03/10/2014 15:57 GMT+7

​Đội cứu hộ trên biển Hoàng Sa

ĐOÀN CƯỜNG - LÊ TRUNG
ĐOÀN CƯỜNG - LÊ TRUNG

TT - Họ là những ngư dân chất phác, ăn sóng nói gió, trình độ học chỉ lõm bõm nhưng tự mày mò học hỏi để trở thành những “kỹ sư” sửa máy giúp các tàu bạn gặp nạn ngay giữa biển trời Hoàng Sa.

Các thành viên trên tàu cứu hộ QNa-91827, một trong hai tàu cứu hộ nhiều tàu gặp nạn trên biển Đông của ngư dân Huỳnh Văn Diệp - Ảnh: L.TRUNG
Các thành viên trên tàu cứu hộ QNa-91827, một trong hai tàu cứu hộ nhiều tàu gặp nạn trên biển Đông của ngư dân Huỳnh Văn Diệp - Ảnh: L.TRUNG

Khi tàu bạn bị nạn, họ liền đi ứng cứu, lai dắt miễn phí. Đó là đội tàu của ngư dân ở thôn Sâm Linh Đông (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam).

Mỗi đêm thả lưới có khi trúng 100-300 triệu đồng mà anh Diệp dám bỏ để đi cứu tàu của tui, tui mừng quá chẳng biết nói răng
Chủ tàu Lê Văn Năm

“Kỹ sư” sửa tàu

Vừa trở về từ chuyến sửa tàu giữa Hoàng Sa, giữa cái nắng oi ả, chân tay lấm lem dầu mỡ nhưng ông Lê Văn Tư (thôn Sâm Linh Đông) vẫn cần mẫn bên chiếc lốc máy mà một chủ tàu ở Núi Thành đưa tới nhờ ông sửa. Thật khó hình dung rằng người mới học đến lớp 9 như ông Tư lại là chủ, kiêm “kỹ sư” sửa tàu ngay tại xưởng của mình.

Ông Tư còn là người được nhiều ngư dân thán phục bởi không ngại khó khăn gian khổ mang máy móc, linh kiện ra biển để sửa tàu cho người khác.

Cũng vào buổi trưa nắng rát như thế này vào tuần trước, ông Tư đang ngồi làm máy thì nhận được Icom của ông Lê Văn Năm (xã Tam Quang) gọi về báo tàu bị tụt xylanh, lậu nước, chết máy phải thả trôi. Sau khi chạy lên thị trấn mua máy móc, nhớt... ông Tư xách đồ nghề nhảy lên tàu cá của ông Huỳnh Văn Diệp để ra Hoàng Sa.

Khi tiếp cận được tàu ông Năm, ông Tư liền chui xuống buồng máy tháo máy móc ra xem. Ông quay lên bảo: “Luyn (dầu nhớt) cũ xì, lậu nước lâu quá hư hết rồi, tui chỉ sửa tạm để đủ chạy vào bờ sửa chữa thôi”.

Ở Sâm Linh Đông này, ngoài ông Tư còn có hai “kỹ sư” sửa tàu có tiếng cùng làm việc trên tàu của thuyền trưởng Huỳnh Văn Diệp (49 tuổi, thôn Sâm Linh Đông) mà ngư dân hay gọi tên thân mật là Dũng “máy” và Hoàng “thợ điện”.

Nhắc đến hai “kỹ sư” kiêm ngư dân của mình, ông Diệp cười khà khà: “Khắp vùng ni dễ có ai mà trên tàu có đến hai tay chuyên sửa máy móc, điện đóm chuyên nghiệp như tui đâu. Không thua gì tàu vận tải nhé, máy móc hư là tự sửa luôn, tàu của bạn hư tui cũng đưa “kỹ sư” tui qua làm luôn, không lấy một cắc bạc”.

Mới hôm trước, ngư dân Trần Sành (tàu QNa 91259) khi đang đánh bắt ở vùng biển phía bắc Hoàng Sa cùng đội tàu của Núi Thành thì máy tắt tịt.

“Đang đánh cá ngon trớn mà tàu đứng bánh khiến hơn 10 người đi trên tàu buồn so. Ớn nữa là sóng biển rất to lại nghe có áp thấp nên anh em càng lo hung” - vừa nghĩ ngợi như vậy thì ông Sành chợt nhớ đến ông Diệp nên đánh Icom qua.

Nghe có chuyện, ông Diệp dừng ngay việc đánh cá của mình rồi nhổ neo chạy đến tọa độ nơi tàu ông Sành bị nạn để giúp bạn.

Sau gần hai giờ “bắt bệnh” và sửa chữa, Dũng “máy” và Hoàng “thợ điện” cho biết máy tàu đã hồi phục, có thể chạy ngon trở lại. Ông Sành bắt tay ông Diệp cùng hai “kỹ sư” nói tiếng cảm ơn chứ không phải trả đồng phí nào rồi rú ga tiếp tục đánh bắt...

Những người thợ vô tư

Dũng “máy” cho biết anh mới học hết THPT. Nhà nghèo, không có điều kiện đi học, mặc dù thi đỗ vào Trường ĐH Thủy sản Nha Trang và Trường cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng năm 2000 nhưng anh phải gác lại chuyện học. Anh đi làm thuê rồi lân la học lỏm nghề cơ khí ở Sài Gòn.

Về quê, yêu biển, anh xin theo các tàu để đánh cá, khi máy móc hư anh kiêm luôn việc sửa chữa. Mười mấy năm trời, mỗi khi nghe tin có tàu hỏng máy trên biển, anh lại cùng ông Diệp mang đồ nghề tìm đến sửa chữa cho tàu bị nạn.

Đến bây giờ, anh có thể tự tin nói rằng tay nghề mình đã cứng, có thể xử lý mọi tình huống hỏng máy của tàu. Cũng vì vậy mà nhiều chủ tàu ở huyện Núi Thành có trục trặc máy móc gì thì đều gọi anh đến sửa chữa. 

Còn Hoàng “thợ điện” tức Nguyễn Hoàng (41 tuổi, xã Tam Quang) luôn hăng hái tham gia đội tàu cứu hộ mỗi khi có tàu gặp nạn.

Hễ có tàu cá gặp trục trặc về hệ thống điện, Hoàng lại xách đồ nghề theo tàu ứng cứu. Nhắc đến biệt danh của mình, anh bảo: “Học lớp 5 là tôi đã học lóm nghề sửa điện của ông cậu rồi. Đến lớp 8, hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi mới nghỉ học đi biển kiếm tiền. Ngoài đi biển, tôi còn tìm tòi, học hỏi nghề điện từ bạn bè. Đến nay, tôi đã có hơn 10 năm hành nghề sửa điện cho các tàu cá”. 

Điều đặc biệt ở Hoàng “thợ điện” và Dũng “máy” là khi sửa chữa tàu cá gặp nạn, chủ tàu đặt vấn đề trả công thì cả hai nhất quyết không nhận, nếu ép quá thì họ nói: “Làm lon bia là được rồi, tiền bạc chi”. Anh nói: “Mình có giỏi giang gì đâu. Tàu nào gặp nạn, mình có biết chút ít thì mình giúp sửa chữa thôi. Coi như để đức lại cho con cháu sau này”.

Vị thuyền trưởng nghĩa hiệp

Mỗi khi nhắc đến hai kỹ sư trên tàu, ông Diệp chỉ cười khà khà mà ít nói đến bản thân. Giọng ông sang sảng: “Dân biển tụi tui bao giờ cũng thuộc lòng: biển là biển giả, giữa biển sống chết khôn lường. Muốn sống phải có anh em, bạn bè. Thế thôi”. Có lẽ cũng vì phương châm sống ấy mà ông Diệp sẵn sàng bỏ dở nhiều chuyến đi biển để cứu tàu bạn gặp nạn.

Tìm nhà ông Diệp ở Sâm Linh Đông không khó, cũng nhờ tính cách nghĩa hiệp của ông nên người dân vùng Tam Quang này ai cũng biết.

Lênh đênh trên biển từ năm 14 tuổi, đến năm 19 tuổi ông Diệp đã là một tay thuyền trưởng cừ khôi. Gia tài lớn nhất suốt mấy chục năm đi biển của ông là hai chiếc tàu công suất trên 800CV và đây cũng là đôi tàu đã cứu không biết bao nhiêu ngư dân cùng tàu cá bạn bè.

Anh Năm (thuyền trưởng tàu QNa 90334) cho biết: “Chuyến đi biển trước, anh Diệp không lai dắt thì tàu tui chắc bị tàu nước ngoài bắt mất rồi. Tàu gãy trục, trôi dạt trên biển đâu biết chỗ nào mà lần”. Đêm hôm đó, ông Diệp cùng các ngư dân đang thả lưới thì nhận được tin cầu cứu. Ông vội thu lưới lại đến ứng cứu, sau gần hai ngày đêm, tàu cứu hộ do ông chỉ huy đã tiếp cận và lai dắt tàu ông Năm hơn hai ngày mới về đến đất liền.

Trước đó không lâu, tàu cá mang số hiệu QNa 91298 do ngư dân Huỳnh Tấn Song làm thuyền trưởng bị hỏng máy, trôi tự do trên biển. Khi nhận được tin, dù đang chạy tàu vô bờ sau chuyến đánh bắt, ông Diệp đã bẻ bánh lái, quay ngược lại để tiếp cận, ứng cứu tàu ông Song.

Sau một ngày đêm, tàu của ông đã tìm thấy tàu bị nạn và lai dắt thành công vào bờ. “Bà con trên biển thì ai cũng giúp nhau, nhưng hành hiệp như ông Diệp thì tui thấy thuộc hàng hiếm” - anh Song nhận xét.

Ông Diệp chỉ nói đơn giản: “Biển cả mênh mông, nhiều điều bất trắc, rồi ai cũng sẽ gặp nạn. Sau này lỡ tàu mình gặp nạn thì họ cũng sẽ làm như vậy thôi”.

Ngọn cờ đầu cứu hộ

Ông Nguyễn Tin, chủ tịch UBND xã Tam Quang, cho biết Tam Quang có 19 tổ, đội đoàn kết giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn khi hành nghề trên biển.

Anh Huỳnh Văn Diệp là tổ trưởng của một đội đánh bắt trên biển. Anh đã nhiều lần ra tay cứu giúp, tương trợ những ngư dân gặp nạn trên biển. “Hằng năm chúng tôi đều vinh danh những ngư dân này, và anh Diệp là ngọn cờ đầu”.

Hễ có tàu nào bị hỏng máy, trôi dạt trên biển, người đầu tiên họ cầu cứu là ông Diệp. Nếu tàu hư hỏng nhẹ thì ông đưa người qua sửa, còn nặng thì ông lai dắt vào bờ sửa chữa.

Đội tàu của ông lúc nào cũng sẵn sàng với đội ngũ hùng hậu 30 người. Có khi mỗi chuyến ra ứng cứu tàu bị nạn, ông tốn hàng chục triệu đồng. Nhưng ông vẫn vui vẻ vì đã giúp đời, giúp người. “Có khi mình đi biển cả tháng trời mới về với vợ con chưa đầy một ngày mà nghe tin có tàu cá gặp nạn, tôi lại cùng anh em ra khơi để ứng cứu” - ông nói.

ĐOÀN CƯỜNG - LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên