16/04/2009 08:08 GMT+7

Bí thư "khoán hộ" - Kỳ 3: Như lưỡi tầm sét

VÂN THẢO
VÂN THẢO

TT - Ngày 26-1-1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú với diện tích 5.103km2 và gần 1,3 triệu dân. Ông Kim Ngọc được cử giữ chức bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú. Trách nhiệm nặng nề lại đặt lên đôi vai gầy guộc của ông.

Ông Nguyễn Văn Tôn, trưởng Ban nông nghiệp tỉnh ủy Vĩnh Phúc, sau này liên tục trong ba nhiệm kỳ từ 1977-1985 giữ chức phó bí thư rồi bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phú, nhớ lại việc sáp nhập tỉnh đẻ ra không biết bao nhiêu khó khăn. Đất rộng, người thưa, địa hình chia cắt. Tư tưởng địa phương chủ nghĩa khiến nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng. Trong khi đó chiến tranh ngày một ác liệt. Hậu phương trở nên xơ xác, chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em tham gia lao động sản xuất.

fVsLsR6q.jpgPhóng to
Ông Kim Ngọc (ngồi giữa) nghe chủ tịch ủy ban hành chính Hồ Ngọc Thu báo cáo kế hoạch sản xuất đông xuân -Ảnh tư liệu

Bị phê phán gay gắt

Phú Thọ lúc đó chưa có chủ trương “khoán hộ”. Chỉ có một số hợp tác xã biết “khoán hộ” ở Vĩnh Phúc mang lại hiệu quả kinh tế nên bí mật làm theo. Đứng trước tình hình khó khăn đó, tháng 10-1968 Tỉnh ủy Vĩnh Phú ra nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế và triển khai một số nhiệm vụ lớn trong năm 1969.

Nhiệm vụ đặt ra là phải củng cố phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và cải tiến công tác quản lý lao động, do đó Tỉnh ủy Vĩnh Phú chủ trương thống nhất áp dụng phương pháp khoán theo tinh thần nghị quyết 68 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trước đây. Đây là một quyết định vì lợi ích chung nhưng vì nhiều lý do khác nhau, một số người phản đối kịch liệt. Họ lấy lý do “khoán hộ” là đi ngược lại chủ trương đường lối tập thể hóa xã hội chủ nghĩa, đưa nông dân trở về với con đường làm ăn riêng lẻ theo chế độ tư bản.

Có người còn nói nghị quyết 68 là mũi xung kích tấn công vào thành trì xã hội chủ nghĩa. Dường như mọi mũi dùi đều chĩa vào ông Kim Ngọc và ông Nguyễn Văn Tôn là hai người khởi thảo và hoàn chỉnh nghị quyết 68 trước đây. Có lẽ đây là những đám mây u ám nhỏ để sau này tụ lại thành đám mây lớn tạo nên những cơn sấm sét giáng xuống đầu ông Kim Ngọc.

Chủ trương “khoán hộ” bị phê phán: “Khoán cho hộ thực chất là trở lại cách làm ăn cá thể. Nó phá vỡ nội dung của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, làm cho hợp tác xã chỉ còn là hình thức. Nó không những sai lầm về phương pháp quản lý mà còn trái với đường lối hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng và của Nhà nước…”.

“Bằng cách giao khoán ruộng đất của hợp tác cho hộ, trong một số hợp tác xã đang diễn ra tình trạng chia lại ruộng đất… Bằng cách khoán sản lượng cho hộ, một số hợp tác xã đã biến mình thành người phát canh thu tô đối với xã viên… Trong nhiều hợp tác xã, phương thức sản xuất cá thể đang lấn át phương thức sản xuất tập thể… Ở một số địa phương, đường lối và nguyên tắc hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng bị vi phạm nghiêm trọng”...

Mặc dù có đôi ba ý kiến phản đối gay gắt nhưng “khoán hộ” vẫn được áp dụng ở phần đất thuộc Phú Thọ cũ. Cũng như ở tỉnh Vĩnh Phúc trước đây, nhờ áp dụng “khoán hộ” nên huy động được lực lượng lao động đông đảo thay thế cho người ra mặt trận, khuyến khích mọi người hăng hái sản xuất, năng suất lúa ngày một tăng, đời sống nông dân ngày càng được cải thiện. Để tránh tình trạng cha chung không ai khóc, một số hợp tác xã còn mạnh dạn bán lại những vật tư thô sơ như xe cải tiến, cày bừa, cào cải tiến, bình bơm thuốc trừ sâu… cho hộ xã viên.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Một tổ phái viên của trung ương được cử lên Vĩnh Phú để “kiểm tra” tình hình sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp. Ngày 6-11-1968, tại hội nghị cán bộ tỉnh Vĩnh Phú chủ trương “khoán hộ” bị phê phán gay gắt: “Nói tóm lại việc khoán ruộng cho hộ đã dẫn đến hậu quả tai hại là phát triển tư tưởng tự tư tự lợi, làm phai nhạt ý thức tập thể của xã viên, thủ tiêu phong trào thi đua yêu nước trong hợp tác xã. Kìm hãm và đẩy lùi cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp; giảm nhẹ vai trò của lao động tập thể xã hội chủ nghĩa, phục hồi và phát triển lối làm ăn riêng lẻ, đẩy hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vào con đường thoái hóa và tan rã”. (Trích tài liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Vĩnh Phúc).

“Làm cho dân no ấm chứ có phản dân hại nước gì mà kiểm điểm?”

Ông Nguyễn Văn Tôn nhớ lại ông Kim Ngọc đã rất thẳng tính: “Mấy lần anh ấy nhấp nhổm định đứng lên để tranh cãi nhưng nghĩ thế nào anh lại dằn lòng mình lại được”. Là một người rất có nghị lực, nhưng sau ngày đó ông Kim Ngọc sống như người mất hồn. Một hôm đang ngồi ông Kim Ngọc bỗng nói hắt ra: “Thế là hết!”. Khi ông Tôn hỏi hết chuyện gì, ông Kim Ngọc bảo: “Trước sau gì khoán hộ cũng bị cấm. Nông dân lại trở về cảnh ngửa nón nhận mấy lạng thóc một ngày công. Quanh năm lo cái đói giáp hạt”. Nhưng rồi bỗng ông chuyển giọng: “Không thể bỏ khoán hộ. Phải tìm mọi cách duy trì dưới mọi hình thức khác nhau ông ạ”.

Nhưng chưa biết duy trì “khoán hộ” bằng cách nào thì tỉnh ủy nhận tiếp thông tri “Về việc chỉnh đốn công tác ba khoán và quản lý ruộng đất của hợp tác xã nông nghiệp” của trung ương ký ngày 12-12-1968. Thông tri này cũng đề ra phương hướng sửa chữa việc “khoán hộ”. Đây được coi như lưỡi tầm sét thứ hai giáng vào “khoán hộ” và ông Kim Ngọc.

Bà Lê Thị Liên - vợ ông Kim Ngọc - kể: “Chiều hôm ấy, tôi đi làm về thấy có những chiếc xe đậu ở cơ quan tỉnh ủy và mấy chú ở văn phòng đang đứng túm tụm có vẻ lo âu, tôi liền hỏi chú Nguyễn Thành Tô là thư ký riêng của ông nhà tôi: “Xe ai mà nhiều thế?” Chú Tô bảo: “Xe của trung ương về kiểm điểm bí thư”. Tôi hỏi ông ấy có chuyện gì mà trung ương về kiểm điểm, chú Tô bảo: “Kiểm điểm về việc khoán hộ”.

Nghe chú Tô nói vậy, tôi liền nói ngay: “Khoán hộ là làm cho dân no ấm chứ có phản dân hại nước gì mà kiểm điểm?”. Nói xong tôi đi về nhà. Đến nơi tôi thấy ông nhà tôi lót chiếc dép ngồi ở hiên, mặt mày hốc hác. Mọi khi có chuyện gì bực bội hoặc vui mừng ông ấy đều hút thuốc lào liên tục, nhưng lần này thấy không có điếu cày bên cạnh, tôi biết tình hình nghiêm trọng lắm rồi. Tôi hỏi có chuyện gì vậy, ông ấy im lặng không trả lời. Tôi gặng hỏi mãi ông ấy mới bật ra được mấy tiếng: ”Tôi buồn quá!”. Cuối cùng ông cũng nói cho tôi biết ông và thường vụ tỉnh ủy bị phê phán nặng nề về chủ trương “khoán hộ”.

Bà Kim Ngọc lặng yên giây lát rồi kể tiếp: “Nhà tôi nằm thở dài chán lại ngồi lên đi ra hiên hút thuốc lào. Lát sau ông đứng lên quay vào nhà soạn các tấm ảnh chụp từ trước đến nay dốc ra bàn nhặt từng tấm lên ngắm nghía. Cuối cùng ông chọn một số tấm bỏ riêng ra một bên, cho các tấm còn lại vào bao. Đắn đo giây lát, ông mở bóng đèn ra rồi đưa các tấm ảnh trên tay vào đốt.

Tôi nhanh tay giật các tấm ảnh lại và nói với ông: “Các ông trên trung ương chưa hiểu mình thì mình thanh minh chứ mấy tấm ảnh có tội tình gì mà đốt đi? Quá lắm các ông ấy cách cái chức bí thư của ông là cùng chứ việc gì mà khổ sở như vậy?”. Ông ấy lặng yên một lát rồi nói: “Chức bí thư của tôi chẳng có quyền mà cũng chẳng có lợi. Con cái thì tôi đã dạy chúng nó phải tự đi bằng đôi chân của mình chứ có đừng núp bóng của bố để tiến thân. Chúng nó đã nghe lời dạy bảo của tôi, dù tôi có mất chức bí thư cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chúng nó. Tôi lo nghĩ là lo nghĩ chuyện khác. Tình hình này không trước thì sau “khoán hộ” sẽ bị cấm. Nông dân lại trở về làm ăn theo hiệu lệnh tiếng kẻng, tình trạng giong công phóng điểm như trước đây được lặp lại. Đã no lên được mấy năm, giờ quay về với tình trạng đói kém triền miên, bà bảo tôi không lo nghĩ sao được”.

________________________________

Ông Kim Ngọc sau đó phải viết kiểm điểm thừa nhận “quan điểm lập trường còn mơ hồ nên chưa quán triệt đường lối, nguyên tắc, chính sách của Đảng trong việc quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp”. Trong khi đó thực tế lại khác.

Kỳ tới: “Khoán chui”

VÂN THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên