31/10/2008 01:30 GMT+7

100 giờ với Fidel Castro - Kỳ cuối: "Cuộc chiến toàn quốc"

 TUẤN ANH - MẠNH HIỂN dịch
 TUẤN ANH - MẠNH HIỂN dịch

TT - * Ignacio Ramonet: Người Cuba có lên án những hành động tấn công ngày 11-9-2001?

kNxYHmMX.jpgPhóng to
Sinh viên Cuba với băngrôn có ảnh Fidel Catro trong cuộc diễu hành nhân Ngày Quốc tế lao động 1-5-2008 tại thủ đô Havana - Ảnh: AP
TT - * Ignacio Ramonet: Người Cuba có lên án những hành động tấn công ngày 11-9-2001?

Kỳ 1: Che Guevara - bài học để lạiKỳ 2: Không lặp lại sai lầm ở nơi khácKỳ 3: Đồng chí Hugo Chavez

Fidel Castro: Chúng tôi phản đối hành động tội ác diễn ra vào ngày 11-9. Và chúng tôi khẳng định lại sự phản đối của chúng tôi chống lại hành động khủng bố dưới bất kỳ hình thái nào. Nước Mỹ đã đưa Cuba vào danh sách các nước “tài trợ cho khủng bố”, nhưng Cuba lại không bao giờ cho phép bọn khủng bố sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nước Mỹ hay bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Chúng tôi cũng lên án các nhà nước khủng bố. Chúng tôi đã đề xuất người Mỹ thực hiện một chương trình chống khủng bố ở khu vực này, nhưng họ từ chối đề nghị của chúng tôi.

* Ông có cho rằng chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa lớn nhất với thế giới ngày nay?

- Tôi đồng ý rằng chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa nghiêm trọng thế giới ngày nay, nhưng tôi cũng cho rằng nhân loại đang phải đối mặt với những mối đe dọa ngang tầm như vậy, hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn: việc tiếp tục phá hủy môi trường và điều kiện sống của các loài; nghèo đói ngày càng gia tăng; thiếu quan tâm đến sức khỏe con người… Rất nhiều mối đe dọa nghiêm trọng mà thế giới này đang phải đối mặt ngoài nạn khủng bố.

Nước Mỹ luôn nhắc đến “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”, nhưng tôi lại thấy cần phải thận trọng với khái niệm chủ nghĩa khủng bố. Kể từ vụ khủng bố ngày 11-9-2001, chúng ta thấy rất nhiều hoạt động của các nước - chẳng hạn như Iraq, hay Iran sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình - bị liệt vào các nước có hoạt động khủng bố. Quay lại thời gian những năm 1980 dưới thời tổng thống Reagan, những chiến sĩ như Nelson Mandela chiến đấu chống lại chế độ apartheid ở Nam Phi bị xem là “kẻ khủng bố”. Hay những người chiến đấu vì nền độc lập của Namibia, hoặc người Palestine chiến đấu vì nhà nước độc lập của họ, các chiến sĩ yêu nước Salvador cũng đều bị coi là khủng bố.

* Trong “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố”, chính quyền Tổng thống Bush sử dụng căn cứ Guantanamo ở Cuba làm nhà tù giam giữ các “tù nhân chiến tranh”. Ông phản ánh việc đó như thế nào?

- Hàng thế kỷ nay Mỹ vẫn dùng bạo lực chiếm đóng phần đất đó của Cuba - và nó đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc, xấu hổ khi nghe tin tháng 1-2002 Guantanamo bị biến thành phòng tra tấn, nơi hàng trăm người bị bắt từ khắp nơi trên thế giới được đưa về đó giam giữ. Ở Guantanamo, khoảng 500 người từ thanh niên đến người già đang bị giam giữ và bị đối xử miệt thị ngoài sức chịu đựng. Họ bị tước hết quyền được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế và bị giam cầm trong điều kiện vô cùng độc ác, phi nhân tính.

A02WDbSj.jpgPhóng to
Nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro thăm địa đạo Củ Chi ngày 11-12-1995 - Ảnh: T.T.D.
* Ông có lo ngại sẽ có thể xảy ra hành động xâm lược hay “cuộc chiến ngăn chặn” chống lại Cuba không?

- Nếu Tổng thống Bush quyết định xâm lược Cuba thì đó sẽ là một cuộc chiến vô cùng khủng khiếp. Họ sẽ phải đối mặt với toàn dân chúng tôi, những người được tổ chức và vũ trang cẩn thận, một sự phản kháng không khoan nhượng. Cuộc chiến xâm lược đó sẽ gây thiệt hại rất nhiều cho Cuba, nhưng để xâm lược và duy trì được sự thống trị trên đất nước này sẽ cần tới hàng triệu binh lính.

Ở Iraq họ chỉ có khoảng 150.000 lính, và ông có thể thấy họ kiểm soát được rất ít. Nếu ông phân tích tỉ lệ lực lượng khi chúng tôi chiến đấu chống lại chế độ Batista - 80.000 người chiến đấu chống lại 3.000 người - ông sẽ thấy số quân của họ nhiều hơn chúng tôi gấp 25 lần. Vì vậy tôi mới nói rằng để xâm lược và chiếm được hòn đảo này họ phải cần đến 1 triệu lính, và số lượng đó thì họ không có được.

Chúng tôi có cách làm cuộc sống của bọn xâm lược trở nên vô cùng khó khăn. Ngoài lực lượng quân đội thường trực và dự bị thông thường, chúng tôi còn có du kích ở các địa phương - hàng triệu người, cả nam lẫn nữ, tất cả đều sẵn sàng chiến đấu hết mình để bảo vệ đất nước. Cứ thử làm phép tính cho rằng quân đội Mỹ để chiếm đóng đất nước này sẽ phải triển khai hai người lính chống lại một chiến sĩ của chúng tôi, họ sẽ cần một lực lượng không ít hơn 5 triệu quân. Và tôi có thể khẳng định với ông rằng họ sẽ bị tổn thương nặng nề. Chúng tôi dám khẳng định tất cả mọi thứ ở đây đều đã sẵn sàng biến Cuba thành địa ngục đối với họ, một cái bẫy sát thương khổng lồ.

* Ông có sợ chính mình bị tấn công không?

- Ngày nay để xâm lược đất nước này người ta không thể tiến hành chiến tranh như đã từng làm những năm 1959, 1961. Chúng tôi đã thảo luận về việc đó và đi đến thống nhất tiến hành “cuộc chiến trên toàn quốc”, bởi vì nếu với khái niệm chiến tranh truyền thống, chúng tôi chỉ có sáu sư đoàn trong khi người Mỹ có tới 100 sư đoàn. Và với kiểu xung đột truyền thống đó, người dân đứng ngoài xem chiến tranh như cách người ta xem kênh truyền hình CNN mà không hề tham gia chiến tranh. Người Mỹ có nhiều sư đoàn hơn và họ sẽ tiêu diệt chúng tôi; họ có nhiều công nghệ hơn, chiếm ưu thế về không quân... Vì vậy nếu áp dụng chiến thuật truyền thống để bảo vệ đất nước thì chúng tôi sẽ thất bại.

Đó là điều chúng tôi ý thức rõ nhất và tôi đã nói với ông điều này rồi. Chúng tôi nghĩ đến điều này rất nhiều và chúng tôi biết từ lâu rằng trước hành động xâm lược Cuba, chúng tôi sẽ phải chiến đấu một mình và không viên đạn của nước nào khác có thể đưa đến đây. Đó là sự thật, và chúng tôi đã ý thức được điều này từ lâu, đó cũng chính là lý do khiến chúng tôi tiến hành “cuộc chiến toàn quốc”, huy động cả đất nước, vì thực tế đã chứng minh khi người dân tham gia chiến đấu thì không kẻ thù nào có thể đánh bại họ.

* Có phải ông đang muốn nói đến Việt Nam?

- Có rất nhiều ví dụ tiêu biểu, chẳng hạn như ở phía Tây Sahara, người Sahara sống giữa sa mạc, không hề có cây, không hề có rừng nhưng không ai có thể đánh bại họ.

____________________

Số tới, đón đọc phóng sự đường xa: Peru - những kỳ quan huyền bí

Nền văn minh Inca - đế chế hùng mạnh nhất Nam Mỹ thế kỷ 15-16; thành phố đá Machu Picchu là một trong bảy kỳ quan thế giới năm 2007; cung đường Inca với tổng chiều dài hơn nửa vòng trái đất; những bức tranh bí ẩn rộng 500km2 trên sa mạc Nazca…

Những kỳ quan huyền bí đó đã thôi thúc phóng viên Tuổi Trẻ vác balô lên đường đến Peru.

 TUẤN ANH - MẠNH HIỂN dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên