24/07/2014 11:00 GMT+7

Một mình một vụ kiện da cam

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Lá đơn dài 31 trang được gửi đến tòa đại tụng ở thành phố Evry, Cộng hòa Pháp, và từ đó gửi đến 35 công ty hóa chất ở Mỹ từng tham gia sản xuất chất độc da cam phục vụ chiến tranh Việt Nam.

Tháng 5-2014, một lần nữa 35 công ty hóa chất ở Mỹ lại nhận được đơn khởi kiện thông qua một tòa án Pháp. Lần này lá đơn chỉ có một người đứng tên: bà Trần Tố Nga, một người Việt mang quốc tịch Pháp.

Kỳ 1: Đơn kiện của bà Trần Tố Nga

h4SUzFPW.jpg
Máy bay rải chất độc da cam - Ảnh tư liệu

Nguyên đơn được giới thiệu rõ: bà Trần Tố Nga, phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải Phóng, từng sống và làm việc trong những cánh rừng là trọng tâm của chiến dịch rải chất độc hóa học khai quang: Củ Chi, Bình Long, đường Hồ Chí Minh, trong thời gian cao điểm của những phi vụ rải chất độc 1966-1970. Phụ lục đính kèm là các bản kê khai và phân tích dài về những chứng bệnh mà bà Nga và các con gái, cháu ngoại của bà đã mắc phải. Phụ lục đính kèm còn là rất nhiều lời chứng nhận của bạn bè, đồng chí của bà, trong ấy có nhiều người rất quen thuộc: bác sĩ Dương Quang Trung, nhà báo Đinh Phong, mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè, nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết...

Tôi thách thức

Bắt đầu từ năm 1978, 2,5 triệu cựu binh Mỹ từng tham gia chiến tranh Việt Nam đã gửi hàng trăm đơn kiện đến các công ty hóa chất tố cáo việc phơi nhiễm chất độc da cam đã gây cho họ nhiều chứng bệnh. Dù cho rằng lý lẽ của nguyên đơn không đủ mạnh, bên bị đơn cũng đã chi 180 triệu USD để hòa giải vào năm 1984. Các đơn kiện sau khi quỹ bồi thường này kết thúc vào năm 1994 đều bị bác bỏ.

Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cùng một số nạn nhân đại diện tiếp tục kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam phục vụ chiến tranh Việt Nam. Vụ kiện được hàng triệu người Việt Nam và thế giới ủng hộ, nhưng rồi các cấp tòa án Mỹ vẫn tiếp tục bác đơn.

Năm 2009, Tòa án tối cao Mỹ bác đơn khởi kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đó là lần thứ ba, cũng là lần cuối cùng chiếu theo luật pháp Mỹ. Không nản lòng, những người ủng hộ nạn nhân chất độc da cam trên khắp thế giới đã triệu tập một “Tòa án công luận quốc tế” ở Paris với sự tham gia của nhiều thẩm phán có uy tín từ nhiều châu lục. Đến trước tòa, những nạn nhân, luật sư, nhà khoa học, chuyên gia đã một lần nữa lên tiếng tố cáo về sự hủy diệt môi trường, tàn phá và gieo rắc tai họa, ẩn họa cho con người. Có mặt trước tòa ấy có bà Trần Tố Nga và luật sư William Bourdon.

Trong bài phát biểu hôm ấy, bà Nga chỉ dành chưa đầy hai phút cho câu chuyện của chính mình: một ngày cuối năm 1966 ở Củ Chi, sau khi nghe tiếng máy bay quần thảo rất lâu, Tố Nga khi ấy mới 24 tuổi thấy như có một đám mây phủ trên đầu. Cô leo ra khỏi hầm để nhìn cho rõ rồi phát ho sặc sụa, cả người ướt đẫm chất bột mịn. Hai năm sau, con gái đầu lòng bụ bẫm, xinh xắn của cô chào đời, được mẹ âu yếm gọi là “Tố Ngỗng”. Rồi da bé cứ tróc đi từng lớp một, bé không lớn, khó thở. Người mẹ trẻ không dám ôm con vào lòng vì bé không chịu được sức ép, dù chỉ là ôm ấp. “Tố Ngỗng” chỉ sống được 17 tháng. Con gái thứ hai của cô tiếp tục ra đời, lớn lên và phải mang một chứng bệnh khó chữa về đường máu. Con gái thứ ba lại bị bệnh về da...

Bà nghẹn ngào: “Suốt mấy mươi năm tôi đã dằn vặt, ân hận vì không biết giữ gìn khi mang thai để đến nỗi con phải chết. Đến giờ tôi mới biết nguyên nhân chính là vì chất độc da cam”. Rồi bà nói tiếp: “Nhưng câu chuyện của tôi rất bé nhỏ so với những gì mà các đồng đội tôi đã phải gánh chịu, so với thảm kịch của các nạn nhân chất độc da cam ở những vùng mà tôi đến thăm”. Từ đó cho đến cuối bài phát biểu, bà kể về những bi kịch mà các cựu chiến binh Việt Nam, những người dân sống trong vùng bị rải chất độc đã phải gánh chịu. Những bệnh tật không phương cứu chữa, những đứa trẻ nối nhau sinh ra dị hình dị dạng, mất trí... Bà gọi tội ác ấy là “diệt gia tộc”, và đưa ra một lời thách thức: “Mời đại diện những tập đoàn sản xuất chất độc da cam đang chối bỏ trách nhiệm hãy đến Việt Nam để gặp những nạn nhân. Dù tuổi cao sức yếu tôi cũng nguyện đi cùng các quý vị đến bất kỳ đâu, dù chân trời góc biển, cho đến khi các vị nhận thấy rõ điều cần phải làm”.

1fxoVDld.jpg
Bà Trần Tố Nga - Ảnh: Tự Trung

Mừng vì mang độc chất

Các công ty hóa chất Mỹ không nghe, nhưng luật sư Pháp William Bourbon lại thấy xúc động sâu xa. Ông mừng như bắt được vàng khi biết bà Nga mang quốc tịch Pháp, đã từng được tặng Bắc đẩu Bội tinh, vì như vậy bà có thể đứng đơn bắt đầu lại vụ kiện với tư cách công dân Pháp. Ông ngỏ lời rằng ông từng đến Việt Nam, từng gặp các nhân chứng và nay ông sẵn sàng giúp bà tiến hành vụ kiện. Đến lượt bà Nga mừng. Mừng vì mình là nạn nhân chất độc da cam.

Nhưng chính vào lúc đó, luật pháp Pháp lại có sự thay đổi, quốc hội không còn cho phép các thẩm phán tiến hành tố tụng quốc tế. Không thể hành động nhưng cũng không bỏ cuộc, họ lại tiếp tục chờ đợi, qua cả tuổi 70 với bao nhiêu tật bệnh của bà Trần Tố Nga. Cuối cùng, năm 2013, các quyền hạn về luật quốc tế của tòa án Pháp được tái lập.

Ủy ban quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam quyên góp để bà Nga có kinh phí làm xét nghiệm, phân tích máu ở một cơ quan độc lập. Không có mấy nơi có thể phân tích được dioxin, cuối cùng một cơ sở nghiên cứu khoa học ở Đức được chọn lựa. Một đoàn các nhà khoa học Pháp, Đức với bao nhiêu dụng cụ, máy móc đến nhà bà để lấy đi 100ml máu. Những ngày chờ kết quả thật là những ngày lạ lùng trong đời. Không mong một kết quả sạch với kết luận là mình mạnh khỏe, bà Nga lại lo ngay ngáy: mấy mươi năm qua, những độc chất đó có còn trong máu mình hay không? Nếu không còn thì làm sao vụ kiện da cam bắt đầu lại một lần nữa?

Kết quả xét nghiệm cho thấy có hàm lượng độc chất từ chất độc da cam trong máu bà vượt trên mức cho phép. Với chỉ số 16,7 pg/g, tính với tỉ lệ giảm 80% trong 20 năm đã được khoa học chứng minh trước đó, chỉ số độc chất bà Nga đã bị nhiễm được xác định là 84 pg/g vào năm 1990 và 151,2 pg/g năm 1970.

Thế là đủ để làm đơn kiện, ở tuổi 72. Xác định cuộc chiến pháp lý này sẽ rất khó khăn, rất lâu dài, nhăn mặt cho qua một cơn đau đầu, bà Nga cố nở một nụ cười: “Tôi không nản lòng. Tôi và cả gia đình mình đã chiến đấu suốt đời. Vụ kiện này tuy chỉ một mình nhưng sẽ là tiền lệ cho hàng ngàn nạn nhân da cam Việt Nam, vì thế mà tôi sẽ không bỏ cuộc”. Nhìn lại cuộc đời bà, ai cũng sẽ tin điều ấy.

Chất độc da cam chỉ dùng trong quân sự

Là quốc gia tham chiến, Chính phủ Mỹ ép buộc một số công ty sản xuất chất da cam theo luật sản xuất phục vụ quốc phòng. Các công ty cung cấp chất da cam gồm: Dow Chemical Company, Monsanto Company, Hercules Inc, Diamond Shamrock Chemicals Company, Uniroyal Inc, Thompson Chemical, T-H Agriculture và Nutrition Company...

Chất độc da cam chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của Chính phủ Mỹ để sử dụng cho mục đích quân sự, chưa bao giờ với mục đích buôn bán thương mại. Ngay sau khi chất da cam được xuất xưởng và đóng kiện, quân đội Mỹ lập tức nắm kiểm soát toàn bộ các nhà máy...

L.Vancil (trích Chất độc da cam - Thảm kịch và di họa)

_____________

Kỳ tới: Tôi kiện cho hàng triệu người

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên