Phóng to |
Kỳ 1: Đồng chí Lê Duẩn - anh Ba của một thời lửa đạn Kỳ 2: Căn nhà đặc biệt giữa Sài Gòn 1956
Nam bộ cưu mang
Bản chất không thích phô trương, anh Ba ưa sự chân thật. Anh nói trong đời, anh thích nhất là cách xưng hô của các má, các ba ở Nam bộ. Gặp anh là họ xởi lởi gọi to: “Ồ, thằng Ba, mày mạnh giỏi không?”. Và anh kể: chính những người dân bộc trực ấy đã cưu mang, che chở anh. Nhiều lần anh thấy mấy ông già chủ nhà ra ngoài sân gác máy bay cho anh ngủ.
Vốn kín đáo, anh rất nhạy cảm và cảnh giác. Bất cứ một dấu hiệu nào khả nghi có thể làm tổn hại cho cách mạng, anh đều kiên quyết tránh. Một lần, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ tổ chức cuộc hội nghị cán bộ quan trọng cho 200 người dự, ở huyện Cái Nước, tỉnh Bạc Liêu. Mọi việc chuẩn bị xong xuôi, chỉ còn chờ buổi chiều anh Ba tới để khai mạc hội nghị.
Và anh Ba đã đến, nhưng không phải đến để khai mạc mà để thuyết phục mọi người nên dời ngay địa điểm hội nghị qua một nơi khác an toàn hơn. Anh nói: “Chúng ta có thể ngồi ngoài vườn hội nghị cũng được. Chứ Nam bộ chỉ có bấy nhiêu cán bộ cốt cán mà lỡ bị một trận bom thì tổn thất biết chừng nào!”. Cuối cùng, hội nghị họp “dã chiến” trong một vườn dừa ở xã Tân Duyệt. Các đại biểu ngồi trên bờ dừa, lấy đầu gối kê làm bàn viết. Ai nấy ngồi “đồng hạng”, đều vui vẻ và yên tâm.
Nhớ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, tình cảnh quân dân ta ở Nam bộ khốn khó trăm bề. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, anh Ba luôn luôn là biểu tượng sáng ngời của khối đại đoàn kết toàn dân, của sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Anh đã truyền sức mạnh cho những người lãnh đạo ở mọi cấp, mọi ngành. Anh đã truyền hơi ấm đến những người cầm súng và mọi tấm lòng yêu nước thiết tha.
Anh Ba là người ưa nhường nhịn. Ở Nam bộ hồi đó có trung tướng Nguyễn Bình rất oai vệ, là tư lệnh toàn Nam bộ. Trung tướng đến đâu thường có quân sĩ đi theo, tốp trước tốp sau. Anh Ba thì không như vậy. Tác phong của anh rất ôn tồn, lặng lẽ. Nhiều người biết rõ anh là người lãnh đạo cao nhất ở Nam bộ, vậy mà về mặt chính quyền, anh chỉ nhận chức trưởng phòng dân quân Nam bộ thôi. Anh không hơn thua với ai, chỉ thích tận tụy làm việc, sống giản dị và kín đáo. Có lần, một số “anh lớn” nói vui với anh Ba: “Giá như bây giờ anh Ba làm chủ tịch Nam bộ thì hay quá!”. “Nói tầm bậy!”, anh Ba phản xạ ngay tức khắc. Anh bảo đây là đất Nam bộ, có nhiều nhà trí thức nổi tiếng, tự nhiên đưa một người “nói tiếng trọ trẹ” làm chủ tịch, sao nên! Cho nên các nhà trí thức Nam bộ vào kháng chiến rất thương anh, coi anh như một người anh mẫu mực, có gì cũng nhường cho em út. |
Ngày 25-10-1945, Hội nghị Xứ ủy Nam bộ đã sớm xác định phải tiến hành chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích rộng khắp, đường lối chiến tranh nhân dân được giữ vững và không ngừng phát triển suốt những năm kháng chiến oanh liệt đầy gian khổ.
Thỉnh thoảng cũng có những biểu hiện nôn nóng, chủ quan, lạc quan tếu trong cán bộ, bộ đội. Xứ ủy đã nhanh chóng khắc phục những lệch lạc này. Anh Ba luôn là người tiêu biểu cho sự kiên định về tư tưởng và đường lối kháng chiến. Anh đã uốn nắn, chấn chỉnh những sai sót của các cấp quân dân chính đảng.
Những “ngày Bắc, đêm Nam”
Một trong những chỗ yếu quan trọng của cách mạng trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp là lực lượng quân đội kỷ luật lỏng lẻo. Chính Xứ ủy và anh Ba đã kiên quyết và công phu củng cố các lực lượng vũ trang cách mạng, xác lập sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội, dân quân, du kích.
Nhờ vậy, chỉ trong vài năm, các lực lượng vũ trang của ta từ chỗ yếu ớt, đánh giặc lẻ tẻ đã tiến lên tác chiến có qui mô, mở được nhiều chiến dịch lớn, đánh thắng nhiều trận vang dội như Tháp Mười, Mộc Hóa, La Bang, Cầu Kè, Tầm Vu, La Ngà... với sự có mặt của các tiểu đoàn, trung đoàn, liên trung đoàn chủ lực hùng mạnh.
Và khi các lực lượng vũ trang đã phát triển có qui mô thì anh Ba xuất hiện với danh nghĩa là chính ủy Bộ tư lệnh Nam bộ. Sự xuất hiện công khai của anh với cương vị cao nhất của các lực lượng vũ trang ở Nam bộ đã làm nức lòng quân và dân ta.
Năm 1952, anh được trung ương mời ra Bắc làm việc. Lúc này cuộc kháng chiến toàn quốc của ta đã phát triển rất mạnh. Những người biết chuyện anh ra trung ương thì phỏng đoán thế nào cũng sẽ có bước ngoặt lớn lao. Nhưng số đông thì không biết anh đi, họ vẫn đinh ninh có anh bên cạnh để chỉ huy họ, dìu dắt họ. Và anh Ba đã trở về như mong đợi của đồng bào, đồng chí. Giữa đường anh trở về Nam thì hiệp định đình chiến Geneva được ký kết.
Anh Ba nhận trách nhiệm mới là trưởng phái đoàn đình chiến của Chính phủ ta. Rồi trong chuyến tàu áp chót chở quân đi tập kết tại biển Cà Mau, anh Ba đã nghẹn ngào chia tay các đồng chí lãnh đạo. Anh nhờ các đồng chí chuyển tới Bác Hồ lời thăm hỏi ân cần và nói: “Có thể 20 năm nữa chúng ta mới gặp lại nhau!”. Mấy ai ngờ câu nói ấy trở thành lời tiên tri khi đất nước ta hoàn toàn giải phóng ngày 30-4-1975.
Ở lại miền Nam tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong khung cảnh có hiệp định Geneva ràng buộc, đó là nguyện vọng tha thiết của anh Ba, bởi vì anh thương yêu đồng bào vô hạn. Bao nhiêu lần nhìn hai ngón tay của đồng bào khi tiễn quân đi tập kết với mong đợi hai năm sẽ thống nhất nước nhà, anh đã trào nước mắt. Anh nói: “Nhân dân ta chân thực quá, yêu hòa bình quá”.
Những ngày ở lại miền Nam, anh Ba làm việc tất bật như người hái lá dâu cho tằm ăn rỗi. Anh Ba phải thường xuyên giả dạng, thường xuyên di dời chỗ ở. Khi thì đóng vai một thầy thuốc nam. Khi là một “ông Chín” hiền lành. Nhưng rồi cuối cùng địch cũng phát hiện anh đang ở trong Nam. Nguy hiểm càng tăng lên gấp bội.
Đùng một cái, khoảng quí 2 năm 1957, được lệnh trên, anh Ba phải chuẩn bị ra Hà Nội. Anh tâm sự với người cần vụ rất tin cậy của mình: “Tôi không muốn ra Hà Nội bây giờ vì tình hình trong này còn khó khăn lắm, nhưng vì Bác Hồ gọi ra. Tôi đi trước. Chú ở lại đi sau”.
Thế rồi năm 1959, nghị quyết trung ương 15 ra đời, cho phép miền Nam tiến hành cách mạng vũ trang. Sau đó là Đồng khởi, là Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN ra đời, là chiến công nối tiếp chiến công của quân giải phóng và nhân dân miền Nam.
Tại Đại hội Đảng lần III (1960), anh Ba được bầu làm bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương Đảng. Đó là vinh dự xứng đáng đối với anh, thể hiện lòng tin tuyệt đối của Đảng, của Bác Hồ và nhân dân đối với anh.
Do tâm trạng nhớ nhà da diết, trong những người đi tập kết hồi đó có một thành ngữ rất phổ biến là “ngày Bắc, đêm Nam”. Tôi nghĩ rằng trong thâm tâm, anh Ba cũng có tình cảm đó. Bằng chứng là trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh liên tục gửi thư vào Nam để hướng dẫn, chỉ đạo tình hình một cách kịp thời với một tinh thần trách nhiệm cao cả. Bằng chứng nữa là ở đâu có điều kiện thích hợp là anh nhắc tới những người dân tốt bụng, giàu lòng yêu nước ở miền Nam. Khi gặp đoàn anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Nam ra thăm miền Bắc, anh đã xúc động nói: “Các em về nhớ nói lại rằng anh Ba lúc nào cũng nhớ các má, các ba và đồng bào trong ấy”.
______________________________________
Kỳ tới: Những câu chuyện đời thường dung dị
Những câu chuyện đời thường dung dị của cố Tổng bí thư Lê Duẩn qua lời kể của người con trai - ông Lê Kiên Thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận