08/12/2014 13:01 GMT+7

Đến Việt Nam học cách chống rầy không dùng thuốc trừ sâu

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Bảy năm trước VN phải tạm ngừng xuất khẩu gạo vì dịch rầy nâu tàn phá vựa lúa ĐBSCL. Nhưng chỉ hai năm sau, VN đã trở lại và có mặt trong tốp những cường quốc xuất khẩu gạo cho đến bây giờ.

Chiếc bẫy đèn do TS Hải và TS Chiến thiết kế đặt trên cánh đồng huyện Cai Lậy năm 2007 để xác định lịch bay của rầy nâu - Ảnh: V.TR.

Tháng 10-2014, Hàn Quốc mời hơn 10 nước châu Á đến bàn giải pháp khẩn cấp chống dịch rầy nâu nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực và thế giới.

TS Hồ Văn Chiến, đại diện cho đoàn VN, trình bày cặn kẽ quy trình phòng trừ rầy nâu mà không cần sử dụng một giọt thuốc trừ sâu nào và đề xuất giải pháp quản lý rầy toàn châu Á. Hội nghị kết luận: “Sang VN học cách làm!”.

Khóc trên ruộng lúa

Thời điểm vụ đông xuân 2006-2007, lúa ở các tỉnh ĐBSCL đang vào giai đoạn làm đòng, trổ bông, bỗng nhiên rầy nâu xuất hiện với mật độ khủng khiếp, như vãi cám trên đồng. Chúng càn quét từ tỉnh này sang tỉnh khác, biến những ruộng lúa đang xanh mướt trở nên vàng quạch rồi chết khô.

Tháng 9-2007, Bộ NN&PTNT phải ban hành lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo khẩn cấp vì lo ngại dân không có gạo ăn. Trong kho dự trữ của các doanh nghiệp lúc này chỉ còn 1 triệu tấn gạo.

Rất nhiều người đã bật khóc vì bất lực nhìn ruộng lúa chết trụi. Rất nhiều cuộc họp do Bộ NN&PTNT tổ chức tại các tỉnh ĐBSCL luôn diễn ra trong không khí căng thẳng, lo lắng, lúng túng vì những giải pháp đưa ra trước đó đều… vô dụng.

Có lẽ không người nông dân nào ở ĐBSCL quên chuyện mang bình phun thuốc từ rạng sáng đến nửa đêm với hi vọng cứu ruộng lúa thoát khỏi dịch rầy nâu. Bao nhiêu thuốc diệt rầy được quảng cáo là mạnh nhất cũng được họ vét túi mua. Nhưng có điều phun xong thì lúa chết, rầy nâu vẫn tung tăng.

TS Hồ Văn Chiến (giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam) kể tình hình lúc đó rất căng thẳng. Hàng chục ôtô và cán bộ của các tỉnh được huy động về trung tâm đặt tại tỉnh Tiền Giang để chia nhau đi chống dịch. Thế nhưng diện tích lúa bị thiệt hại càng tăng lên. Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) được cử tới chi viện cho VN.

Thế nhưng họ cũng không có giải pháp nào tốt hơn là… thấy rầy ở đâu thì phun thuốc ở đó. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, một chuyên gia nông nghiệp trong nước đã đề nghị dùng máy bay trực thăng phun thuốc đồng loạt trên toàn vùng ĐBSCL để diệt rầy.

“Tôi phản đối quyết liệt đề xuất này vì rầy bu đen dưới gốc cây lúa mà phun thuốc trên trời thì chỉ… giết người thôi. May mà Bộ trưởng Cao Đức Phát nghe lời can ngăn của tôi, nếu không thì chẳng biết chuyện gì xảy ra” - TS Chiến kể.

Chỉ trong hai vụ lúa, rầy nâu đã cướp đi khoảng 700.000 tấn lương thực của các tỉnh ĐBSCL.

“Lịch bay” của rầy nâu

Trong lúc ngành nông nghiệp đang rối bời, TS Hồ Văn Chiến tình cờ phát hiện hai đám ruộng giáp ranh nhau ở tỉnh Long An có biểu hiện khác nhau. Một đám gieo sạ trước bị rầy nâu “gặm” sạch, còn đám sạ sau mấy ngày thì vẫn xanh mướt.

Mấy hôm sau, trong lúc đi kiểm tra công tác chống dịch ở xã Điềm Hi, huyện Châu Thành (Tiền Giang), ông lại nhìn thấy hiện tượng y như vậy. Ông Chiến bàn với TS Lê Hữu Hải (hiệu phó Trường ĐH Tiền Giang) chuyện này và đề nghị ông Hải hỗ trợ nghiên cứu ngay lập tức.

TS Hải chọn một gò đất cao không bị ngập nước ngay bên cạnh trụ điện cao thế tại xã Điềm Hi để triển khai nghiên cứu. Ông chia khu đất làm hai ô: một ô gieo mạ xong thì “giăng mùng” kín mít để ngăn rầy tấn công, ô còn lại để bình thường. Khi mạ được 20 ngày tuổi thì ô trong mùng phát triển bình thường, còn ô ngoài mùng bị rầy tấn công cháy trụi.

Kết luận được đưa ra: “Nếu gieo sạ trong 20 ngày đầu mà không bị rầy tấn công thì coi như thoát nạn”. Nhưng giăng mùng cho 1,6 triệu ha lúa ở ĐBSCL là điều không thể. Chỉ còn một cách gieo sạ đồng loạt để “né” rầy như đề nghị của TS Phạm Văn Dư (cục phó Cục Trồng trọt) trong các cuộc họp của Bộ NN&PTNT trước đó.

Và muốn “né” được rầy thì phải nghiên cứu lịch bay của rầy nâu, tức là phải nắm rõ giờ bay, số ngày bay trong tháng, mật độ trong những ngày đó như thế nào. Khi biết được lịch bay thì ngay khi rầy bay qua khỏi khu vực nào đó sẽ tiến hành gieo sạ liền.

Ông Hải và các cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy mua vật tư làm bẫy đèn đem ra đồng đặt. Sáng ra ông Hải ra đồng thu hết rầy chết trong bẫy đèn về căng mắt ra phân loại, đếm từng con và ghi chép cẩn thận. Có lúc số rầy chết lên đến hàng triệu con/đêm.

Ròng rã đếm rầy suốt mấy tuần liền, ông Hải đưa ra kết luận: “Thời gian rầy bay nhiều chỉ khoảng 1 tuần/tháng. Do đó cần phải gieo sạ đồng loạt vào những ngày cuối đợt rầy bay sẽ an toàn cho cây lúa suốt 20 ngày sau đó. Tháng sau có đợt rầy di trú tiếp theo thì không sợ”.

Vụ đông xuân 2007-2008, ông Dương Minh Điều (nguyên bí thư Huyện ủy Cai Lậy) đã ký chỉ thị yêu cầu các xã vận động dân làm đất cả ngày lẫn đêm chuẩn bị gieo sạ đồng loạt.

Vụ đó, Cai Lậy là nơi đầu tiên thí điểm giải pháp gieo sạ né rầy. 40.000ha lúa được gieo sạ cùng một lúc trong sự hồi hộp của mọi người, đặc biệt là ba người trực tiếp nghiên cứu công trình khoa học này là TS Hồ Văn Chiến, TS Lê Hữu Hải và TS Nguyễn Văn Khang (chủ tịch UBND tỉnh, tất cả đều là người Tiền Giang).

20 ngày trôi qua, mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Rầy nâu vẫn bay vù vù nhưng không gây hại được cho lúa. Vụ đông xuân 2007-2008, huyện Cai Lậy thoát dịch rầy nâu và trúng mùa rất lớn. Sau đó Bộ NN&PTNT chỉ đạo áp dụng giải pháp gieo sạ né rầy ra toàn vùng đbscl. Vụ hè thu 2008 và các vụ sau tiếp tục thắng lợi. Lệnh ngưng xuất khẩu gạo được dỡ bỏ.

Vài năm sau đó VN đã trở thành cường quốc thứ hai về xuất khẩu gạo và duy trì thứ hạng đó cho đến bây giờ.

TS Hải cho biết công trình nghiên cứu này chỉ tốn 25 triệu đồng, nhưng kết quả mang lại thì vô giá. Đến bây giờ tại vựa lúa ĐBSCL chỉ gieo sạ né rầy đồng loạt theo lịch của ngành nông nghiệp và không ai sợ rầy nâu nữa.

Mới đây Hàn Quốc nhóm họp khẩn cấp để bàn giải pháp chống đại dịch rầy nâu. Ông Chiến đề xuất giải pháp quản lý rầy nâu hằng ngày trên toàn châu Á bằng một website chuyên ngành và được Hàn Quốc thống nhất cao.

“Tới đây, đại diện các nước bạn sẽ sang VN học tập kinh nghiệm gieo sạ né rầy” - ông Chiến nói.

Nhiều nước tìm hiểu mô hình

Ngày 17-3-2009, Bộ NN&PTNT có quyết định công nhận giải pháp “Gieo sạ đồng loạt để né rầy trên diện rộng để phòng bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở ĐBSCL là tiến bộ kỹ thuật”. Ngoài TS Chiến, TS Hải, TS Khang còn sáu nhà khoa học khác có những đóng góp vào công trình nghiên cứu này được vinh danh gồm: Phạm Văn Dư, Phạm Văn Quỳnh, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Văn Dương, Trần Quang Củi và Nguyễn Hữu Huân.

Trước đó năm 2008, ông James Fox (chuyên gia người Úc sang giúp Indonesia phòng trừ rầy nâu) hay tin VN thoát được nạn rầy nâu liền bay sang VN học tập cách làm của ba ông tiến sĩ cùng quê ở Tiền Giang.

Sau đó, ông đem về áp dụng tại miền trung Indonesia nhưng hiệu quả không cao do nông dân ở đây không tự giác làm theo khuyến cáo của chuyên gia.

Năm 2010, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Nhật Bản mời TS Chiến sang báo cáo công trình khoa học này cho các nước châu Á học tập.

Liên tục những năm qua, TS Chiến đại diện cho nhóm tác giả được mời đến rất nhiều nước ở châu Á để truyền đạt kinh nghiệm này. Cường quốc xuất khẩu gạo Thái Lan cũng mời TS Chiến sang hỗ trợ phòng tránh rầy nâu.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên