19/08/2011 06:55 GMT+7

Cầu Ghềnh dấu tích trăm năm - Kỳ 2: Nối nhịp thông thương

HÀ MI - NGÔ THIÊN PHÚC
HÀ MI - NGÔ THIÊN PHÚC

TT - Ông Võ Hồng Châu (84 tuổi), phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa - người mà cả tuổi thơ gắn liền với cầu Ghềnh khi ngày ngày từ Chợ Đồn sang Biên Hòa học chữ ông đều phải cuốc bộ từng bước qua lại trên chiếc cầu này. Dẫn chúng tôi lên lại cây cầu, những cảm xúc và ký ức một thời bỗng ùa về trong tâm khảm ông...

fAl9KRaP.jpgPhóng to
Cầu Ghềnh Biên Hòa đầu thế kỷ 20 - Ảnh tư liệu

Kỳ 1 - Ký ức trong chiếc bàn thiên trăm tuổi

Ngày thông cầu

Chỉ tay vào đầu nhịp cầu bên phía Chợ Đồn (phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa) ông nói: “Ngày xưa nơi đây có dòng chữ ghi rõ năm 1904, trong một lần đi học về tôi hỏi một chú gác chắn, chú nói đó là năm thông cầu đường sắt qua nơi này”.

Thế là cậu bé Châu lúc ấy tò mò về hỏi ông nội mình là cụ Võ Văn Nguyện - người chứng kiến cảnh nhộn nhịp và hân hoan của người dân hai bên đầu cầu trong ngày ấy. Ông Châu bồi hồi nhớ lại: “Chợ Đồn cùng cù lao Phố chính là hai đầu của cây cầu Ghềnh những năm đầu thế kỷ 20 chỉ lác đác vài ngôi nhà thôi, xung quanh rừng cây rậm rạp, thú dữ xuất hiện liên tục. Người dân quần tụ hai bên, chúng tôi thường chèo thuyền qua lại giao thương với nhau.

Những năm đầu thế kỷ 20, người dân thấy thuyền chở sắt thép, vật liệu về tập trung xung quanh rất nhiều, sau đó mới biết là xây cầu xe lửa. Từ ngày công trình bắt đầu được khởi công, khung cảnh trở nên nhộn nhịp hơn. Ngoài phu cầu từ miền Bắc, miền Trung thì người dân địa phương cũng được điều động đi làm cầu. Xe bò, xe ngựa của người dân được trưng dụng để kéo gỗ, chở đá, chuyển cát đến công trình. Thương nhân nhiều nơi thấy vậy cũng chèo thuyền về buôn bán làm sống lại một khung cảnh sầm uất bên cù lao này".

Ông Châu nhớ lại từ lời kể của ông nội mình, ngày thông cầu trở thành ngày hội của người dân lúc bấy giờ. Người dân từ Tân Uyên, Lái Thiêu... cũng về chung vui. Những người lớn tuổi ở hai bên cầu mặc áo bà ba, lập hai bàn hương để cúng.

Đến dự thông cầu có nhiều quan chức to của xứ Nam kỳ với sự bảo vệ nghiêm ngặt. Chuyến tàu lửa chạy bằng hơi nước đầu tiên lăn bánh từ từ đi qua từ hướng Dĩ An về ga Biên Hòa. Sau đó là xe ngựa, xe bò, xe đạp và người đi bộ cũng được tự do qua cầu buôn bán, giao thương.

Bên dưới cây cầu thế kỷ, ngôi đình Nguyễn Tri Phương - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia - sừng sững soi bóng xuống dòng sông. Những hậu duệ của người dân từng sống hàng trăm năm nay vẫn không quên những ký ức tuổi thơ bên cây câu này.

Vừa nhấp ly trà nóng, ông Huỳnh Văn Sao (78 tuổi), trưởng ban quý tế đình thờ Nguyễn Tri Phương, kể lại: “Thời ấy, cầu Ghềnh là công trình lớn có tầm cỡ ở xứ Nam kỳ. Không chỉ dành cho xe lửa qua lại mà nó còn là huyết mạch giao thông đường bộ của tuyến quốc lộ 1. Kiến trúc cổ kính, vững chãi trường tồn cho đến hôm nay. Hình ảnh bình dị của nó đã tạo nên một nét văn hóa rất riêng của đất và người Biên Hòa”.

Công trình cầu Ghềnh có một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình lịch sử lúc bấy giờ. Ông Sao nói: “Nó đẹp nhưng đừng nghĩ chỉ có công lao của người Pháp. Từ những kỹ thuật khoa học của các vị kiến trúc sư, song để tạo nên một hình hài nguyên vẹn tồn tại bao năm tháng là cả công sức của hàng nghìn người Việt đấy. Nhiều phu cầu rời làng quê từ miền Bắc, miền Trung đã bỏ lại mạng mình nơi con sông này”.

Sống dậy xứ cù lao

Cầu Ghềnh ra đời không chỉ nối thông tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang mà còn giúp cho cù lao Phố (xã Hiệp Hòa ngày nay) có thể dễ dàng thông thương với Sài Gòn và Biên Hòa nhiều hơn. Từ nét văn hóa đi chợ, họp chợ đường thủy bằng thuyền, lúc bấy giờ người dân có thể qua cầu đi chợ bằng xe bò, xe ngựa, quang gánh, túi xách... của mình.

Theo Lược sử cù lao Phố, vào đầu thế kỷ 20 có rất nhiều bến đò được hoạt động qua lại cù lao này. Đến năm 1904, cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát chính thức được băng ngang mỏm đất phía tây của cù lao nối vùng đất một thời sầm uất này với Gia Định và Hà Nội. Đó là tiền đề cho cù lao cất cánh và phát triển sau nhiều biến cố thời gian.

Từng là thương cảng Nông Nại đại phố sầm uất với nhiều thương gia nước ngoài đến giao thương, buôn bán trong những năm thế kỷ 17-18 sau khi các di thần nhà Minh được chúa Nguyễn cho vào định cư ở Đồng Nai năm 1679.

Tuy nhiên, qua nhiều biến cố của lịch sử, cù lao Phố bị tàn phá nặng nề, dân cư cũng trở nên thưa thớt hẳn. Nhiều cư dân xưa đã chuyển lên khu vực Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, Chợ Lớn... Thế nhưng vẫn còn đó một số lưu dân bám trụ xung quanh vùng đất mà tổ tiên từng dày công khai phá này. Đến đầu thế kỷ 20, cùng với cầu Ghềnh, người dân bắt đầu đông đúc trở lại và phát triển đến tận hôm nay.

Đứng bên cầu Ghềnh nhìn về phía cù lao Phố dễ dàng nghĩ đến hai câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ Từ thuở mang gươm đi mở cõi, Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long với những mái đình, ngôi chùa cổ kính, thấp thoáng trong một khoảng xanh của cây trái đang tồn tại hàng trăm năm nay.

Ông Phạm Văn Hòa, phó chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, cho biết: “Trong tương lai, cù lao Phố sẽ trở thành trung tâm thương mại với nhiều cây cầu nối ra nhiều phường trong thành phố. Chính quyền địa phương và người dân chúng tôi cũng rất mong dự án quy hoạch xây cầu đường bộ nối xã với các phường sớm được thực hiện”.

Khi cầu đường bộ tách cầu Ghềnh đang được lên dự án thì cầu Rạch Cát 2 (nằm song song với cầu Rạch Cát) sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm nay, phần nào giảm tải lượng xe vào cù lao trong thời gian tới, giúp cù lao này cất cánh vươn xa.

Năm 1901 quốc lộ 1 và đường sắt Sài Gòn - Nha Trang chạy qua tỉnh Biên Hòa được khởi công. Cùng trong năm này, công trình cầu Gành (Ghềnh) cũng được Pháp cho triển khai đào móng thi công bắc qua mỏm tây của cù lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa).

Đầu thế kỷ 20, quốc lộ đi qua Biên Hòa có mặt đường hẹp, rộng chừng 5m, được rải đá và cấp phối sơ sơ, trong đó cầu được xây dựng bằng bêtông và sắt thép nên rất vững chắc. Sở Trường Tiền được lập ra với nhiệm vụ làm đường, bắc cầu nhỏ và sửa chữa, bảo trì đường bộ. Năm 1903, cầu Rạch Cát và cầu Ghềnh do Hãng Eiffel (Pháp) thiết kế, chế tạo bắc ngang qua sông Đồng Nai làm xong.

Ngày 14-1-1904, với việc khánh thành cầu Ghềnh đã giúp đoạn đường xe lửa Sài Gòn - Biên Hòa bắt đầu thông xe, ít lâu sau tàu chợ chạy hằng ngày. Trong phạm vi tỉnh Biên Hòa, đường sắt và quốc lộ 1 hầu như chạy song song với nhau. Từ tỉnh lỵ, hai con đường huyết mạch này đâm sâu vào rừng rậm bịt bùng để băng qua Bàu Cá, núi Chứa Chan... phục vụ khai thác tài nguyên.

Theo Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển (NXB Đồng Nai, 1998).

_________________________

Trăm năm trước, khi thiết kế cầu Ghềnh, hẳn người ta khó hình dung trăm năm sau nó vẫn hiện hữu giữa khung cảnh ngựa xe, đường sá... đều thay đổi. Những sự cố đã xảy ra. Giờ là lúc nghĩ đến một nhịp cầu khác để bắc vào tương lai trăm năm sau nữa...

Kỳ tới: Nhịp cầu nào đến thế kỷ sau?

HÀ MI - NGÔ THIÊN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên