉ toàn cây bụi.

Từ trang trại phóng tầm mắt, ba phía là thảo nguyên, một bên là núi với đầy đủ tính sinh thái đặc trưng của núi vùng hạ Ninh Thuận: chỉ toàn đá với cây bụi. Phía núi cũng là hướng mà đàn dê chia làm ba nhóm tiến vào sau khi được anh Nhu thả khỏi chuồng. 

Bầy đàn là đặc tính của dê khiến việc chăn nuôi dễ hơn nhiều so với chăn cừu. “Con cừu ngu lắm, chỉ biết cắm mặt giữa đồng ăn rồi lạc hồi nào không hay, chưa kể đến chó con cừu cũng sợ, cứ chạy lung tung. Nên chăn cừu thì phải lùa bầy, đi theo sau nó, còn con dê cứ thả cho vào núi. Chiều tụi nó tự tìm về. Con dê cũng ít đau bệnh” - anh Nhu nói thêm.

Nghe qua tưởng chừng như nuôi dê không khó, nhưng thực tế để có được sự “thoải mái” như anh Nhu lúc này phải trải qua không ít công sức. Dê rất khó nhập bầy và dễ lạ lẫm với khu vực thức ăn mới.

Hai tháng trước, chủ dê của anh Nhu mới mua thêm một bầy 10 con thả vào đàn. Lạ bầy nên chẳng con nào chịu ăn, anh Nhu đã phải nấu cháo, cho chúng bú sữa và lùa chúng vào núi canh cả tháng trời mới quen. Đến khi bầy mới này quen với đường đi lối về và anh Nhu cũng phải rành khu vực ăn uống của chúng để có thể thả chúng tự đi ăn. 

Anh Nhu cho biết: “Thường sau khi thả vào núi khoảng ba tiếng là chúng tự tìm về. Chẳng may thiếu một con là đi tìm mệt luôn”. Vừa nói, anh Nhu vừa lấy chai dầu nóng xoa bóp lại cánh vai, chặc lưỡi: “Hôm qua tui mới ngã từ tảng đá cao gần ba mét xuống, tí nữa là tiêu rồi”.

Núi nơi đây rặt chỉ có bụi gai và đá tảng chồng nhau, dê thì lủi dễ dàng nhưng lại quá tầm với người. Khắp mình anh Nhu chi chít sẹo ở tay và chân của những lần vượt núi tìm dê.

“Hôm trước có một con mê ăn, leo lên trên một tảng đá chỏng chơ rồi không biết đường xuống, bầy đã trên đường về mà nó cứ loay hoay la inh ỏi” - anh Nhu kể. Vì vậy, anh phải leo lên tảng đá tìm cách đưa chú dê tham ăn này xuống, vừa đặt chân lên một gờ đá thì đá trượt ra, cả người anh lăn cù xuống núi. 

Dù bị ngã nhưng cũng may mắn là anh Nhu nhanh chóng tìm được con dê lạc bầy. Thông thường đàn dê đi ăn một quãng đường tầm 10km lưng chừng núi. Có khi anh Nhu phải lội bộ năm sáu giờ, cầm đèn pin dò đường núi tối mịt mới tìm được một con dê bị vướng bụi cây ở đâu đó không theo kịp đàn về.

“Ở đây có hơn 20 bầy dê, bầy nào cũng được đánh dấu ở tai. Con nào lạc vào chuồng khác là người chủ gọi điện báo mình ngay. Dân chăn dê du mục không ai tham của người khác” - anh Nhu nói.

Anh Thập Thanh Nhu cho dê con bú sữa - Ảnh: Sơn Lâm
Anh Thập Thanh Nhu cho dê con bú sữa - Ảnh: Sơn Lâm

Nghiệp du mục

Mục tiêu 75.000 con dê vào năm 2015

Theo số liệu thống kê vào tháng 7-2014, hiện tại dê ở Ninh Thuận có số lượng hơn 60.100 con. Ông Nguyễn Tín - trưởng phòng chăn nuôi Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận - cho biết sẽ phát triển ổn định số lượng dê khoảng 75.000 con vào năm 2015 và tiến tới mục tiêu 100.000 con vào năm 2020. Tuy nhiên, ông Tín thừa nhận dù con dê đã nổi tiếng là một trong những con vật chăn nuôi trọng điểm của Ninh Thuận, nhưng từ trước đến nay tỉnh này vẫn chưa có một chính sách gì cụ thể để quản lý, phát triển việc chăn nuôi loài gia súc này. “Dự án nông nghiệp thì có, nhưng đa số là dự án chung và dê là một phần trong đó chứ chưa có một dự án riêng nào cho con dê” - ông Tín nói.

Năm nay 49 tuổi, hai vợ chồng anh Nhu mới về ở khu Núi 1 chăn bầy dê này được gần hai năm. Hôm nay vợ anh Nhu vào TP.HCM thăm người con gái út đang làm công nhân nên anh phải quần quật một mình bếp núc.

Vừa nhóm bếp lửa bắc nồi cơm, anh Nhu vừa bộc bạch: “Tui vốn học được tới lớp 2, nhưng theo bầy bò, bầy dê trong núi lâu quá nên quên mất con chữ rồi, chỉ còn biết được cách đếm”.

Sinh ra trong một làng Chăm vốn cách trở địa lý, anh Nhu cũng như những người con trai cùng làng thời ấy chỉ có một con đường du mục để kiếm sống. Bắt đầu bằng nghề chăn bò, anh Nhu gần như chỉ ở trang trại với vật nuôi trong núi và hiếm hoi lắm mới về lại làng. Cưới vợ, cả hai vợ chồng anh lại tiếp tục di trú theo từng bầy bò được thuê trả công để chăn nuôi.

“Ba đứa con đều sinh bên trại bò trong núi, đến tuổi đến trường hai vợ chồng mới gửi chúng về làng để đi học. Mình mù chữ phải theo đuôi con bò, con dê, nên bằng mọi giá phải cho con đi học mới hi vọng đổi đời” - anh Nhu tâm sự.

Hơn mười năm trước, phong trào nuôi dê thịt bắt đầu rộ lên ở Ninh Thuận, các bầy bò thưa dần, vợ chồng anh Nhu chuyển sang nghề chăn nuôi dê. Vừa làm vừa gom góp hai vợ chồng cũng đã dựng vợ gả chồng được cho con, sắm được hơn 20 con dê làm của riêng. Bầy dê riêng này vợ chồng anh nhập chung bầy với dê của chủ để tiện chăm sóc.

Rồi hậu quả của “người người nuôi dê, nhà nhà nuôi dê” ập đến. Có thời điểm dê nuôi nhiều đến độ giá rẻ mạt không ai mua. “Đúng vào thời điểm dê rẻ hơn gà, tui bán tháo. Bao năm dành dụm trở về tay trắng. May mà mấy đứa con đã đi làm công nhân hết cũng ổn định” - anh Nhu xót xa.

Không còn dê, hai vợ chồng lại lần tìm từ núi này đến núi khác kiếm chủ xin chăn dê thuê lấy công. Anh Nhu đăm đắm nhìn về thảo nguyên phía xa xăm: “Giờ làm thuê ăn lương kiểu này khó gom góp được lắm. Cả hai vợ chồng chăn bầy dê này một tháng chỉ được có 2,5 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ xoay xở ăn uống qua ngày, chưa kể lỡ xui làm lạc mất dê thì phải đền tiền cho chủ”.

Tâm sự của anh Nhu cũng là tâm sự chung của gần mười gia đình đang chăn dê, chăn cừu thuê ở vùng Núi 1 này. 

Nho chết, dê sống

Giá nho rớt thê thảm, người ta đốn bỏ nho rất nhiều để chuyển sang trồng táo. Cũng chính nhờ sự đốn bỏ này, những người nuôi dê mới phát hiện ra dê cực kỳ thích… ăn nho
Ông LÊ DO

Thời điểm khủng hoảng dê ở Ninh Thuận mà anh Nhu nhắc tới là vào những năm 2005, 2006. Theo ông Lê Do - cán bộ thú y cơ sở xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, thì: “Vào thời điểm đó, nông dân Ninh Thuận thấy thịt dê bán được tiền, con dê lại dễ nuôi, dễ sinh sản nên họ ào ạt đầu tư chăn nuôi dê. Đi đâu cũng nghe nói chuyện nuôi dê, mua bán dê. Rồi đến lúc dê nhiều đến mức bán không ai mua. Lúc cao điểm con dê cái có giá gần cả chục triệu đồng thì đến lúc khủng hoảng rớt giá hơn chục lần”.

Ông Lê Do được xem là người am hiểu về dê nhất xứ Phan Rang này. Ông cũng chính là một trong những người đầu tiên góp công phát triển đàn dê thịt ở Ninh Thuận. Nhưng ông cũng mang trong lòng một nỗi đau trĩu nặng khi không giúp được người chăn nuôi làm giàu từ chính con vật được coi là thế mạnh của tỉnh nhà. Khi người ta ồ ạt đổ xô đi nuôi dê mà không có một cảnh báo, trợ giúp nào từ cơ quan quản lý nhà nước. Đến lúc cung vượt quá cầu thì nhiều hộ gia đình mới nhận ra mình trắng tay. 

Cũng theo ông Do, con dê Ninh Thuận đã có từ lâu nhưng chủ yếu là dê cỏ, người Chăm nuôi từng bầy nhỏ lẻ để phục vụ mục đích thờ cúng. “Tất cả ngày lễ lớn và trong nghi thức cúng, người Chăm đều dùng thịt dê là chính. Năm 1987 sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 2, tôi được tăng cường về Ninh Thuận công tác thì chỉ thấy vài bầy dê rải rác” - ông Do kể tiếp.

Năm 1991, một cán bộ Sở Nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận làm luận án tiến sĩ về con dê, đồng thời Ninh Thuận được tài trợ cho những con dê thịt giống từ châu Âu, Mỹ, Úc về để nghiên cứu. Vốn là kỹ sư chăn nuôi chuyên ngành, ông Do được nhờ để nghiên cứu và lai tạo các giống dê thịt cho địa bàn tỉnh Ninh Thuận. 

Người chăn nuôi dê ở Ninh Thuận cứ thế quen dần với con dê. Bắt đầu từ năm 2000, thị trường các nơi dần dần đổ về Ninh Thuận mua dê thịt. Trung bình một năm dê đẻ hai lứa và con cái cứ thế tăng giá dần.

Ông Do kể tiếp: “Đến khoảng năm 2004, một con dê cái tốt giá đã vượt hơn 10 triệu đồng. Người ta đổ xô vào chăn nuôi dê, nhà nhà bỏ vốn ra mua dê cái và gầy đàn. Khi cả Ninh Thuận vượt số lượng dê hơn 150.000 con cũng là lúc khủng hoảng thừa nhu cầu, thương lái bắt đầu ép giá dê xuống”.

Đó là thời kỳ trắng tay của những người đầu tư lớn vào dê. Một con dê cái từ hơn 10 triệu đồng phải bán theo giá thịt dê ngoài thị trường. Một bầy dê được mua theo kiểu bán con lớn không tính dê con đang bú, dê con đang theo mẹ. Nghĩa là cứ mua mẹ tức được cả những dê con.

“Có người gắng ôm để chờ qua cơn khủng hoảng nhưng rốt cuộc phải bán đàn dê hơn trăm con chưa đến 40 triệu, trong khi đầu tư gần 300 triệu đồng. Cả Ninh Thuận bán tháo, con dê rơi vào tình cảnh chẳng ai thèm nuôi” - ông Do kể tiếp.

Đợt khủng hoảng khiến số lượng dê liên tục sụt giảm ở Ninh Thuận. Cho đến năm 2011, một lần nữa ngành chăn nuôi dê ở đây mới bắt đầu phục hồi. “Nói theo kiểu dân mình, vào thời điểm này dê phục hồi là nhờ… khủng hoảng nho” - ông Do nhận định.

Theo ông Do, năm 2011 cây nho - vốn là cây trồng nổi tiếng của Ninh Thuận, cũng lâm vào tình trạng khủng hoảng vì dư thừa. “Giá nho rớt thê thảm, người ta đốn bỏ nho rất nhiều để chuyển sang trồng táo. Cũng chính nhờ sự đốn bỏ này người nuôi dê mới phát hiện dê cực kỳ thích… ăn nho. Điều trước nay không ai nghĩ tới dù Ninh Thuận dê cũng nhiều mà nho cũng nhiều” - ông Do cười tếu táo. Không chỉ lá nho mà cả thân và đặc biệt trái nho, dê đều cực kỳ thích ăn. Cả trái nho để lâu đã lên men, dê cũng cứ thích. 

Cùng lúc này, dự án “Cải tạo nâng cấp đàn dê của Ninh Thuận” được Ngân hàng Thế giới thông qua. Mô hình chăn nuôi dê bên những vườn nho, vườn táo được ông Do cùng một số người trong nhóm dự án nghiên cứu và tiến hành thử nghiệm.

“Điểm mấu chốt của mô hình là nuôi dê tại chuồng chứ không thả, phối hợp trồng nho, táo và một số thực vật bổ trợ để cho dê ăn lá” - ông Nho cho biết. Mô hình này thành công nhưng những phương thức nuôi dê theo kiểu du mục trước đây cũng dần thưa thớt. 

MINH LUẬN - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên