25/07/2009 00:01 GMT+7

Những liệt sĩ quốc tế ở Việt Nam

TẤN ĐỨC - MY LĂNG
TẤN ĐỨC - MY LĂNG

TT - Từ Đức, Nhật, Pháp... họ có mặt ở Việt Nam và tự nguyện cùng những người lính Việt làm cách mạng. Và họ đã nằm xuống để những khúc bi tráng được viết nên. Mấy mươi năm sau có người còn nằm lại trên đất Việt, có người đã xa nghìn trùng, nhưng họ vẫn đọng mãi trong ký ức đồng đội và người dân thuở ấy.

Kỳ 1: Vào rừng theo Việt Minh

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tam Bình (Vĩnh Long) cuối tháng 7-2009, những hàng mộ trắng rực sáng trong ráng chiều. Ở hàng đầu tiên, bên cạnh các ngôi mộ ghi đầy đủ sáu dòng thông tin về liệt sĩ: họ tên, năm sinh, quê quán, cấp bậc/chức vụ, đơn vị, ngày hi sinh, có một ngôi mộ chỉ ghi một dòng chữ: “ĐỨC TOL (Người Đức)”.

Lục tung ký ức, những cán bộ ở Phòng Lao động - thương binh & xã hội huyện Tam Bình hướng dẫn chúng tôi tìm gặp những nhân chứng hiếm hoi còn lại của thời kỳ Nam bộ kháng chiến. Câu chuyện về một liệt sĩ người Đức theo Việt Minh dần hé mở.

ZO9gYg8T.jpgPhóng to

Ngôi mộ liệt sĩ người Đức Toules (Hồ Chí Long) tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Tam Bình (Vĩnh Long) - Ảnh: Tấn Đức

Đồng cam cộng khổ

Vào khoảng đầu năm 1946, ở chợ huyện Tam Bình có hai lính Tây và một lính người Việt thường xuyên lân la hỏi thăm Việt Minh. Hai lính Tây nói tiếng Việt không rành lắm. Nguồn tin được báo lên huyện. Sau nhiều lần thăm dò và thử thách, một ngày cuối tháng 10-1946 huyện cử giao liên đến đón họ. Hai người lính Tây cho biết tên là Toules và Elemain de, quê quán ở tận nước Đức, còn người Việt Nam tên Bùi Cội. Khi về với Việt Minh, họ còn mang theo một tiểu liên, một súng trường cùng hàng trăm viên đạn. Tất cả đã được trung đội 6, chi đội 20 Vĩnh Long đón nhận rất nồng nhiệt.

Theo tư liệu lịch sử của tỉnh Vĩnh Long, vào thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, tỉnh Vĩnh Long đã lập được một “tiểu đội lê dương” bao gồm hàng binh của quân Pháp từ các nơi tụ tập về. Tiểu đội này do Hồ Chí Long và Hồ Chí Thăng chỉ huy. Năm 1948, Hồ Chí Long hi sinh, còn những người khác, trong đó có Hồ Chí Thăng, đã rời Việt Nam trở về quê hương khi có hiệp định Genève.

Hồ Chí Long (Toules) hi sinh không để lại địa chỉ của ông ở Đức. Tuy nhiên, góp nhặt những lời ông đã tâm sự với đồng đội Việt Minh, nhiều khả năng ông sinh ra ở vùng công nghiệp Leipzig (Đức). Năm 14 tuổi, ông theo cha làm nghề đánh giày ở một số thành phố phía đông của nước Đức. Chiến tranh thế giới lần hai nổ ra, ông bị phát xít Đức bắt đi lính. Khi chiến tranh sắp kết thúc, ông bị Pháp bắt làm tù binh và sung vào quân viễn chinh đưa sang Việt Nam.

Trước nguyện vọng thiết tha của hai người Đức muốn được có một cái tên Việt Nam mang họ Hồ, tổ chức Việt Minh đã chọn đặt chọn cho Toules tên mới là Hồ Chí Long, còn Elemain de là Hồ Chí Thăng. Cả hai sau đó được chuyển đến tiểu đoàn 308, hoạt động chủ yếu ở địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Thiếu tướng Phạm Phi Hùng (biệt danh Tám Chè, nguyên chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Long), ở đường Đinh Tiên Hoàng (khu phố 4, P.8, TP Vĩnh Long), xúc động nhắc lại người đồng chí đặc biệt của mình: “Lúc biết họ, tôi là trung đội trưởng trung đội 4 của đại đội 356, đóng quân ở Ngãi Tứ (Vĩnh Long). Anh Long trắng trẻo, đẹp trai, lớn hơn tôi chừng 2-3 tuổi, nhưng nhỏ hơn anh Thăng cả về ngoại hình và tuổi tác, cả hai nói tiếng Việt khá lắm. Mấy ảnh tâm sự với tôi: Mình cũng là người dân của một nước chịu nhiều đau thương do chiến tranh. Khi sang đất nước bạn, mình thấy chiến tranh còn ác liệt hơn nên quyết đi theo bạn làm cách mạng cho người dân bớt khổ. Họ nói thật tình như vậy tôi nghe mà muốn khóc”.

Theo cách mạng, Thăng và Long đã đồng cam cộng khổ với những đồng đội mới người Việt.

“Ban đầu hai anh còn ăn muỗng, sau đó cũng tập ăn đũa, đi bắt chuột, mò cua, nướng chuột đồng..., cái gì cũng làm. Họ hòa đồng, siêng học tiếng Việt lắm, đặc biệt là anh Long. Ảnh gọi mẹ chiến sĩ mình là má như bộ đội vậy. Khi đơn vị đóng quân ở Ngãi Tứ, má Tư, má Bảy có buồng chuối già nào cũng bảo để cho thằng Thăng, thằng Long. Còn má Tự ở Cái Lá hễ thấy Thăng - Long đến là kêu mấy đứa nhỏ ơi ới: “Trèo dừa bẻ mấy trái cho hai thằng Tây ăn tụi bay ơi” - ông Tám Chè kể.

Chiến sĩ quả cảm

Đầu năm 1948, quân Pháp triển khai chiến dịch bình định đồng bằng sông Cửu Long theo chiến thuật “vết dầu loang” vào vùng giải phóng. Trên các tuyến giao thông thủy bộ huyết mạch, quân Pháp cho dựng lên đồn bót, tháp canh. Hai người lính mang quốc tịch Đức nhiều lần đóng giả quan hai, quan ba dẫn những người lính lê dương theo quân ta xuống kiểm tra rồi bất ngờ tước vũ khí, tạo điều kiện cho quân ta xông vào cướp đồn, bắt tù binh. Nhờ đó bộ đội ta ở Tam Bình được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại.

NrjZDkAO.jpgPhóng to

Một người dân ở Mỹ Phú 1, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình kể lại nơi đã chôn cất liệt sĩ Hồ Chí Long trong kháng chiến chống Pháp - Ảnh: Tấn Đức

Ngày 12-3-1948, Pháp mở cuộc càn lớn từ Ba Càng về Tam Bình. Đại đội 997 có Thăng và Long từ Bình Phú hành quân sang phục kích bờ sông đối diện. Hồ Chí Long vượt lên xung phong, bắn xối xả vào hàng ngũ đối phương. Lính Pháp điên cuồng bắn trả quyết liệt hòng hạ cho được anh “lính Tây” trong hàng ngũ Việt Minh. Một loạt đạn vang lên, Hồ Chí Long ngã xuống, trên tay vẫn giữ chặt khẩu súng mà anh mang theo khi về với Việt Minh.

“Anh Long hi sinh do bị trúng đạn ở vai phải, máu chảy dữ lắm nhưng vẫn ráng nâng súng bắn. Đó là trận chiến rất ác liệt, quân Pháp mất hẳn một trung đội Âu Phi. Ta thu được 25 súng các loại (trong đó có hai cây Piat là loại súng phá công sự), nhưng đã hi sinh năm cán bộ, chiến sĩ, trong đó có Hồ Chí Long” - ông Tám Chè bồi hồi kể.

Hồ Chí Long ngã xuống khi nhiều mong mỏi đang dở dang. “Ảnh nói với tôi: nếu mình còn sống tới ngày Việt Nam độc lập thì sẽ lấy vợ Việt Nam rồi ở lại luôn. Phụ nữ Việt Nam đẹp nhất thế giới. Anh Long tâm sự như vậy khi giữa chặng hành quân trông thấy một người con gái mặc bà ba chèo xuồng đưa bộ đội qua sông” - ông Tám Chè chùng giọng khi nhớ về người đồng đội đặc biệt năm xưa.

Khi các anh hi sinh, người dân cảm phục, ghi nhớ công ơn các anh nên đã trân trọng đưa về mai táng ở ấp Ba Chùa, xã Nhân Bình, nay là ấp Mỹ Phú 1, xã Tường Lộc (huyện Tam Bình). Sau ngày giải phóng miền Nam, hài cốt các anh được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Tam Bình cho tới nay.

___________________________

Ông là trung úy trong lực lượng Nhật được cử sang giải giáp quân Pháp, nhưng đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ Việt Minh. 60 năm trôi qua, ở miệt vườn sông nước Hậu Mỹ Trinh, nơi ông ngã xuống, có một bà lão vẫn lặng lẽ chăm sóc mộ phần cho ông.

Kỳ tới: Một người Nhật ở miệt vườn

TẤN ĐỨC - MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên