28/10/2014 12:30 GMT+7

Bò tót - tiếng kêu bên bờ vực - Kỳ 1: Chiếc kèn motova cuối cùng

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
VIỄN SỰ - SƠN LÂM

TT - Chiếc kèn motova, một trong những nhạc cụ truyền thống của người Raglai ở Ninh Thuận, liệu có liên quan gì đến sự tồn vong của bò tót?

Già Chammalé Âu và chiếc kèn motova cuối cùng - Ảnh: Viễn Sự

Sau hổ và tê giác, bò tót - loài thú dũng mãnh nhất còn lại trong những cánh rừng Việt Nam - đã bước chân vào “nhóm nguy cấp”, đứng trước bờ vực tuyệt chủng.

Phóng viên Tuổi Trẻ đã về những cánh rừng xa xôi miền Đông Nam bộ và Nam Trung bộ - lãnh địa cuối cùng của bò tót chứng kiến câu chuyện vật lộn để sinh tồn của loài thú quý hiếm này.

Xin thưa, đó là nhạc cụ làm bằng sừng con kvây (bò tót, theo cách gọi của người Raglai).

Nhạc cụ ấy khi xưa văng vẳng khắp vùng rừng của người Raglai ở Ninh Thuận. Nhưng hơn 20 năm qua cả vùng rừng Ma Nới (Ninh Sơn, Ninh Thuận) - lãnh địa bò tót Nam Trung bộ một thời, không có thêm cây kèn motova nào được làm ra nữa vì rừng già đã vắng bóng bò tót.

Ký ức của Chammalé Âu

Theo con đường mòn xuyên cánh rừng khộp mùa rụng lá, chúng tôi về Ma Nới gặp già Chammalé Âu, một nghệ nhân dân gian Raglai và cũng là một thợ săn vang bóng một thời ở rừng Ma Nới, người đang giữ cây kèn motova cuối cùng.

Bập điếu thuốc rê sâu kèn, già Âu rút trong bọc cói ra cây kèn motova dài hơn gang tay, đen nhánh bảo: “Bằng sừng con kvây đó. Hồi đó kvây nhiều lắm, bắn một con cả làng ăn no. Nhưng giờ Ma Nới chỉ còn cái motova này của tao bằng sừng kvây thôi”.

Vốn là một du kích của chiến khu Anh Dũng (vùng rừng Ma Nới, Phước Hà của Ninh Thuận ngày nay), già Âu từng tận mắt thấy nhiều đoàn bò tót xé gió lao đi giữa rừng.

Thời đó bò tót nhiều đến nỗi đứng cách hàng cây số vẫn nhận biết được qua bước di chuyển làm cây rừng xào xạc như gió bão và mùi nước tiểu khai nồng bốc lên.

Bởi thế mỗi năm, cứ đến đầu mùa mưa, những thợ săn thiện xạ vùng Ma Nới lại được cử vào rừng, chọn cho được ba con kvây có bộ sừng đẹp nhất, bắn hạ đưa về làng để làm kèn motova.

“Kvây nhiều, nhưng làng cho bắn chừng đó thôi, chỉ con nào vô phá rẫy, đuổi không đi mới bắn hạ” - già Chammalé Âu nhớ lại.

Trong ký ức chưa xa ấy của già Âu về bò tót còn có cả hình ảnh hãi hùng về người bạn Ðá Mài Phân, một du kích ở cùng chiến khu Anh Dũng, đã bị một con bò tót đầu đàn móc lủng ngực. Dù trước đó Ðá Mài Phân đã xả hết nửa băng súng AK nhưng bò tót vẫn đủ sức lao vào.

Lần đó, sau khi xẻ thịt bò tót đã phải huy động tới hơn 20 du kích mới gùi nổi xương, thịt con bò này về lán.

Nhưng hình ảnh những bầy kvây xé gió đã không thể đi hết cùng ký ức của già Âu. Những năm 1980, 1990 rừng Ma Nới hỗn loạn vì nạn phá rừng, già Âu cùng bao thợ săn lừng lẫy một thời ở Ma Nới đành phải thu mình trước những toán thợ săn khắp nơi đổ về.

“Thịt bò bán từ đầu làng đến cuối làng, rẻ lắm. Cái mật và cặp sừng thì thợ săn đem đi mất...” - già Âu nhớ lại. Và đó cũng là những ký ức cuối cùng, ký ức đau đớn của những bầy kvây trong trí nhớ người Raglai ở Ma Nới.

Ðem câu chuyện về cây kèn motova của già Chammalé Âu kể với ông Nguyễn Công Vân - giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình (Bác Ái, Ninh Thuận), ông Vân cũng thở dài:

“Ðâu chỉ già Âu mà cán bộ lâm nghiệp, kiểm lâm hơn 20 năm trước mỗi sáng đi tuần rừng đều thấy chi chít dấu chân bò. Thời đó bò tót chưa đưa vô sách đỏ, quản lý cũng còn lỏng lẻo nên thợ săn cứ bắn rồi đem ra cửa rừng xẻ thịt bán rẻ như cho”.

Ký ức ấy của một người có hơn 30 năm gắn với những cánh rừng lãnh địa bò tót ở Ninh Thuận càng làm cho câu chuyện về số phận những bầy bò tót hiện tại trở nên bi đát. Theo ông Vân, vùng rừng Ma Nới gần mười năm nay không còn thấy dấu hiệu của bò tót.

Còn ở Vườn quốc gia Phước Bình cách đó hơn 50km, số lượng cá thể bò tót chỉ còn khoảng 30-40 con, chia làm ba đàn. “Nhưng cũng chỉ qua lời kể của người dân, còn anh em kiểm lâm thỉnh thoảng thấy dấu chân...” - ông Vân nói.

Con bò tót nặng trên 1 tấn xuất hiện ở bìa rừng Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) - Ảnh: Viễn Sự

Mất 100 năm để tái tạo đàn bò tót

Rời những cánh rừng đã vắng bóng dấu bò tót ở Ninh Thuận, chúng tôi ngược về rừng Nam Cát Tiên, nơi mà trên đường vào trung tâm vườn từ phía Tà Lài (Ðịnh Quán, Ðồng Nai) vào một buổi chiều tà, phóng viên Tuổi Trẻ đã kịp ghi lại dấu chân một bầy bò tót với đủ kích cỡ.

Bò tót có tên khoa học là Bos gaurus, con trưởng thành cao đến 1,9m, nặng trên dưới 1 tấn, chân trắng, mình đen, hung dữ chỉ đứng sau loài hổ.

Tại Việt Nam bò tót được đồng bào dân tộc ít người gọi là con min, nghĩa là trâu rừng, do có hình dáng tương tự loài trâu.

Các chuyên gia động vật học thế giới đã công nhận loài bò tót Việt Nam là một trong những loài bò tự nhiên to nhất thế giới.

Hiện bò tót ở Việt Nam còn khoảng 300 con và được xếp vào nhóm động vật nguy cấp cần bảo tồn.

Còn chỉ trước đó ít lâu, vào đầu tháng 8-2014, đoàn làm phim của đồng nghiệp kênh VTC10 đã ghi hình được bầy bò tót đến 29 con cũng ở cùng vị trí nơi chúng tôi gặp dấu chân bò tót.

Nhưng những tín hiệu vui ấy, trớ trêu cũng như ký ức về những bầy bò tót ở Ninh Thuận, đã một thời từng là chuyện thường tình mà người dân ở đây đều gặp mỗi sớm mỗi chiều.

Và nói thật thà như già làng Ka Lam, người S’Tiêng khi gặp chúng tôi gần cửa rừng ở Tà Lài thì: “Hơn 20 năm trước dân vùng này có ai chưa một lần được nếm thịt bò tót...”.

Ký ức chưa xa ấy làm cho những hình ảnh mới nhất về Nam Cát Tiên chỉ đủ gợi lên một gam màu sáng le lói trong bức tranh ảm đạm về bò tót.

TS Phạm Hữu Khánh - phó phòng khoa học và hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, người đã hơn 20 năm đi theo dấu những bầy bò tót ở cánh rừng này - đưa ra một con số xót lòng: năm 1986 1km2 rừng Nam Cát Tiên có hai con bò tót, bây giờ chỉ còn 0,16-0,18 con trên cùng diện tích, nghĩa là đã suy giảm hơn 10 lần.

Chỉ vào bản đồ phân bổ bò tót Nam Cát Tiên, TS Khánh đưa ra những con số mang tính hi vọng nhiều hơn là thực tiễn: “Phải hơn 100 năm nữa, bò tót Nam Cát Tiên mới tái tạo đàn trở lại như thời điểm năm 1986...”.

Nhưng với một điều kiện mà TS Khánh nói rất khó xảy ra, đó là không có một con bò tót nào bị sát hại nữa.

Từ vùng rừng Ma Nới, Phước Bình ở miền Nam Trung bộ đến Mã Ðà, Nam Cát Tiên ở miền Ðông Nam bộ... - lãnh địa bò tót của cả nước, số phận bi đát của những bầy bò tót cứ nối dài mà như TS Nguyễn Hữu Khánh đánh giá là bò tót ở Việt Nam đã cùng đường.

Mỗi tín hiệu, mỗi sự xuất hiện đâu đó của cá thể bò tót đều làm le lói thêm hi vọng bảo tồn.

Nhưng đó lại cũng là một nỗi ngậm ngùi bởi những câu chuyện ly kỳ, dũng mãnh về những bầy bò tót đông đúc mà những người như già Chammalé Âu, già Ka Lam hay những người làm khoa học như TS Nguyễn Hữu Khánh, ông Nguyễn Công Vân... từng chứng kiến chỉ mới đây thôi mà đã thành ký ức quá nhanh.

_________

Kỳ tới: Sống trong sợ hãi

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên