17/08/2014 06:40 GMT+7

Người đàn ông Phi Châu và lời đề nghị bất ngờ

Gia Minh
Gia Minh

TT - Những cô cậu sinh viên, những phụ nữ nghèo chỉ vì nhẹ dạ tin vào sự đổi đời trong chớp mắt mà sa vào đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.

Hà Duy ước mơ một ngày được trở về với gia đình - Ảnh: G.Minh
Hà Duy ước mơ một ngày được trở về với gia đình - Ảnh: G.Minh

Có người khắc khoải đợi ngày ra tù, có người đã không còn cơ hội trở về vì lãnh án tử hình.

Trần Hà Duy là một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học được hai ngày thì bị bắt, bị tuyên án chung thân rồi tử hình vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Tới giờ này Duy vẫn ngày đêm vật lộn với nỗi day dứt về chuyện của mình.

“Trước ngày bị bắt 20-7-2010, em chạy xe qua Trường Bách khoa, thấy các bạn mặc áo cử nhân, tung hoa lên trời, gia đình xung quanh cười hạnh phúc. Em nghĩ tới tháng 9 này mình cũng sẽ như vậy."

"Ba mẹ sẽ ở quê lên thành phố chứng kiến thành quả của những ngày chạy chợ, những ngày chở hàng thuê gom góp tiền cho con ăn học. Ai ngờ từ màu áo sinh viên lại chuyển sang tấm áo tù, chôn vùi tuổi xuân trong trại giam này.” - giọng Hà Duy nức nở hòa vào tiếng mưa xối xả bên ngoài trại giam một ngày đầu tháng 8.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Hơn bốn năm sau những ngày vật vã nhiều nước mắt đó, Trần Hà Duy giờ đã được ân xá, tha chết và đang thụ án chung thân tại Trại giam Thủ Đức (H.Hàm Tân, Bình Thuận). Cô yêu đời, lễ phép, trái ngược với những hình dung ban đầu về một tử tù ma túy.

Hà Duy có thể nói hàng giờ về những mơ ước ngày sinh viên, về tuổi thơ êm đẹp bên ba mẹ, về mong ước được học lên thạc sĩ sau khi tốt nghiệp đại học... Rồi giọng cô run run: “Mọi thứ đổ sập xuống, vỡ tan trong phút chốc, giờ em ngồi đây với tấm áo kẻ sọc và những bức tường này”.

Tương lai xám xịt cùng chiếc áo tù cô đang mặc bắt nguồn từ một cuộc gặp tình cờ trên xe buýt vào năm 2007. Lúc ấy Duy là sinh viên đại học năm thứ nhất, ngày ngày đi xe buýt tới trường, đi dạy thêm kiếm tiền đóng học phí phụ giúp ba mẹ.

Và một cuộc gặp gỡ cùng vài câu trao đổi bằng tiếng Anh của cô sinh viên thân thiện không ngờ lại chính là điểm khởi đầu cho chuỗi bi kịch cay đắng của Hà Duy và gia đình cô sau này.

“Hôm đó xe buýt đông như nêm nhưng mọi người chỉ chen chúc phía trước, còn ở cuối xe một người đàn ông da đen dáng vẻ khắc khổ, quần áo bẩn thỉu ngồi trơ trọi cạnh 2-3 chiếc ghế trống. Em chủ động lại gần hỏi bằng tiếng Anh: “Tôi có thể ngồi cạnh anh được không?”.

Anh ta cười và mời em ngồi xuống. Chúng em làm quen, trao đổi số điện thoại và nói chuyện trong suốt quãng đường. Anh ta tự giới thiệu tên là Francis, tới Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư kinh doanh cùng bạn bè” - Hà Duy kể.

Trao đổi qua điện thoại và email một thời gian, Francis bỗng dưng không liên lạc tiếp nữa. Mãi hơn hai năm sau, bất ngờ Francis gọi điện hỏi thăm. Qua vài lần nói chuyện điện thoại, Francis và Hà Duy gặp nhau tại một quán cà phê trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp, TP.HCM).

Francis đã thay đổi rất nhiều so với lần đầu, quần áo chải chuốt hơn, phảng phất mùi dầu thơm, điệu bộ cũng tỏ ra ngoại giao hơn, có dáng vẻ một doanh nhân thành đạt.

“Francis nhắc lại kỷ niệm trên chuyến xe buýt hơn ba năm trước khiến anh ta không bao giờ quên. Anh ta cảm thấy như mang ơn em về nụ cười ấm áp, thân thiện ấy. Anh ta đang dự định mở rộng công việc kinh doanh, cần người có khả năng nói tiếng Anh tốt, có kỹ năng giao tiếp tốt để tiếp xúc với đối tác nước ngoài, lấy thêm hợp đồng cho công ty."

"Đây sẽ là công việc nếu em đồng ý tham gia, mức thù lao có thể lên tới hàng ngàn USD mỗi tháng. Đúng là chuyện trong mơ cũng không thể tưởng tượng với một cô sinh viên năm cuối như em!” - Hà Duy thốt lên khi nhớ lại cuộc gặp này.

Theo mô tả của Francis, công việc của anh ta là đại diện cho đối tác ở nước ngoài đặt trụ sở công ty tại Việt Nam. Khi có các đơn hàng từ nước ngoài sẽ đặt các công ty tại Việt Nam sản xuất theo mẫu đặt hàng để xuất khẩu cho đối tác.

Nếu đồng ý làm việc cho công ty của Francis, Hà Duy sẽ ra nước ngoài tiếp xúc với khách hàng có nhu cầu đặt hàng, kiểm tra hàng mẫu, hỏi các chi tiết khách hàng yêu cầu, sau đó đưa hàng mẫu về Việt Nam giao cho Francis để đưa đi các công ty sản xuất.

Những thắc mắc, nghi ngờ của Hà Duy đều được Francis dễ dàng hóa giải. Cô gái trẻ cũng không thể chối từ sức hấp dẫn của khoản thù lao trong mơ.

Ảnh chụp khi Hà Duy còn là võ sinh CLB võ cổ truyền - Ảnh: G.Minh chụp lại
Ảnh chụp khi Hà Duy còn là võ sinh CLB võ cổ truyền - Ảnh: G.Minh chụp lại

 

Du lịch miễn phí, thù lao 1.500 USD

Chuyến đi đầu tiên của Hà Duy là tới Malaysia vì theo Francis, đối tác hiện đang ở Malaysia để thực hiện một thương vụ khác, Hà Duy chỉ cần qua gặp, trao đổi thông tin chi tiết về hàng mẫu rồi đưa về Việt Nam là xong. Thù lao 500 USD, toàn bộ chi phí ăn ở, vé máy bay do phía Francis đài thọ.

“Trước ngày ra máy bay, Francis gặp em giao vé máy bay cùng 300 hay 400 USD gì đó để làm sinh hoạt phí và dặn cứ yên tâm đi, tới sân bay sẽ có người đón và còn có các thành viên khác trong đoàn của công ty nữa” - Hà Duy kể.

Không như lời hứa, ngày lên máy bay Hà Duy chỉ đi một mình nên điện thoại hỏi Francis vì sao, Francis nói: “Đoàn sẽ đi sau, vì công ty đang nhiều việc quá! Em cứ qua, vài ngày sau đoàn sẽ qua”.

Đúng như lời hứa của Francis, khi đặt chân xuống sân bay ở Malaysia, có một người đàn ông da đen khác cầm tấm bảng ghi tên Hà Duy, thông báo được thương nhân Francis giao đón tiếp Hà Duy về khách sạn nghỉ ngơi, hôm sau sẽ có đối tác liên lạc làm việc.

Ở khách sạn một ngày, một người khác điện thoại tới số của Hà Duy (sim điện thoại do tài xế đón Hà Duy tại sân bay đưa), hẹn ra quán cà phê gần khách sạn bàn việc. Đối tác của Francis là một người đàn ông da đen và một phụ nữ châu Á, họ đều nói tiếng Anh, cả hai ăn mặc lịch sự, cử chỉ như những thương nhân thực thụ. Một ngày sau nữa, người phụ nữ tới giao một giỏ du lịch, bên trong chứa vài bộ quần áo thun, một số dép.

“Em rất nghi ngờ, vì thời gian này ở Việt Nam em đọc báo thấy nhiều đường dây vận chuyển ma túy trái phép do người da đen cầm đầu bị bắt liên tục. Em đã mở từng cúc áo, tháo cả đế dép - những nơi mà báo chí đưa tin tội phạm hay cất giấu ma túy - đều không có gì bất thường” - Hà Duy kể.

Về Việt Nam, Hà Duy gặp mặt Francis để giao lại lô hàng mẫu và nêu ra hàng loạt thắc mắc. Anh ta cười trả lời: “Công việc chỉ đơn giản thế, nếu có hàng phạm pháp hay ma túy thì em đã bị hải quan bắt rồi”. Francis nhận hàng, hẹn ít ngày sau sẽ trả tiền công và thực tế anh ta trả đủ 500 USD như thỏa thuận.

Hà Duy kể: “Lúc nhận được 500 USD em sung sướng vô cùng. Hơn 10 triệu đồng, bằng số tiền đi dạy tiếng Anh gần nửa năm trời mà chỉ qua vài ngày đã có được. Em dành tiền này đóng học phí, trả tiền nhà cho hai chị em mà thấy tự hào vô cùng, vì ba mẹ không còn phải dành dụm chi tiêu để gửi tiền cho hai chị em ăn học nữa”.

Rồi chuyến hàng thứ hai, lần này Hà Duy đi xa hơn, tới một quốc gia châu Phi mang về một lô hàng mẫu là một số quần áo bình thường, không có gì đặc biệt trong chiếc vali lớn.

“Trước và trong chuyến đi, nhiều nghi ngờ khác cũng nảy ra trong đầu, sợ hãi chen lẫn hân hoan, nhưng số tiền 1.000 USD quá lớn khiến mọi sự bị che lấp, rồi em mang lô hàng về Việt Nam trót lọt” - Hà Duy nhớ lại.

Có lẽ tới lúc đó, ngay cả trong giấc mơ Hà Duy cũng không thể tưởng tượng được rằng những chiếc vali, những chuyến bay ra tiền sẽ đẩy cô đi đến đâu.

Gia Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên