Phóng to |
Một sạp hàng ở chợ Ninh Hiệp -Ảnh: Đỗ Hữu Lực |
Cách trung tâm thủ đô Hà Nội 20km, khách phương xa đến Ninh Hiệp phải ngỡ ngàng vì cơ man trên trời dưới đất là vải vóc và quần áo. Đi dọc đường làng hoặc vào sâu trong chợ đâu đâu cũng gặp các bà, các chị, các cô... xúm xít xem hàng.
“Con đường tơ lụa”
Thủy Minh, một nữ “thổ công” buôn vải có tiếng của chợ vải Ninh Hiệp, nói: “Mua quần áo, vải vóc ở đây bao giờ cũng rẻ hơn bất cứ nơi nào trên cõi VN”. Lý giải về sự rẻ và đa dạng nguồn hàng, Thủy Minh cười nói: “Mua tận gốc, bán tận ngọn”. Người dân ở đây cho rằng nếu khách đi chợ mà chỉ mang 10.000 đồng cũng mua được một món. Chuyện mặc cả mua bán thì tha hồ, có thể trả giá trên trời dưới đất mà không lo người bán nặng nhẹ.
“Để làm được điều ấy, người phụ nữ Ninh Hiệp phải ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm” - chị Nguyễn Thị Thiện, phó chủ tịch hội phụ nữ xã, cho hay. Theo chị Thiện, 2.700 hội viên của hội phụ nữ xã là những “đầu tàu kinh tế” dẫn dắt đời sống gia đình đi đến ấm no.
Chị Thanh, một nhà buôn bán vải lớn ở Ninh Hiệp, nói rằng muốn có được nguồn hàng tốt, hằng tuần chị phải bay sang tận Chiết Giang và Hàng Châu (Trung Quốc) để đánh hàng. “Gặp nhau hôm nay ở chợ này nhưng ngày mai có khi chạm trán côm cốp bên Chiết Giang”, chị nói. Theo chị Thanh, sở dĩ dân Ninh Hiệp chọn Chiết Giang là điểm đầu của “con đường tơ lụa” vì bất cứ mẫu mã nào của thế giới về vải vóc, thời trang đều xuất hiện rất sớm ở Chiết Giang.
Chị Thanh cho biết thêm dân Ninh Hiệp còn khơi thông “con đường tơ lụa” với Hàn Quốc, nhiều mặt hàng trong kho của chị mới nhập về là hàng từ Seoul. Chị Thanh cười thật thà: “Điều mà người Chiết Giang và Seoul ngỡ ngàng là toàn thấy đàn bà, con gái VN đi làm ăn quốc tế. Người ta hỏi ông xã ở đâu mà để vợ lặn lội xa thế này, chúng tôi nói đùa rằng ông xã ở nhà bế con, giặt giũ, trông nom nhà cửa để chúng tôi đi”.
Gái đảm
Nếu như người phụ nữ Ninh Hiệp đảm đang, thức khuya dậy sớm, tảo tần buôn bán thì người đàn ông trong gia đình lại là người sắp đặt kế hoạch làm ăn, tính toán vốn liếng, quyết đoán trong từng thương vụ. Anh Vũ, chồng chị Thanh, cười vui nói thêm: “Mẹ cu nhà tớ cứ đi mây về gió như thế mà chưa chắc vất vả bằng tớ, hằng ngày tớ phải đánh xe đi các nơi thu tiền, rồi thì đón con, nấu cơm cho bọn chúng, khổ còn hơn các bà”. Tuy vậy, anh Vũ cũng thừa nhận con gái, phụ nữ làng này rất đảm đang, và “hình như cái chất đảm đang của con gái, phụ nữ nơi đây có... gen di truyền”.
Con gái Ninh Hiệp mới 13 tuổi đã biết ra chợ trông hàng, bán hàng giúp mẹ. Ở Ninh Hiệp, nhà ai sinh được con gái thì được coi là có phúc lớn. Trước khi trưởng thành, các cô đã được các bà, các chị dạy dỗ mánh lới buôn bán, cách giao tiếp với người khác giới. Anh Vũ thừa nhận con gái Ninh Hiệp có duyên nhưng không lẳng lơ, rất đắt chồng và ít khi lấy chồng nơi khác. Con gái Ninh Hiệp mới lớn 18 tuổi đã đủ tài làm chủ một sạp vải ở chợ trị giá hàng trăm triệu đồng thì chuyện đắt chồng không phải là chuyện lạ.
Làm ăn, bôn ba như thế nhưng con gái Ninh Hiệp vẫn đậm chất thuần phác, chung thủy. Miệng cười tươi trong khi ký hợp đồng, nhưng khi quý ông đối tác nước ngoài ngỏ ý du ngoạn nơi này nơi khác thì lại: “Mong lão gia thông cảm, nhà em bận lắm, em phải về nhà xem bố con nhà nó mấy hôm nay cơm nước thế nào!” - chị Thanh cười rổn rảng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận