17/09/2014 12:35 GMT+7

Đây, Hoàng Sa, Vương quốc An Nam...

MẠNH THƯ
MẠNH THƯ

TT - Từ đầu cầu - cũng có người gọi là cầu tàu - là chỗ xuồng áp bến, chạy dài một con đường chính lối vào trung tâm đảo. Đường thứ hai song hàng.

 

Trạm thu phát sóng radio và trạm khí tượng do người Pháp xây dựng trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp năm 1940) - Ảnh tư liệu
Bia khẳng định chủ quyền Việt Nam do một đơn vị lính bảo an người Việt dựng trên đảo Hoàng Sa vào tháng 6-1938. Trên bia có khắc những dòng chữ bằng tiếng Pháp: Cộng hòa Pháp - Vương quốc An Nam - Quần đảo Hoàng Sa 1816 - Đảo Hoàng Sa 1938 - Ảnh tư liệu của UBND huyện Hoàng Sa

Con đường trên hai đoạn đường, kẻ chéo thước thợ, ra biển về phía bắc. Đường dưới thông bốn đường ra biển về phía nam. Các đầu đường, sát biển đều có xây pháo đài phòng ngự cuộc đổ bộ.

Hai tòa nhà quy mô rộng rãi, một tòa to nhất là đồn, trên sân thượng có chòi canh, trên chòi canh có xây hải đăng, kính dày, ngày trước tối đen, có thắp đèn bão (lampe de tempête) soi đường cho tàu bể.

Nhà thứ hai, kiểu villa, nhỏ hơn, còn rộng tới bảy buồng và hai gian con (buồng tắm) là trạm khí tượng, có bàn giấy trạm trưởng, phòng làm việc chung, buồng máy, phòng ngủ, phòng ăn.

Mỗi tòa nhà còn những lớp nhà ngang, phụ cận ba bốn căn; bên đồn làm điếm gác, phòng nguyện, buồng ngủ, nhà bếp; bên khí tượng dùng làm kho vật liệu, bếp nước.

Một lớp nhà ngang như thế bị hoàn toàn phá hủy vì bom Mỹ. (Trong thời gian Thế chiến thứ hai, quân Nhật đóng quân trên nhiều đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa - BT)

Phía đông bắc và tây nam đảo có xây hai cái mốc, bắt biển đồng, ở trên ghi:

République Franc5aise
Empire d’ Annam
Archipel des Paracels
1816 ile Pattle 1938

Sau trạm khí tượng, về phía nam (hai tòa nhà đều xây hướng bắc) có khu rừng thông nhỏ vài ba chục gốc. Giữa rừng dựng một cái mốc ximăng, chữ kẻ sơn màu xanh nhạt:

1946 ile Pattle reprise de possession 21 Mai par 21 fusiliers marins du RBFM (ngày 21-5-1946 đảo Hoàng Sa được giành lại bởi 21 tay súng lính thủy thuộc đơn vị...) dưới kê danh sách cả hai mặt: E.V. Vaury, Thoraval, Hasoero, Moreau, Allano, Martin... Kẻ sơn lâu ngày chữ mờ, lại khuất cỏ ở phía dưới mốc, rất khó đọc.

Ngoài rừng thông trồng một chỗ, còn lẻ tẻ bên đường đôi ba gốc. Đường ra biển, cửa sau đồn, còn thấy ba gốc dừa, hai gốc thối hoàn toàn, bị chặt ngang, còn một cây chắc không hợp thủy thổ lá úa héo hắt.

Ngoài ra toàn là những bụi hoang dại mọc xanh tốt, dày đặc thành rừng. Có đến hai ba giống, một giống lá xanh bóng, một giống lá có lông như tráng bạc, làm cảnh thì đẹp nhưng vô tích sự, họa chăng chặt cành về làm củi.

Giống trời sinh, phát đi ít nhưng mọc lan ra nhiều, xanh mượt, xanh ngút ngàn. Ở trong nhà lá xanh che cả chân mây mặt bể, lá to bản và dày. Ai cũng ước ao giá là rừng cà phê, tươi tốt thế này thì quả nhiều phải biết!

Nhưng cây trồng thì còn thứ nào chịu được gió ở đảo, và mùa nực chịu sao được sức nóng của cát? Đất không phải đất thịt, lại không phải đất màu mỡ, toàn cát và vụn san hô.

Đất lâu ngày vón với nhau rắn như đá. Cây bị động gốc lại gió suốt đêm ngày mà không phải gió nhỏ, thường cũng 12-16 nœud (nœud là hải lý, 1.852m) một giờ, lên làm sao được? Chỉ có bốn gốc đu đủ, hoa sai mà ít đậu quả.

Trên đường rau sam mọc hoang, lá đỏ cạch. Cỏ chỉ mọc từng chỗ. Nhất về mạn đầu cầu và phía tây nam, dây muống bể có sợi rút dài trên mười thước, bò ngổn ngang. Rừng dày đặc cành lá, khó mà len được lối đi, ở trong thêm dây tơ hồng chằng chịt quấn như mạng nhện.

Dọc theo đường lớn ra biển, phía tây nam, giữa rừng cây sầm uất có một chỗ trống sạch sẽ phẳng phiu, trên đó nổi một thềm nhà cao ráo, thềm miễu Bà, dựng một gian, nhìn ra biển cả. Trừ lúc đèn nhang mở, còn thì khép cửa chính.

Hai bên, cửa sổ mắt cáo lấy ánh sáng vào trong. Miễu thờ Phật, có tượng đá, tay cầm lư hương, tạc cao bằng đầu người. Cửa miễu, dưới ba chữ “Kim sa am” có đôi câu đối, cũng đắp mảnh sứ như bức hoành trên:

Độ nhân vô lượng sắc không môn,
Lễ Phật thậm thâm công đức hải

Bên cạnh miễu là nghĩa trang lặng lẽ với chín phần mộ, năm nấm có mộ chí ghi tên người bất hạnh, quê quán và ngày tạ thế. Còn bốn ngôi đầu mộ trồng miếng ximăng không ghi gì cả. Chắc có một huyệt đã cải táng, chỗ lũng còn cắm một thập tự giá bằng gỗ.

Phía tây nam suốt ngày vắng vẻ, u uất, biển mạn ấy sóng cả quanh năm, trắng xóa, cuồn cuộn. Sau miễu đổ nhào một cái chòi canh bằng sắt, những thanh sắt dày, gỉ hết cả, công trình phá hoại của thời gian.

Tìm kiếm mãi mới thấy hai gốc bí đao, một gốc bí ngô, ngọn bò lẫn cỏ, anh em trước giồng.

Đấy, quang cảnh Hoàng Sa.

Ở đảo ai cũng lo lương thực. Lương thực chỉ trông vào tiếp tế, cả gạo lẫn thực phẩm, các vật dụng từ cái cuốc làm cỏ đến cây kim vá áo đều từ đất liền đưa ra. Mỗi tháng tàu ra một lần. Ngày tàu ra náo nhiệt, song lại trở về chuỗi ngày buồn.

***

Ngày 25-11 - Trưa 26, tôi tập việc cho quen và sáng 27 làm một mình. Nhân viên của sở có bốn người, hai người làm vô tuyến truyền thanh, hai người làm chuyên viên khí tượng.

Một phạm nhân, anh Nao, thổi cơm và quét dọn vặt. Vừa làm hết việc tôi đã ra ngay bãi, định đi một vòng. Mới ra, chưa kịp nhận phương hướng, gặp đường là về, mới thấy chưa hết một vòng đảo.

Đảo không nhỏ lắm như đã tưởng tượng. Ở Hà Nội vòng hồ Gươm không thấy mỏi vì cảnh đẹp bên đường, vả lại lối đi phẳng phiu; đi vòng đảo là đi trên cát, cũng có chỗ bãi xuống thoai thoải, cát êm, có chỗ nhiều cát, dốc hẳn xuống một thước bề cao, thứ cát to hạt đi lún cả guốc, chân nặng sa lầy nên chóng mệt.

Biển cố nhiên đẹp, đẹp cả ngày nắng lẫn ngày mưa, đẹp trong cái mênh mông hùng vĩ, khi phẳng lặng với vài đợt sóng uốn éo dịu dàng như cô gái đùa với em thơ, khi giận dữ cau có bạo tàn như thiếu phụ nổi cơn ghen, sùi bọt mép thúc sóng cả vào bờ, lùi ra lấy đà để rồi gào thét chúi đầu vào tình địch.

Ra biển, tâm hồn tự nhiên êm ả vì người bé nhỏ quá trước thiên nhiên, trước cao cả, cảm thấy sâu xa sự đua chen danh vọng tiền tài là hèn mọn.

Ở bãi biển giả dối không còn nữa, quần áo sang trọng đắt tiền là thừa, ai cũng dễ dàng như ai, trần một mảnh vải, dáng điệu tự nhiên, mất hết những cử động học đòi, những lối ngồi kiểu, những bước uốn éo, ve vẩy đôi tay thừa.

Nằm, ngồi, đi, đứng chỉ cần thoải mái, không câu nệ bẩn áo quần, muốn lăn vào thiên nhiên sống tự nhiên như buổi sơ khai. Biển nổi sóng thì tâm hồn cũng sôi nổi những ý tưởng cao siêu, những quan niệm tuyệt mỹ của vẻ đẹp lớn lao, không giả tạo, không tủn mủn.

Xa khơi biển xanh như chàm, xanh rất đậm, ngả sang màu thiên thanh, màu bích ngọc, màu quan lục chỗ nông. Nước vỗ bờ thì xanh trong suốt đáy. Đây đó sóng bạc đầu tung bọt trắng ngần...

Màu sắc tuyệt diệu như thế, thanh âm là một hòa tấu nhịp nhàng. Biển cồn ngày mưa, gió gào như rú, sóng đổ ầm ầm, mưa rơi lốp đốp; biển lặng sóng êm, gió đứng, mây ngừng, chập chờn đôi cánh chim không vỗ cánh.

Biển sôi trong đêm tối mịt mùng, vài ngôi sao lấp lánh trên trời và đáy biển, cho người ta chợt nghĩ đến bề rộng và bề sâu.

_________

Kỳ tới: Những ngày thường giữa khơi xa

 

MẠNH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên