08/12/2014 11:05 GMT+7

​Mái trường trong rừng

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TT - Những học sinh năm xưa giờ đây đã là những bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, họa sĩ, nhà báo, nhà nhiếp ảnh... Nhưng giờ đây, họ đều trở về là những học sinh bé bỏng năm xưa.

Một ngày cuối tháng 11-2014, trước những tấm bia lớn được đặt trang trọng, hàng trăm người cùng hát vang: “Dưới rừng xanh văng vẳng tiếng thanh thanh của đàn em thơ, nghe sao lòng chan chứa bao niềm vui. Bên chiến hào đầy miểng bom pháo, có cô giáo miền Nam cất giọng vang vang say sưa giảng bài”.

Họ đứng đấy, trang nghiêm, ánh mắt long lanh xúc động. Cách đây vừa tròn 50 năm, đây chính là vị trí đầu tiên của ngôi trường Nguyễn Văn Trỗi - trường nội trú ở chiến khu R, tập trung con các cán bộ trung, cao cấp ở miền Nam trước ngày thống nhất đất nước. Trường đặt tại Lò Gò, Xa Mát, huyện Tân Biên, Tây Ninh.

Trong giây phút ấy, thầy nhận ra trò, bạn bè nhận ra nhau, rưng rưng xúc động. Cô học sinh lớp 3 năm nào Lâm Thu Nguyệt cứ nhắc về cô bạn tên Dung bị những cơn sốt rét rừng hành hạ đến xanh mặt mày. Những trái mòi, trái gùi nếu đã từng là học sinh trong trường đều không thể không biết, giờ cũng được nhắc tới. Một vài người thốt lên: “Sao thèm cái vị đó quá!”.

Trong giây phút ấy, họ không quên nghĩ đến những thầy cô, bạn bè đã ngã xuống trong trận pháo của đối phương.

Thay mặt những học sinh Trường Nguyễn Văn Trỗi, ông Tuấn nghẹn ngào nhắc về cái đêm hãi hùng 10-5-1970. “Bà Mười ơi! Cô Chi ơi! Chị Đào Xinh ơi! Thuận - Trung - Chánh ơi! Thu - Sáng - Nga - Hòa ơi! Cả Quang nữa Quang ơi!” - giọng ông nấc nghẹn. Nhiều người rơi nước mắt...

Cô giáo Lê Thị Khánh Hòa, nguyên giáo viên Trường THCS Phan Bội Châu (P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM), xúc động kể: “Ngày ấy, cô Dương Lệ Chi chủ nhiệm lớp tôi. Tận mắt thấy cô giáo mình hi sinh, tôi ám ảnh đến tận hôm nay”.

Những học sinh năm xưa giờ đây đã là những bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, họa sĩ, nhà báo, nhà nhiếp ảnh... Nhưng giờ đây, họ đều trở về là những học sinh bé bỏng năm xưa. Thầy cô giáo năm nào cũng lặn lội về tận nơi núi rừng này. Đứng cạnh nhau, thật khó để phân biệt đâu là thầy, đâu là trò vì có những mái đầu đã ngả hai màu tóc...

Sau những trăn trở, tâm huyết và cả những vất vả, bốn tấm bia đá với 714 cái tên của thầy trò Trường Nguyễn Văn Trỗi (từ năm 1965 - 1976) đã được dựng lên. “Mất mấy năm dài mới tìm lại được danh sách tên để khắc trên bia đá” - cô Lâm Thu Nguyệt, người đề ra ý tưởng lập bia kỷ niệm, cho biết.

Từ nay, thầy và trò của ngôi trường ấy thêm một lần tự hào khi nhắc về khu lưu niệm Trường Nguyễn Văn Trỗi - Trung ương Cục miền Nam với những tấm bia kỷ niệm một thời.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên