Phóng to |
Anh Dũng trong cuộc làm việc với luật sư Philippines - Ảnh: Đình dân |
“Ở Philippines ngư dân ta đi biển gặp nạn được Dũng giúp đỡ rất nhiều”, “Không chỉ những người Việt đi biển gặp nạn ở Philippines biết tới Dũng, mà thậm chí nhiều thân nhân của họ đang sống ở quê cũng lưu trong điện thoại cầm tay cái tên Dũng Việt Nam”... Đó là những thông tin mà tôi nghe được từ nhiều người dân ở đảo Phú Quý. Và tôi đã có cơ hội gặp gỡ “Dũng Việt Nam” nhân chuyến đi Philippines viết về vụ 122 ngư dân bị giam giữ tại đây.
Người bán dép và 122 ngư dân
"Tôi dù ở Philippines nhưng tâm hồn luôn hướng về đất mẹ Việt Nam" Trần Minh Dũng |
Giữa tháng 8-2011, khi chúng tôi vừa bước ra khỏi sân bay tỉnh Palawan, một người đàn ông gầy đét mặc áo thun quần jean, đi dép lê chui ra khỏi chiếc xe tricycle (loại xe ba bánh đặc trưng ở Philippines) nói:
“Nghe mấy anh thuyền trưởng nói sáng nay các anh từ Việt Nam tới nên tôi ra đây đón. Các anh chất đồ đạc lên sau xe rồi ngồi lên phía trước tôi chở đến chỗ mấy thuyền trưởng ở làng Parola, họ đang mong chờ các anh lắm đấy...”. Đó chính là “Dũng Việt Nam”. Các ngư dân biết tin chúng tôi đến nên nhờ anh Dũng đón sẵn ngoài cổng sân bay.
Vừa điều khiển chiếc xe ba bánh qua những con phố, anh Dũng vừa kể về 122 ngư dân Phú Quý. Thỉnh thoảng anh chạy xe chậm lại chỉ trỏ: “Đây là chỗ các thuyền trưởng đi chợ”, “Kia là chỗ bảy con tàu của bà con mình đang bị giam giữ”, “Hướng này đi ra lối nhà tù giam các thuyền viên”, “Đường kia lên tòa án tỉnh Palawan”...
Chiều 23-8, trời Palawan vẫn mưa suốt. Sáng mai là ngày diễn ra phiên tòa xét xử 122 ngư dân nên chiều hôm đó những người từ Việt Nam qua ai cũng bận rộn lo giấy tờ, thủ tục chuẩn bị hầu tòa. Anh Dũng cũng cuống cuồng vừa chạy xe vừa điện thoại liên tục để hẹn các luật sư ở Philippines nhằm thiết kế các buổi gặp gỡ với các luật sư từ Việt Nam qua. Vừa gặp luật sư xong, anh Dũng lại cùng anh Thoại - chủ DNTN Long Hải Long - vào nhà tù để mang thuốc tây và một ít tiền bà con ở đảo Phú Quý gửi cho người nhà của họ trong trại giam. Mưa to ướt hết áo, anh Dũng phải mượn áo một thuyền trưởng mặc vào để chạy tiếp. Thay vội chiếc áo vừa mượn, anh lại quay ngoắt chiếc xe ba bánh ra khỏi cổng nhà tù rồi nói vội: “Tôi chạy ra tòa xin cái giấy cho anh em xuống tàu lấy gạo và quần áo”.
Ngày diễn ra phiên điều trần, từ sáng sớm anh Dũng đã ngồi trong chiếc xe ba bánh chờ dưới đường. Anh bảo chờ đi cùng 115 ngư dân từ nhà tù ra tòa án. Nhìn những ánh mắt âu lo qua song sắt của chiếc xe màu vàng bóp chặt khóa, anh Dũng ngậm ngùi: “Đồng hương mình cả. Mà toàn là ngư dân chân chất. Vợ con họ ở nhà mà thấy hình ảnh này chắc không cầm lòng được...”.
Nhiều lần ngồi tâm sự, xen trong câu chuyện của những tháng ngày bị bắt trên đất Philippines, các thuyền trưởng luôn kể về anh Dũng với vẻ hàm ơn. Ông Trần Hút, người lớn tuổi nhất trong bảy thuyền trưởng, kể: “Những ngày đầu bị bắt lên đây, chúng tôi vừa hoảng hốt vì không biết vì sao mình lại bị bắt, vừa lo lắng vì không người thân thích, không biết đường sá, cũng không biết hải quân Philippines nói gì. Chúng tôi cứ như người câm điếc, may mà có Dũng”.
Một lần khi anh Dũng đang mải miết phiên dịch cho các ngư dân ở tòa án đến nỗi quên đi đón vợ, thế là vợ anh tự thuê xe chở cả bao dép bán dở đến tòa án tỉnh để tìm. Lúc này tôi mới biết người đàn ông thông thạo ba thứ tiếng Việt, Anh, Philippines này là một người bán giày dép trên hè phố. Anh lấy một cô vợ Phi và sinh được năm người con, đứa lớn học lớp 10, đứa nhỏ mới vào lớp 1. Và đằng sau cái vóc dáng gầy gò ốm yếu ấy là cả một câu chuyện dài về cuộc đời phiêu bạt với nhiều cay đắng ở xứ người...
“Vì họ là đồng hương”
Một số ngư dân ở Quảng Ngãi và Bình Thuận kể rằng từ năm 2004 đến nay, anh Dũng đã giúp đỡ khoảng 30 nhóm ngư dân Việt Nam bị mắc nạn và trôi dạt vào vùng biển của nước bạn. Anh nói anh giúp các nhóm ngư dân những việc như phiên dịch, làm cầu nối giữa những ngư dân bị nạn và chính quyền địa phương, giúp ngư dân từ việc làm giấy tờ cho đến đi chợ, mua card điện thoại...
Có những cuộc giúp đỡ trực tiếp, nhưng cũng có những lần phải phiên dịch qua điện thoại di động vì vùng các ngư dân bị nạn cách xa chỗ anh ở. Anh Dũng kể: “Vui nhất là khi những ngư dân trở về quê nhà rồi điện báo tin cho mình biết. Như anh Đại ở Quảng Ngãi, anh Luân ở Khánh Hòa, anh Bảnh ở Tiền Giang... Các anh em về đến quê liền điện sang nói là đã ổn định lại cuộc sống và đi biển trở lại”.
Anh Dũng nói có một câu chuyện mà anh sẽ chẳng bao giờ quên. Đó là vào đầu tháng 8 vừa rồi. “Hôm đó đã 22g đêm. Trời mưa to gió lớn. Tôi đang cho mấy đứa con đi ngủ thì nhận được điện thoại từ Việt Nam. Người đầu dây là anh Sơn - một chủ ghe ở tỉnh Quảng Ngãi: Dũng ơi, làm ơn cứu nạn cứu khổ giùm. 12 ngư dân của tôi đang đánh bắt ở vùng biển nước mình thì bị bão đánh chìm ghe. Họ điện về nói đã trôi dạt mấy ngày nay theo hướng nam về vùng biển Philippines. Họ đang cố đu bám vào thuyền thúng trôi dạt giữa biển. Anh nhờ người ở đó cứu giùm, không để đến sáng mai lạnh quá họ chết hết”.
Ngay trong đêm, bằng tất cả mọi mối quen biết, anh Dũng xác định lại chính xác tọa độ nơi 12 ngư dân bị nạn rồi lập tức cầu cứu hải quân Philippines. Nhưng gió giật quá mạnh, 12 ngư dân bị trôi dạt khá xa tọa độ được báo nên tàu hải quân Philippines quần mãi mà không thể tìm thấy họ trong đêm. Cũng may sáng hôm sau một tàu cá đã thấy họ trôi dạt và cứu giúp. “Ngay sáng hôm đó hải quân Philippines điện cho tôi hỏi: Anh có phải người Việt Nam không, có 12 ngư dân nước anh bị nạn trên biển chúng tôi vừa vớt được và họ nói cần gặp anh. Lúc đó biết 12 ngư dân còn sống, tôi mừng như cha chết sống lại” - anh Dũng nhớ lại.
Thuyền trưởng Trần Đại - một trong 12 người bị nạn hôm đó - kể rằng: “Sáng hôm đó chúng tôi được đưa về làng Việt, sau đó được chăm sóc trong căn cứ quân sự của hải quân Philippines. Anh Dũng đi kiếm chăn gối, quần áo cho anh em mặc. Rồi chụp hình, ghi tên tuổi báo với Đại sứ quán Việt Nam ở Manila giúp anh em làm giấy tờ để về nước”.
Một lần sau khi lo xong cho các ngư dân về chỗ ở mới, tôi hỏi anh Dũng: “Điều gì thôi thúc anh giúp họ?”, anh nói: “Vì họ là đồng hương, thấy đồng hương bị nạn chẳng lẽ bỏ mặc. Tôi cũng chỉ là một trong số những người giúp họ mà thôi, ở đây nhiều người Việt Nam khác như anh Ba Thanh, anh Công, anh Hải, chị Oanh còn giúp họ nhiều hơn”.
Mong một lần về quê hương “Dũng Việt Nam” tên là Trần Minh Dũng, sinh ngày 26-6-1971 tại tỉnh Khánh Hòa. Tháng 6-1989 anh rời Việt Nam đến Philippines. Anh Dũng nói: “Tôi là con cả trong một gia đình năm anh em. Mơ ước lớn nhất của tôi suốt những năm tháng ở đây là một lần được về Việt Nam thăm bố mẹ và các em nhưng do điều kiện kinh tế và hoàn cảnh không cho phép. Nhưng một điều mà tôi luôn muốn nói về quê nhà là dù Dũng ở Philippines nhưng tâm hồn Dũng luôn hướng về đất mẹ Việt Nam”. Nghĩa tình người Việt Ông Nguyễn Thành Công, bí thư thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, cho biết: “Hiện nay tại tỉnh Palawan có bảy gia đình người Việt đang sinh sống. Trong sự việc của 122 ngư dân thì bà con người Việt tại đây đã giúp đỡ các ngư dân bị nạn rất nhiều, như anh Ba Thanh giúp đỡ xe đưa đón, chở gạo và đồ đạc cho ngư dân, anh Công thì hỗ trợ các mối quan hệ với chính quyền địa phương... Riêng anh Dũng là một người sống rất tình cảm, nhiệt tình giúp đỡ các ngư dân. Không chỉ lần này mà trước đây anh Dũng đã cùng đại sứ quán nhiều lần giúp đỡ các ngư dân Việt gặp nạn khác. Những tình cảm đó thể hiện tinh thần tương thân tương ái của những người Việt Nam với nhau, đặc biệt trong lúc các ngư dân nghèo khổ gặp nạn nơi xa xứ”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận