02/05/2008 06:20 GMT+7

Nhà lao An Nam ở Guyane - Kỳ 8: Tranh đấu trong rừng già

UYÊN LY
UYÊN LY

TT - (Trích hồi ký Lương Duyên Hồi)Rồi sóng biển Đại Tây Dương dịu lại, lộ rõ màu đất nước với cỏ cây. Thủ phủ Cayenne của Guyane thuộc Pháp đã hiện ra trước mặt mọi người. Tàu cập bến, ba tên đội mặt đen, răng và mắt trắng dã ra hiệu tay chỉ trỏ để anh em lên. Lên hết rồi, chúng xếp vào hàng năm người một, cho lính đen đi kèm dẫn về trại giam đã bố trí sẵn trong thủ đô Cayenne.

yn8YgZJ4.jpgPhóng to

Ảnh chụp tại Guyane trong lễ kỷ niệm 13 năm ngày quốc khánh 2-9, do cựu tù nhân Nguyễn Đắc Bằng gửi cho Lương Duyên Hồi. đằng sau tấm ảnh có dòng chữ viết tay: "Tôi thay mặt Việt kiều đọc diễn văn chào mừng các đại diện cơ quan, đoàn thể và chính đảng địa phương đến dự lễ kỷ niệm"

TT - (Trích hồi ký Lương Duyên Hồi)Rồi sóng biển Đại Tây Dương dịu lại, lộ rõ màu đất nước với cỏ cây. Thủ phủ Cayenne của Guyane thuộc Pháp đã hiện ra trước mặt mọi người. Tàu cập bến, ba tên đội mặt đen, răng và mắt trắng dã ra hiệu tay chỉ trỏ để anh em lên. Lên hết rồi, chúng xếp vào hàng năm người một, cho lính đen đi kèm dẫn về trại giam đã bố trí sẵn trong thủ đô Cayenne.

Kỳ 1: Con cháu các tù nhân biệt xứ Kỳ 2: Những số phận lưu lạc Kỳ 3: Đường vào nhà lao Kỳ 4: Hương khói giữa rừng Amazon Kỳ 5 : Vượt ngục về nước tiếp tục đấu tranh Kỳ 6: Từ Thái Bình đến Guyane Kỳ 7: Cuộc đày ải giữa đại dươngHãy gìn giữ dòng máu Lạc Hồng

Đấu tranh phủ đầu

Anh em nhiều người bỡ ngỡ, vào trại rồi còn đứng lại nhìn, một bạn tù bị tên đội xếp đen tát cho một cái điếng người. Thái độ tàn nhẫn ấy đã gây nên một làn sóng căm phẫn trong anh em bạn tù, đều đồng thanh nhao nhao phản đối: "Nếu không đuổi tên đội xếp này đi, chúng ta sẽ bãi thực để phản đối lại". Sau tên toàn quyền Guyane buộc phải can thiệp khéo, đổi tên đội xếp kia đi, bầu không khí căng thẳng trong anh em mới được trở lại bình thường.

Nhà tù Guyane trong các đô thị như Cayenne, Xanh-lô-răng, Xanh-giăng… để nhốt những tù Âu Phi và tù ta đày sang ba chuyến trước. Chuyến chúng tôi có lẽ do cao trào cách mạng 1930-1931 có tầm quan trọng hơn, cũng như có nhiều người Đông Dương hơn, cho nên chúng bố trí vào khu vực riêng biệt trong rừng rú (Y-ni-ni) thuộc khu rừng của Guyane, chúng không cho chúng tôi gần gũi với tù Âu Phi và tù người Việt sang trước.

Đáng lẽ ra anh em chúng tôi còn được nghỉ lại Cayenne một thời gian nữa chúng mới phân bố đi đến chỗ ở nhất định. Nhưng vì mới bước chân lên đất, chúng tôi đã tổ chức đấu tranh phủ đầu ngay thì chúng lấy làm hoảng sợ sự đoàn kết đấu tranh của anh em lắm, cho nên mặc dù là nơi ở nhất định chưa chuẩn bị kịp, chúng đã vội chia rẽ lực lượng đoàn kết của anh em bằng cách chuyển 200 anh em (trong đó có bạn Bùi Hữu Diên và tôi, còn bạn Trần Văn Ngọ ở lại) đi Phô-rét-che, là một khu vực riêng biệt ở phía tây Guyane. Còn hơn 300 anh em tù các loại (thường phạm) còn ở lại Cayenne một thời gian, rồi chúng cho chuyển đi Kích-ăng-ghi, gần Cayenne hơn so với chỗ chúng tôi.

QLcxU2HZ.jpgPhóng to

Ảnh chụp tại Guyane vào ngày 22-12-1958 do cựu tù nhân Nguyễn Đắc Bằng gửi cho ông Lương Duyên Hồi. đằng sau tấm ảnh ghi: "Anh chị em ký quyết nghị phản đối vụ thảm sát Phú Lợi, tôi ngồi giữa, vợ chồng Ký Ngữ ngồi hai bên"

Vì chuẩn bị chỗ ở chưa kịp, trên đường đi Phô-rét-che, chúng tạm cho anh em vào Xanh-lô-răng nghỉ mấy tuần. Trong lúc này, bạn Diên thấy có hoàn cảnh mới đề ra việc viết báo Nhân Hòa để giáo dục anh em.

Trên phi lộ của Nhân Hòa có đoạn viết: "Nhân Hòa ra đời kêu gọi tất cả anh em bạn tù chúng ta bị đọa đày sang xứ này, dù là chính trị phạm hay thường phạm, là người theo chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa xã hội có khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều bị bọn thực dân Pháp áp bức và bạc đãi. Vậy chúng ta phải đoàn kết lại, không thể vì tư hiềm, vì chính kiến có khác nhau mà chia lìa Nam Bắc, ngại bước đấu tranh để cho chúng khinh thường!"... Sau khi đến Phô-rét-che, bị hoàn cảnh ngặt nghèo hơn, tờ báo Nhân Hòa không còn tiếp tục ra mắt anh em nữa.

Tổ quốc - mãi mãi một con đường

Những dòng hồi ký của Lương Duyên Hồi do gia đình lưu giữ ngừng lại trước thời điểm năm 1938, là năm ông và những người bạn được ân xá sau khi Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm quyền. Nhưng Bùi Hữu Diên, bạn thân của Lương Duyên Hồi, đã không còn được chứng kiến ngày tự do, ông đã mất do ốm đau tại Guyane chỉ vài năm sau khi bị đi đày. Một số bạn tù đã quyết định ở lại Guyane. Tuy mỗi người một sự lựa chọn, những cựu tù VN cùng hướng về tình yêu lớn: Tổ quốc.

Ông Hồi tích cực hoạt động cách mạng sau khi về nước, ông tham gia phong trào mặt trận Việt Minh khởi nghĩa cướp chính quyền tại phủ lỵ Tiên Hưng, rồi trở thành ủy viên Huyện ủy Tiên Hưng (1948-1949), lãnh đạo chống càn tại địa phương (1950-1954), được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình đề cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa II (1960-1964). Về hưu năm 1964, ông từ chối tiêu chuẩn căn nhà riêng được cấp ở thị xã Thái Bình, về quê sống giản dị và tiếp tục tham gia công tác mặt trận tại xã nhà (Hồng Việt) và bốn khóa ủy viên mặt trận huyện Đông Hưng. Ông qua đời năm 1986.

Gia đình ông Lương Duyên Hồi cho biết một người được thả về cùng với ông Hồi là Trần Văn Ngọ sau này trở thành phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Vĩnh Phú. Ở lại Guyane, một người bạn của ông Hồi là ông Nguyễn Đắc Bằng đã lập gia đình, sinh con đẻ cái với người bản xứ nhưng vẫn tiếp tục cùng với các cựu tù Việt Nam tổ chức và tham gia các hoạt động yêu nước. Căn cứ vào những tấm ảnh ông Nguyễn Đắc Bằng gửi tặng gia đình ông Hồi trong những năm 1960, những người Việt tại Guyane đã thành lập Hội liên hiệp Việt kiều, tổ chức kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9, ký quyết nghị phản đối vụ thảm sát Phú Lợi, đả đảo chính sách tàn bạo của Mỹ - Diệm... Gia đình hai người bạn Lương Duyên Hồi và Nguyễn Đắc Bằng thư từ qua lại cho nhau đến khoảng năm 1968-1969 thì chấm dứt do chiến tranh chống Mỹ.

Câu chuyện cuộc đời, quá trình đấu tranh cách mạng do Lương Duyên Hồi viết trong hồi ký cho thấy ông và những người bạn coi sự nghiệp chung là lẽ sống, nghĩ đến Tổ quốc trước khi nghĩ đến bản thân mình. Có lẽ bởi vậy mà con cháu ông còn nhớ mãi cách sống của ông: nghiêm khắc, liêm khiết, tiết kiệm, không ngừng học hỏi.

__________________________

Có một chí sĩ của phong trào Đông Du bị đày sang Guyane đã vượt ngục, trở về tiếp tục phong trào đấu tranh yêu nước.

Kỳ tới: Một kiếp thề ghi với nước non

UYÊN LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên