"Đại hồng thủy 1999", chuyện kể sau 10 năm - Kỳ cuối: Chỉ huy tại chỗ và sống chết với dân
TT - Ngay sau khi Tuổi Trẻ khởi đăng loạt bài “Đại hồng thủy 1999”, chuyện kể sau mười năm, ông Lê Huy Ngọ - khi đó là bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương - đã liên lạc với Tuổi Trẻ.
>> Kỳ 1: Lụt chưa từng thấy>> Kỳ 2: Cuộc giải thoát 57 học sinh>> Kỳ 3: Hòa Duân bãi bể nương dâu>> Kỳ 4: Quyết định sinh tử>> Kỳ 5: Không cứu họ thì mình sống với ai! >> Những ngôi làng tái sinh
Người trực tiếp chỉ đạo ứng cứu lũ lụt lịch sử tại miền Trung mười năm trước nhớ lại:
“Bộ trưởng bão lụt” Lê Huy Ngọ (trái) tại hội nghị khắc phục lũ lụt miền Trung do Chính phủ tổ chức tại Huế ngày 15-11-1999 - Ảnh: Minh Tự |
"Miền Trung luôn phải nhớ rằng một vùng “nhạy cảm” với thiên tai, trong đầu tư phải có kế hoạch đảm bảo an toàn khi bão lũ xảy ra trong từng công trình, từng khu công nghiệp, từng khu du lịch và từng làng xã" Ông Lê Huy Ngọ |
Đến 4g ngày 2-11 chúng tôi vào được tới Đà Nẵng, khi đó anh Mễ vẫn liên tục gọi điện nhưng sự thật không thể ra được Huế. Ngày 3-11, chúng tôi ra được tới Huế, anh Mễ cứ ôm tôi khóc, nói hai hôm nay điện mất hết, nước không có, đường giao thông hư hại, máy điện thoại không gọi được... Huế hoàn toàn bị cô lập. Có thể nói sau đó là một đợt huy động tổng lực, quyết liệt với hàng loạt giải pháp đặc biệt để giải nguy cho Huế. Cầu hàng không phía Bắc được thiết lập từ Gia Lâm - Vinh - Đồng Hới - Phú Bài - Đà Nẵng; phía Nam từ Tân Sơn Nhất - Đà Nẵng - Chu Lai - Phú Bài. 24 máy bay không quân được huy động, 280 xe vận tải, 119 xe chuyên dùng vượt cản, 167 chuyến bay ra vào để chuyển kịp thời 800 tấn lương thực cứu trợ, phao cứu sinh. Và chỉ trong vòng từ ngày 4 đến 7-11, về cơ bản những khó khăn của Huế đã được tháo gỡ, nhân dân được tiếp thêm sức mạnh cả về vật chất, cả về tinh thần.
Tuy nhiên, điều tôi cảm nhận rõ nhất đó là tính chủ động của người dân miền Trung. Những người sống trong vùng “nhạy cảm” với thiên tai, trước mặt là biển, sau lưng là núi, phải đương đầu với bão lũ nhưng bài học giá trị nhất chính là họ - người dân đã bất chấp hi sinh để cứu nhau, tương trợ nhau khi lực lượng cứu hộ chưa kịp tới.
* Những bài học gì cần phải rút ra sau trận “đại hồng thủy 1999”, thưa ông?
- Tôi cho rằng với phòng chống lụt bão, phương châm bốn tại chỗ: lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ và đặc biệt là chỉ huy tại chỗ là vô cùng quan trọng. Dù chúng ta có dự báo bao nhiêu, có dự kiến đến thế nào cũng không thể nào phù hợp hay sát với tình hình thực tiễn diễn ra như ở Huế, Phú Ninh (Quảng Nam) khi đó. Vì vậy sự có mặt, chỉ huy tại chỗ của những nhà lãnh đạo có trách nhiệm trong những lúc như thế vừa thể hiện trách nhiệm đối với dân, vừa có khả năng xử lý những tình huống mà chúng ta không thể nào ngồi ở nhà dự báo hay mường tượng ra được. Đây chính là bài học lớn vì có thông minh thế nào cũng không thể phán đoán được những bĩ cực mà trận lũ năm đó tạo ra.
Giống như câu chuyện nguy kịch của hồ Phú Ninh. Đó là quyết định từ cuộc họp vô cùng căng thẳng, phải giữ an toàn cho cả Tam Kỳ và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hồ Phú Ninh. Khi đó, tôi hỏi chủ tịch tỉnh Quảng Nam cần lực lượng quân đội khoảng 2.000 người, anh Tập (Lê Trí Tập - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khi đó) nói ngay bây giờ thì chưa được, nhưng 800 người thì có ngay. Và phương án sau đó cứ mỗi 1m2 có một người đứng dùng bao cát chắn tràn. Suốt đêm hôm đó, chúng tôi cùng lãnh đạo tỉnh đều ở đó với suy nghĩ nếu trôi thì trôi chúng tôi trước để hạ quyết tâm cùng với lực lượng vũ trang giữ cái đập này. Đó không chỉ là những quyết tâm về mặt điều kiện, về mặt phương tiện, lực lượng và cả ý chí của mình nữa để cho anh em thấy cả lãnh đạo cũng đang sống chết với mình trong khoảng thời gian sinh tử của đêm đó.
Sáng 8-11-1999, Trưởng ban Dân vận trung ương Nguyễn Minh Triết (bìa phải, nay là Chủ tịch nước) đã bay từ Huế vào Quảng Nam bằng máy bay trực thăng (do quốc lộ 1A vẫn còn chia cắt ở đèo Hải Vân) thị sát, thăm hỏi và tằng quà cứu trợ cho bà con vùng lũ Quảng Nam - Ảnh: N.C.T. |
Thực thăng đưa hàng cứu trợ khẩn cấp đến huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế chiều 7-11-1999 - Ảnh: N.C.T. |
Cụ già trong ảnh là Hoàng Ngọc Dân, chạy xe ôm ở ngã ba Tuần (Huế). Sau 4 ngày bị đói do lũ, khi nhận được mì gói cứu trợ, cụ đã lấy ra nhai ngấu nghiến. Hình ảnh này đã được phát triên VTV, sau đó được phóng lớn treo ở Trung tâm cảnh báo và phòng chống thiên tai của Liên Hiệp Quốc như một hình ảnh tiêu biểu của thiên tai. Ảnh chụp lại từ phim tài liệu của Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Huế |
* Ông có nói miền Trung bao lâu nay vẫn là khu vực “nhạy cảm” với thiên tai nhưng vấn đề là sống chung với thiên tai, với lũ như thế nào?
- Có thể thấy trong mười năm qua, câu chuyện thiên tai tại miền Trung không chỉ có trận “đại hồng thủy 1999”, còn biết bao cơn bão khác quét qua miền Trung. Sau tất cả những thiệt hại đó, tôi nghĩ đến lúc cần phải ngồi nhìn lại, tổng kết, nhận thức thật khách quan, thật sâu xa để xây dựng một chương trình phát triển bền vững đối với miền Trung. Và để sống được, phát triển được, khai thác được các thế mạnh từ bờ biển dài, từ cái nắng, cái gió cho du lịch, về cơ bản, sự phát triển, sự đi lên và cuộc sống của người dân rất cần phải có một chương trình thích ứng hài hòa với thiên nhiên để phát triển bền vững.
* Như vậy là bất kỳ một sự phát triển nào hoặc xây dựng công trình, dự án nào cũng phải có các kế hoạch phòng chống lụt bão trong đó, cả những công trình thủy điện ở miền Trung cũng vậy, phải không thưa ông?
- Tôi nghĩ ở miền Trung vẫn phải tiếp tục đầu tư và phải đầu tư nhiều hơn nữa để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng sự đầu tư trong chương trình phát triển đó, miền Trung luôn phải nhớ rằng một vùng “nhạy cảm” với thiên tai, trong đầu tư phải có kế hoạch đảm bảo an toàn khi bão lũ xảy ra trong từng công trình, từng khu công nghiệp, từng khu du lịch và từng làng xã. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, thiên tai ngày càng khốc liệt hơn, cực đoan hơn, những xã vùng ngập cần phải có nhà trường 2-3 tầng, trụ sở ủy ban 2-3 tầng, trạm y tế kiên cố. Đó là điều kiện chuẩn để khi bão lũ đến, người dân có nơi trú ẩn vì nhà dân có người giàu, người nghèo, không phải ai cũng có nhà kiên cố vững chắc.
Còn đối với sự phát triển thủy điện, ưu thế của một con sông ở miền Trung có thể làm tới 4-5 bậc thang thủy điện, nhưng muốn phát triển phải cân nhắc mức độ đập chứa nước, độ cao của nó. Phải phân bổ, điều tiết giữa rừng và các hồ chứa, phát điện và xả lũ theo một cách thống nhất do chính quyền địa phương đứng ra mà làm chứ không thể giao cho các nhà máy. Tuy nhiên, dù có phát triển đến chừng nào vẫn phải có chương trình bảo vệ môi trường, bảo vệ cồn cát ven biển, bảo vệ rừng phi lao chắn sóng ven biển. Phải căn cơ như vậy, lâu dài như thế mới bền vững được.
XUÂN LONG thực hiện
=======================================================================
Ký ức của bạn đọc
* "Lũ về quá bất ngờ. Buổi sáng hôm ấy, Hà cùng cả phòng ngủ dậy thì đã thấy mưa như trút nước ầng ậc từ trên trời xuống. Khoảng sân ký túc xá ngập nước. Cũng chưa ai nghĩ đến lũ vì Huế mưa như thế là thường. Thế mà lũ về thật. Phòng Hà lục tục chuyển đồ lên giường. Đứa nào cũng la đói bụng nhưng không ai bán đồ ăn sáng. Ký túc xá nhốn nháo, tán loạn cả lên. Nước mỗi lúc dâng càng cao. Cái Dung chợt nảy ra ý kiến là đục trần nhà rồi nhét tất cả sách vở, áo quần lên trên đó”. Đây là một đoạn trong truyện ngắn Biển khát đăng trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 18-7-2004 mà tôi đã viết một phần về trận đại hồng thủy ở Huế năm 1999.
Thế đấy, vậy mà cũng đã 10 năm trôi qua. 10 năm trước, chúng tôi đang là sinh viên năm 3 khoa văn Trường đại học Khoa học Huế. Cho đến bây giờ tôi vẫn sợ ăn mì tôm bởi vì sau trận lũ năm ấy, ngày nào chúng tôi cũng phải ăn mì tôm cứu trợ, ăn sống vì không mua được dầu để đun nước, điện cũng mất cả tuần...
Nhưng chúng tôi vẫn còn hạnh phúc hơn hàng ngàn người vì họ chẳng có gì để ăn. Sau này mẹ tôi kể ở quê xem tivi nhìn thấy những cánh tay chới với lấy mì tôm cứu trợ (giờ thì tôi đã hình dung rõ ràng qua bức ảnh mà báo Tuổi Trẻ đăng), cả nhà đã khóc ròng...
Tôi còn nhớ Toàn, bạn cùng phòng ở ký túc xá, nghe tin mỗi sinh viên được hỗ trợ 50.000 đồng, mừng quá ra dặn cô bán thịt ở chợ, nhất định phải để phần đến lúc nào lấy tiền hỗ trợ thì ra mua (do sau lũ mọi thứ đều khan hiếm và đắt kinh khủng). Chờ cả ngày, không thấy tiền đâu, mới biết đó chỉ là tin vịt. Khỏi phải nói cũng biết Toàn thất vọng cỡ nào. Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã cho tôi được sống lại những kỷ niệm đáng nhớ nhất của thời sinh viên qua loạt bài này.
NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO
* Người Huế vốn hay quen với bão và lụt. Mùa bão, nước biển duềnh lên gặp mưa nguồn đổ về ứ nghẽn cả miền đồng bằng, dọc lưu vực sông Hương khiến dân Huế dường như đã quen với chuyện trời hành ngập úng sau lúc chịu đựng bão trời vần vũ.
Bất ngờ cơn lũ 1999 đổ về. Còn nhớ đó là ngày 23 - 24 tháng chín âm lịch. Một đêm, nước tăng với tốc độ chóng mặt bình quân 15 - 20 cm nước mỗi giờ. Lũ lụt Huế bao giờ cũng đe dọa nhất khi chạng vạng tối và đêm dần buông. Nước lên không như những cơn lụt khác trước đó nữa. Tiếng mẹ tôi đã gián đoạn theo sóng điện thoại từ chiều vừa ngay khúc bị cắt đứt hẳn rằng: “Nước đã lên quá bậu cửa sổ, sức nước lên quá nhanh, ba đang chất chuyển đồ đạc với các em. Thôi mẹ dọn dẹp đã”.
Một đêm tôi sống trong lo âu mất ngủ - cả anh em nhà trọ đều không ngủ và nguyện cầu bên dòng Nhiêu Lộc ô nhiễm kinh hoàng. Chưa phải thời điện thoại di động lẫn thời báo điện tử khiến chúng tôi chỉ còn biết trông chờ tivi và tin nhật báo sớm.
Như bạn và tôi đã biết: hôm sau cả thành phố Huế ngập chìm trong biển nước. Miền Phường Đúc quê tôi đau đớn nằm ngay trên trang bìa báo đầu tiên về số người chết không có chỗ để, phải xếp chung 9 -10 thi thể bị cuốn trôi từ đâu đó đến ở trên vùng đất cao Cống Trắng, chờ lũ rút đi.
Trực thăng vần vũ trên không có vẻ chỉ để trấn an người sẽ được cứu là chính. Nước và nước, những đầu người rúm ró lú ra từ những nóc nhà đã ngập tới giới hạn cuối cùng chốn cư ngụ. Hình ảnh trên báo cho thấy ai nấy mình mẩy ướt như chuột lột bởi chẳng còn chút áo quần cũng như bụng đói tàn hơi do thiếu thức ăn nước uống trong hoàn cảnh tai họa đến chỉ trong một đêm nước dâng cực nhanh - họa vô đơn chí.
Sau cơn lũ tôi bay về nhà ngay. Bùn rũ trên những tàu lá, một màu xám của cây xanh vừa qua mùa ngâm nước bạc chực xiêu vẹo, đổ rời. Tôi bần thần thấy cha ngồi phơi sách đầu hiên hong chút nắng le lói và tranh thủ lật từng trang sách còn chưa bết dính đầy đăm chiêu tư lự.
Một thế giới tinh thần bao dung nuôi dưỡng ông qua những tháng ngày cô độc thời chuyển đổi chính thể và bao kỷ niệm thời quá vãng của tình bạn tình yêu ký thác sau những đề từ đầu trang sách đã mủn vụn và nhàu nát.
Cha tôi như muốn khóc bởi tác phẩm cao học văn chương của bạn ông về thơ văn Tuy Lý vương Miên Trinh dày công biên khảo, phụ chú đã rời rã từng chữ Hán, những bài thơ ngữ Việt tan lìa vô phương cứu chữa. Neo tinh thần cuối cùng cũng đứt và bỏ ông đi dù ông tốn biết bao công gìn giữ. Giận sao cơn lũ quá vô tình! Đống chữ vụn mốc đó theo tôi tới Sài Gòn và thu lu nằm đó chẳng nỡ bỏ đi vì sợ cha không vui.
Nhưng chưa mất mạng mới thiệt là may! Mẹ kể các chị em nó bưng ghế chồng lên bàn, tivi, tủ lạnh chồng lên ghế bỗng chốc nước vượt quá tầm và đổ sụm, lổm ngổm nổi trôi khắp nhà. Đồ thờ phụng, áo quần chỉ kịp vơ vội vứt lên cao hơn cùng với chút thức ăn dự trữ.
Cuối cùng, khi rút chạy lên rầm thượng nhà rường vì nhà không có gác thì quên cả bật lửa, xoong nồi lấy chi nấu nướng. Khổ vì đói và rét lạnh trong cảnh gạo sống thịt tươi có đó. Những đứa em tuổi no tuổi nậy tội nghiệp cho chúng nhiều hơn.
Tuổi mẹ cha thời làm ăn có dư chút đỉnh ưu ái chiều chuộng chúng nó hóa hư, hai cậu choai choai chẳng hề biết bơi nếu như nước lên nữa thì sao nhỉ. Nước như lời bà nội quá già kể lể, còn vượt quá mức lụt năm 1953 - mức nước thuở nào Huế nhà tre vách nứa đã hiến cho biển khơi thuồng luồng hàng nghìn nhân mạng.
Nước lũ 1999, hàng xóm lác đác có nhà đã chuẩn bị xé áo cột cha mẹ, con cháu lại cùng nhau để lỡ có chết chìm trong nhà mà không mất xác! Vâng, tôi gai người khi nghĩ tới một mức nước nữa cao hơn - chỉ 30 cm nữa thôi, Huế 1999 sẽ mãi là niềm ân hận ngậm ngùi cho những kẻ tha hương giống như tôi nếu vô phước.
Lũ 1999 là mốc không thể quên được của tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Chỉ bất lực cuối cùng buông xuôi khi không còn làm gì khác hơn nhìn dòng nước mắt mình tuôn chảy với tim lòng như đứt ngàn đoạn. Ngày cao lũ là ngày giỗ một anh trong xóm tôi - một đứa con hiền hậu đẹp trai bên vợ trẻ và 2 con nhỏ đã rời bỏ cuộc đời trong khi chất chồng chạy nước.
Một mảnh kính vỡ ẩn khuất trong dòng nước bạc đã cứa đứt động mạch chủ vùng bẹn và bất hạnh xảy ra. Cả nhà nhìn anh chết dần bởi kiệt máu mà không thể garô, không một chút thuốc cầm máu ngoài nửa gói thuốc lá của anh bạn hàng xóm nghiện nặng quyết bơi qua cứu người. Bệnh viện cách có 2km nhưng bất lực. Ghe chẳng thể nào có. Cây trong vườn ngập chấm ngọn chẳng thể tìm đâu ra chuối để làm bè.
Trong hỗn loạn và dáo dác nhìn người thân tắt nghỉ, tôi không biết mô tả bằng nỗi buồn nào thê thảm hơn. Thắp nhang cho anh, tôi chỉ biết chia buồn sâu sắc cõi người vắn số mà anh là hiện thân tiêu biểu không lý giải nổi bí mật của cõi vô cùng. Người ta nhắc tới anh khi nói về lũ lụt. Bài học về tính cẩn thận, bình tĩnh trước phong ba bão tố đời được bao người rút ra bên tiếng chép miệng chua xót ngậm ngùi.
Mùa lũ đi qua, nỗi đau ở lại. Ký ức thẳm sâu của người Huế là nước bạc mênh mang trời hành mỗi năm mấy bận liền. Nước bạc để con người biết sống không bạc long nhau, bớt làm nhau đau hơn bởi vô thường cuộc sống này, quá đỗi hư vô khi cứ muốn chiếm hữu không cần thiết. Lũ lụt luôn dạy cho ta một điều: hãy sống hòa hợp với tự nhiên, kính trọng rừng, hộ đê… như cha ông ta thuở còn mông muội đã túi khôn dạy bảo.
Đúng một năm sau, cha tôi chết - không hiểu vì lao tâm khổ tứ, mệt mỏi sau cơn lụt ủ bệnh hay vì thương nhớ sách xưa mà hóa ra trầm lặng một thời gian. Níu giữ một đời công phu hóa ra cái mất đi một chốc sao quá dễ!
Hình ảnh những cơn lũ hôm nay trên sóng truyền hình bất giác làm tôi so sánh. Lũ 1999 Huế hiện về y nguyên trên một vùng đất miền Trung khô cằn sỏi đá khác với mức độ tuy nhẹ hơn nhưng không hiểu sao lòng tôi đau nhói.
Nỗi đau tận thẳm sâu tâm khảm như độ nào chứng kiến tổ trưởng gọi các hộ lên chia áo quần cứu trợ mà dân mình bỏ hết tranh giành kèn cựa thường ngày để bình thản ngồi lựa đúng từng chiếc áo mặc vừa vặn cho mình, cho người thân mà mừng rỡ, không chút nề hà than van gì cả.
Người nhà quê
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Bạn có những ký ức và hình ảnh không quên về trận lũ lụt lịch sử 1-11-1999 tại miền Trung, hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến dưới đây. Chân thành cám ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận